Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KA RAK KUK KI (GIÁ LẠC QUỐC KÝ) (Phần 4)

Đăng ngày:

Lại nữa, nơi đây còn có một trò chơi thể hiện lòng ngưỡng mộ Thủ Lộ Vương. Hằng năm, vào ngày 29 tháng 7, trăm họ, văn võ bá quan, binh sĩ trên khắp đất nước rủ nhau lên Seung Jeom (Thừa Chiêm) dựng lều, ăn uống, vui chơi. Họ hướng về hai phía Đông Tây và những người thợ khỏe mạnh chia thành hai bên trái phải từ Vọng sơn đảo, cưỡi ngựa dũng mãnh đua nhau chạy đến bờ sông, chạm vào mũi thuyền rồi đẩy nhau rơi xuống nước, sau đó chạy hướng về Ko Po (Cổ Phố) ở phía Bắc. Trò chơi này mô phỏng theo câu chuyện ngày xưa, Lưu Thiên can và Thần Quỷ can được nhà vua sai ra nghe ngóng tin tức Hoàng hậu rồi về bẩm báo với nhà vua.

Sau khi Gia Da quốc suy vong, tên gọi của nơi này các thời đại cũng khác. Năm Tân Tị (năm 681), nhằm năm đầu niên hiệu Khai Diệu[1], tức vào năm vua đời thứ 31 của Tân La là Jeong Myoung Wang (Chính Minh Vương) lên ngôi, đổi gọi là Kim Quan Kinh và đặt Thái thú ở đó. Trải qua 259 năm, sau khi Thái Tổ thống nhất Tân La, thì gọi là huyện Lâm Hải rồi đặt Bài Ngạn sứ được 48 năm. Sau đó, nơi này được gọi là quận Lâm Hải, rồi gọi là phủ Kim Hải, đặt Đô hộ phủ được 27 năm, rồi lại đặt Phòng Ngự sứ được 64 năm.

Năm thứ hai (năm 991) niên hiệu Thuần Hóa[2], Trung Đại phu Jo Moon Seon (Triệu Văn Thiện) là Lượng điền sứ ở phủ Kim Hải điều tra và dâng cáo trạng rằng:

“Diện tích đồng ruộng thuộc lăng Thủ Lộ Vương rất lớn, bởi vậy, nên chia làm 15 khoảnh theo chế độ xưa, phần còn lại chia cho các dịch đinh[3] trong phủ.”.

Sau đó, Sở ty lại chuyển cáo trạng lên trên, triều đình tuyên chỉ:

“Quả trứng do trời ban xuống biến thành nhà vua thần thánh trị vì lâu năm, thọ đến 158 tuổi. Sau thời Tam Hoàng, không ai sánh được. Sau khi nhà vua băng hà, từ xa xưa, việc cắt giảm đồng ruộng thuộc lăng mộ là việc làm vô cùng đáng sợ.”

Và nhà vua không đồng ý. Lượng điền sứ lại dâng cáo trạng, vì vậy, triều đình quyết định, nửa ruộng đất có lăng miếu giữ nguyên, nửa kia chia cho các dịch đinh trong phủ. Jeol Sa (Tiết Sứ), tên gọi của Lượng điền sứ, tuân mệnh triều đình, một nửa giữ nguyên cho phần lăng mộ, nửa kia chia cho các dịch đinh làm nô dịch trong phủ. Khi công việc sắp xong thì Lượng điền sứ quá mệt. Một đêm, ông bỗng nằm mơ thấy có bảy tám quỷ thần cầm dây thừng và đao kiếm hiện ra nói:

- Ngươi gây ra tội lớn, ta phải lấy đầu ngươi!

Lượng điền sứ nghe luận tội, ngạc nhiên thấy mình bị ốm rất nặng rồi hoảng sợ giật mình tỉnh giấc. Thế rồi ông lâm bệnh. Ông không cho ai biết chuyện và bỏ trốn vào ban đêm, bệnh nặng hơn, chỉ đi qua được cổng thành thì chết. Bởi vậy, Lượng điền sứ không thể đóng ấn vào sổ đo đạc ruộng đất nơi đó.

Sau đó, có sứ thần được sai tới đo đạc ruộng đất đó nhưng chỉ đo được 11 kết, 12 phụ, 9 thúc, thiếu 3 kết, 87 phụ và 1 thúc[4]. Vì thế, ông cho rằng số ruộng hương hỏa bị thiếu là do lấn chiếm bèn báo lên quan đạc điền địa phương và trung ương, sau đó cấp đủ diện tích theo thánh chỉ. Đó là việc đáng than thở từ xưa tới nay vậy.

Kim Jil Wang (Kim Điệt Vương), hậu duệ đời thứ 8 của Thủy tổ Thủ Lộ Vương, dốc lòng trị vì đất nước, tôn kính tổ tiên. Nhờ phúc ấm của Hứa Hoàng hậu, mẹ của Thủy tổ, vào năm Nhâm Thìn (năm 452), tức năm thứ 29 niên hiệu Nguyên Gia, dựng được ngôi chùa tại nơi Nguyên quân và Hoàng hậu hợp hôn, gọi là chùa Wang Hoo (chùa Vương Hậu), sai người đo đạc cắt 10 kết bình điền cạnh đó để cúng dàng Tam bảo[5].

Sau khi có ngôi chùa này được hơn 500 năm thì dựng chùa Jang Yoo (chùa Trường Du), tổng diện tích ruộng cúng ở chùa là 300 kết. Bởi thế, Tam Cương ở chùa Trường Du cho rằng, chùa Vương Hậu nằm trong khoảnh đất phía Đông Nam ruộng cúng của chùa Trường Du, liền phá bỏ chùa Vương Hậu làm điền trang, làm nơi cất giữ lương thực thu hoạch trong mùa đông, làm chuồng trại nuôi ngựa, bò, thật buồn thay!

Người dịch: Phan Thị Oanh-Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.



[1] Niên hiệu từ năm 681 đến năm 682 của Đường Cao Tông nhà Đường

[2]Niên hiệu của Cao Tông nhà Đường và năm thứ hai Seong Jong (Thánh Tông) Cao Ly

[3]Ý nói các trai tráng đảm trách công việc phục dịch trong phủ.

[4] Còn có cách gọi là kết phụ chế. Đây là phương pháp đo lường độc đáo trong cách tính sản lượng thu hoạch theo diện tích đất đai thời Tân La. Tiêu chuẩn để tính là một nắm lúa cầm trong tay của người nông dân, mười nắm lúa là 1 pa, 10 pa là một thúc, 10 thúc là một phụ, 100 phụ là 1 kết.

[5]Là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.


Scroll To Top