Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


KINH ĐÔ QUA CÁC TRIỀU ĐẠI Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Seoul, thành phố nằm bên bờ Sông Hàn được biết đến là thủ đô của Hàn Quốc. Đây là một thành phố cổ, từng là kinh đô của Baekje (Bách Tế:18 TCN – 660) và Triều đại Joseon (Triều Tiên:1392-1910).Tuy nhiên, trước khi Seoul được chọn làm thủ đô như ngày nay, trong lịch sử Hàn Quốc, ngay cả khi bán dảo Hàn chưa thống nhất thành một khối mà chia thành các nước nhỏ, có rất nhiều nơi được chọn là kinh đô của Hàn Quốc. Khi viết về kinh đô qua các triều đại, trong sách Dung Trai tùng thoại của Seong Hyen (Thành Hiện) có v­­­­iết:

Nơi được xây dựng kinh đô ở Hàn Quốc không phải chỉ có một hai nơi.Kim Hae (Kim Hải) dưới thời nước Kum Kwan (Kim Quan), Sang Ju (Thượng Châu) của nước Sa Dae (Sa Đại), Nam Won (Nam Nguyên) của nước Dae Bang (Đới phương), Gang Neung (Giang Lăng) dưới thời nước Im Yeong (Lâm Doanh),  Chun Cheon (Xuân Xuyên) là thủ đô của nước Ye Meak (Tuế Mạch). Tất cả đều phân chia biên giới và hùng cứ một phương trong những vùng đất chật hẹp, nhưng xem ra, ta cũng không biết hết được những nơi giống như các ngôi làng nhỏ (Tiểu ấp) bây giờ.

Gyeong Ju (Khánh Châu) còn gọi là Dong Gyeong (Đông Kinh), là kinh đô ngàn năm của Shilla. Vùng đất này có núi sông bao quanh và cũng là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Gyo Cheon (Giao Xuyên) có những dòng sông uốn khúc quanh co đáng để đến chơi và phần còn lại thì không có chỗ nào tốt và nổi bật cả. Pyeong Yang (Bình Nhưỡng) với tư cách là kinh đô của của Giaja (Cơ Tử) đến tận bây giờ rõ ràng vẫn còn  quản lý bằng Bát điều [1] theo chế độ  Tỉnh điền [2]. Những vùng đất ngoài kinh đô (ngoại thành) ngày nay đều chịu ảnh hưởng của điều này. Sau này, Wi Man (Vệ Mãn) người nước Yên chiếm đóng vùng đất đó và nó trở thành kinh đô của Koguryeo. Phía Nam biên giới quốc gia này kéo dài đến sông Hàn (Hán giang), phía Bắc tiếp giáp với Yo Ha (Liêu Hà), là quốc gia hùng mạnh mạnh nhất với đội quân lên đến hàng trăm ngàn người. Koryeo đã đặt nơi này là Seo Kyeong (Tây Kinh), nhà vua thường lui tới nơi này vào mùa xuân, mùa thu và coi đây như là vùng đất tuần du. Đến tận bây giờ, di sản để lại phong phú nhất chính là những phong tục lâu đời. Chùa Yeong Myeong (Vĩnh Minh tự) vốn là cung Guje (Cửu thê cung) của Dong Myeong Wang (Đông Minh Vương) nên có cả động Kỳ lân (Kỳ lân quật) và núi đá chầu trời (Triều Thiên thạch). Điện Yeong Seung (Vĩnh Sùng điện) được chọn làm cung Jang Rak (Cung Trường Lạc) của Koryeo. Núi bảo vệ (Trấn sơn) cho Bình Nhưỡng chính là núi Keum Soo (Cẩm Tú Sơn). Đỉnh núi cao nhất chính là đỉnh núi Mẫu đơn (Mẫu đơn phong), nhưng nó vốn là một ngọn núi nhỏ nên không hùng vĩ bằng đỉnh núi Juak (Chủ Nhạc) của Songdo (Tùng đô), Hando (Hán đô). Phía Bắc không có nước nên không có gì trở ngại khi quân Mông Cổ chiếm đóng. Phía Nam có sông bao quanh, có điều đáng tiếc là Myo Cheong (Diệu Thanh) đã chiếm khu vực này và dựng thành chống lại triều đình. Cổng thành (Thành môn) lớn và lầu gác (lầu các) rộng, phía đông có cửa Dae Dong (Đại đông môn), cửa Jang Gyeong (Trường Khánh môn). Phía Nam có cửa Ham Gu (Hàm Cầu môn), cửa Jeong Yang (Chính Dương môn). Phía Tây có của Botong (Phổ Thông môn) và phía Bắc có cửa Chin Seong (Thất Tinh môn). Trong số tám kinh đô (Bát đô), chỉ duy nhất có kinh đô này đáng để so sánh với kinh đô lớn (Đại đô)[3]. Phía Đông, dưới núi Gulyeong (Cửu Long sơn) 10 dặm, người ta có xây cung An Ha (An Hạ Cung). Không biết nó được xây từ thời nào nhưng nơi này cỏ vẻ giống như cung điện đặc biệt (Biệt cung).

Seong Cheon (Thành Xuyên) cũng từng là kinh đô của nước Seong Yang (Tùng Nhưỡng). Ngày xưa, Gangdong (Giang Đông) được gọi là Yangkuk (Nhưỡng Quốc). Địa thế hẹp nên cảnh đáng xem ở đây chỉ có sông núi.Thành Yong Kang San (Long Cương sơn thành) là đồ sộ nhất, đến tận ngày nay, do vị thế thành cao nên không bị đổ. Tất cả những điều vừa nêu được gọi là nước Yong Kwan (Long Quan quốc), không ai có thể biết được người ta căn cứ vào đâu mà gọi như vậy.

Bu Yeo (Phù Dư) từng là kinh đô của Baek Je (Bách Tế). Ngày nay, phía trong Tan Hyeon (Than Hiện) vẫn còn lưu lại dấu tích của Ban Wol Seong (thành Bán Nguyệt). Baek Ma Kang (sông Bạch Mã) giống một cái hào vừa nông vừa hẹp, không xứng là nơi ở của bậc vương giả. Tô Định Phương[4] đã xâm nhập và tiêu diệt Phù Dư. Kyeon Hwon (Tuyên Huyên) chiếm Jeon Ju (Toàn châu), không lâu sau đó thì đầu hàng Koryeo (Cao Ly). Cho đến tận ngày nay, Phù Dư vẫn còn lưu lại những phong tục của một cố đô.

Cheol Won (Thiết Nguyên) từng là nơi bị Kung Ye (Cung Duệ) chiếm giữ và lập ra Tae Bong Kuk (nước Thái Phong). Hiện nơi đây vẫn còn những bậc thang của cung điện và di tích Jung Seong (Trọng thành) và cứ đến mùa xuân, hoa cỏ lại đua nhau nở. Địa thế ở đây do bị ngăn cách nên vận tải đường thủy gặp khó khăn. Chỉ có Song Do (Tùng Đô) là mảnh đất dựng nên vương nghiệp 500 năm của dòng họ Wang (Vương). Đỉnh núi Hộc (Hộc phong) được coi là đỉnh núi chủ (Chủ nhạc) và mạch đất rẽ ra. Về địa thế, đây chỉ là một ngọn núi nhỏ so với những thế núi ở khu vực xung quanh. Nơi đây, mây trời quang đãng, dòng nước trong xanh, đáng là nơi đến thưởng ngoạn. Sau thời Gojong (Cao tông), do phải chuyển đến Kang Hwa (Giang Hoa) là một hòn đảo nhỏ ở giữa biển nên không thể gọi là kinh đô được.

Thái tổ khai quốc và muốn dời đô, lúc đầu, ngài xem địa thế phía Nam Kye Ryong San[5] (núi Kê Long) và áng chừng quy mô của kinh ấp nhưng sau đó lại đổi ý và quyết định dựng đô ở Han Yang (Hán Dương). Ngài chọn Hán Dương do nghe theo lời những thầy phong thủy. Họ nói rằng: “Kong Am (Khổng Nham) trước đây đã từng phán, Yeong Seo Yeok (Nghênh thự dịch) phía Tây Sam Kak San (núi Tam Giác) là nơi đắc địa. Sau này, ngài lại một lần nữa quan sát nơi đây và tuyên bố rằng, phía Nam Baek Ak San[6] (núi Bạch Nhạc) và phía Bắc Mok Myeok San[7] (núi Mộc Mịch) là vùng đất của vạn thặng[8] đế vương, nơi đồng hành với trời đất, không có sự kết thúc”. Tương truyền, “Song Kyeong (Tùng kinh) có địa thế được bao bọc bởi núi và thung lũng nên hình thành nhiều thái ấp của quyền thần địa phương, Han Do (Hán đô) có địa thế phía Tây Bắc cao, phía Đông Nam thấp nên không phát về đằng con trưởng mà phát về đằng con thứ. Chính vì vậy, cho đến tận ngày nay, những người kế thừa vương vị, những tể tướng, công khanh nổi tiếng phần nhiều đều là con thứ”.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

Seong Hyen, Dung Trai tùng thoại; Hong Sun–sik chuyển ngữ sang tiếng Hàn hiện đại; Nxb Tri thức tạo nên tri thức, Seoul, Hàn Quốc, 2009.



[1] Bát điều: Dùng để nói tới 8 điều luật cấm được thi hành vào thời KoJoseon.

[2] Tỉnh điền: Là chế độ về ruộng đất của nước Trung Quốc cổ đại. Người ta quy hoạch đất nông nghiệp theo mô hình Cheong (Tỉnh). Chia thành 8 khu quy hoạch bên ngoài, trong các khu này, 8 nhà sẽ canh tác và ở khu vực trung tâm sẽ đặt ra mức thuế dựa trên mức độ canh tác chung của 8 nhà.

[3] Kinh đô lớn: Ở đây nói tới Han Yang (Hán Dương).

[4] Tô Định Phương (595-667): một vị tướng của nhà Đường, Trung Quốc. Tên là Liệt, tự là Định Phương. Vào năm thứ 5 niên hiệu Hiển Khánh (tức năm 660), với tư cách là Đại tổng quan liên quân La Đường, Tô Định Phương đã chiếm được Sa Bi Seong (thành Tứ Bỉ) của Bách Tế và bắt sống Thái tử Yung (Long) cùng Ui Ja Wang (Nghĩa Từ Vương).

[5] Ngọn núi ở Kong Ju, Chung Nam.

[6] Ngọn núi ở phía Bắc kinh đô.

[7] Cách gọi tên những ngọn núi ở phía Nam thuộc khu vực Song Do, kinh đô.

[8] Vạn thặng: một vạn binh xa (xe quân sự); chỉ vị trí của Thiên tử.


Scroll To Top