SƠ LƯỢC VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUỐC GIA CỔ ĐẠI TRÊN BÁN ĐẢO HÀN
Đăng ngày:
1. Go Chosun (Triều Tiên cổ) – quốc gia cổ đại đầu tiên trên bán đảo Hàn Go Chosun (Triều Tiên cổ) là quốc gia cổ đại đầu tiên của dân tộc Hàn, được hình thành dựa trên nền tảng văn hóa thời kỳ đồ đồng. Triều Tiên cổ trải qua những thay đổi về mặt chính trị và văn hóa từ Dangun Chosun (Đàn Quân Triều Tiên) đến Kija Chosun (Cơ Tử Triều Tiên) và cuối cùng là Wiman Chosun (Vệ Mãn Triều Tiên). 1.1. Dangun Chosun (khoảng từ năm 2333 TCN – năm 1122 TCN) Dangun (Đàn Quân) thống nhất các bộ tộc ở phía Tây Bắc bán đảo Hàn và vùng Yoryeong Manju (Liêu Ninh Mãn Châu) rồi dựng lên nước Go Chosun (Triều Tiên cổ). Một số sách sử cũng có đề cập tới sự kiện này. Sách Ngụy thư [1] ghi rằng: “2000 năm trước, có Dangun Wangkeom (Đàn Quân Vương Kiệm) lập đô ở A Sa Dal (A Tư Đạt), đặt tên nước là Chosun (Triều Tiên), cùng thời với vua Cao Nghiêu (Trung Quốc). Sách Cổ ký ghi rằng: Dangun Wangkeom (Đàn Quân Vương Kiệm) lên ngôi vua vào năm Canh Dần đời Đường Cao Nghiêu năm thứ 50[2]. Ngài lập kinh đô ở Pyeong Yang (Bình Nhưỡng), đặt tên nước từ đầu là Chosun (Triều Tiên), sau lại dời đô về A Tư Đạt vùng núi Bạch Nhạc. Ngài cai trị đất nước ở Beak Ak San (núi Bạch Nhạc) 1500 năm. 1.2. Kija Chosun (khoảng từ năm 1122 TCN – năm 194 TCN) Sách Cổ ký ghi rằng: Chu Vũ Vương lên ngôi năm Kỷ Mão và phong đất Triều Tiên cho Kija (Cơ Tử). Đây được coi là thời kỳ Kija Chosun (Cơ Tử Triều Tiên). Tuy nhiên, thời kỳ này được nhận định là khó có thực trong lịch sử nên đa số các học giả thời hiện đại đều loại bỏ thời kỳ Cơ Tử Triều Tiên ra khỏi lịch sử Triều Tiên cổ. 1.3. Wiman Chosun (khoảng từ năm 194 TCN – 108 TCN) Vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, Wiman (Vệ Mãn) hình thành thế lực ở vùng phía Tây, đánh đuổi Joon Wang (Chuẩn Vương) rồi trở thành vua của nước Triều Tiên cổ (năm 194 TCN). Sau khi thống nhất các bộ tộc xung quanh rồi nhanh chóng mở rộng thế lực của mình, Triều Tiên cổ trở nên cường thịnh và có ý chống đối nhà Hán. Nhà Hán đưa quân sang tấn công và Triều Tiên cổ bị diệt vong vào năm 108 TCN. Sau khi bình định được Triều Tiên, nhà Hán đặt bốn quận là Chin Beon (Chân Phan), Im Doon (Lâm Đồn), Nak Rang (Lạc Lãng), Hyeon To (Huyền Thố). 2. Các quốc gia mới Bước vào thời kỳ đồ sắt[3], việc chuyên môn hóa công việc và phân tầng giai cấp trong xã hội trở nên rõ nét hơn. Thời kỳ này, bộ tộc nào giỏi sử dụng đồ sắt thì có khả năng tăng cường thế lực của mình và phát triển thành một quốc gia. Theo đó, ở Mãn Châu và phía Bắc cũng như phía Nam bán đảo Hàn xuất hiện các quốc gia mới. 2.1. Sự xuất hiện của các quốc gia mới Các quốc gia mới bao gồm: Buyeo (Phù Dư) và Goguryeo (Cao Cú Lệ) ở vùng Mãn Châu; Okjeo (Ốc Thư) và Dongye (Đông Uế) ở bờ biển Đông Hải, phía Bắc bán đảo Hàn và Tam Hàn (gồm Mã Hàn, Thìn Hàn, Biện Hàn) phát triển ở vùng phía Nam bán đảo Hàn. Ma Han (Mã Hàn) gồm 54 nước nhỏ. Hai nước Jinhan (Thìn Hàn) và Byeonhan (Biện Hàn) mỗi nước có 12 thuộc quốc.[4] Sách Thông điển ghi rằng: “Dân Triều Tiên phân tán, chia thành hơn bảy mươi nước, tất cả các nước này đều có lãnh thổ bốn phương hàng trăm dặm”. Sách Hậu Hán thư[5] chép: “Tây Hán lúc đầu chia Triều Tiên ra làm 4 quận, sau đó đặt hai phủ. Luật pháp ngày càng phức tạp, chia thành bảy mươi tám nước, mỗi nước một vạn hộ. Mã Hàn ở phía Tây, có khoảng 54 ấp nhỏ và mỗi ấp được gọi là một nước. Thìn Hàn ở phía Đông, có 12 ấp nhỏ, cũng gọi là nước. Còn Biện Hàn ở phía Nam, có 12 ấp nhỏ, mỗi ấp đều gọi là nước”. Sách Tiền Hán thư chép: “Năm thứ 5 niên hiệu Thủy Nguyên đời vua Chiêu Đế, tức năm Kỷ Hợi (năm thứ 82 trước Công nguyên) đặt hai ngoại phủ là đất Triều Tiên xưa”. Cụ thể là Pyung Na (Bình Na) và Huyền Thố thuộc về Bình châu đô úy phủ, Lâm Đồn và Lạc Lãng thì thuộc về quận thứ hai gọi là Đông bộ đô úy phủ. Trong Triều Tiên truyện có ghi 4 quận là Chân Phin, Huyền Thố, Lâm Đồn, Lạc Lãng, còn ở đây thì ghi Bình Na mà không có Chân Phiên nên có thể là một địa danh có hai tên”. 2.2. Cơ cấu chính trị của các quốc gia mới Theo quá trình phát triển, mỗi nước có cơ cấu tổ chức chính trị đặc thù của riêng mình. Phù Dư và Cao Cú Lệ là liên minh vương quốc, gồm tập hợp của nhiều bộ tộc. Ở Phù Dư, dưới vua có các chức quan, như: Maka (Mã gia), Wooka (Ngưu gia), Jeoka (Trư gia), Guka (Cẩu gia)... Cao Cú Lệ được hình thành bởi liên minh 5 bộ tộc, theo đó, ở giai đoạn đầu, sức mạnh tập trung trong tay các tộc trưởng nên quyền lực nhà vua không lớn. Ở Ốc Thư và Đông Uế, người cầm quyền không sử dụng danh xưng là “wang” (vương) mà được gọi là Eupgun (Ấp quân) hay Samno (Tam lão). Ở Tam Hàn, mỗi một nước nhỏ đều có người đứng đầu điều hành chính sự, gọi là Eupcha (Ấp tá). Ngoài người lãnh đạo về chính trị còn có chủ tế là người chuyên cai quản các nghi thức tế lễ. 2.3. Pháp luật và phong tục của các quốc gia mới Mỗi nước đều có tập quán xã hội, tín ngưỡng tôn giáo và pháp luật riêng. Để duy trì xã hội, các nước đều có những điều luật cơ bản liên quan đến tội sát nhân, trộm cắp, ... giống luật của Triều Tiên cổ. Ở Phù Dư, có phong tục tuẫn táng hoặc chôn theo đồ tùy táng. Người Cao Cú Lệ rất coi trọng võ nghệ nên thường giỏi việc bắn cung, cưỡi ngựa; trong nước thường tổ chức những cuộc thi săn bắn hoặc đấu vật để rèn luyện thân thể. Ngoài ra, ở Cao Cú Lệ còn có tục ở rể hay tục chôn vàng, bạc trong quan tài. Ngôn ngữ và phong tục của Ốc Thư và Đông Uế tương đối giống Cao Cú Lệ. Ở Ốc Thư, đất đai màu mỡ, nghề nông phát triển nên thường phải cống nạp những đặc sản như vải gai, muối, hải sản... cho Cao Cú Lệ. Ở đây còn có tập tục đón con dâu từ khi còn nhỏ tuổi và tục chôn hài cốt của những người trong cùng một gia đình vào chung một nơi. Người Đông Uế rất coi trọng núi non, sông suối nên mỗi bộ tộc đều sở hữu những ngọn núi hoặc dòng suối riêng, nghiêm cấm người của bộ tộc khác ra vào. Nếu ai vi phạm thì phải bồi thường bằng trâu, bò, ngựa. Ở Đông Uế có luật lệ cấm những người trong cùng thị tộc kết hôn với nhau. Ở Tam Hàn, nghề nông rất phát triển, đặc biệt là trồng lúa. Ở Biện Hàn, việc sản xuất đồ sắt rất phát triển, họ thường bán sang Mã Hàn, các quận huyện của nhà Hán và Nhật Bản. Lương Hồng Hạnh Theo Lịch sử Hàn Quốc, Bộ giáo trình Hàn Quốc học số 1 SNU - VNU, Đại học Quốc gia Seoul/ Đại học Quốc gia [1] Sách Ngụy thư do Ngụy Thu thời Bắc Tề (550-577) soạn. [2] Đường Cao Nghiêu lên ngôi năm Mậu Thìn nguyên niên thì năm thứ 50 là năm Đinh Tỵ, không phải là năm Canh Dần, nghi là không đúng sự thực. [3] Đồ sắt bắt đầu phổ biến trên bán đảo Hàn vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN. Mới đầu, đồ sắt được sử dụng xen kẽ với đồ đồng rồi đến khoảng thế kỷ thứ 1 TCN, đồ sắt ngày càng trở nên phổ biến hơn. [4] Choi Ji Won (Thôi Chí Viễn) nói rằng: “Mã Hàn là Cao Cú Lệ, Thìn Hàn là nước Tân La”. [5] Sách do Phạm Hoa thời Nam Tống viết về lịch sử 196 năm của 12 hoàng đế Hậu Hán.