VẤN ĐỀ LỊCH SỬ NHẬT – TRUNG – HÀN NGÀY CÀNG ĐƯỢC CHÍNH TRỊ HÓA
Đăng ngày:
Hàn Quốc: Quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye về “Nhận thức đúng đắn lịch sử” Theo tin tức của truyền thông Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ B. Obama đã phát biểu: “Để khu vực Đông Bắc Á thực sự hòa bình, Nhật Bản cần phải có nhận thức sâu sắc về lịch sử”. Đồng thời, tại phiên họp chung của cả Thượng viện và Hạ viện thuộc Quốc hội Mỹ, Tổng thống Park đã có bài phát biểu, trong đó chỉ ra: “Sự phụ thuộc giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á không ngừng được nâng cao, nhưng sự đối lập trong vấn đề lịch sử lại ngày càng gia tăng. Nếu thiếu nhận thức sâu sắc về lịch sử thì sẽ không có tương lai”. Tổng thống Park Geun-hye cân nhắc liệu có cần phải đề cập đến vấn đề nhận thức lịch sử của Nhật Bản và Hàn Quốc tại Mỹ hay không? Bà ấy dự định sẽ khuyên nhà lãnh đạo Mỹ từ bỏ đồng minh Nhật – Mỹ không? Tác giả Shiraishi Takashi cảm thấy rất phân vân về điều này. Tuy nhiên, vấn đề mà Tổng thống Park Geun-hye gọi là “sự nhận thức đúng đắn về lịch sử” chính là sự nhận thức lịch sử trong chủ trương của chính phủ Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong "Tuyên bố chung của Nhật Bản và Hàn Quốc – hướng tới quan hệ đối tác Nhật – Hàn theo mô hình mới vào thế kỷ XXI” năm 1998 đã thể hiện quan điểm, lập trường của cả hai bên. “Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, để xây dựng một quan hệ hợp tác láng giềng tốt và thân thiện ổn định trong thế kỷ XXI, Nhật Bản và Hàn Quốc phải trực tiếp đối diện với quá khứ, tiếp tục phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ dựa trên lòng tin giữa hai nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng”. “Thủ tướng Obuchi nói, nhớ lại mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong thế kỷ này, Nhật Bản trong giai đoạn thống trị thực dân, đã gây ra những tổn thất và thương đau lớn cho người dân Hàn Quốc, chúng ta cần phải khiêm nhường nhận thức sự kiện lịch sử này, bày tỏ sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành”. “Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung chân thành chấp nhận lời xin lỗi và khẳng định Thủ tướng Obuchi đã có sự nhìn nhận đúng về lịch sử, đồng thời ông cho biết, hai nước nên cùng nhau cố gắng vượt qua giai đoạn lịch sử khó khăn, tiếp tục phát triển mới quan hệ kiểu mẫu tương lai dựa trên sự hòa giải và hợp tác láng giềng hữu nghị. Đó chính là yêu cầu của thời đại”. Hơn nữa, dựa trên nhận thức chung đạt được giữa Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun vào năm 2001, giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2010, với sự tham gia của các chuyên gia lịch sử nổi tiếng của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước đã phối hợp thực hiện hợp tác nghiên cứu chung Nhật Bản và Hàn Quốc và đã đưa ra được các công trình báo cáo. Có thể thấy, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nhận thức sâu sắc về vấn đề lịch sử. Nhật Bản: Vấn đề nhận thức lịch sử liên quan đến đền Yasukuni Ngày 21 tháng 4, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã có chuyến thăm đến đền Yasukuni trong lễ hội mùa xuân. Bởi vì Phó Thủ tướng Taro Aso trước đây luôn có chủ trương không ủng hộ các nghi lễ diễn ra ở đền Yasukuni, vì vậy, chuyến thăm lần này của ông khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe đã nói rằng: “Ông lấy làm tiếc khi chưa thể đến viếng thăm đền Yasukuni trong nhiệm kỳ Thủ tướng lần trước”, lần này “người bạn đồng minh” của ông là Phó Thủ tướng Taro Aso đến thăm đền Yasukuni không thể là “hành động tự phát của thành viên nội các”, mà chỉ có thể là đã nhận được sự ủng hộ. Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ ý kiến của mình với các thành viên nội các đến thăm đền Yasukuni: “Thể hiện sự thành kính trước anh linh của những người đã hy sinh cuộc sống của họ cho đất nước là một việc nên làm và tự nhiên. Các thành viên Nội các chính phủ sẽ không đầu hàng trước bất kỳ mối đe dọa nào. Sự tự do đó cần nhận được sự ủng hộ”. Đối với một bộ phận người Nhật Bản, trong vấn đề nhận thức về lịch sử, họ đã có cái nhìn đổi mới hơn, cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ. Các chính trị gia cũng lên tiếng nhiều hơn, vấn đề lịch sử thì ngày càng được chính trị hóa. Ngoài ra, nếu Phó Thủ tướng, các thành viên chính phủ thuộc Nội các của ông Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni, xu hướng chính trị hóa vấn đề này sẽ ngày càng gia tăng hơn nữa. Như bản thân Thủ tướng Shinzo Abe cuối cùng cũng chỉ ra rằng, vấn đề nhận thức lịch sử nên để cho các nhà sử học giải quyết. Đồng thời cũng không nên quên lời nói và hành động của lãnh đạo Nhà nước cũng như các chính trị gia về vấn đề lịch sử đang làm tổn hại đến niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Nhật Bản. Ngoài ra, đối với một chính phủ mà nói, nếu hy vọng thực hiện hành động tiến bộ hơn nữa thì nên lựa chọn những người ngay thẳng, nổi tiếng quốc tế để trở thành người bình luận, xây dựng các công trình nghiên cứu lịch sử liên quan đến các vấn đề như thống trị thực dân, chiến tranh, cách mạng và phản cách mạng ở Châu Á vào thế kỷ XX, khuyến khích mở rộng hoạt động nghiên cứu. Các công trình này cần phải coi việc “các chuyên gia sau khi bình luận thì kết quả nghiên cứu đó phải được công bố trên các tạp chí khoa học” là điều kiện đầu tiên và cần phải dịch ra ít nhất 3 ngôn ngữ trong các tiếng: Anh, Nhật, Hàn, Trung. Trung Quốc: “Nhân dân Nhật báo” đăng bài viết liên quan đến vấn đề đảo Okinawa Ở Trung Quốc, tờ báo chính thức của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc “Nhân dân Nhật báo” đã đăng bài viết: Bàn luận về “Hiệp ước Mã Quan và vấn đề đảo Điếu Ngư” của hai tác giả là Trương Hải Bằng - Ủy viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và Lý Quốc Cường - nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu lịch sử địa lý Trung Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Bài viết này dựa trên một số tài liệu tham khảo chính như: “Luận điểm về vấn đề sở hữu quần đảo Senkaku” (Thư viện quốc gia, năm 2007) giúp cho việc tóm tắt lại quan điểm riêng, tuyên bố rằng Nhật Bản đã chiếm quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư), và thông qua Hiệp ước Shimonoseki (Trung Quốc gọi là "Hiệp ước Mã Quan") đã thực hiện "hợp pháp hóa" hành động này, nhưng Trung Quốc từ lâu đã coi Điếu Ngư thuộc sự quản lý của Đài Loan, đã thực hiện quản lý lâu dài và có hiệu quả quần đảo này. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, bài viết trên của hai tác giả đã mở ra những “bí mật” mới về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và vấn đề “nhận thức lịch sử” của Trung Quốc. Đây là lý do tại sao bài viết này được quan tâm rất nhiều ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Dưới đây giới thiệu một phần nội dung của bài viết này. Nội các Nhật Bản bí mật đặt đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới sự quản lý của tỉnh Okinawa, có liên quan đến chiến tranh Trung-Nhật và cũng liên quan đến “cơ sở Okinawa” của Nhật Bản. Okinawa là nơi ở của Vương quốc Lưu Cầu. Vương quốc Lưu Cầu là một nước độc lập, là một nước chư hầu của Trung Quốc dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Sau Minh Trị Duy Tân, đã xảy ra sự kiện Nhật Bản xâm chiếm Lưu Cầu, Triều Tiên và Trung Quốc. Năm 1875, Thiên hoàng Nhật Bản ép buộc Lưu Cầu phải cắt đứt quan hệ với triều đại nhà Thanh. Năm 1879, chính phủ Nhật Bản thôn tính Vương quốc Lưu Cầu và đổi tên thành tỉnh Okinawa. Nhà Thanh kiên quyết phản đối, giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã mở ra các cuộc đàm phán liên quan đến Okinawa. Năm 1895, “Hiệp ước Shimonoseki” (Hiệp ước Mã Quan) được ký kết, theo đó, Đài Loan và các đảo trực thuộc (bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư), quần đảo Bành Hồ, Okinawa đã bị Nhật Bản chiếm giữ. Năm 1941, chính phủ Trung Quốc tuyên chiến với Nhật Bản, xóa bỏ "Hiệp ước Mã Quan". Nhật Bản chấp nhận những quy tắc trong "Tuyên bố Cairo", "Tuyên bố Potsdam" để giải quyết vấn đề sau chiến tranh. Theo các quy tắc này, không chỉ Đài Loan và các đảo liên quan (bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư), quần đảo Bành Hồ phải trả về cho Trung Quốc, mà vấn đề Okinawa cũng cần phải xem xét lại. Quan điểm đó chính là: Vương quốc Lưu Cầu trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh là một nước chư hầu của "Trung Quốc". Sau khi Nhật Bản nhận được sự “quản lý” đối với Lưu Cầu đã đổi tên thành tỉnh Okinawa, vấn đề chủ sở hữu Okinawa vẫn chưa được giải quyết giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Mặc dù Nhật Bản thông qua Hiệp ước Shimonoseki để “lấy” Okinawa, nhưng Trung Quốc đã xóa bỏ Hiệp ước này vào năm 1941. Nhật Bản đã chấp nhận các quy định trong "Tuyên bố Cairo” và "Tuyên bố Potsdam” để giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh. Tuy nhiên, trong "Tuyên bố Potsdam" đề cập đến "chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và một số hòn đảo nhỏ khác”, trong đó có nói đến “hòn đảo nhỏ khác” cũng đã bao gồm cả Okinawa. Vì vậy, vào năm 1972, Mỹ đã trao trả Okinawa về cho Nhật Bản kiểm soát. Về vấn đề này, bài viết Bàn luận về “Hiệp ước Mã Quan và vấn đề đảo Điếu Ngư” chưa đề cập tới. Đối với việc nhận thức lịch sử của Trung Quốc với Triều Tiên và Hàn Quốc, tác giả Shiraishi Takashi đã giới thiệu tác phẩm “Hướng tới con đường toàn cầu hóa của Trung Quốc – 150 năm ngoại giao Trung Quốc” (năm 2009) của Shin Kawashima và Maori. Qua đó, tác giả kết luận rằng: Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các hình thức khác nhau với Hàn Quốc và Nhật Bản, lựa chọn việc nghiên cứu lịch sử có lợi cho mục đích chính trị của mình. Shiraishi Takashi[1] Người dịch: Diễm Huyền Nguồn: http://www.nippon.com/cn/editor/f00020/ [1] Shiraishi Takashi là Hiệu trưởng Đại học học viện nghiên cứu chính sách, Tổng biên tập của trang điện tử Nippon.com, là Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Châu Á thuộc tổ chức phát triển ngoại thương Nhật Bản (JETRO). Ông sinh năm 1950. Năm 1974, ông bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Tokyo. Năm 1977, Takashi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Cornell (Mỹ). Takashi đã từng đảm nhiệm vị trí Giảng viên chuyên ngành nghiên cứu Châu Á thuộc khoa Lịch sử của Đại học Cornell, Giảng viên trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto. Từ năm 2005, ông đảm nhiệm vị trí giảng dạy tại Đại học học viện nghiên cứu chính sách. Từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2013, Takashi là thành viên hội nghị khoa học kỹ thuật tổng hợp của nội các chính phủ. Một số tác phẩm tiêu biểu của Takashi: “Cường quốc biển – Suy nghĩ về trường hợp của Châu Á” (năm 2000), “Cường quốc và những hạn chế: Mỹ - Đông Á – Nhật Bản” (năm 2004)…