Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐIỀU KIỆN VÀ THÁCH THỨC CỦA LAO ĐỘNG CAO TUỔI Ở HÀN QUỐC (Phần 1)

Đăng ngày:

Điều kiện hiện tại của lao động cao tuổi ở Hàn Quốc

Trong quá khứ, hầu hết các quốc gia OECD khuyến khích nghỉ hưu sớm để giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động trẻ và tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, kể từ giữa những năm 1990, biến đổi kép về nhân khẩu học (tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số) đã làm suy giảm hệ thống an sinh xã hội ở các quốc gia OECD. Bên cạnh đó, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến cải cách lương hưu và triển khai hàng loạt chính sách việc làm khác nhau nhằm thúc đẩy cơ hội cho lực lượng lao động cao tuổi.

So với các quốc gia thuộc khối OECD, tỷ lệ người cao tuổi Hàn Quốc có việc làm tương đối cao. Tỷ lệ có việc làm (độ tuổi 50-64) là 69,9% và tỷ lệ có việc làm (trên 65 tuổi) là 33,8%. Tỷ lệ lao động (trên 50 tuổi) liên tục tăng. Tỷ lệ có việc làm (độ tuổi 55-64) cao nhất. Ngoài ra, tỷ lệ có việc làm ở người cao tuổi tiếp tục tăng trong vài năm gần đây. Do vậy, xu hướng tăng trưởng này dự đoán sẽ tiếp tục tăng.

Hình 1. Tỷ lệ có việc làm theo nhóm tuổi ở Hàn Quốc (2000-2014)

ĐIỀU KIỆN VÀ THÁCH THỨC CỦA LAO ĐỘNG CAO TUỔI Ở HÀN QUỐC (Phần 1)
Nguồn: Cục Thống kê quốc gia “Nghiên cứu dân số trong thị trường lao động”

 

Hình 2: Tỷ lệ việc làm của người lao động cao tuổi ở Quốc OECD (2013)

ĐIỀU KIỆN VÀ THÁCH THỨC CỦA LAO ĐỘNG CAO TUỔI Ở HÀN QUỐC (Phần 1)

 

Trong  hình 2, tỷ lệ có việc làm của người cao tuổi Hàn Quốc cao hơn tỷ lệ tương tự ở các nước thành viên OECD.  Đặc biệt, tỷ lệ có việc làm của người ở độ tuổi 55-64 đạt 64,3%, chỉ thấp hơn Nhật Bản là 66,8%. Tỷ lệ lao động của người trên 65 tuổi là mức cao nhất trong các nước OECD. Do tuổi nghỉ hưu chính thức (chính thức không còn tham gia vào lực lượng lao động) tại Hàn Quốc là 71 tuổi nên người Hàn Quốc kéo dài thời gian làm việc nhiều nhất. Vì vậy, khi xem xét các khía cạnh việc làm, điều kiện của Hàn Quốc không giống như các quốc gia OECD khác. Nhìn chung, chất lượng về điều kiện làm việc của người cao tuổi không được đảm bảo. Chỉ có 7,6% người lao động Hàn Quốc nghỉ hưu tại đúng tuổi nghỉ hưu chính thức. Tuổi nghỉ hưu trung bình ở Hàn Quốc là 53. Bởi vậy, hầu hết người lao động cao tuổi Hàn Quốc trải qua bất ổn trong việc làm tại nơi làm việc lâu dài của họ. Kết quả là, lý do đằng sau tỷ lệ việc làm cao của người lao động không phải do nghề nghiệp suốt đời mà do khả năng tìm việc làm hoặc tự kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là, liệu lao động cao tuổi Hàn Quốc có tiếp tục làm việc vì họ có điều kiện làm việc tích cực? Câu trả lời thực sự không phải như vậy. Hiện tại, thị trường lao động Hàn Quốc vẫn tồn tại những hạn chế, như khuôn mẫu tiêu cực đối với lao động lớn tuổi, thiếu các dịch vụ việc làm như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đào tạo nghề, và thiếu thông tin, gây khó khăn cho người cao tuổi khi tái tuyển dụng. Thậm chí trong trường hợp người cao tuổi tìm được việc làm, phần lớn các điều kiện làm việc đều ở tình trạng xấu. Trường hợp người cao tuổi được tái tuyển dụng, mức lương trung bình của họ chỉ bằng 1/3 so với lương của lao động chính thức và công việc mang tính chất tạm thời, làm việc theo giờ hoặc tự kinh doanh doanh với qui mô nhỏ. Sự phân bố việc làm của người trong khoảng tuổi 55-79 cho thấy: lao động giản đơn chiếm 27,6% trong lực lượng lao động, công nhân vận hành máy chức năng đạt 20,3% và lao động lành nghề làm trong ngư nghiệp, nông nghiệp đạt 19,7%. Như vậy, có nghĩa rằng 67,6% lao động cao tuổi tham gia vào công việc tương đối đơn giản. Mặt khác, chỉ có 12,8% lao động cao tuổi làm việc ở các vị trí quản lý, chuyên gia và nhân viên văn phòng. Ngoài ra, chỉ có 6,6% lao động ở trong khoảng tuổi 65-79 giữ vị trí cao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 37,7% của lao động từ 15 tuổi trở lên. Các con số trên cho thấy, tái tuyển dụng người cao tuổi ở Hàn Quốc không hề xuất phát từ nhu cầu tận dụng kinh nghiệm và bí quyết của các bậc tiền bối.

Về nhu cầu tiếp tục công việc, 59,9% lao động (trong độ tuổi 55-79) muốn tiếp tục có việc làm, và 74,3% lao động nam giới muốn tiếp tục làm việc. Về lý do tiếp tục làm việc, 54,8% số người trả lời cho biết vì lý do kinh tế (muốn có thu nhập bổ sung). Do đó, người cao tuổi Hàn Quốc chỉ thực sự rút lui khỏi lực lượng lao động vào tuổi 71 trong khi tuổi nghỉ hưu chính thức là 53. Như vậy, người cao tuổi ở xứ sở kim chi trải qua 18 năm vàng với mức lương thấp và tình trạng việc làm không ổn định. Điều này rõ ràng là một sự lãng phí nguồn nhân lực ở cấp cá nhân và thể hiện tình trạng nghiệm trọng ở cấp quốc gia do sử dụng không hợp lý nguồn nhân lực ưu tú.

Bảng 1. Phân phối nghề nghiệp (lao động từ 15 tuổi trở lên)

Nghề nghiệp

Tháng 5/2012

Tháng 5/2013

Nhân viên cấp cao, quản lý và chuyên gia

8,7%

21,2%

8,4%

10,3%

4,7%

21,1%

Nhân viên văn phòng

3,9%

16,3%

4,4%

5,7%

1,9%

16,6%

Lao động trong ngành dịch vụ, bán hàng

19,8%

22,2%

19,6%

22,6%

13,6%

22,0%

Lao động lành nghề trong ngư nghiệp và nông nghiệp

20,5%

6,5%

19,7%

11,9%

35,1%

6,3%

Nhân viên lắp ráp và vận hành máy móc

19,6%

20,6%

20,3%

25,4%

10,2%

20,7%

Lao động kỹ năng thấp

27,5%

13,2%

27,6%

24,1%

34,5%

13,3%

Tổng số

100%

100%

100%

100%

100%

100%

Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia, “Kết quả về hoạt động trong thị trường lao động của thế hệ trẻ và điều tra bổ sung thế hệ lớn tuổi”

 

Vì vậy, chất lượng việc làm của người lao động cao tuổi Hàn Quốc cần được cải thiện hơn nữa trong tương lai. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống lương hưu quốc gia mới được vận hành và hệ thống an sinh xã hội Hàn Quốc không được thiết kế hợp lý.

Tống Thùy Linh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Dịch từ nguồn: Yong Ju Park, “Current Conditions and Challenges for Older Korean Workers”, http://journal.aarpinternational.org/a/b/2015/04/older-korean-workers

 

 


Scroll To Top