MÔ HÌNH XÃ HỘI CỦA NƯỚC GOJOSUN (TRIỀU TIÊN CỔ)
Đăng ngày:
Trong xã hội Triều Tiên cổ, cùng với việc tăng năng suất lao động và tài sản tư hữu, khoảng cách giàu nghèo đã bắt đầu xuất hiện, dần hình thành giai cấp: giai cấp thống trị nắm giữ chính trị, quân sự và giai cấp bị trị lo việc sản xuất. Bộ máy cai trị được xác lập, cao nhất là vua, dưới vua là các chức quan được chia theo các cấp bậc khác nhau. Pháp luật cũng được chế định để duy trì trật tự xã hội, bao gồm 8 điều, trong đó có 3 điều còn được truyền lại cho đến ngày nay, đó là: “Kẻ giết người phải chịu tội chết”, “Kẻ gây thương tích cho người khác phải đền bù bằng ngũ cốc”, “Kẻ trộm cắp sẽ bị bắt làm đầy tớ. Nếu muốn miễn tội thì phải nộp một khoản tiền lớn”. Dựa theo những điều luật này, ta có thể thấy xã hội thời Triều Tiên cổ biết coi trọng tính mạng (sức lao động), tài sản của con người và trật tự xã hội. Xã hội thay đổi khi đồ sắt bắt đầu trở nên phổ biến trên bán đảo Hàn vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN. Mới đầu, đồ sắt được sử dụng xen kẽ với đồ đồng. Đến khoảng thế kỷ thứ 1 TCN, đồ sắt ngày càng trở nên phổ biến hơn. Con người thời kỳ này đã biết phương pháp tôi cứng sắt và cũng sản xuất được nhiều đồ sắt. Đồ sắt chủ yếu được sử dụng để làm công cụ sinh hoạt và vũ khí. Về nông cụ, người ta sử dụng các công cụ bằng sắt như xẻng, cuốc, liềm cùng với các loại đồ gỗ và đồ đá của thời kỳ trước. Về vũ khí thì có các loại gươm, giáo, mũi tên... bằng sắt; ngoài ra còn có các loại đục, cưa, rìu...làm bằng sắt. Bên cạnh đó, vào thời kỳ này, kỹ thuật làm đồ gốm cũng phát triển. Việc sử dụng nông cụ bằng sắt cùng với sự phát triển của kỹ thuật canh tác khiến cho việc khai hoang, trồng trọt dễ dàng hơn; sản lượng lương thực tăng mạnh và dân số cũng tăng lên nhanh chóng. Mặt khác, do các bộ tộc có sự tranh cướp lương thực của nhau, nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên vũ khí bằng sắt đã bắt đầu được sử dụng trong chiến đấu. Chiến tranh giữa các bộ tộc diễn ra thường xuyên hơn, bộ tộc nào giỏi sử dụng đồ sắt sẽ có khả năng tăng cường thế lực của mình và phát triển thành một quốc gia. Ngoài ra, các bộ tộc này còn giao lưu văn hóa với Trung Quốc và Nhật Bản thông qua đường biển và đường bộ. Bước vào thời kỳ đồ sắt, việc chuyên môn hóa công việc và phân tầng giai cấp trong xã hội trở nên rõ nét hơn. Theo đó, ở Mãn Châu và bán đảo Hàn dần xuất hiện các quốc gia mới. Có hai loại mộ tiêu biểu cho thời kỳ đồ sắt. Thứ nhất là loại mộ dùng áo quan bằng gỗ. Loại mộ này xuất hiện đầu tiên ở khu vực Tây Bắc bán đảo Hàn, sau đó, dần xuất hiện xuống phía Nam, đặc biệt được phát hiện rất nhiều ở lưu vực sông Nakdong. Loại mộ thứ hai là mộ bằng chum gốm. Lương Hồng Hạnh