Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TỔNG THỐNG NGA PUTIN THĂM TRIỀU TIÊN

Đăng ngày:

Nga và Triều Tiên ngày càng tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục rơi vào vòng xoáy leo thang căng thẳng, khó lường; cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết; đặc biệt thời gian gần đây Triều Tiên luôn bị cáo buộc là đã cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine nhằm đổi lấy thực phẩm, nhiên liệu và công nghệ. Tuy nhiên, cả hai nước đều phủ nhận việc trao đổi này.

Trong bối cảnh đó, ngày 18/6/2024 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Triều Tiên sau 24 năm, chuyến thăm kéo dài 2 ngày (18 và 19/6). Đây là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của ông Putin kể từ tháng 7/2000, khi ông gặp cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong- un. Ngoài ra, chuyến đi diễn ra 9 tháng sau khi ông Kim Jong-un tới vùng Viễn Đông của Nga để hội đàm với Tổng thống Putin (9/2023). Trước đó, vào tháng 4/2019, ông Kim Jong -un cũng đã tới thăm vùng Viễn Đông của Nga.

Ngày 19/6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hội đàm về loạt vấn đề từ hợp tác kinh tế đến an ninh. Ông Kim Jong-un khẳng định quan hệ giữa hai nước bước vào thời kỳ thịnh vượng mới, ca ngợi vai trò của Nga trong cân bằng chiến lược toàn cầu và cam kết tăng cường hợp tác chiến lược với Nga. Triều Tiên hoàn toàn ủng hộ và đoàn kết với chính phủ, quân đội và nhân dân Nga trong việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Về phần mình,Tổng thống Putin khẳng định mối quan hệ hợp tác song phương giữa Moskva và Bình Nhưỡng dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau. Ông Putin cảm ơn sự ủng hộ của Bình Nhưỡng đối với chính sách của Moskva về Ukraine và hy vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với ông Kim ở Moskva. [1]

Sau cuộc hội đàm ở Bình Nhưỡng ngày 19/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, thay thế các văn kiện tương tự được ký kết vào năm 1961 và 2000. Hiệp ước bao gồm 23 điều, trong đó Điều 4 có nội dung nếu một trong hai nước Nga hoặc Triều Tiên bị tấn công xâm lược, rơi vào chiến tranh, thì nước còn lại sẽ không chậm trễ viện trợ quân sự bằng mọi phương tiện hiện có. Nội dung này gần như hoàn toàn tương tự với Điều 1 trong Hiệp ước hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau được Triều Tiên ký kết với Liên Xô vào năm 1961. Cụm từ “viện trợ quân sự” có nghĩa là cho phép Triều Tiên có thể tự động can thiệp quân sự nếu Nga xảy ra chiến tranh, điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên mức độ “bán đồng minh” (đồng minh một nửa). Ngoài ra, hiệp ước cũng nêu rõ về việc mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ. Đặc biệt, ở lĩnh vực khoa học công nghệ, hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy giao lưu và nghiên cứu chung, bao gồm cả lĩnh vực vũ trụ và năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Điều này để ngỏ khả năng Nga sẽ hỗ trợ công nghệ tích cực hơn nữa cho Triều Tiên trong vấn đề phóng vệ tinh trinh sát. [2]

Triều Tiên sau đó đã công bố nội dung các điều khoản chính của hiệp ước mở này bao gồm: Một là, hỗ trợ song phương ngay lập tức trong trường hợp một trong hai quốc gia bị tấn công. Hai là, trong trường hợp có nguy cơ bị tấn công, hai nước thống nhất các biện pháp để phối hợp về lập trường, và hợp tác để loại bỏ (nguy cơ). Ba là, Nga và Triều Tiên cam kết không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với nước thứ ba mà có thể đe dọa đến chủ quyền và an ninh hai nước. Bốn là, Nga và Triều Tiên sẽ nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác kinh tế. Năm là, Nga và Triều Tiên nhất trí phát triển hợp tác trong lĩnh vực khám phá không gian, sử dụng năng lượng hạt nhân, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và công nghệ thông tin (IT) vì mục đích hòa bình. Sáu là, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực truyền thông đại chúng nhằm đối phó với thông tin sai lệch và các hành động khiêu khích thông tin. Bảy là, Nga và Triều Tiên sẽ phát triển một hệ thống các biện pháp để tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm ngăn chặn chiến tranh và đảm bảo hòa bình. [3]

Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ ký kết, ông Putin nhấn mạnh lại nội dung Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga - Triều Tiên rằng sẽ mở ra khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công. Đồng thời, ông Putin cho biết Nga không loại trừ khả năng hợp tác kỹ thuật - quân sự với Triều Tiên dựa trên những thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Ông Putin cho rằng các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên nên được gỡ bỏ. Về phần mình, ông Kim Jong -un cũng bày tỏ rằng hiệp ước đã đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới; đồng thời rất hài lòng khi ký kết một hiệp ước phù hợp với tình hình quốc tế đang thay đổi và bản chất chiến lược của mối quan hệ Triều Tiên - Nga.[4].  Bên cạnh đó, ông Kim cũng khẳng định việc nâng cấp mối quan hệ Triều - Nga đã thiết lập căn cứ pháp lý để thực hiện những sáng kiến của lãnh đạo cũng như nguyện vọng của người dân hai nước trong việc xây dựng đất nước vững mạnh, bảo vệ vững chắc nền hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới phù hợp với lợi ích chung của Triều Tiên và Nga. [5]

Cùng ngày 19/6/2024, ông Kim và ông Putin tiếp tục có cuộc trò chuyện thân thiện và chân thành khi cùng đi dọc con đường trong vườn hoa hồng và thảo luận về các kế hoạch quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và liên minh giữa hai nước, cũng như bảo vệ lợi ích chung cốt lõi. Chủ tịch Kim Jong-un đã tặng một cặp chó săn Pungsan cho Tổng thống Vladimir Putin, khi hai nhà lãnh đạo đi dạo trong vườn của Nhà khách Kumsusan. Chó săn Pungsan là giống chó mà ông Kim Jong-un từng tặng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in như một món quà hòa bình, khi hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm cấp cao ở Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018. Ông Kim Jong -un cũng đã đích thân trao tặng Tổng thống Nga Huân chương Kim Nhật Thành, vì đã có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tổng thống Putin cũng đã tặng Chủ tịch Kim Jong-un một chiếc xe Aurus. Đây là chiếc limousine Aurus thứ hai mà tổng thống Nga dành tặng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên, trước đó vào tháng 2/2024, ông Putin đã tặng ông Kim Jong-un chiếc Aurus đầu tiên. [6]

Sau chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga, ngày 24/5/2024, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đảng Lao động Triều Tiên Pak Jong-chon tiếp tục nhấn mạnh lại cam kết hoàn toàn ủng hộ chiến dịch của Nga ở Ukraine và tăng cường hợp tác chiến lược với Nga của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un; ông Pak khẳng định Triều Tiên ủng hộ nỗ lực của Nga, sẽ luôn sát cánh cùng quân đội và nhân dân Nga trong cuộc đấu tranh chính nghĩa để bảo vệ quyền chủ quyền, ổn định chiến lược và toàn vẹn lãnh thổ. Theo ông Pak, Nga thực hiện các cuộc phản công chiến lược là để bảo vệ an ninh quốc gia khỏi mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng do các thế lực thù địch gây ra. Hành động đáp trả của Nga là hành động tự vệ chính đáng và hợp pháp. [7]

Việc Nga - Triều Tiên tăng cường hợp tác song phương đã khiến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản quan ngại. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Nga và Triều Tiên tăng cường hợp tác sẽ là nỗi lo ngại lớn đối với tất cả những người quan tâm và ủng hộ việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an, cũng như ủng hộ Ukraine đang cố gắng gìn giữ nền độc lập và tự do. [8]

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vào ngày 21/6/2024 đã triệu tập Đại sứ Nga tại Seoul để bày tỏ sự phản đối Hiệp ước Đối tác toàn diện Nga - Triều Tiên do có những điều khoản về phòng thủ chung. Hàn Quốc kêu gọi Nga ngừng việc hợp tác quân sự với Triều Tiên và tuân thủ chặt chẽ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc Nga cam kết sẽ hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên sẽ gây tổn hại đến an ninh của Hàn Quốc và chắc chắn sẽ có “tác động tiêu cực” đến quan hệ giữa Hàn Quốc và Nga. Hàn Quốc cùng với cộng đồng quốc tế sẽ kiên quyết xử lý bất kỳ hành động nào đe dọa an ninh của mình. Về phía Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Masashi Nakagomi cũng có cuộc hội đàm với giới chức Nga, nhấn mạnh quan hệ Nhật - Nga đang ở trong giai đoạn khó khăn, đồng thời bày tỏ quan ngại về hợp tác quân sự của Nga và Triều Tiên. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ quốc gia nào có mối quan hệ với Triều Tiên, kể cả Liên bang Nga, đều phải tuân thủ hoàn toàn các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên. [9]

Trần Thị Mỹ Hoa

TTNC Hàn Quốc, Triều Tiên

Tài liệu tham khảo

[1] Kim Soo-yeon(2024), (2nd LD) Kim expresses 'full support' for Russia's war in Ukraine, vows to strengthen strategic cooperation, https://en.yna.co.kr/view/AEN20240619001852315?section=nk/n

[2]  KBS World (2024), Nội dung chính trong Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện Nga-Triều,

https://world.kbs.co.kr/special/northkorea/contents/news/news_view.htm?lang=v&No=62808

[3] Russian news agency (2024), KCNA releases text of comprehensive strategic partnership treaty with Russia, https://tass.com/politics/1805661

[4] . Kim Soo-yeon (2024), (5th LD) Russia, N. Korea ink partnership treaty calling for mutual assistance if either is attacked; https://en.yna.co.kr/view/AEN20240619001855315?section=nk/nk

[5] (KBS World (2024), Bắc Triều Tiên tuyên bố khôi phục mối quan hệ đồng minh với Nga sau 28 năm, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=62804

[6] Kim Seung-yeon (2024), (LEAD) Kim gifts pair of Pungsan dogs to Putin after summit: KCNA,

https://en.yna.co.kr/view/AEN20240620006051315?section=nk/nk]

[7] Kim Han-joo (2024), N. Korea supports Russia's war with Ukraine as 'legitimate act of self-defense', https://en.yna.co.kr/view/AEN20240624000600315?section=nk/nk

[8] KBS World (2024), Mỹ: "Việc Nga và Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ hợp tác là điều hết sức lo ngại", https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=62814

[9] Đình Nam (2024), Thế giới nói gì về Hiệp ước Đối tác toàn diện Nga – Triều Tiên?, https://vov.vn/the-gioi/the-gioi-noi-gi-ve-hiep-uoc-doi-tac-toan-dien-nga-trieu-tien-post1103166.vov


Scroll To Top