Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KINH TẾ HÀN QUỐC PHỤC HỒI TRONG QUÝ I NĂM 2024

Đăng ngày:

Sự tăng trưởng không ngừng của ngành sản xuất ở Trung Quốc và tác động của đại dịch Covid 19 đã khiến Hàn Quốc phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Điều này cũng khiến cho tỷ lệ lạm phát tiêu dùng của nước này tăng cao. Để ổn định nền kinh tế lạm phát, vào năm 2023, chính phủ nước này đã thông qua “Chương trình Thỏa thuận mới của Hàn Quốc” với số vốn đầu tư 144 tỷ đô la để thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và tăng số lượng việc làm.

Những chính sách hợp lý này đã góp phần giúp cho tổng sản phẩm quốc nội thực tế của nước này trong quý I/2024 tăng 1,3% so với quý IV năm 2023, và tăng trưởng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái theo công bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (viết tắt là BOK) vào ngày 25/4/2024 vừa qua. (1) Điều này thể hiện nền kinh tế trong quý I đã có sự hồi phục rõ nét do trước đó, kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng dưới 1% liên tiếp kể từ sau quý IV/2021. (1)

Trong quý I năm 2024, các lĩnh vực như xuất khẩu, đầu tư xây dựng và tiêu dùng tư nhân đều có sự tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu tăng 0,9% chủ yếu nhờ mặt hàng công nghệ thông tin và đóng góp lớn vào tỷ lệ tăng trưởng chung của nền kinh tế. (1) Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu quý này kém hơn do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là ô tô, chíp bán dẫn không bằng quý trước.

Đồng thời, chỉ số sản lượng xuất khẩu trong tháng 3 vừa qua đạt 130,07 điểm, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, tăng 7 tháng liên tiếp. Mức tăng đã thu hẹp dần, từ 17,3% trong tháng 1 xuống còn 3,7% trong tháng 2 và 0,1% trong tháng 3. (1)
Về điều này, ngân hàng trung ương Hàn Quốc phân tích mức tăng có thể có sự khác biệt mỗi tháng. Ví dụ với lĩnh vực chíp bán dẫn, sản lượng xuất khẩu vẫn đang tăng so với tháng trước. Xét theo mặt hàng, chỉ số sản lượng xuất khẩu máy tính, thiết bị điện tử và quang học tăng 14,5%, than đá và sản phẩm dầu mỏ tăng 1%. (2) Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu ô tô trong tháng 3 cũng đạt 6,8 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023, phá vỡ kỷ lục của tháng 11 năm ngoái (6,53 tỷ USD) nhờ sự mở rộng xuất khẩu các dòng xe thân thiện môi trường của hãng ô tô Hyundai và Kia, và dòng xe thể thao đa dụng (SUV) của hãng GM Korea tại thị trường Bắc Mỹ (3).
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Ahn Duk-geun cho biết, xuất khẩu vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng vững chắc, bất chấp biến động giá dầu, tỷ giá do chiến tranh Israel-Iran, căng thẳng biển Đỏ kéo dài. Ông này cũng kỳ vọng xu hướng khả quan này sẽ được duy trì trong quý II năm 2024.(1)
Ngược lại, sản lượng và kim ngạch nhập khẩu tiếp tục giảm. Chỉ số sản lượng nhập khẩu tháng 3 đạt 123,18 điểm, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, đà giảm 9 tháng liên tiếp. Chỉ số kim ngạch nhập khẩu đạt 144,74 điểm, giảm 13,2%, đà giảm 13 tháng liên tiếp. Trong đó, chỉ số sản lượng nhập khẩu khoáng sản giảm 18,6%, hàng công nghiệp giảm 6%, hàng nông lâm thủy sản giảm 1%. (3)
Tiêu dùng tư nhân tăng 0,8% nhờ sự gia tăng của tiêu dùng cả hàng hóa (quần áo) và dịch vụ (nhà nghỉ, khách sạn). So với mức tăng quý trước (0,2%), tiêu dùng tư nhân quý này đã tăng trưởng mạnh hơn. Ngân hàng trung ương phân tích, tiêu dùng tăng do người dân gia tăng các hoạt động ngoài trời, thêm vào đó còn do ảnh hưởng của sự ra mắt dòng điện thoại thông minh mới.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc phân tích tâm lý tiêu dùng tư nhân trong quý I cải thiện là nhờ sự kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc và các nước lớn hạ lãi suất. Đà hồi phục này còn phụ thuộc vào giá nông sản và giá dầu trong thời gian tới (1).

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng tăng 2,7% nhờ xây dựng công trình và xây dựng dân dụng đều tăng do hiệu ứng cơ sở bởi đầu tư xây dựng quý IV năm ngoái không cao và nhiều công trình thi công quy mô lớn bị trì hoãn do thời tiết.(1).

Tuy nhiên, theo báo cáo 'Xu hướng thị trường xây dựng hàng tháng' do Viện nghiên cứu Công nghiệp xây dựng Hàn Quốc công bố gần đây, đơn đặt hàng xây dựng trong nước trong tháng 2 chỉ đạt 10,2 nghìn tỷ won. Đây là mức giảm 2,9% so với tháng trước và giảm 24,2% so với cùng tháng năm trước và là mức thấp nhất trong 5 năm qua tính đến tháng 2 (4). Đồng thời, Chỉ số khảo sát kinh doanh ngành xây dựng (BSI) do Ngân hàng Hàn Quốc khảo sát liên tục ghi nhận ở mức 60 vào năm ngoái, nhưng đã giảm xuống dưới mức thấp 50 trong quý 1 năm nay. Ngân hàng này cũng chỉ ra rằng, rủi ro các khoản vay của công ty tài chính phi ngân hàng đối với dự án bất động sản (PF) vẫn còn tồn tại, các chỉ số liên quan tới xây dựng vẫn chưa thực sự tích cực nên xu hướng trì trệ của ngành này hiện nay vẫn chưa thể thay đổi ngay (1).

Ngân hàng này cũng đưa ra dự báo càng về nửa cuối năm 2024, các điều kiện từng được coi là yếu tố bất ổn thời gian qua như tỷ giá hối đoái hay lãi suất sẽ được cải thiện. (1) Tuy nhiên,  rủi ro địa chính trị từ chiến tranh Nga-Ukraine, tình hình Trung Đông, biến động giá cả nguyên vật liệu vẫn đang là những yếu tố bất ổn tiềm tàng. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục đặt ưu tiên hàng đầu vào việc ổn định sớm giá cả, hồi phục dân sinh.

Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc cũng lần đầu tiên đưa ra dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2025 là 2,1%.  Viện nghiên cứu này cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc cần từng bước giảm nhẹ dần chính sách thắt chặt tiền tệ về mức trung lập, đồng thời, không cần thiết phản ứng nhạy cảm quá mức với sự tăng giá trong ngắn hạn các mặt hàng nông, thủy sản bởi chính sách tiền tệ phải đặt mục tiêu vào việc ổn định giá cả trong trung và dài hạn (5).

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên tổng thuật


Theo nguồn:

1. Ký giả Shin Ho- kyeong, ký giả Min Seon-hee, Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quý I đạt 1.3%... Hồi phục xuất khẩu, đầu tư xây dựng và tiêu dùng cá nhân (신호경 기자, 민선희 기자, 1분기 경제 성장률 1.3%…수출·건설투자·민간소비 회복(종합) )

Yonhap news: https://www.yna.co.kr/view/AKR20240425020651002

2. Ký giả Hwang Kyeong Ju, Chỉ số sản lượng xuất khẩu tháng 3 tăng tháng thứ 7 liên tiếp…Số lượng tăng giảm dần (황경주 기자, 3 수출물량지수 7개월 연속↑…증가폭은 감소 )

Kbs news: https://news.kbs.co.kr/news/pc/view/view.do?ncd=7952422

3. Jeon Jun-hong, Xuất khẩu ô tô tháng 4 đạt 6,8 tỷ USD, 'cao nhất' từ trước đến nay…. Xuất khẩu xe thân thiện với môi trường cũng 'cao nhất' (전준홍, 4월 車수출 68억 달러로 역대 '최고'‥친환경차 수출도 '최고')

MBC news: https://imnews.imbc.com/news/2024/econo/article/6596272_36452.html

4. Ký giả Nam Tae Kyu, Đầu tư xây dựng cải thiện trong quý 1 liệu có phải là sự phục hồi? Hay chỉ là ảo ảnh? (남태규 기자,1분기 건설투자 개선은 회복세인가?착시인가?)

https://www.koscaj.com/news/articleView.html?idxno=307616

5. Ký giả Hwang Hyeon Kyu,  KDI dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 2,6%... Chỉ số dự kiến có xu hướng tăng (황현규 기자, KDI, 올해 경제성장률 2.6% 예상…전망치 상향)

Kbs news: https://news.kbs.co.kr/news/pc/view/view.do?ncd=7964731#

 

 


Scroll To Top