Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NATO-HÀN QUỐC THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỢP TÁC

Đăng ngày:

Ngày 29/1/2023, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tới Hàn Quốc - đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du tới châu Á nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ.

Tại thủ đô Seoul ngày 29/1/2023, ông Stoltenberg đã gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và bày tỏ những lo ngại về các vụ thử tên lửa cũng như chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh cuộc xung đột ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu Á. Ông Stoltenberg cũng cho biết những nghi ngờ về việc Triều Tiên đang hỗ trợ quân sự cho Nga để có đủ vũ khí tấn công Ukraine. Hai bên cùng nhất trí về “những giá trị chung” giữa NATO và Hàn Quốc. Về phần mình, Ngoại trưởng Park khẳng định, trước những thách thức toàn cầu chưa từng có hiện nay, việc đoàn kết giữa các quốc gia như cùng chia sẻ giá trị về tự do, dân chủ và pháp quyền là điều vô cùng quan trọng [1].

Tiếp tục nằm trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 30/1/2023 ông Stoltenberg đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Trong cuộc gặp hai bên đã thảo luận hàng loạt vấn đề, trong đó có quan hệ NATO - Hàn Quốc, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông Stoltenberg đã cảm ơn sự giúp đỡ của Hàn Quốc cho Ukraine, đồng thời mời Tổng thống Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Litva vào tháng 7/2023. Về phần mình, Tổng thống Yoon cho biết sẽ cân nhắc tham dự Hội nghị và cam kết sẽ hợp tác cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục trợ giúp người dân Ukraine. Ngoài ra, ông Yoon cũng nhắc lại chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 6/2022 và bày tỏ hy vọng Hàn Quốc và NATO sẽ mở rộng hợp tác hơn nữa thông qua phái bộ ngoại giao mới thành lập của Seoul tại NATO. Bên cạnh đó trong cuộc gặp, Tổng thống Yoon cũng giải thích chi tiết cho Tổng thư ký NATO về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc đã được công bố vào tháng 12/2022 cũng như nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác với NATO trong việc thực thi chiến lược này. Ông Yoon Suk-yeol cũng kêu gọi ông Stoltenberg và NATO đóng vai trò tích cực trong việc ngăn chặn Triều Tiên thực hiện thêm các hành vi khiêu khích trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục đạt được những tiến bộ về năng lực hạt nhân và tên lửa[2].

Cùng ngày 30/1/2023, ông Stoltenberg cũng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup để thảo luận về hợp tác song phương và tình hình an ninh khu vực, ông Stoltenberg tiếp tục khẳng định cam kết của NATO trong việc tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Seoul vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hai bên cũng nhất trí sẽ trao đổi thêm về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới như khoa học và công nghệ quốc phòng [3].

Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Tổng thư ký NATO đã vấp phải sự phản đối của Triều Tiên và cả Trung Quốc. Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã đưa ra cảnh báo rằng chuyến thăm này có thể mở màn cho tình trạng đối đầu và tăng căng thẳng ở khu vực. Kim Tong-myong nhà nghiên cứu của Triều Tiên về chính trị quốc tế cho biết chuyến thăm của ông Jens Stoltenberg chính là tiền đề cho đối đầu và chiến tranh, bởi động thái này sẽ kéo theo đám mây đen cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đến châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, chỉ trích NATO đã biến Ukraine thành một sân khấu của chiến tranh ủy nhiệm và cho rằng trong chuyến thăm, ông Stoltenberg dường như sẽ tập trung vào việc thành lập NATO phiên bản châu Á, gây áp lực để Nhật Bản và Hàn Quôc hỗ trợ quân sự cho Ukraine [4].

Về phía Trung Quốc: tại Viện Nghiên cứu cấp cao Chey ở thủ đô Seoul vào ngày 30/1/2023 ông Stoltenberg đã cho rằng: Trung Quốc đang đặt ra thách thức đối với các giá trị, lợi ích và an ninh của NATO; và rằng Trung Quốc sẽ được chú trọng nhiều hơn trong chương trình nghị sự chung của khối [5]. Bình luận về ý kiến trên của ông Stoltenberg, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh rằng: Trung Quốc là đối tác của tất cả các nước, không phải là thách thức và Bắc Kinh không gây ra mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của bất kỳ quốc gia nào. Bà Mao cho rằng, NATO đang làm gia tăng mối quan ngại vì đã vượt ra ngoài khu vực phòng thủ truyền thống của liên minh. NATO đang hướng tới các khu vực mới, củng cố quan hệ an ninh và quân sự với các nước châu Á -Thái Bình Dương. Những diễn biến như vậy đòi hỏi các nước trong khu vực phải cảnh giác cao độ. Trung Quốc hy vọng NATO từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và tâm lý đối đầu theo khối và thực thi những điều sẽ đóng góp cho an ninh và ổn định của châu Âu và thế giới. Đồng thời, hy vọng các nước trong khu vực sẽ tiếp tục cam kết với con đường hợp tác đúng đắn ở châu Á - Thái Bình Dương và đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của thế giới[6].

Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt cùng lúc với nhiều mối đe dọa và thách thức, việc tăng cường hợp tác với các đối tác quốc gia, tổ chức có vai trò vô cùng quan trọng. Điều này thật đúng với Hàn Quốc khi Seoul đang tìm cách tăng cường quan hệ với NATO trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên cũng như căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Minh chứng là việc Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6/2022 và thành lập phái bộ ngoại giao Hàn Quốc tại NATO vào tháng 11/2022. Chuyến thăm lần này của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiếp tục là một biểu hiện chứng minh tầm quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Hàn Quốc và NATO. Bên cạnh thắt chặt quan hệ, chuyến thăm còn thể hiện rõ sự ủng hộ của NATO đối với Seoul.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Yonhap tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) trước thềm chuyến thăm, ông Stoltenberg cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác NATO-Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, đồng thời nêu bật tính liên kết của an ninh vượt ra ngoài ranh giới địa lý. Ông Stoltenberg cũng cho biết tầm nhìn quan hệ đối tác Hàn Quốc-NATO về an ninh mạng, công nghệ và kiểm soát vũ khí [7]. Tựu chung lại, ta có thể dễ dàng nhận thấy chuyến công du của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhằm vào hai mục tiêu chính đó là tăng cường quan hệ đối tác với hai đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn nữa của hai quốc gia này cho Ukraine.

 

Trần Thị Mỹ Hoa

TTNC Hàn Quốc-Triều Tiên, Viện NC Đông Bắc Á

 

Theo nguồn:

[1] Josh Smith (2023),NATO's Stoltenberg in South Korea to deepen ties in Asia

https://www.reuters.com/world/asia-pacific/natos-stoltenberg-arrives-skorea-deepen-alliances-ties-asia-2023-01-29/

[2]Lee Haye-ah (2023), Yoon meets with NATO chief, promises to help Ukrainian people, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230130007600315

[3] Hoàng Vũ (2023), “Thông điệp quan trọng nhất” của Tổng thư ký NATO khi thăm Seoul

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/thong-diep-quan-trong-nhat-cua-tong-thu-ky-nato-khi-tham-seoul-717692

[4] Yonhap (2023), N. Korea slams NATO chief's visit to S. Korea as 'prelude' to confrontation, war

https://en.yna.co.kr/view/AEN20230130000900325?section=nk/nk

[5] Soo-Hyang Choi and Josh Smith (2023), NATO's chief urges South Korea to step up military support for Ukraine

https://www.reuters.com/world/natos-chief-urges-south-korea-step-up-military-support-ukraine-2023-01-30/

[6] Foreign Ministry Spokesperson Mao Ning’s Regular Press Conference on January 30, 2023

http://de.china-embassy.gov.cn/det/fyrth/202301/t20230131_11016546.htm

[7] Chung Bin-na và Song Sang-ho (2023), (Yonhap Interview) NATO chief calls for stronger security ties with S. Korea to address China, other global challenges

https://en.yna.co.kr/view/AEN20230128002200325

 


Scroll To Top