Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CÁC ĐIỀM BÁO VỀ SỰ DIỆT VONG CỦA VƯƠNG QUỐC BAEK JE (BÁCH TẾ)

Đăng ngày:

Chúng ta có thể tìm thấy các lời tiên tri cũng như điềm báo về sự kết thúc của thế giới trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại và Hàn Quốc cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Một trong những ví dụ điển hình cho nhận định đó là sự diệt vong của vương quốc Bách Tế (năm 18 TCN- năm 660).

Uija vương (Nghĩa Từ vương) là vị vua thứ 31 cũng là vị vua cuối cùng của vương quốc Bách Tế, lên ngôi và cai trị đất nước từ năm 641 đến năm 660. Ông không chỉ là vị anh hùng thao lược mà còn là một người con hiếu thuận với cha mẹ, một người anh em tốt. Tuy nhiên, sau khi lên ngôi năm Tân Sửu, năm thứ 15 niên hiệu Trinh Quán (tức năm 641), ông đã trở thành vị hôn quân, đam mê tửu sắc, bỏ bê công việc triều chính dẫn đến triều đình hỗn loạn, đất nước lâm nguy. Đó là nguyên nhân sâu xa mang tính lịch sử dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Bách Tế.

Hãy điểm qua một số chuyện kỳ lạ xảy ra trước khi Bách Tế bị diệt vong trong bộ sách "Tam quốc di sự" do nhà sư Nhất Nhiên biên soạn.

Vào năm Kỷ Mùi, năm thứ 4 niên hiệu Hiển Khánh (tức năm 659), ở O Hoi Sa (Ô Hội Tự) còn gọi là O Hap Sa (Ô Hợp Tự) của Bách Tế, bỗng xuất hiện một con ngựa xích thố cao lớn, chạy trên đường vòng quanh chùa suốt sáu canh giờ bất kể ngày hay đêm. Vào tháng hai, có rất nhiều con cáo chạy vào cung của Nghĩa Từ Vương, một con cáo trắng đến ngồi lên thư án của Tá Bình.

Vào tháng tư, gà mái trong cung Thái Tử giao phối với chim sẻ nhỏ. Vào tháng năm, ở bờ Sa Bi Kang (sông Tứ Bỉ), có một con cá lớn xuất hiện rồi chết, chiều dài khoảng 30 xích, tất cả những ai ăn con cá này đều chết. Vào tháng chín, cây hòe ở trong cung phát ra tiếng khóc như tiếng người, trên con đường phía Nam cung điện, có quỷ thần kêu khóc vào ban đêm.

Vào mùa xuân, tháng hai, năm Canh Thân, năm thứ năm niên hiệu Hiển Khánh (tức năm 660), nước giếng trong kinh thành bỗng chuyển sang màu đỏ máu, ở bờ biển phía Tây, nhiều con cá nhỏ chết nổi, trăm họ ăn mãi cũng không hết, nước sông Tứ Bỉ một màu đỏ máu.

Vào tháng tư, hàng vạn con ếch xanh tụ tập ở trên cây. Những người buôn bán trong kinh thành, ai cố bắt chúng, chúng cũng đều trốn thoát, những người đó vô cớ ngã lăn ra chết, con số người chết lên đến cả trăm người, còn những người bị mất tài sản thì nhiều vô số. Vào tháng sáu, tất cả các nhà sư ở Wang Heung Sa (chùa Vương Hưng) đều nhìn thấy một con thuyền bị sóng lớn đánh dạt vào cửa chùa. Rồi có một con chó lớn giống con hươu rừng từ phía Tây chạy đến bờ biển Tứ Bỉ, hướng về phía Hoàng cung mà sủa, sau đó, không ai biết nó đi đâu. Trong thành, rất nhiều chó tập trung ở vệ đường, vừa sủa vừa khóc, được một lúc rồi lại tản mát ra đi.

Một quỷ thần vào trong cung kêu lớn: “Bách Tế diệt vong, Bách Tế diệt vong”.

Sau đó, ngay lập tức, biến mất vào trong lòng đất. Nhà vua lấy làm lạ bèn cho người đào đất ở chỗ đó lên, đào sâu khoảng 3 xích thì thấy một con rùa, trên lưng có chữ: “Bách Tế như trăng rằm, Tân La như trăng non đầu tháng”. Thầy bói nói rằng: “Trăng rằm là trăng đã tròn đầy, mà tròn đầy thì sẽ khuyết. Trăng non là trăng chưa tròn, mà chưa tròn thì sẽ dần trở nên tròn đầy”.

Một tháng sau đó, vào ngày mùng 9 tháng 7 năm 660, đội quân vẻn vẹn với 5 nghìn quân của Bách Tế đã bị 5 vạn quân Tân La (năm 57 TCN- năm 935SCN) -Đường do tướng quân Kim Yu Shin (Kim Dũ Tín) của Tân La và tướng quân Tô Định Phương nhà Đường đồng chỉ huy đánh tan tại Hwangsan (Hoàng Sơn). Liên quân Tân La – Đường vượt sông, dựng trại nghỉ trước khi giao tranh trận cuối với quân đội Bách Tế, có một con chim lớn bay lượn phía trên doanh trại của Tô Định Phương, Tô Định Phương sai người gieo quẻ thì được bảo rằng : “Tướng quân nhất định sẽ bị hại!”. Tô Định Phương nghe xong, sợ hãi liền cho lùi quân khỏi trận chiến, tướng quân Kim Dũ Tín không tin, nói với Tô Định Phương rằng: “Sao lại chỉ vì một điềm lạ là có con chim bay vòng quanh mà chúng ta để lỡ mất cơ hội trời ban? Ứng với ý trời, thuận theo lòng người, đánh kẻ bất nhân thì có gì là không lành?”. Nói xong liền rút thần kiếm, chém chết con chim đang bay trước mặt mọi người.

Cuối cùng, quân nhà Đường dưới sự chỉ huy của tướng quân Tô Định Phương đã đánh tan đội quân cuối cùng của Bách Tế, Nghĩa Từ Vương cùng Thái tử Yung (Long) bỏ trốn khỏi kinh thành, con trai thứ hai là Tae (Thái), tự lập làm vua, cố thủ giữ thành. Nhưng, trước sức mạnh như vũ bão của quân đội Đường, trong thành lòng dân không thuận, Hoàng tử Thái lâm vào bước đường cùng bèn mở cổng thành, xin hàng. Cuối cùng, Nghĩa Từ Vương cùng Thái tử Long, Hoàng tử Thái, đại thần Jeong Bok (Trinh Phúc) và tất cả các thành đều quy hàng. Tô Định Phương đưa Nghĩa Từ Vương, Thái tử Long, Hoàng tử Thái, Hoàng tử Yeon (Diễn), các quan đại thần cùng 88 tráng sĩ và 12.807 người dân về kinh đô nhà Đường. Vương quốc Bách Tế bị tiêu diệt hoàn toàn.

Nghĩa Từ Vương qua đời tại Trung Quốc. Năm 2000, hài cốt của ông được đưa về Hàn Quốc và được chôn cất tại khu lăng mộ mới, gần kinh đô cuối cùng của Bách Tế là Tứ Tỉ (nay là tỉnh Chungcheongnam-do). Ông là vị vua duy nhất của vương triều Bách Tế không có thụy hiệu.

 

Phan Thị Oanh

Tài liệu tham khảo:

  1. Tam quốc di sự
  2. http://ko.wikipedia.org/wiki/%EC%9D%98%EC%9E%90%EC%99%95
  3. http://ko.wikipedia.org/wiki/%EB%B0%B1%EC%A0%9C

 

 

 

 

 

 


Scroll To Top