Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐIỂM GẶP GỠ THÚ VỊ GIỮA TRẦN BÌNH TRỌNG VÀ PARK JE SANG

Đăng ngày:

Những ai thích thú tìm hiểu lịch sử của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ dễ dàng nhận ra nét tương đồng thú vị trong những câu chuyện kể về cuộc đời của Park Je Sang (363 ~ 418) - một trung thần nổi tiếng thời Shilla (Hàn Quốc) và Trần Bình Trọng (1259 ~ 1285) - một danh tướng thời Trần (Việt Nam). Qua những câu chuyện này, ta có thể phần nào thấy được những nét tương đồng trong lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Hàn nói chung và những nét tương đồng về mặt tâm tư, tình cảm của người dân hai nước nói riêng.

1. Trần Bình Trọng (1259 ~ 1285)
Trần Bình Trọng (1259 ~ 1285) là danh tướng thời Trần, có công hộ giá hai vua Trần (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Ông hy sinh khi chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc, được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.
Sử chép rằng, tháng 1 năm 1285, khi 50 vạn quân Nguyên - Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan cầm đầu tấn công xâm lược Đại Việt, Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần giao cho một nhiệm vụ nặng nề là giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.
Trần Bình Trọng đã tổ chức đánh chặn quân địch ngay tại bãi Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về binh lực, Trần Bình Trọng bị bắt, tuy nhiên, trận đánh là một thắng lợi cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược với cuộc kháng chiến, bởi kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn không phát hiện được bộ chỉ huy kháng chiến của quân ta.
Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác tin tức, dọa nạt, dụ dỗ ông. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc không, Trần Bình Trọng khảng khái trả lời:
- Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi.[1]
Biết không thể khuất phục được Trần Bình Trọng, quân Nguyên đã giết ông vào tháng 2 (âm lịch) năm 1285[2]. Năm đó, Trần Bình Trọng 26 tuổi.
Phan Kế Bính đã viết một bài thơ ca ngợi Trần Bình Trọng như sau:

Giỏi thay Trần Bình Trọng!
Dòng dõi Lê Đại Hành.
Đánh giặc dư tài mạnh,
Thờ vua một tiết trung.
Bắc vương sống mà nhục,
Nam quỷ thác cũng vinh.
Cứng cỏi lòng trung nghĩa.
Ngàn thu tỏ đại danh.


2. Park Je Sang (363 ~ 418)
Park Je Sang (363 ~ 418) - quan Thái thú ở Sap La Koon - là một trung thần nổi tiếng thời kỳ Shilla của Hàn Quốc. Theo sách Samguk Yusa (Tam quốc di sự), vào năm Ất Sửu (tức năm 425), vua Nool Ji Wang (Nột Chi Vương) cử Park Je Sang (Phác Đê Thượng) đi giải cứu hai hoàng đệ của vua là Mi Hae (Mỹ Hải) và Bo Hae (Bảo Hải) đang bị bắt giữ làm con tin ở Cao Cú Lệ và nước Oa (Nhật Bản). Sau khi giải cứu thành công Bo Hae ở Cao Cú Lệ, Park Je Sang tiếp tục lên đường đến nước Oa giải cứu Mi Hae. Mi Hae trốn thoát thành công, còn Park Je Sang do ở lại chặn quân truy đuổi nên bị bắt lại. Khi đó, vua nước Oa dùng đủ mọi cách khuất phục Park Je Sang, từ đe dọa bắt chịu cực hình cho đến dụ dỗ cho hưởng tước lộc. Tuy nhiên, Phác Đê Thượng khảng khái đáp rằng:
- Ta thà làm chó, lợn nước Kê Lâm[3] còn hơn làm bề tôi nước Oa. Ta thà chịu hình phạt đánh đòn của vua Kê Lâm chứ không thèm nhận chức tước, bổng lộc của nước Oa.
Biết rằng không thể khuất phục được Đê Thượng, vua Oa ra lệnh thiêu sống ông ở Mộc đảo.
Những bậc thức giả Hàn Quốc nói rằng:
“Ngày xưa, có một vị quan nhà Hán tên là Chu Kha bị nước Sở bắt làm tù binh ở Vinh Dương. Hạng Vũ nói với Chu Kha rằng: “Nếu nhà ngươi chịu quy thuận theo ta, ta sẽ phong làm Vạn Lộc Hầu”. Chu Kha chửi rủa Hạng Vũ và nhất quyết không chịu khuất phục nên đã bị Sở Vương giết chết. Nếu so với Chu Kha, sự trung liệt của Đê Thượng chẳng có gì đáng phải hổ thẹn”.
Như vậy, hai danh nhân nổi tiếng về sự trung liệt của Việt Nam và Hàn Quốc khi phải đối diện với mũi giáo quân thù, phải lựa chọn giữa sống và chết, giữa đầu hàng và kiên trung, giữa tước lộc và lòng yêu nước đã khảng khái trả lời bằng những câu nói bất hủ thể hiện lòng trung quân, ái quốc mà âm hưởng của nó vẫn vang vọng cho đến ngày nay. Trần Bình Trọng và Park Je Sang đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của hai dân tộc Việt – Hàn và tạo nên một điểm gặp gỡ thú vị trong lịch sử của hai quốc gia.

Lương Hồng Hạnh
Nguồn: http://ko.wikipedia.org/wiki/%EB%B0%95%EC%A0%9C%EC%83%81
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_B%C3%ACnh_Tr%E1%BB%8Dng

[1] Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ quyển 5) và Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Chương IV: Giặc Nhà Nguyên.
[2] Đại Việt Sử ký Toàn thư (Bản kỷ quyển 5) và Khâm định Việt sử thông giám Cương mục (Chính biên quyển thứ 7).
[3] Tên gọi khác của Shilla.


Scroll To Top