Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KA RAK KUK KI (GIÁ LẠC QUỐC KÝ) (Phần 5)

Đăng ngày:

Từ Thế Tổ trở xuống truyền được 9 đời con cháu, ghi chép ở phần cuối.

Bài minh như sau:[1]

 

铭曰,

元胎肇啟,利眼初明。人倫雖誕,君位未成。

中朝累世,東國分京。雞林先定,駕落俊營。

自無銓宰,誰祭民氓。遂茲玄造,顧彼蒼生。

用授符命,特遺精靈。山中降卵,霧裏藏刑(形)。

內猶漠漠,外亦冥冥。望如無象,聞乃有聲。

群歌而奏,眾無而呈。七日而後,一時所丁(寧)。

風吹云卷,空碧天青。下六圓卵,垂一紫纓。

殊方異土,比屋蓮甍。觀者如堵,睹者如羹。

五歸各邑,一在茲城。同時同跡,如弟如兄。

實天生德,為世作程。寶位初陟,寰區慾清。

華構徵古,土階尚平。萬機始勉,庶政施行。

無偏無儻,惟一惟精。行者讓路,農者讓耕。

四方奠枕,萬姓迓衡。俄希薤露,靡保椿齡。

乾坤變氣,朝野痛情。金相其躅,玉振其聲。

來苗不絕,薦藻惟馨,日月雖逝,規儀不傾。

 

Thái Tổ xuất hiện, mặt trời, mặt trăng sáng tỏ.

Loài người đã có, ngôi vua chưa lập.

Trung triều trải nhiều đời, Hải Đông vẫn phân tranh.

Tân La trước định, Gia Lạc hậu thành.

Không người đứng đầu, lấy ai chăm sóc muôn dân?

Thượng đế tạo vần, cứu giúp chúng sinh.

Người trao phù mệnh, sai khiến sinh linh,

Thả trứng xuống núi, giấu hình trong sương.

Bên trong còn tối, ngoài cũng đen huyền.

Nhìn như không thấy, nghe thì có thanh.

Muôn người ca hát, nhảy múa reo mừng.

Bảy ngày trôi đi, một lúc tĩnh lặng.

Gió thổi, mây tan, trời quang xanh ngắt.

Một sợi dây tía, thả sáu quả trứng.

Trên mảnh đất lạ, kết nhà thành thân.

Người xem thành hàng, đứng xem từng đám.

Năm ngài tỏa đi, một ngài ở lại.

Cùng giờ sinh, cùng hình dáng, họ là anh em.

Trời ra ân đức, lập trật tự thế gian.

Ngài lên ngôi, thiên hạ được mở mày.

Chế độ nghiêm minh, phỏng theo đời cổ, thềm đất còn bằng.

Gắng sức điều hành, chính sự bình an.

Không thiên lệch, không kết đảng.

Người đi nhường đường, nông dân nhường nhau canh tác.

Bốn phương yên ổn, trăm họ được hưởng thái bình.

Như sương trên lá, dưới ánh mặt trời, Đại Xuân[2] khó giữ.

Trong triều ngoài nội thấu tình, càn khôn biến đổi.

Vàng thêm sáng chói, tiếng ngọc thêm vang.

Con cháu khói hương, nối đời thờ cúng.

Ngày tháng trôi đi, vẫn nghiêm lễ nghi quy phạm.

  • Cư Đăng Vương, cha là Thủ Lộ Vương, mẹ là Hứa Hoàng hậu. Ngày 13 tháng 3 năm Kỷ Mão (năm 199), tức năm thứ 4 niên hiệu Kiến An, lên ngôi; trị vì 39 năm; tạ thế ngày 17 tháng 9 năm Quý Dậu (năm 253), nhằm năm thứ 5 niên hiệu Gia Bình[3]. Vương phi là Mo Jeong (Mộ Trinh), con gái của Thân phụ Cheon Boo Kyung (Tuyền Phủ Khanh), sinh được Thái tử Ma Poom (Ma Phẩm). Khai Hoàng lịch chép: “Họ là Kim, đại để là thủy tổ của Gia Da quốc, được sinh ra từ quả trứng vàng nên lấy họ là Kim”.
  • Ma Phẩm Vương, còn gọi là Mã Phẩm, họ Kim. Ngài lên ngôi năm Quý Dậu (năm 253), tức năm thứ 5 niên hiệu Gia Bình; trị vì 39 năm; tạ thế ngày 29 tháng 1 năm Tân Hợi (năm 291), nhằm năm đầu niên hiệu Vĩnh Bình. Vương phi là Ho Goo (Hảo Cừu), tôn nữ của Tông chính giám Triệu Khuông, sinh được Thái tử Keo Jil Mi (Cư Sất Di).
  • Cư Sất Di Vương, còn gọi là Keum Mool (Kim Vật), họ Kim. Ngài lên ngôi vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Bình; trị vì 56 năm; tạ thế vào ngày 8 tháng 7 năm Bính Ngọ (năm 346), năm thứ hai niên hiệu Vĩnh Hòa. Vương phi là A Ji (A Chí), tôn nữ của Giáp can A Cung, sinh được Hoàng tử Yi Shi Poom (Y Thi Phẩm).
  • Y Thi Phẩm Vương, họ Kim, lên ngôi vào năm thứ hai niên hiệu Vĩnh Hòa; trị vì 62 năm; tạ thế vào ngày 10 tháng 4 năm Đinh Mùi (năm 407), tức năm thứ 3 niên hiệu Nghĩa Hy[4]. Vương phi là Jeong Shin (Trinh Tín), con gái của Nông Khanh, sinh được Hoàng tử Jwa Ji (Tọa Tri).
  • Tọa Tri Vương, còn gọi là Kim Jil (Kim Sất), lên ngôi vào năm thứ 3 (năm 407) niên hiệu Nghĩa Hy. Sau khi thành thân với Yong Nyo (Dung Nữ), triều chính rơi vào tay ngoại tộc, đất nước hỗn loạn. Kê Lâm dùng mưu định thôn tính Gia Da quốc. Trung thần Park Won Do (Phác Nguyên Đạo) của Gia Da quốc khuyên can Tọa Tri Vương:

- Thưa bệ hạ, có câu xóa di thảo tất sẽ có bản khác, huống chi con người? Trời sập, đất lún, liệu con người có giữ được nền móng không? Hơn nữa, quan chiêm bốc đã xem bói và giải quẻ. Quẻ giải rằng: “Nếu không còn bọn tiểu nhân, tất có quân tử tới giúp”, vì thế, bệ hạ hãy xem kỹ quẻ đi ạ.

Nhà vua cho là đúng, liền đày Dung Nữ đến Ha San do (Hà Sơn đảo), chỉnh đốn chính sự, trăm họ được bình an trong một thời gian dài.

Nhà vua trị vì 15 năm, băng hà vào ngày 12 tháng 5 năm Tân Dậu (năm 421), tức năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Sơ[5]. Vương phi là Bok Soo (Phúc Thọ), con gái của Đại A can Do Ryoung (Đạo Ninh), sinh được con trai là Chwui Hee (Suy Hy).

  • Suy Hy Vương, còn gọi là Jil Ka (Sất Gia), họ Kim. Ngài lên ngôi vào năm thứ hai niên hiệu Vĩnh Sơ; trị vì 31 năm; qua đời ngày 3 tháng 2 năm Tân Mão (năm 451), tức năm thứ 28 niên hiệu Nguyên Gia[6]. Vương Phi là In Duk (Nhân Đức), con gái Giác can Jin Sa (Tiến Tư), sinh được Hoàng tử Jil Ji (Điệt Tri).
  • Điệt Tri Vương, còn gọi là Kim Jil Wang (Kim Điệt Vương), lên ngôi vào năm thứ 28 niên hiệu Nguyên Gia. Để Thế tổ và Hứa Hoàng hậu được yên lòng nơi chín suối, nhà vua đã dựng chùa tại nơi Thế tổ và Hoàng hậu gặp nhau lần đầu, gọi là chùa Vương Hậu, cúng 10 khoảnh ruộng. Nhà vua trị vì 42 năm, qua đời ngày 4 tháng 10 năm Nhâm Thân (năm 492), tức năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Minh[7]. Vương phi là Bang Won (Bang Viên), con gái của Sa can Kim Sang (Kim Tướng), sinh được Hoàng tử Kyum Ji (Kiềm Tri).
  • Kiềm Tri Vương, còn gọi là Kim Kyum Wang (Kim Kiềm Vương), lên ngôi vào năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Minh; trị vì 30 năm; qua đời ngày 7 tháng 4 năm Tân Sửu (năm 521), tức năm thứ 2 niên hiệu Chính Quang[8]. Vương phi là Suk (Thục), con gái Giác can Chool Choong (Xuất Trung), sinh được Hoàng tử Koo Hyung (Cừu Hoành).
  • Cừu Hoành Vương, họ Kim, lên ngôi vào năm thứ 2 niên hiệu Chính Quang, trị vì 42 năm. Tháng 9 năm Nhâm Ngọ (năm 526), tức năm thứ 2 niên hiệu Bảo Định[9], Jin Heung Wang (Chấn Hưng vương), vị vua thứ 24 của Tân La dấy binh tấn công, nhà vua trực tiếp cầm quân ra trận, nhưng quân giặc thì nhiều, quân nhà ít nên không địch nổi. Nhà vua sai Đồng khí Tal Ji I Jil Keum (Thoát Tri Nhĩ Sất Kim) chỉ huy quân sĩ ở trong nước, rồi một mình dẫn theo Vương tử, Thượng tôn Jol Ji Kong (Tốt Chi công) sang Tân La quy hàng.

Vương phi là Kye Hwa (Quế Hoa), con gái Boon Jil Soo I Jil (Sất Thủy Nhĩ Sất), sinh được 3 con trai, con trai cả là Se Jong Kak Kan (Thế Tông Giác can), con trai thứ hai là Moo Do Kak Kan (Mậu Đao Giác can), con trai thứ ba là Moo Deok Kak Kan (Mậu Đắc Giác can).

Khai Hoàng lục chép:

“Cừu Hoành quy hàng Tân La năm Nhâm Tí (năm 532), tức năm thứ 4 niên hiệu Trung Đại Thông[10] nhà Lương.”

Bàn luận như sau:

“Xem trong Tam Quốc sử, Cừu Hoành Vương hiến đất và quy phục Tân La vào năm Nhâm Tí, nhằm năm thứ 4 niên hiệu Trung Đại Thông nhà Lương. Bởi vậy, nếu tính từ khi Thủ Lộ Vương lên ngôi vào năm Nhâm Dần (năm 42), nhằm năm thứ 18 niên hiệu Kiến Mậu nhà Đông Hán đến năm Nhâm Tí (năm 532), tức năm Cừu Hoành vương thoái vị, là 490 năm. Nếu xem xét kỹ ghi chép này, việc hiến đất vào năm Nhâm Ngọ (năm 562), tức năm thứ hai niên hiệu Bảo Định nhà Ngụy, thì số năm trị vì của Cừu Hoành Vương kéo dài thêm 30 năm nữa và như vậy, thời gian tồn tại của Gia Da quốc là 520 năm. Hai thuyết trên vẫn được công nhận cho đến ngày nay.”

 

 

Người dịch: Phan Thị Oanh-Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Tam Quốc di sự (Bản tiếng Hàn), Kim Won-jung, 2007, Nxb Mineum.

 

 



[1] Có cả nguyên văn chữ Hán, chúng tôi sao lại nguyên văn.

[2] Ý nói việc sống lâu như loại cây sống 16.000 năm.

[3] Niên hiệu từ năm 249 đến năm 254 của Tề Vương Tào Phương nhà Ngụy thời Tam quốc, Trung Quốc.

[4]Niên hiệu từ năm 419 đến năm 420 của An Đế Tư Mã Đức Tông nhà Đông Tấn, Trung Quốc.

[5] Niên hiệu từ năm 420 đến năm 422 của Vũ Đế Lưu Dục nhà Tống, Trung Quốc.

[6] Niên hiệu từ năm 424 đến năm 453 của Văn Đế Lưu Nghĩa Long nhà Tống, Trung Quốc.

[7] Niên hiệu từ năm 483 đến năm 493 của Vũ Đế Tiêu Tích nhà Tề Nam triều, Trung Quốc.

[8] Niên hiệu từ năm 520 đến năm 525 của Hiếu Minh Đế Nguyên Hậu nhà Bắc Ngụy

[9] Niên hiệu từ năm 561 đến năm 565 của Vũ Đế Vũ Văn Ấp nhà Bắc Chu Bắc triều, Trung Quốc.

[10] Niên hiệu từ năm 529 đến năm 534 của Vũ Đế Tiêu Diễn nhà Lương, Trung Quốc.


Scroll To Top