Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHƯƠNG TRÌNH TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI CAO TUỔI Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Năm 2000, Hàn Quốc chính thức trở thành “xã hội già hóa” khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Để đối phó thực trạng lão hóa dân số cao, chương trình tạo việc làm dành cho người cao tuổi (노인 일자리사업 hay Korean Senior Employment Program - KSEP) được đề xuất dưới thời chính quyền Tổng thống Roh Moo-huyn (2003-2008) chính thức được thực hiện từ năm 2004. Căn cứ luật pháp dẫn tới sự ra đời của chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi là Luật Xúc tiến tuyển dụng người cao tuổi (Bộ Lao động và Việc làm), Luật Phúc lợi người cao tuổi (Bộ Y tế và Phúc lợi)[1] và Luật Khung về tỷ lệ sinh thấp trong một xã hội già hóa (2005). Theo đó, việc làm dành cho người cao tuổi là công việc phù hợp với người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, được cung cấp, được tạo ra dưới sự hỗ trợ của chính phủ[2].

Cấu trúc vận hành của chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi tương tự như một chương trình tiêu chuẩn của chính phủ Hàn Quốc[3]. Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giám sát, các tổ chức địa phương điều hành và quản lý chương trình. Điểm khác biệt duy nhất trong cơ cấu hành chính là Viện Phát triển Lao động Hàn Quốc vì người cao tuổi (Korea Labor Force Development Institue for the Aged - KORDI). Đây là một tổ chức quản lý độc lập mới, được thành lập tháng 12 năm 2005[4], trực thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc. Viện có chức năng chính là giám sát ngân sách tổng thể của chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi, quản lý chương trình, tổ chức và đánh giá. Tính đến 2016, viện hiện đã có 6 văn phòng tại các tỉnh, địa phương trên Hàn Quốc để tạo thêm nhiều việc làm cho người cao tuổi ở các địa phương[5].

Mục đích của chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi ở Hàn Quốc là: tạo ra nguồn thu nhập bổ sung, tăng cường cơ hội tham gia hoạt động xã hội và giúp duy trì sức khỏe cho người cao tuổi. Đối tượng tham gia chính của chương trình là người trên 65 tuổi đáp ứng điều kiện về sức khỏe. Tuy nhiên, do những hình thái vận hành và chủng loại các chương trình nên đối tượng mở rộng, bao gồm những người từ 60-64 tuổi. Từ năm 2011, đối tượng tham gia được điều chỉnh là người từ 60 trở lên. Thời gian thực hiện chương trình việc làm cho người cao tuổi là khoảng 7 – 9 tháng[6].

Các chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi ở Hàn Quốc được phân thành hai lĩnh vực tùy theo tính chất loại hình công việc: Hoạt động xã hội (mang tính chất tình nguyện) và Tuyển dụng người cao tuổi (làm việc có thu nhập).

Trong hoạt động xã hội, có 2 chương trình mà người cao tuổi có thể tham gia là hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức. Hai chương trình này đều hướng tới người nhận lương hưu cơ bản và từ 65 tuổi trở lên nhưng có mức hỗ trợ khác nhau. Tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, người cao tuổi có thể làm các công việc như: chăm sóc người già, hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương...v.v.. và nhận 270.000 won mỗi tháng. Người cao tuổi có thể giam gia từ 9 đến 12 tháng, mỗi tháng 30 giờ trở lên (mỗi ngày 3 giời) [7]. Tham gia hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, người cao tuổi có thể làm các công việc như: tuyên truyền về an toàn, thực hiện các bài giảng về chữ Hán, thư pháp, lễ tiết tại các cơ sở phúc lợi hoặc giáo dục, …v.v..  và nhận 100.000 won mỗi tháng[8]. Người cao tuổi tham gia 4 lần mỗi tháng, mỗi tháng 10 giờ và được hỗ trợ 100.000 won mỗi tháng.

Trong tuyển dụng cao tuổi, có 6 mô hình, chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi được phân chia với tên gọi như sau[9]:

+ Các nhóm làm việc theo mô hình thị trường: Người cao tuổi sẽ tập hợp thành các nhóm, làm các công việc trong cửa hàng tạp hóa, kinh doanh quán cà phê, trong nhà máy..v.v.. và sẽ nhận được hỗ trợ từ chính phủ. Khoản hỗ trợ là 2 triệu won mỗi người trong vòng một năm, nhằm giúp trang trải một phần chi phí và tăng lợi nhuận kinh doanh cho các nhóm làm việc là người cao tuổi.

+ Nhân lực phái cử: Các doanh nghiệp phái cử sẽ tuyển dụng lao động cao tuổi là nhân viên lành nghề hoặc người đã hoàn thành các chương trình đào tạo nhất định tới làm việc tại một số công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tìm người. Lao động cao tuổi là nhân viên phái cử có thể làm các công việc như điều dưỡng viên, người chăm sóc, bảo vệ…v.v..  và nhận được hỗ trợ 150.000 won/1 người/1 năm.

+  Thực tập sinh cao niên: Người từ 60 tuổi trở lên tham gia làm việc tại các doanh nghiệp với tư cách thực tập sinh. Họ có thể làm các công việc như điều dưỡng viên, người chăm sóc, bảo vệ…v.v…Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cao tuổi với tư cách thực tập sinh nhận được khoản hỗ trợ của chính phủ. Trong đó, mức hỗ trợ cơ bản là 50% (tối đa 450.000 won) tiền lương hàng tháng theo thỏa thuận cho mỗi người trong 3 tháng đầu tiên. Mức hỗ trợ bổ sung là 50% (tối đa 450.000 won) tiền lương hàng theo thỏa thuận cho mỗi người trong 3 tháng dựa trên hợp đồng lao động dài hạn sau khi kết thúc quá trình thực tập.

+ Doanh nghiệp thân thiện với lao động cao tuổi: Các doanh nghiệp tuyển dụng người từ 60 tuổi trở lên vào các vị trí công việc phù hợp, giúp họ có thể phát huy hết năng lực và làm việc hiệu quả là những doanh nghiệp thân thiện với lao động cao tuổi. Các công việc có thể trong ngành sản xuất, dịch vụ và văn phòng.v.v... Các doanh nghiệp kể trên sẽ nhận được hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, lên tới 300 triệu won cho các chi phí kinh doanh cơ bản, hỗ trợ kinh doanh tổng thể và dịch vụ vận chuyển; bán hàng trực tuyến qua Hanahana Mall; đào tạo cho nhân viên kinh doanh phụ trách chương trình và hỗ trợ trong liên kết các doanh nghiệp thân thiện với lao động cao tuổi.

+ Công việc liên quan tới doanh nghiệp: Nội dung của chương trình là tạo và duy trì việc làm cho người cao niên trong các công ty kinh doanh thông qua việc cung cấp các chi phí tác nghiệp. Lao động cao tuổi có thể làm công việc trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và văn phòng..v.v…Khoản hỗ trợ có thể lên 2 triệu won/1 công việc (có thể tăng lên 3 triệu won) trong 1 lần. Tuy nhiên khoản hỗ trợ chỉ trong các chi phí tác nghiệp cần thiết cho việc xúc tiến hoạt động kinh doanh, như: thiết bị làm việc thân thiện với người cao tuổi, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí giáo dục, chi phí  khuyến mãi và tiếp thị, phát triển mô hình tuyển dụng người cao tuổi.

+ Trung tâm hỗ trợ phát triển: Trung tâm chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn về công nghệ, kỹ thuật; tư vấn quản lý kinh doanh; tư vấn đào tạo;  tư vấn kết nối mạng lưới nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp thân thiện với người cao tuổi. Chi tiết các dịch vụ như sau: Tư vấn về công nghệ (phát triển sản phẩm, chứng nhận công nghệ, phát triển thiết kế và khai phá thị trường mới);  tư vấn quản lý kinh doanh (tư vấn quản lý lao động, kế toán và tài chính, tư vấn pháp lý về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thân thiện với lao động cao tuổi); tư vấn đào tạo (đào tạo vườn ươm doanh nghiệp và dịch vụ tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp thân thiện với người cao tuổi); tư vấn kết nối mạng lưới (tư vấn về hợp tác giữa ngành công nghiệp và khoa học, hợp tác trong việc định vị các dịch vụ chuyên về khởi sự doanh  nghiệp).

Chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi mở rộng tại các khu vực, tỉnh thành thông qua 5 tổ chức được cấp phép ở địa phương: Cơ quan chính quyền cấp tỉnh, Hiệp hội người cao tuổi Hàn Quốc, Câu lạc bộ người cao tuổi, Các trung tâm cộng đồng địa phương và Các trung tâm người cao tuổi địa phương. Tính đến năm 2013, tổng số có 1.219 tổ chức cơ sở tại địa phương[10]. Trong năm tài chính 2012, một khoản ngân sách là 315 tỷ won (tương đương 315 triệu USD) đã được trích để hỗ trợ 248.395 người cao tuổi tham gia. Đồng thời, số lượng cũng như kinh phí cho chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi đều có sự tăng trưởng theo thời gian.

Số lượng người tham gia chương trình tạo việc làm người cao tuổi tăng từ 35.000 (năm 2004) lên 430.000 (năm 2016)[11]. Khoản kinh phí cho chương trình chỉ chiếm 5,7% toàn bộ ngân sách phúc lợi người cao tuổi năm 2005 nhưng đã tăng đều đặn lên 27,1% năm 2015[12]. Trong đó, tỷ trọng kinh phí và số lượng lớn nhất trong chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi là hoạt động công ích hay hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Các hoạt động công ích là những hoạt động mà người cao tuổi có thể tham gia đóng góp cho cộng đồng địa phương và cảm nhận rõ hiệu quả tích cực như: chương trình chăm sóc sức khỏe tổng hợp người cao tuổi, hỗ trợ các nhóm dễ tổn thương, tình nguyện tại cơ sở công cộng, chuyển giao nhân lực có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, độ tuổi trung bình của đối tượng tham gia chương trình tạo việc làm cũng có sự biến đổi theo thời gian. Độ tuổi bình quân năm 2007 là 70,8 tuổi, đã tăng lên 74,4 tuổi (2015) và giảm nhẹ chút còn 72,3 tuổi (2016). Một đặc điểm đáng lưu ý, tỷ lệ người trên 80 tuổi tham gia chương trình việc làm đã tăng từ 5,2% (2007) lên 18,0% (2016)[13].

Như vậy, sau hơn 10 năm triển khai chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi, số lượng người tham gia đã tăng từ 35.127 người (2004) lên 429.726 người vào năm 2016. Tỷ lệ người tham gia trên tổng số người cao tuổi không vượt quá 0,6% (2004) nhưng đã tăng lên 6,1% vào năm 2016[14]. Tỷ lệ tham gia các chương trình tạo việc làm của người cao tuổi theo thứ tự phổ biến lần lượt là: hoạt động tình nguyện vì cộng đồng (67,6%), các nhóm làm việc theo mô hình thị trường (18,1%), chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm (9,3%), thực tập sinh cao tuổi (1,6%). Chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi theo hình thức Hoạt động xã hội thu hút phần lớn số người cao tuổi tham gia, lên tới 77%, trong khi đó Hình thức tuyển dụng người cao tuổi chỉ thu hút được 23% số người cao tuổi tham gia[15]. Tuy có sự khác biệt về số lượng người tham gia nhưng chương trình tạo việc làm cho người cao tuổi đã có những đóng góp nhất định trong khắc phục và giải quyết vấn đề việc làm cho người cao tuổi ở Hàn Quốc thời gian qua.

Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ nguồn:

1. Eunhee Choi (2016), Older worker and federal work programs: the Korean senior employment program (KSEP), https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/08959420.2016.1153993?journalCode=wasp20.

2. 강은나 (2017), Current state and challenges of senior employment programs, https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&cad=rja&uact=8&ved=2ahUKEwjmn_WtyvHeAhUEw7wKHbwBC6AQFjAAegQIABAC&url=https%3A%2F%2Fwww.kihasa.re.kr%2Fcommon%2Ffiledown.do%3Fseq%3D38847&usg=AOvVaw1RaYliQaeg0jKlCivRaKgn.

3. 오경민, 길민주 (2011), 100세 시대 어떻게 준비할 것인가? 고령화시대 노인일자리 활성화방안(Cần chuẩn bị gì khi 100 tuổi? Phương án tăng cường việc làm của người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số), 경희사이버대학교사회복지학과.

4.Support for senior employment and social activities, Social Activies, https://kordi.or.kr/eng/content.do?cmsId=251

5. Support for senior employment and social activities, Senior Employment, https://kordi.or.kr/eng/content.do?cmsId=250



[1] Eunhee Choi (2016), Older worker and federal work programs: the Korean senior employment program (KSEP), https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/08959420.2016.1153993?journalCode=wasp20, tr.5.

[2]강은나 (2017), Current state and challenges of senior employment programs, https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&cad=rja&uact=8&ved=2ahUKEwjmn_WtyvHeAhUEw7wKHbwBC6AQFjAAegQIABAC&url=https%3A%2F%2Fwww.kihasa.re.kr%2Fcommon%2Ffiledown.do%3Fseq%3D38847&usg=AOvVaw1RaYliQaeg0jKlCivRaKgn, tr. 29.

[3] Eunhee Choi (2016), Tài liệu đã dẫn, tr. 6.

[4]강은나 (2017), Tài liệu đã dẫn, tr.29.

[5] Eunhee Choi (2016), Tài liệu đã dẫn, tr. 6.

[6]오경민, 길민주 (2011), 100세 시대 어떻게 준비할 것인가? 고령화시대 노인일자리 활성화방안(Cần chuẩn bị gì khi 100 tuổi? Phương án tăng cường việc làm của người cao tuổi trong thời kỳ già hóa dân số), 경희사이버대학교사회복지학과, tr. 4.

[7] 강은나 (2017), Tài liệu đã dẫn, tr. 31.

[8] Support for senior employment and social activities, Social Activies, https://kordi.or.kr/eng/content.do?cmsId=251

[9] Support for senior employment and social activities, Senior Employment, https://kordi.or.kr/eng/content.do?cmsId=250

[10] Eunhee Choi (2016), Tài liệu đã dẫn, tr. 6.

[11]강은나 (2017), Tài liệu đã dẫn, tr. 29.

[12]강은나 (2017), Tài liệu đã dẫn, tr. 29.

[13]강은나 (2017), Tài liệu đã dẫn, tr. 32.

[14] 강은나 (2017), Tài liệu đã dẫn, tr. 31.

[15]강은나 (2017), Tài liệu đã dẫn, tr. 32.


Scroll To Top