Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


DANH LAM THẮNG CẢNH CỦA THÀNH HAN YANG (HÁN DƯƠNG)

Đăng ngày:

Trong thành Hán Dương, cảnh đẹp không nhiều. Trong số đó, nơi đáng để thăm quan nhất chính là Sam Cheong Dong (động[1] Tam Thanh), thứ hai là In Wang Dong (động Nhân Vương), sau đó là các địa danh như Sang Kye Dong (động Song Kê), Baek Un Dong (động Bạch Vân), Cheong Hak Dong (động Thanh Hạc).

Động Tam Thanh nằm ở phía Đông của So Kyeok Seo[2] (Chiêu Cách Thự). Ở Kye Rim Je (Kê Lâm đệ), về phía Nam là rừng thông với những mạch nước trong vắt, luôn tuôn trào. Đi về phía thượng nguồn là núi cao, cây cối um tùm và thung lũng đá hẻo lánh. Đi thêm một đoạn nữa, qua những tảng đá, ta có thể bắt gặp những vách núi dựng đứng. Dòng nước theo rễ cây rủ xuống từ vách núi tạo nên cầu vồng ánh trắng, bắn ra những giọt nước lung linh như những viên ngọc. Phía dưới, nước đọng lại thành từng vũng sâu, trên bờ là bãi đất bằng phẳng, rộng đủ chỗ cho hàng chục người ngồi dưới bóng mát của những hàng thông cao vút. Xuân thu nhị kỳ, hoa đỗ quyên và lá cây phong chen mình bên những tảng đá, phản chiếu sắc đỏ in trên làn nước khiến những bậc sĩ phu thường tìm đến đây du ngoạn. Đi thêm vài bước lên phía trên là một cái hang rộng.

Động Nhân Vương nằm ở chân núi Nhân Vương, có một thung lũng sâu và uốn khúc. Nước từ thung lũng hợp lại, tạo thành dòng suối, nơi đó có Bok Se Am (am Phúc Thế). Người dân kinh đô đua nhau đến đây bắn cung. Động Song Kê nằm ở thung lũng phía trên Ban Kung[3] (Phán Cung). Hai mạch nước hợp thành dòng suối. Kim Ja Ko (Kim Tử Cố) đến suối này, dựng nhà, trồng đào, mô phỏng Vũ Lăng đào viên[4] đã được Khương Tấn Sơn viết trong một bài phú. Thời đó, Kim Tử Cố nức tiếng là người văn nhã nên những bậc anh hào thường tìm đến nhà chơi. Động Bạch Vân nằm ở trong Jang Ui Mun (Tàng Nghĩa môn). Jung Chu[5] (Trung khu) Lee Yeom Ui (Lý Niệm Nghĩa) sống ở đây. Nhiều thi nhân có thơ đề vịnh nhưng vì chưa từng biết nét chữ của Lý Niệm Nghĩa nên tên tuổi của ông không được lưu truyền. Động Thanh Hạc nằm ở thung lũng phía Nam Nam Hak[6] (Nam Học). Thung lũng này sâu, lại có suối trong xanh, là một nơi đáng du ngoạn nhưng trên núi không có cây cối. Thật đáng tiếc!

Con suối phía trước Jang Ui Sa (chùa Tàng Nghĩa) là địa điểm ngoại thành có phong cảnh đẹp nhất để tham quan. Nước của con suối này chảy từ những thung lũng núi Tam Giác. Trong thung lũng có một Yeo Je Dan[7] (Lệ tế đàn). Ở phía Nam còn lại di tích của Mu Y Jeong Sa[8] (Vũ di tinh xá). Người ta xếp đá trước chùa tạo thành hàng chục lối đi đến nhà thủy các[9]. Trước chùa vài chục bước chân còn có Cha Il Am[10] (Già Nhật Nham). Đá tạo thành vách dựng đứng, trông như thể đang tựa đầu vào con suối. Phía trên vách đá có một khoảng lõm, trước đây người ta từng dựng lều ở đó. Đá xếp chồng chồng, lớp lớp nhìn như những bậc thang, nước tuôn trào xối xả, ầm ầm đinh tai như tiếng sấm của trời xanh. Nước xanh, đá trắng, tựa như tiên cảnh khiến những bậc Ui Kwan Ja[11] (y quan giả) đến chơi không ngớt. Men theo dòng nước, đi xuống vài dặm là Bul Am (Phật Nham). Người ta khắc tượng Phật trên vách đá. Suối uốn lượn vòng về phía Bắc rồi chảy thẳng về phía Tây. Nơi đó, xưa kia, người ta đặt một cái cối xay nước nhưng nay không còn nữa. Nếu đi xuống thêm một lát, ta thấy có Hong Je Won (Hồng Tế Viện). Phía Nam Hồng Tế Viện có một ngọn đồi nhỏ, bao phủ bởi rất nhiều cây thông cổ thụ. Ngày xưa, nơi đây có một chiếu nghỉ ngoài trời, là nơi sứ thần Trung Quốc từng thay áo. Chiếu nghỉ này cũng đã không còn từ lâu. Mo Hwa Kwan (Mộ Hoa quán) phía Nam Sa Hyeon (Sa Hiện), hai bên um tùm những rừng thông và rừng dẻ. Rất nhiều người ở kinh thành tụ tập đến đây bắn cung, nghênh tiếp và tiễn đưa nhau. Duy có điều, suối ở đây không được trong xanh. Cánh đồng ở Lee T’ae Won (Lý Thái Viện) phía Nam núi Mộc Mịch được cung cấp nước từ những con suối trên núi cao. Phía Đông ngôi chùa là thung lũng, ở đó có một cây thông to, rất nhiều phụ nữ ở kinh đô thường đến đây giặt đồ.

Ngọn đồi cao phía sau nhà họ Baek tên là Jong Yak San (Chủng Dược sơn), phía Bắc có thể nhìn ngắm những ngôi làng ở Seong Do (Thành Đô), phía Tây có thể nhìn thấy một con sông lớn, nếu phóng tầm mắt ra xa thì không thấy nước và thung lũng nữa. Những địa điểm có núi cao, sông rộng, đáng để thưởng ngoạn không chỉ có một hai nơi, như các thung lũng Jin Kwan (Tân Khoan), Jung Heung (Trung Hưng), Seo San (Tây Sơn) ở phía Tây hay các thung lũng Cheong Nyang (Thanh Lương), Sok Kae (Tục Khai) ở phía Bắc, Pung Yang (Phong Nhưỡng) ở phía Đông và An Yang Sa (chùa An Dưỡng) ở phía Nam. Nhưng do không gần kinh đô nên người đến đây du ngoạn không nhiều.

Người dịch: Lương Hồng Hạnh – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Seong Hyen, Dung Trai tùng thoại (용재총화); Hong Sun–sik chuyển ngữ sang tiếng Hàn hiện đại; Nxb Tri thức tạo nên tri thức, Seoul, Hàn Quốc, 2009.

 



[1] Cách gọi tên một khu, phường của Hàn Quốc. Hiện nay, cách gọi này vẫn được sử dụng – ND.

[2] Tên của một cơ quan nhà nước thời đó, là nơi tổ chức “thiết đàn kỳ tế” – đàn tế các vị “Tam Thanh tinh trường” theo quan niệm của Đạo giáo (Trung Quốc). Tam Thanh tinh trường là 3 vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo, gồm: Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh (cũng chính là Thái Thượng lão quân).

[3] Tên khác của Seong Kyun Kwan (Thành Quân Quán).

[4] Vào thời Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc), nhà họ Chu và nhà họ Trần đã đến Vũ Lăng, trốn trong núi sâu, sinh sống để tránh xa sự bạo ngược thời bấy giờ. Sau đó, nhà Tần diệt vong, đến thời nhà Hán, một ngư phủ do lần theo những cánh hoa đào trôi trên dòng nước đã tìm thấy Vũ Lăng. Những người sống nơi đó không hề biết nhà Tần đã diệt vong và họ đang được sống trong thời thái bình. Người ta kể rằng, do e sợ thế giới bên ngoài biết đến Vũ Lăng đào viên, những người sống ở đó đã giăng lưới để ngăn không cho hoa đào trôi theo dòng nước. Nơi đây còn được gọi với 1 cái tên khác là Tiên Nguyên.

[5] Tên một chức quan – ND.

[6] Nam học: là một trong Sa Hak (tứ học).

[7] Đàn tế để cúng tế Yeo Kwi (Lệ quỷ). Lệ quỷ không nhận được lễ tế và đi lang thang thành Ak Kwi (Ác quỷ).

[8] Vũ di:  chỉ núi Vũ Di nơi Chu Tử dạy học; tinh xá: nghĩa là lớp học.

[9] Lầu gác dựng trên mặt nước dùng để ngắm cảnh, thủy tạ – ND.

[10] Nghĩa là núi đá che ánh nắng mặt trời – ND.

[11] Chỉ giới thượng lưu – ND.


Scroll To Top