XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA VIỆT NAM VỚI PHONG TRÀO LÀNG MỚI SAEMAUL CỦA HÀN QUỐC
Đăng ngày:
1. Tóm lược về mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Việt Nam Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7, khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là văn bản trực tiếp và toàn diện nhất của Trung Ương. Ngày 04/6/2010, Chính phủ ban hành Quyết định 800 QĐ-TTg, về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, nêu rõ 11 nội dung, 19 tiêu chí và 7 nhóm giải pháp. Nội dung chủ yếu của nông thôn mới có thể khái quát theo 5 tiêu chí cơ bản sau: - Làng, xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; - Sản xuất phải phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; - Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn ngày càng nâng cao; - Bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn; - Xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ. Ngày 08/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chương trình Nông thôn mới Việt nam đặt ra trước mắt là mục tiêu đến năm 2020, 50% các xã của Việt Nam đạt tiêu chí nông thôn mới trên tổng số 9.121 xã của cả nước theo 19 tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16-4-2009. Sau 5 năm thực hiện, tính đến tháng 11 năm 2015, cả nước có 1.298 thôn xã, (chiếm 14,5% tổng số thôn xã) và 11 đơn vị cấp Huyện (trong đó có 7 đơn vị thuộc khu vực Nam bộ) được công nhận chuẩn nông thôn mới. Trong cơ cấu đầu tư xây dựng nông thôn mới, bước đầu đa phần các xã đều lo tập trung vào xây dựng hạ tầng (có nơi chiếm đến 95% tổng nguồn lực), thường ít chú ý đến đầu tư cho sản xuất và văn hóa. Sau đó tiếp đến các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, đào tạo, sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi trường, đời sống, … 2. Hợp tác với Hàn Quốc trong xây dựng nông thôn mới Có thể nói, hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang ngày một phát triển lên tầm cao mới “Đối tác hợp tác chiến lược” trên mọi lĩnh vực đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nông thôn. Mô hình nông thôn mới của Hàn Quốc Saemaul Undong đã được triển khai áp dụng thí điểm ở Việt Nam kể từ đầu thập niên 2000 do KOICA Hàn Quốc tài trợ. Tuy nhiên để có căn cứ, cơ sở khoa học hơn, gần đây hai bên đã tổ chức một chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Trường Đại học Yeungnam Hàn Quốc. Đây là một chương trình nghiên cứu so sánh và xây dựng các đề xuất chính sách giữa Việt Nam và Hàn Quốc. KOICA và nhóm nghiên cứu hai bên sẽ phối hợp thực hiện, tham khảo các kết quả nghiên cứu khác để bổ sung cho nhau, tránh trùng lắp. Đây chính là hợp phần đầu tiên và là nghiên cứu thử nghiệm cho Dự án hợp tác nghiên cứu về “Chương trình trao đổi kinh nghiệm (DEEP) vì tầm nhìn Việt Nam” giai đoạn 2015-2017. Nhằm triển khai hoạt động hợp tác nghiên cứu theo Hợp đồng hợp tác nghiên cứu đã ký kết tháng 11/2014, ngày 19/01/2015 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Yeungnam Hàn Quốc và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp khởi động chương trình nghiên cứu chung giữa hai bên về “So sánh Chương trình xây dựng nông thôn của Việt Nam và Phong trào Saemaul Undong của Hàn Quốc”. Về phía Hàn Quốc có ông PARK Seung Woo, Trường Chính sách Park Chung Hee và Saemaul (PSPS), Đại học Yeungnam, Trưởng nhóm nghiên cứu; ông Chang Jaeyun, Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; cán bộ KOICA tại Việt Nam. Phía Học viện có PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng Ban quản lý dự án; PGS,TS Đỗ Thị Thạch, trưởng nhóm nghiên cứu. Ngoài ra còn có đại diện Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới (NTP-NRD), với tư cách là đại diện cho cơ quan trực tiếp điều phối các công việc liên quan đến đến NTP-NRD, đã đóng góp ý kiến về việc thực hiện nghiên cứu chung này và sẵn sàng cung cấp các tài liệu liên quan và hỗ trợ các đoàn đi nghiên cứu. Tiến trình của dự án nghiên cứu chung: Ngày 18-23/3/2015 Hội thảo giữa kỳ diễn ra tại Hàn Quốc, báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm về Phong trào làng mới. Hội thảo kết thúc dự án tại Hà Nội diễn ra vào giữa năm 2015. Nhằm nâng cao giá trị và tinh thần của cuộc vận động Seamaul, năm 2015, Hàn Quốc đã tập trung vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ cùng với chuyên gia phát triển nông thôn mới của Việt Nam. Về cơ bản, lấy việc tăng cường năng lực tại tỉnh Quảng Trị làm chủ đạo, các khóa tập huấn về chính sách của Trường Đại học Yeongnam đã đặt nền móng cho việc hỗ trợ về chính sách nhằm nâng cao sự hiểu biết về phát triển Semaul cho các cán bộ cấp cao. Ngoài ra, các học viên ưu tú sẽ được mời tham dự vào khóa học chính quy của Trung ương hội Semaul tại Hàn Quốc. 3. Một số kết quả rút ra từ nghiên cứu chung giữa hai bên Chương trình nghiên cứu đã rút ra một số đánh giá so sánh điểm tương đồng và khác biệt giữa Chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Việt Nam với Phong trào làng mới Saemaul của Hàn Quốc. Các nhà khoa học của Hàn Quốc cũng cụ thể hóa thêm những đặc trưng cốt lõi của Phong trào Saemaul undong, đó là xây dựng tinh thần Saemaul: cần mẫn, tự lực và hiệp đồng; thực hiện cải tạo nông thôn Hàn Quốc trên cơ sở sự tham gia của nông dân; thay đổi tư duy thất bại, lười biếng vốn đã tồn tại từ lâu trong nông dân Hàn Quốc thành tư duy chủ động, nỗ lực, dám làm và tin vào khả năng của mình. Trong quá trình đó, vai trò của giáo dục Saemaul, của các lãnh đạo phong trào và những người tình nguyện vì sự phát triển của làng là hết sức quan trọng. Thành công của Phong trào Saemaul là do phong trào xuất phát từ nông dân, do nông dân thực hiện, giám sát và đem lại lợi ích cho chính nông dân. Chính phủ chỉ đóng vai trò người định hướng, hỗ trợ tài chính, đào tạo và khích lệ những cá nhân, địa phương làm tốt bằng phần thưởng vật chất và tinh thần. Trên cơ sở thành công, niềm tin của người dân được củng cố, biến phong trào xây dựng làng mới thành phong trào cải tạo con người, xây dựng con người mới Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực. 4. Thực tiễn triển khai theo mô hình làng mới Saemaul Undong ở một số địa phương của Việt Nam KOICA đã triển khai dự án thí điểm nông thôn mới đầu tiên tại Quảng Trị và Thái Nguyên theo đề xuất của chính phủ Việt Nam từ giai đoạn 2001-2002, lựa chọn thôn Hiền Lương của tỉnh Quảng Trị để triển khai dự án thí điểm. Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Hàn Quốc đối với việc tạo ra thành quả trong dự án xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị và trên cơ sở đó đã xây dựng chương trình Mục tiêu quốc gia về phong trào nông thôn mới. Chương trình hạnh phúc: Chương trình Hạnh phúc là chương trình phát triển vùng tổng hợp với nhiều hợp phần dự án ở các lĩnh vực như giảm nghèo; nâng cao thu nhập, y tế và giáo dục; môi trường; cải cách hành chính công với mục tiêu hỗ trợ phát triển nông thôn mới áp dụng kinh nghiệm Saemaul Undong của Hàn Quốc.[1] Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã cam kết hỗ trợ ~ 25 triệu USD cho dự án “Chương trình Hạnh phúc” theo mô hình phong trào nông thôn mới tại Quảng Trị và Lào Cai từ năm 2014 đến năm 2017. Tháng 3/2016, Trung tâm Tư vấn Chính sách (CAP) cùng Tiến sỹ Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn) đã có buổi làm việc với Ban quản lý Chương trình Hạnh phúc Lào Cai (Lao Cai Happiness Program) do ông Kim Sun Ho (Giám đốc Chương trình) làm trưởng đoàn. Chương trình Hạnh phúc Lào Cai do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, được triển khai trong giai đoạn 2015 – 2017 gồm có 2 hợp phần chính là:[2] - Hợp phần phát triển cộng đồng gồm 3 tiểu hợp phần: - Giao thông nông thôn; - Thí điểm 8 thôn theo mô hình Saemaul Undong; - Đào tạo xây dựng nông thôn mới theo kinh nghiệm Saemaul Undong; - Hợp phần nâng cao năng lực trong Giáo dục, Y tế và Quản trị công. Hoạt động hợp tác giữa CAP và Chương trình Hạnh phúc thuộc tiểu hợp phần Đào tạo xây dựng nông thôn mới theo kinh nghiệm Saemaul Undong. Tiểu hợp phần này gồm 5 nhóm nội dung là: Xây dựng tài liệu; Tập huấn cán bộ tỉnh, huyện; Tập huấn cán bộ cấp xã; Tập huấn lãnh đạo cấp thôn; Thăm quan mô hình. Chương trình Hạnh phúc tỉnh Lào Cai áp dụng trên phạm vi 28 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Lào Cai, gồm: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa. Tổng mức đầu tư của chương trình là 610 tỷ đồng, cho 3 hợp phần chính là Phát triển cộng đồng, Nâng cao năng lực và Quản lý dự án – Hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, đánh giá. Theo báo cáo tại cuộc họp, đến 30/7/2016, chương trình đã giải ngân 128,3 tỷ đồng (vốn KOICA 92,9 tỷ đồng, vốn đối ứng 35,4 tỷ đồng). Đối với hợp phần 1, đã hoàn thành đổ bê tông 74,09 km/215,94 km đường giao thông nông thôn, đạt 34,4%; hoàn thành bộ khảo sát thiết kế các hạng mục cơ sở hạ tầng tại 8 làng thí điểm mô hình Seamaul Undong; tổ chức nhiều đợt tập huấn ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và các lớp về quản lý, sử dụng vốn tín dụng cho người dân. Hợp phần 2, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện và tỉnh, 100% học viên sau khóa tập huấn đạt yêu cầu và cấp chứng chỉ đào tạo; phổ biến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe cho người dân; tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Mông cho giáo viên, các khóa bồi dưỡng công chức lãnh đạo cấp phòng… Trong 5 tháng cuối năm 2016, Chương trình phấn đấu hoàn thành 215 km đường giao thông nông thôn; tiếp tục triển khai các hoạt động thí điểm 8 làng theo mô hình Seamaul Undong; tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn tinh thần Seamaul Undong tại 8 làng. Hợp phần nâng cao năng lực, phấn đấu hỗ trợ đào tạo đại học cho 75 bác sĩ, sau đại học cho 21 cán bộ y tế, tổ chức các đợt đào tạo ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống; khởi công xây dựng 3 khu ký túc xá, bồi dưỡng 2 lớp tiếng Mông và các lớp ngoại khóa…[3] Chương trình hạnh phúc tỉnh Quảng Trị (2014-2017). Tổng mức đầu tư của Chương trình là 11,6 triệu USD, trong đó Chính phủ Hàn Quốc (KOICA) viện trợ không hoàn lại là 9,67 triệu USD. Thời gian thực hiện từ năm 2014 - 2017 trên các lĩnh vực: phát triển nguồn nhân lực, y tế, xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng xanh, được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm thành công của Phong trào Làng mới (Saemaul Undong) của Hàn Quốc. Chương trình được triển khai thí điểm tại 7 xã: Vĩnh Thành (Vĩnh Linh), Hải Thượng (Hải Lăng), Triệu Trạch (Triệu Phong), Cam Thủy (Cam Lộ), Thuận (Hướng Hóa), Mò Ó (Đakrông) và Gio Phong (Gio Linh) của tỉnh Quảng Trị và được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm thành công của Phong trào Làng mới (Saemaul Undong) tại Hàn Quốc.[4] Tại tỉnh Thái Nguyên, Dự án Saemaul do Quỹ toàn cầu Saemaul tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc tài trợ thông qua hoạt động bảo lãnh của KOICA. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ phát triển cộng đồng khu vực nông thôn theo mô hình Làng mới Saemaul Undong của Hàn Quốc. Tại Thái Nguyên, Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Định Hóa từ năm 2014 đến nay với 3 mục tiêu chính: Cải thiện môi trường sống, thay đổi nhận thức và nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, Dự án đã cử 2 đoàn tình nguyện với 10 tình nguyện viên Hàn Quốc đến xóm Tổ, xã Phượng Tiến để giúp đỡ địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo mô hình Làng mới Saemaul Undong. Trong quá trình thực hiện Dự án, các tình nguyện viên Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ kinh phí hơn 900 triệu đồng xây dựng 876m đường giao thông nông thôn; hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa xóm; thành lập ngân hàng để giúp đỡ các hộ nghèo; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân… Sự giúp đỡ của KOICA về nguồn lực cùng với sự tham gia trực tiếp của các tình nguyện viên đến từ Hàn Quốc đã góp phần giúp cho đời sống kinh tế - xã hội của người dân xóm Tổ, xã Phượng Tiến có nhiều chuyển biến tích cực, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả khả quan…[5] Võ Hải Thanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc Nguồn: 1.http://www.hcma.vn/Home/Hop-tac-quoc-te/3046/Hoi-thao-khoa-hoc-tai-Han-Quoc 2.http://www.hcma.vn/Home/Hop-tac-quoc-te/2862/Khoi-dong-chuong-trinh-hop-tac-nghien-cuu-giua-Hoc-vien-Chinh-tri-quoc-gia-Ho-Chi-Minh-voi-Truong-Dai-hoc-Yeungnam-Han-Quoc 3.http://www.hcma.vn/Home/Hop-tac-quoc-te/2477/Doan-can-bo-Hoc-vien-tham-du-Dien-dan-Saemaul-Undong-toan-cau-tai-Han-Quoc 4.http://hcmussh.edu.vn/?ArticleId=f5b460c5-480c-49e5-a917-e96586dd3a22 5.http://baothainguyen.org.vn/trang-in-239170.html 6.http://cohoigiaothuong.vn/chi-tiet/Thong-tin-dau-tu/KOICA-ho-tro-Quang-Tri-25-trieu-USD-xay-dung-nong-thon-moi/9703 7.http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/chia-se-kinh-nghiem-phong-trao-lang-moi-cua-han-quoc-z36n20150810143715074.htm 8.http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&News=9299&CategoryID=7 9.http://world.kbs.co.kr/vietnamese/archive/program/program_kpanorama.htm?no=10038987¤t_page=4 10.http://www.doanhnhansaigon.vn/thoi-su-quoc-te/han-quoc-xuat-khau-mo-hinh-saemaul/1085627/ [1] http://vov.vn/kinh-te/trien-khai-chuong-trinh-hanh-phuc-bang-nguon-von-oda-han-quoc-382082.vov [2] http://cap.gov.vn/news/tID497_Dao-tao-lanh-dao-cong-dong-xay-dung-nong-thon-moi-theo-kinh-nghiem-Phong-trao-lang-moi-cua-Han-Quoc.html [3] http://www.baolaocai.vn/kinh-te/danh-gia-ket-qua-chuong-trinh-hanh-phuc-z3n20160811151758014.htm [4] http://www.vietnamplus.vn/quang-tri-xay-dung-cuoc-song-moi-theo-mo-hinh-han-quoc/306560.vnp [5] Nguyên Ngọc, http://baothainguyen.org.vn/trang-in-239170.html