ĐÔI NÉT VỀ TRIỀU ĐẠI CHOSON (1392-1910)
Đăng ngày:
Năm 1392, tướng Yi Seong-gye đã lập nên một triều đại mới lấy tên là Choson. Tầng lớp cai trị đầu tiên của triều đại này lấy đạo Khổng làm triết lý chỉ đạo của vương quốc nhằm chống lại ảnh hưởng thống trị của Phật giáo trong thời kỳ Koryo. Vua Sejong cũng quan tâm đến lĩnh vực thiên văn học. Đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước, địa cầu và bản đồ thiên văn đều được làm ra theo yêu cầu của ông. Ông đã truyền ngai vàng cho con trai ông, vua Munjong (trị vì 1450-1452) nhưng Mujong qua đời hai năm sau đó và Thái tử Danjong 11 tuổi lên ngôi vua.
Những người thống trị Choson đã cai trị vương quốc với một hệ thống chính trị cân bằng. Hệ thống thi cử có sự tham gia của dân chính là cơ sở tuyển chọn ra tầng lớp quan lại. Các cuộc thi được dùng làm cơ sở cho tính cơ động của xã hội và hoạt động trí tuệ trong thời kỳ này. Xã hội sùng đạo Khổng này đánh giá cao học thuật, coi thường thương mại và sản xuất.
Dưới triều đại Sejong Đại đế (1418-1450) - vị vua thứ tư của triều địa Choson – văn hoá và nghệ thuật phát triển chưa từng thấy trong lịch sử Hàn Quốc. Dưới sự bảo trợ của đức vua Sejong, các học giả của viện hàn lâm hoàng gia đã sáng tạo bảng chữ cái Hàn Quốc, được gọi là Hangeul. Bảng chữ cái này còn được gọi là Huấn dân chính âm, nghĩa là “hệ thống ngữ âm đúng để dạy dân chúng”.
Năm 1455, Hoàng tử Suyangdaegun, chú của vua Danjong, đã cướp ngai vàng của vị hoàng đế trẻ tuổi này. Suyangdaegun trở thành vua Sejo (trị vì 1455-1468). Ông đã lập nên một khung thể chế của chính phủ bằng việc xuất bản một bộ luật gọi là Gyeongguk Daejon.
Năm 1592, Nhật Bản xâm chiếm Choson để dọn đường xâm lược Trung Quốc. Đô đốc Yi Sun-sin (1545-1598), một trong những nhân vật được tôn kính nhất trong lịch sử Hàn Quốc đã chỉ huy hàng loạt những cuộc tấn công của thuỷ quân oanh liệt trên biển chống lại đội quân của Nhật Bản bằng những Geobukseon (thuyền rùa) được coi là những thuyền chiến bọc sắt đầu tiên trên thế giới.
Trên mặt đất, những chiến binh nông dân tình nguyện và đội ngũ những tăng lữ phật giáo đã dũng cảm chống lại kẻ thù. Sau khi Tư lệnh Toyotomi Hdeyoshi tử trận, Nhật Bản bắt đầu rút khỏi Hàn Quốc. Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc năm 1598, song nó đã để lại những ảnh hưởng vô cùng to lớn tới triều đại Choson của Hàn Quốc và nhà Minh Trung Quốc. Trong suốt thời gian chiến tranh, rất nhiều nghệ nhân và kỹ thuật viên, kể cả phu khuân vác Hàn Quốc đã bị cưỡng ép đưa sang Nhật Bản.
Từ đầu thế kỷ 17, một phong trào chủ trương Silhak, có nghĩa là học thuật thực hành, đã phát triển mạnh trong các quan chức học giả có tư tưởng tự do, được coi như một phương tiện để xây dựng một quốc gia hiện đại.
Các học giả này kiên quyết kiến nghị việc cải thiện nông nghiệp và thủ công nghiệp, đồng thời thực hiện cải cách triệt để việc phân chia đất đai. Đương nhiên, những nhà quý tộc của một chính phủ bảo thủ không sẵn sàng ủng hộ một sự thay đổi mạnh mẽ như vậy.
Trong nửa sau của thời kỳ Joseon, người ta thấy chính quyền chính phủ và tầng lớp thượng lưu bắt đầu có những biểu hiện của tư tưởng bè phái. Để chỉnh đốn tình hình chính trị không mong muốn này, vua Yeongjo (trị vì 1724-1776) cuối cùng đã đề ra một chính sách không thiên vị. Nhờ thế nhà vua đã củng cố được quyền lực của vương triều và sự ổn định chính trị.
Vua Jeongjo (trị vì 1776-1800) đã duy trì chính sách không thiên vị và lập nên một thư viện của triều đình để giữ gìn những tài liệu và những biên bản của vương triều. Ông cũng khởi xướng những cuộc cải cách về chính trị và văn hoá khác. Giai đoạn này đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của Silhak. Một số học giả có tên tuổi đã viết ra những công trình tiến bộ đề nghị cải cách nông nghiệp và thủ công nghiệp, nhưng chỉ một số ít những ý tưởng đó được triều đình chấp thuận.
Dẫu sau thì thời kỳ trị vì của vua Jeongjo cũng đã đặt nền tảng cho việc phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho vương triều này tồn tại tương đối ổn đỉnh trong suốt gần một phần tư thế kỷ.
Nửa sau thế kỷ 18, hoàng gia tiếp tục mâu thuẫn, quyền lực nằm trong tay những dòng họ lớn- họ Kim, Park. Trong thời gian này, xuất hiện một trường phái học thuật mới-Shihak (Thực học) với mục đích mong muốn cải cách lại thiết chế xã hội, chính trị Choson. Dưới thời vua Yeongjo (Anh tổ 1724-1776) và Jeongjo (Chính tổ 1776- 1800), học thuyết Shihark với chính sách cân bằng quyền lực, mâu thuẫn triều đình tạm thời lắng xuống.Về chính trị, đứng đầu nhà nước là vua có quyền lực tối cao. Hội đồng nhà nước gồm 3 vị chủ tịch quyền ngang nhau, phía dưới là 6 bộ, Thừa chính viện phụ trách văn thơ, Sam sa là cơ quan giám sát của triều đình. Cả nước chia thành 8 tỉnh (đạo) do thống đốc đứng đầu, dưới tỉnh là huyện (pu) do quan huyện đứng đầu, nhiệm kỳ 5 năm.
Xã hội Choson gồm 4 giai cấp cơ bản là Yangban (quý tộc), Chungmin(trung lưu), Yangmin (bình dân) và Ch’omin (nô lệ), có địa vị chính trị, xã hội, kinh tế khác nhau. Mọi quan hệ, nghi lễ đều do Khổng giáo chi phối. Trong nông nghiệp, hệ thống thuỷ lợi nhân tạo được xây dựng, có khoảng 600 hồ chứa nước được đào vào cuối thế kỷ 18. Thương mại cũng phát triển, có khoảng 1000 chợ vào thế kỷ 18. Thời kỳ Choson, chữ Hangul ra đời, nhiều ngành khoa học khác cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: văn học, sử học, nghệ thuật...
Nửa đầu thế kỷ XIX, thuyền buôn của các nước Nga, Anh, Pháp, Mỹ lần lượt đến vùng biển Hàn Quốc gõ cửa đòi thiết lập quan hệ buôn bán. Trước sự xuất hiện của Phương Tây, cùng với những hành động ngang ngược, cướp phá của họ khiến triều đình Choson thực hiện chính sách đóng cửa bất hợp tác với Phương Tây. Từ năm 1864, Vua Kojong (Cao Tông) kế vị, cha ông là Taewongun (Đại Viện Quân) nắm quyền nhiếp chính trong hoàng gia. Để củng cố quyền lực, Ông tiến hành cải cách. Tuy nhiên, cuộc cải cách của ông đã vấp phải nhiều trở ngại (nhất là việc đóng cửa trường tư). Cuối cùng, Đại viện quân bị đổ vào năm 1873. Sau đó, quyền lực hoàng gia nằm trong tay hoàng hậu họ Min.
Chính sách mở cửa của Hoàng hậu Min đã không xuất phát từ quyền lợi quốc gia mà chỉ là sự cầu viện bên ngoài nhằm củng cố quyền lực và loại bỏ chính sách bế quan toả cảng của Đại viện quân trước đó. Tuy nhiên, vào thời gian này, lợi dụng sự khủng hoảng, suy yếu của Choson, Nhật Bản đã từng bước thực hiện âm mưu thôn tính, gây ra sự kiện tầu Unyo(Vân Dương) trên vùng biển Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản dùng áp lực buộc triều đình Choson ký Hiệp ước Kwangwa (Giang hoa). Theo hiệp ước, Choson phải mở cảng Pusan và hai cảng khác.
Người Nhật được tự do điều tra vùng biển Hàn Quốc và thiết lập các khu định cư của họ ở các cảng đã mở. Sau Hiệp ước, Nhật bản và Choson trao đổi Đại sứ. Dựa vào kinh nghiệm trước đó, Triều đình Choson tiến hành một số cuộc cải cách. Cuộc cải cách quân sự đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Năm 1882, cuộc binh biến nổ ra trong hoàng cung, họ Min bị đổ, sứ quán Nhật bị đốt cháy.
Sau đó, phia Nhật định trừng phạt Choson nhưng đã bị Trung Quốc điều 4.500 quân đến ngăn cản. Kết quả sau nhiều lần thương lượng, nhật bản và Hàn quốc đã ký hiệp ước Chomupo tại Inchon. Để từng bước loại ảnh hưởng của Trung quốc ra khỏi bán đảo Hàn, ngày 18/4/1885, Nhật đã ký với Trung quốc Điều ước Thiên Tân, cam kết cùng rút quân khỏi Choson. Tuy nhiên, thời điểm này, người Nga và người Anh cũng có mặt ở Hàn Quốc và càng làm cho tình hình bán đảo phức tạp. Trước sự dàn xếp của Trung Quốc, dẫn đến hoà giải Anh-Nga cùng cam kết rút khỏi Hàn Quốc.
Năm 1894, Hàn Quốc đã nổ ra cuộc cách mạng Đông học (Tônghak) chống lại triều đình Choson, lực lượng khởi nghĩa khoảng 10.000 người. Đáp lại yêu cầu chi viện của triều đình Choson, Trung quốc cử 30.000 quân vào bán đảo. Tương tự, Nhật đổ bộ 7000 quân vào cảng In chon. Kết quả chiến tranh Trung -Nhật bùng nổ, Trung Quốc thất bại, phải ký hiệp ước Mã quan với Nhật và chính thức bị Nhật loại khỏi Choson. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cuộc tranh giành ảnh hưởng Nga- Nhật tại vùng bán đảo Hàn ngày càng gia tăng. Trước hành động bành trướng của Nga ở Mãn Châu và bán đảo Hàn, sau nhiều lần đàm phán không thành, chiến tranh Nga-Nhật đã nổ ra ngày 10/2/1904 và kết thúc tháng 7/1905, người Nhật lại thắng lợi và loại Nga khỏi bán đảo Hàn.
Sau khi nắm quyền kiểm soát Choson, Nhật buộc triều đình Choson ký Hiệp ước Bảo hộ ngày 17/11/1905. Năm 1907, Nhật ép Hoàng đế Kojong thoái vị, nhường ngôi cho Sunjong (Thuần Tông). Tháng 5/1910, tướng Teraushi Masatake đến Bán đảo Hàn làm nhiệm vụ sáp nhập vùng đất này vào Nhật Bản. Ngày 29/8/1910, vua Thuần Tông-vị vua cuối cùng của Choson đã bị ép tuyên bố nhường ngai vàng và đất nước cho Nhật, từ đó, Bán đảo Hàn chính thức trở thành thuộc địa của Nhật Bản.
Nhóm website CKS
Tổng hợp tài liệu lưu tại TTNCHQ và của TS. Lê Đình Chỉnh - Đại học quốc gia Hà Nội