Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG RẠN NỨT TRONG CHÍNH GIỚI HÀN QUỐC (TRONG BỐI CẢNH QUỐC HỘI THÔNG QUA DỰ THẢO LUẬN TỘI TỔNG THỐNG)

Đăng ngày:

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua Dự thảo luận tội Tổng thống[1] Park Geun-hye (ngày 09/12) với số phiếu áp đảo 234/56, bà Park chính thức bị đình chỉ chức vụ tạm thời và quyền lực được chuyển giao cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, trong khoảng thời gian chờ Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuối cùng về đề xuất luận tội[2]. Như vậy, khoảng trống lãnh đạo mà bà Park để lại sẽ đe dọa “phủ bóng hơn nữa” lên chính trường Hàn Quốc, giữa lúc nội bộ chia rẽ, kinh tế trì trệ và xuất hiện nhiều thách thức đến từ bên ngoài.

1. Phe đối lập tìm cách hạn chế quyền lực của Quyền Tổng thống

Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã trở thành Tổng thống tạm quyền thay cho bà Park Geun-hye sau cuộc bỏ phiếu luận tội ngày 09/12 (cụ thể bà Park đã bị đình chỉ hoạt động lãnh đạo từ 17h, ngày 09/12 trong khi Tòa án Hiến pháp xem xét bà có tội hay trắng án). Theo đó, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đã tiếp nhận quyền lực thay bà Park vào thời gian này.

Theo AFP, quyền lực của chính trường Hàn Quốc tập trung chủ yếu trong tay “chủ nhân Nhà Xanh”, còn vị trí Thủ tướng vốn chỉ mang tính biểu tượng nhưng hiện tại, Thủ tướng Hàn Quốc lại phải “đứng mũi chịu sào” trong cuộc khủng hoảng chính trị lần này. Đây có lẽ là vai trò ông Hwang không ngờ tới, khi mới chỉ được bà Park bổ nhiệm làm Thủ tướng từ tháng 05/2015.

Trước tình huống này, ngày 13/12 vừa qua, các lãnh đạo của phe đối lập đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp với Thủ tướng Hwang Kyo-ahn để thảo luận về phạm vi quyền hạn của Quyền Tổng thống và các giải pháp bình thường hóa hoạt động nhà nước. Đây được xem như một động thái nhằm hạn chế ông gia tăng quyền lực.

Hãng thông tấn Yonhap đã dẫn tuyên bố của phe đối lập, sau cuộc họp tại Quốc hội ngày 13/12: “Ông ấy cần phải thừa nhận rằng mình bị giới hạn trong một vai trò tạm thời và không nên thực hiện quyền lực ngoài các công việc thường ngày mà không tham vấn ý kiến của Quốc hội”.

2. Nội bộ Đảng cầm quyền bị rạn nứt

Đảng cầm quyền Thế giới mới đang có nguy cơ bị chia tách sau cuộc bỏ phiếu thông qua dự thảo luận tội Tổng thống Park Geun-hye vừa qua. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp với các nghị sĩ thuộc phe thiểu số không thân Tổng thống trong nội bộ Đảng Thế giới mới[3] (ngày 13/12), cựu Chủ tịch Kim Moo-sung của đảng này đã dùng những lời lẽ hết sức quyết liệt để chỉ trích ban lãnh đạo Đảng theo phe thân Tổng thống Park Geun-hye, quy kết những người này là “tay sai chính trị” cho bà Park.

Đặc biệt, ông Kim Moo-sung nhấn mạnh sự cần thiết của một chính đảng bảo thủ mới trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ông Kim cũng cho biết vẫn đang thảo luận một cách thận trọng với các đảng viên khác và thăm dò ý kiến dư luận về việc thành lập đảng mới. Tại cuộc họp của phe thiểu số trong Đảng Thế giới mới, các nghị sĩ khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để cải cách toàn diện đảng cầm quyền, bao gồm cả phương án giải thể đảng.

Theo hãng thông tấn Yonhap (ngày 12/12), hàng chục nghị sỹ thuộc nhóm phản đối Tổng thống Park Geun-hye trong đảng cầm quyền đã kêu gọi 8 nhân vật chủ chốt trong nhóm các nghị sỹ trung thành với bà Park, trong đó có Chủ tịch đảng Lee Jung-hyun, rời khỏi đảng này. Phe thiểu số không thân bà Park tuyên bố rằng những người ủng hộ bà Park cần phải chịu trách nhiệm vì đã không có hành động gì khi vụ bê bối liên quan đến Tổng thống diễn ra. Trước tình hình này, ngày 15/12 vừa qua, Ủy viên tối cao đảng Thế giới mới Cho Won-jin cho biết ban lãnh đạo đảng cầm quyền, gồm các ủy viên tối cao và Chủ tịch Lee Jung-hyun, sẽ đồng loạt từ chức vào ngày 21/12.

AP cho rằng, đây là sự leo thang căng thẳng giữa các phe phái trong nội bộ Đảng cầm quyền. Mâu thuẫn trong nội bộ đảng này xảy ra sau khi hàng chục nghị sĩ thuộc Đảng cầm quyền phối hợp với liên minh các nghị sĩ đối lập luận tội bà Park. Khi đó, những người ủng hộ Tổng thống chỉ trích các thành viên chống đối, cho rằng họ đã phản bội bà và đề nghị những người này rời khỏi đảng.

Điểm đáng lưu ý là: kết quả biểu quyết dự thảo luận tội Tổng thống với tỷ lệ áp đảo 234/56 cho thấy không chỉ phe thiểu số không thân Tổng thống, mà một số nhân vật thuộc phe ủng hộ Tổng thống Park trong Đảng Thế giới mới cũng đã tán thành dự thảo luận tội, dự báo những mâu thuẫn ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong nội bộ đảng cầm quyền, để ngỏ khả năng bên thua cuộc có thể sẽ phải rời khỏi đảng.

Theo AP, nếu Tòa án Hiến pháp thông qua đề xuất luận tội Tổng thống (theo đó là việc Tổng thống Park chính thức bị phế truất và phải tiến hành bầu cử sớm để tìm người thay thế) thì các nghị sĩ chống đối bà sẽ tìm cách thành lập đảng chính trị mới, liên quan đến ông Ban Ki-moon[4] và một số chính trị gia đối lập tự do.

Trong một diễn biến mới nhất, nghị sĩ 4 khoá Chung Woo-taik[5] thuộc phe thân Tổng thống Park Geun-hye trong đảng Thế giới mới đã được bầu chọn làm tân Đại diện đảng này tại Quốc hội. Ông Chung đã giành được hơn ½ số phiếu trong cuộc bầu chọn (62 phiếu), đối thủ của ông là nghị sĩ 4 khóa Na Kyung-won thuộc phe không thân Tổng thống Park trong đảng Thế giới mới, đã giành được 55 phiếu. Trước đó, phe không thân Tổng thống Park trong đảng Thế giới mới đã tuyên bố sẽ ra khỏi đảng nếu tân Đại diện tại Quốc hội là một người thuộc phe thân bà Park. Như vậy, kết quả bỏ phiếu lần này được cho là một bước ngoặt quan trọng trên chặng đường sắp tới của đảng Thế giới mới.

3. Sự chia rẽ giữa các đảng phái

Theo Yonhap, ngày 12/12 vừa qua, các chính đảng ở Hàn Quốc đã không đạt được thỏa thuận về việc thành lập Cơ quan tham vấn chính sách (gồm chính phủ, đảng cầm quyền và các đảng đối lập) mặc dù trước đó chính giới nước này đã nhất trí về sự cần thiết thành lập một cơ quan đặc biệt nhằm ổn định tình hình sau khi Quốc hội thông qua dự thảo luận tội Tổng thống.

Rạn nứt xuất hiện sau khi giới lãnh đạo Đảng cầm quyền Thế giới mới nghi ngờ các đề xuất của phe đối lập, trong khi Đảng đối lập Dân chủ đồng hành từ chối hợp tác với Đảng Thế giới mới vì cho rằng đảng này đã mất vị thế đảng cầm quyền.

Trong một diễn biến mới nhất, Đại diện tại Quốc hội của 3 đảng đối lập đã từ chối gặp Đại diện đảng Thế giới mới Chung Woo-taik vào sáng ngày 19/12 vì cho rằng ông này cũng có trách nhiệm gây ra tình hình xáo trộn hiện nay tại Hàn Quốc.

Ông Kim Hyung-joon, Giáo sư Chính trị tại Trường ĐH Myongji, nhận định: Chính trường Hàn Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục hỗn loạn, trong bối cảnh Đảng cầm quyền chắc chắn thêm chia rẽ, rạn nứt; còn các Đảng đối lập khó tránh khỏi cảnh đấu đá nhau về việc lựa chọn ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Viện Gallup Hàn Quốc (ngày 16/12) đã công bố kết quả thăm dò ý kiến định kỳ về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng, trong đó, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng Dân chủ đồng hành đạt 40%, đảng Thế giới mới là 15%, Đảng vì Nhân dân là 12%, đảng Công lý là 3% và đảng khác là 1% (29% cử tri trả lời không ủng hộ đảng nào hoặc không muốn đưa ra ý kiến).

Tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng Dân chủ đồng hành đợt này vượt qua kỷ lục 37% trong một kết quả thăm dò ý kiến tiến hành ngay trước thềm bầu cử Tổng thống năm 2012. Theo Gallup, đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất của cử tri đối với một chính đảng kể từ năm 1998, năm nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Kim Dae-jung.

Sau vụ bê bối Choi Soon-sil, tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng Dân chủ đồng hành ngày càng tăng cao. Trước đó, sau khi dự thảo luận tội Tổng thống Park Geun-hye được thông qua tại Quốc hội, đảng này đã xác lập một cách vững vàng vị thế của một đảng đối lập chiếm số ghế nhiều nhất tại Quốc hội.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng Thế giới mới giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi đảng Đại dân tộc, tiền thân của đảng Thế giới mới, được thành lập vào năm 1997.

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp) – Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33178

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33212

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33232

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33239

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33247

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_Po_detail.htm?No=33265&id=Po

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/luan-toi-tong-thong-han-quoc-chua-yen-20161209224011088.htm

http://www.kinhtedothi.vn/ganh-nang-cua-tong-thong-tam-quyen-han-quoc-hwang-kyo-ahn-275050.html

http://www.baophuyen.com.vn/92/166538/phe-doi-lap-han-quoc-tim-cach-han-che-quyen-luc-cua-quyen-tong-thong.html

http://mxpress.vn/quoc-te/han-quoc--nhom-phan-doi-tong-thong-keu-goi-8-nghi-sy-roi-bo-dang-22713.html

http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/31532002-ran-nut-giua-cac-dang-o-han-quoc.html

http://wearablesinsight.com/channel/5408/201612/dang-cam-quyen-han-quoc-chia-re-2528701/

 

 



[1] Đây là lần thứ 2 trong lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc, Quốc hội thông qua dự thảo luận tội đối với một Tổng thống đương nhiệm, sau lần đầu tiên vào năm 2004 đối với cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Vào năm 2004, Tòa án Hiến pháp đã bác bỏ đề xuất luận tội ông Roh sau 63 ngày xem xét.

[2] Tiến trình này có thể kéo dài 180 ngày.

[3] Phe này đóng một vai trò chủ chốt trong việc Quốc hội có thể bỏ phiếu thông qua dự thảo luận tội Tổng thống Park ngày 09/12 vừa qua.

[4] Ông Ban sẽ kết thúc nhiệm kỳ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc vào ngày 31/12/2016.

[5] Ông Chung Woo-taik từng làm Bộ trưởng Hải dương và thủy sản, nguyên Tỉnh trưởng Tỉnh Bắc Chungcheong, từng giữ chức ủy viên tối cao đảng Thế giới mới, có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề chính sách, Nhà nước, chính trị.


Scroll To Top