Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHÂN DUNG BA VỊ NỮ VƯƠNG CỦA HÀN QUỐC TRONG LỊCH SỬ (Phần 1)

Đăng ngày:

Ngày 25/2/2013 vừa qua, bà Park Geun -hye đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể nhân dân Hàn Quốc và chính thức trở thành tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc. Báo chí hết lời ca ngợi, bà không chỉ là nữ tổng thống đầu tiên mà còn là một nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á.

Trên thực tế, nếu tính từ thời cổ đại đến nay, bà Park Geun-hye không phải là nữ nguyên thủ đầu tiên của Hàn Quốc mà trước bà đã có tới ba vị nữ vương từng được mệnh danh là “Tam thánh nữ vương”, cai trị vương quốc Tân La – một quốc gia thời cổ đại của Hàn Quốc.  Họ cũng từng là những vị vua đa tài, nắm quyền điều hành, cai trị đất nước.

1. SEON DEOK YEO WANG (THIỆN ĐỨC NỮ VƯƠNG)

Thiện Đức vương (? - 647), là vị vua thứ 27 của Tân La (57TCN-935CN) và là vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Bà tên thật là Deok Man (Đức Mạn), tên thụy là Seon Deok Yeo Dae Wang (Thiện Đức Nữ Đại Vương), họ Kim, con gái[1] của Jin Byoung Wang (Chân Bình Vương) và phu nhân Ma Ya (Ma Da).

Chân Bình Vương không có con trai, nên ngay sau khi vua cha băng hà bà đã được chọn làm Thế nữ kế vị, bởi bà là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, thông minh, đức hạnh. Bà lên ngôi vào năm Nhâm Thìn, năm thứ 6 niên hiệu Trinh Quán (tức năm 632) và trị vì đến năm 647.

Năm 632, ngay sau khi lên ngôi, bà đã thực thi nhiều chính sách có lợi cho dân cho nước, tạo được niềm tin yêu từ bách tính như: phái các quan tới các địa phương động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn: người góa bụa, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa; ra chiếu giảm thuế cho các châu, quận trong cả nước trong vòng một năm; lập Cheomseongdae (Chiêm tinh đài) để dân chúng thuận tiện trong việc canh nông. Năm 634, bà tự đổi niên hiệu đất nước từ thời vua cha Chân Bình Vương (584-633) là Geon Bok (Kiến Phúc) thành Inpyeong (Nhân Bình) và sử dụng niên hiệu đó suốt từ năm 634 cho đến hết thời gian trị vì.

Thiện Đức nữ vương còn là người rất sùng đạo Phật và có nhân duyên dựng chùa, vì chỉ vài năm sau khi lên ngôi, bà đã hoàn thành việc dựng chùa Bunhwang (Phấn Hoàng) năm 634, dựng chùa Young Myo (Linh Diệu) năm 635, tiếp đến là xây tháp 9 tầng ở chùa Hoàng Long thể hiện ý chí bảo vệ đất nước, ngăn chặn sự xâm lược của 9 nước xung quanh lúc bấy giờ.

Dưới thời Thiện Đức vương trị vì, mối quan hệ hòa hảo với nhà Đường được mở rộng và giữ vững hơn bao giờ hết. Hàng năm, bà đều cử sứ thần sang nhà Đường học hỏi lễ giáo, xây dựng mối quan hệ triều cống và duy trì nó trong suốt thời gian trị vì. Mối quan hệ đồng minh, hữu hảo với nhà Đường của bà còn được thể hiện bằng việc gửi 3 vạn quân sĩ giúp Đường Thái Tông trong cuộc tấn công Cao Cú Lệ năm 645. Bà được Thái Tông nhà Đường phong là Tân La vương quận công Lạc Lãng Trụ Quốc.

Từ năm 642 trở đi, chiến tranh với các nước láng giềng như Bách Tế, Cao Cú Lệ xảy ra triền miên. Song, nhờ sự thông minh, tài trí trong việc điều binh khiển tướng cùng sự khéo léo dùng uy nhà Đường của Thiện Đức vương mà tất cả các cuộc tấn công, xâm lược của các nước láng giềng đều bị đẩy lùi, thậm chí quân đội của Tân La còn giành lại được các phần lãnh thổ bị chiếm trước đó.

Sinh thời, Thiện Đức nữ vương là người thông minh, đức hạnh, tài trí hơn người, được dân chúng hết lòng kính mến, nên có nhiều truyền thuyết ca tụng bà như truyền thuyết về Ji Gwui (Chí Quý) hay Ba điều tiên đoán của Thiện Đức nữ vương.

 

Phan Thị Oanh

Tài liệu tham khảo:

-         Tam quốc di sự

-         Tam quốc sử ký

-         https://ko.wikipedia.org

-         http://encykorea.aks.ac.kr/Contents/Index?contents_id=E0054630

http://www.subkorea.com/education/history/hist/shin/28.htm



[1] Tam quốc sử ký chép bà là con gái lớn, Tam quốc di sự lại chép bà là con gái thứ hai của Chân Bình Vương và phu nhân Ma Da.


Scroll To Top