Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHƯƠNG TRÌNH TÊN LỬA VÀ HẠT NHÂN CỦA TRIỀU TIÊN: Ý KIẾN CỦA MỘT SỐ CHUYÊN GIA (Phần 1)

Đăng ngày:

Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên vào ngày 09/09 vừa qua được đánh giá là mạnh chưa từng có. Chuyên gia phân tích Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở ở California (Mỹ) ước tính: cường độ địa chấn và cấp độ bề mặt cho thấy vụ nổ có mức giải phóng năng lượng vào khoảng 20-30 kiloton, vượt qua cả sức công phá của trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến thứ hai (khoảng 15 kiloton). Tuy nhiên, chuyên gia thuộc Cơ quan khí tượng Hàn Quốc Kim Nam-wook lại cho rằng mức giải phóng năng lượng trong vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vừa rồi của Triều Tiên chỉ là 10 kiloton: “Vụ nổ có sức công phá 10 kitoton, mạnh gần gấp đôi so với vụ thử hạt nhân lần thứ 4 (thực hiện vào tháng 01/2016). Sức công phá này chỉ kém một ít so với vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima”. Nhưng ngay cả với số liệu này, đây vẫn là vụ nổ hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên[1].

Sự kiện lần này làm làm dấy lên mối lo ngại về tình hình an ninh trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với hai quốc gia láng giềng của Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản. Bởi vậy, một loạt câu hỏi đã được đặt ra về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên như: trình độ thực tế, khả năng phát triển, các biện pháp trừng phạt, vai trò của Trung Quốc,… và sau đây là ý kiến của một số chuyên gia.

1. Triều Tiên đầu tư mạnh tay cho phát triển vũ khí

Dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Bình Nhưỡng vẫn dồn nhiều nguồn lực vào phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân như một cách để đối phó với Mỹ và các nước họ coi là thù địch. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Triều Tiên tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ USD cho cuộc thử nghiệm lần thứ 3 vào năm 2013. Còn Nhật báo Chosun dẫn các nguồn tin tình báo cho rằng, Bình Nhưỡng đã chi từ 2,8 – 3,2 tỷ USD[2] cho tổng thể chương trình hạt nhân, bao gồm các chi phí vận chuyển và hậu cần, xây dựng các nhà máy làm giàu uranium,…

Chuyên gia Jeffrey Lewis nhấn mạnh: “Triều Tiên đã tăng tốc đáng kể tiến độ các vụ thử tên lửa và đầu tư mạnh tay vào việc hiện đại hóa các nhà máy sản xuất tên lửa, điều chúng ta có thể thấy qua hình ảnh vệ tinh.”. Ông Lewis cho biết trong bức ảnh chụp ngày 22/08, ông thấy tại một nhà máy cũ[3] ở vùng nông thôn cách thủ đô Bình Nhưỡng 60 km, người ta đang xây dựng một số cơ sở hạ tầng mới, gia cố lại các tòa nhà cũ và đào lối vào nơi mà nhiều khả năng là một cơ sở dưới lòng đất. Trong khi đó, cũng qua các bức ảnh chụp vệ tinh, ông cho biết nhà máy Kanggye[4], được giới chuyên gia vũ khí cho là nơi lắp ráp và chế tạo đạn dược, cũng đã được nâng cấp từ năm ngoái.

Theo một số chuyên gia được hãng tin Reuters dẫn lời, sau khi phân tích các bức ảnh chụp từ vệ tinh, họ cho rằng: 03 nhà máy lớn chuyên phục vụ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện đã được hiện đại hóa và mở rộng. Điều này càng thể hiện sự quyết tâm của Triều Tiên trong việc hiện thực hóa tuyên bố dùng mọi nguồn lực, dù là khan hiếm, để đầu tư phát triển vũ khí.[5]

Còn ông Bruce Bennet, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu RAND, cho biết: trong 4 năm lãnh đạo, Kim Jong-un đã cho tiến hành 37 vụ thử tên lửa, nhiều gấp đôi so với số lượng thử nghiệm dưới thời cha ông là Kim Jong-il (17 vụ), đồng thời nhận định: “Hoạt động thử tên lửa không phản ánh sự ổn định hay bất ổn của nhà nước mà thể hiện kế hoạch phát triển và nâng cấp lâu dài của Bình Nhưỡng đối với vũ khí của mình”.

2. Chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên có tiến bộ đáng kể

Từ năm 1948, Triều Tiên đã xem chương trình tên lửa và hạt nhân là một trong những sức mạnh cần thiết để bảo vệ quốc gia. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được cho là khởi sự từ năm 1962, khi bán đảo Triều Tiên (bán đảo Hàn) bắt đầu quân sự hóa.

Năm 1963, Triều Tiên yêu cầu Liên Xô giúp đỡ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân nhưng bị từ chối; Liên Xô chỉ đồng ý giúp Triều Tiên phát triển chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình, bao gồm cả việc đào tạo các nhà khoa học hạt nhân. Các chuyên gia Liên Xô đã tham gia vào việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon và bắt đầu xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu IRT-2000 vào năm 1963. Năm 1979, Triều Tiên xây dựng ở Yongbyon một lò phản ứng nghiên cứu thứ hai. Riêng Pakistan thừa nhận rằng Triều Tiên đã tiếp cận với công nghệ hạt nhân của Pakistan vào cuối năm 1990.

Trang mạng 20minutes.fr dẫn nguồn từ Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS, Mỹ) cho biết, Bình Nhưỡng có thể đã đẩy nhanh sản xuất bom hạt nhân trong gần 2 năm qua, đưa kho vũ khí của nước này có ít nhất 21 quả bom hạt nhân. Ước tính này dựa trên đánh giá về số lượng plutonium và uranium quân sự mà Triều Tiên có thể đã có được từ lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.[6] Dựa trên phân tích các hình ảnh vệ tinh vào tháng 06/2016, Tổng thư ký của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho biết, Bình Nhưỡng dường như đã kích hoạt lại nhà máy Yongbyon để tái xử lý plutonium sản xuất vũ khí hạt nhân.

Về tên lửa, Bình Nhưỡng đã tiếp nhận làn sóng công nghệ tên lửa đầu tiên của Nga vào những năm 1980, nhờ đó, họ có khả năng tạo ra các tên lửa tầm ngắn Scud. Sau đó, khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Triều Tiên tiếp nhận làn sóng công nghệ tên lửa thứ 2 với những bước tiến mạnh mẽ hơn. Theo ông Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) có trụ sở ở Paris, chương trình tên lửa của Triều Tiên chủ yếu là kết quả của các kỹ sư Triều Tiên với sự tham gia ít ỏi của cộng đồng khoa học tên lửa hạt nhân “ngầm” đến từ Iran, Pakistan và Syria nhưng đến lúc này chỉ còn những nhà khoa học Triều Tiên đảm trách.

Theo bình luận viên William J. Broad, khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức tháng 1/2009, Bình Nhưỡng đã triển khai được hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm trung sử dụng động cơ mô phỏng thiết kế của Nga và đã xuất khẩu hàng trăm vũ khí được trang bị đầu đạn thông thường sang các nước như Ai Cập, Iran và Syria. Triều Tiên lúc đó cũng đang phát triển loại tên lửa mới có động cơ tiên tiến hơn nhiều. Các nhà phân tích tình báo phương Tây từng rất sửng sốt khi phát hiện ra rằng động cơ mới này có nguồn gốc từ R-27 (một loại tên lửa nhỏ gọn mang đầu đạn hạt nhân được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô). Loại động cơ này sau đó được phát triển để lắp đặt cho tên lửa Musudan và giúp cho tên lửa này có tầm bắn xa hơn nhờ lực đẩy mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani xác nhận, tên lửa Musudan đạt độ cao 1.000km, chứng tỏ đã có tiến bộ trong chương trình tên lửa của Triều Tiên. Các chuyên gia thì cho rằng, sở dĩ Musudan có thể đạt độ cao như vậy vì Triều Tiên dường như cố tình hướng tên lửa theo chiều thẳng đứng để tránh đi vào không phận Nhật Bản. Còn theo ông Lee Choon-geun, nhà phân tích tại Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc thì: “Chúng ta phải xem vụ thử ngày 22/06 là thành công vì chưa bao giờ tên lửa của Triều Tiên bay cao như thế”. Các nhà phân tích cảnh báo đầu đạn của tên lửa Musudan có thể bay xa tới 4.320 km, đủ để vươn tới căn cứ của Mỹ ở Guam nhưng chưa đạt được tầm bắn liên lục địa tối thiểu là 6.120 km. Hiện tại, theo thống kê của Mỹ, Triều Tiên có đến 30 tên lửa Musudan, trong đó, chiếc đầu tiên được triển khai khoảng năm 2007 nhưng chỉ mới thử nghiệm hồi tháng 4/2016.

Như vậy, trong những năm vừa qua, Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố về các đột phá trong công nghệ vũ khí. Mặc dù một số tuyên bố bị xem là chỉ mang tính khoe khoang, song các chuyên gia quốc tế đều nhận định các tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải thiện rõ rệt về tầm cao, tầm xa và tốc độ so với trước đây. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy những bước tiến đáng kể trong chương trình tên lửa bị cấm của quốc gia này.

Các chuyên gia phân tích và quan chức quân sự Mỹ còn cho rằng Triều Tiên đang nhanh chóng hướng tới mục tiêu sản xuất mẫu tên lửa hạt nhân nhỏ, nhanh, nhẹ, có khả năng tấn công bất ngờ và đã có một số cuộc thử nghiệm thành công nhất định trong năm 2016. Báo cáo của Lầu Năm Góc hồi đầu năm đã cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng một trong những tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, nếu được hoàn thiện, “sẽ có thể vươn tới phần lớn lục địa Mỹ”. Chuyên gia Jeffrey Lewis cũng nhận định rằng những cuộc thử nghiệm gần đây cho thấy Triều Tiên có thể đã sở hữu những động cơ tên lửa rất mạnh mẽ. “Điều đó có nghĩa rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên không chỉ vươn tới được Bờ Tây, mà còn có thể tấn công những mục tiêu trên khắp nước Mỹ, trong đó có cả thủ đô Washington”, chuyên gia Lewis khẳng định.

Về chương trình hạt nhân, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã phải công nhận: “Năng lực hạt nhân Triều Tiên đang phát triển và tăng tốc, khi vụ thử hạt nhân lần 5 có cường độ mạnh nhất và khoảng nghỉ được rút ngắn đáng kể”. Còn chuyên gia nghiên cứu về chương trình tên lửa Triều Tiên John Schilling khẳng định: “Tiến độ các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể. Dường như họ đang cố tình khoe khả năng của mình bằng cách cho chúng ta thấy các bãi thử hạt nhân mà lẽ ra họ có thể che giấu. Đây là điều mà chúng ta không thể xem nhẹ và sẽ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ kế tiếp”.

Chuyên gia phân tích Jeffrey Lewis còn nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng là, với 5 vụ thử, bây giờ, họ đã có rất nhiều kinh nghiệm thử hạt nhân. Họ không còn là một quốc gia lạc hậu nữa”. Đặc biệt, Giáo sư Siegfried S. Hecker của Đại học Stanford, người từng tới Triều Tiên và từng điều hành Phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos tại New Mexico - nơi sinh ra bom nguyên tử, đã nhận định những tiến bộ của Triều Tiên trong quá trình phát triển tên lửa và hạt nhân cho thấy họ đang đi từ việc xem các loại vũ khí phi truyền thống như một lợi thế có thể đem ra mặc cả trong thương lượng, tới chỗ “quyết định họ cần có một sức mạnh chiến đấu bằng vũ khí hạt nhân”.

Bảng 1: Các cuộc thử nghiệm vũ khí gây chấn động thế giới của Triều Tiên

Tháng 10/2006

Vụ thử hạt nhân lần đầu tiên, gây nên cơn địa chấn mạnh 4,3 độ Richter

Tháng 04/2009

Phóng tên lửa vệ tinh viễn thám mang đầu đạn hạt nhân

Tháng 05/2009

Vụ thử hạt nhân lần thứ 2 gây nên cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter

(đồng thời Triều Tiên cũng phóng thử tên lửa đất đối không có bán kính hoạt động 80 km)

Tháng 02/2013

Vụ thử hạt nhân lần thứ 3, gây nên cơn địa chấn mạnh 5,1 độ Richter

(năm cao điểm về thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, tạo nên cuộc khủng hoảng trên bán đảo Hàn)

Tháng 06/2014

Thử nghiệm thành công tên lửa Nodong-1

Tháng 05/2015

Tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa bắn từ tàu ngầm

Tháng 01/2016

Vụ thử hạt nhân lần thứ 4, gây nên cơn địa chấn mạnh 5,1 độ Richter

(Bình Nhưỡng tuyên bố tiến hành thử thành công bom nhiệt hạch, còn gọi là bom hydro hay bom H)

Tháng 3/2016

Triều Tiên tuyên bố đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân

(và trong các tháng tiếp theo đã phóng thử các tên lửa đạn đạo, trong đó có một số tên lửa phóng từ tàu ngầm)

Tháng 09/2016

Vụ thử hạt nhân lần thứ 5, gây nên cơn địa chấn mạnh 5,3 độ Richter

(đây có thể được coi là một bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã đạt một bước tiến mới về năng lực vũ khí hạt nhân)

Dự đoán

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời một quan chức Chính phủ giấu tên ở Seoul cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công đoạn chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân kế tiếp

(dự đoán Triều Tiên có thể sẽ thử hạt nhân lần thứ 6 trước khi kết thúc năm 2016)

Nguồn: Người viết tự tổng hợp

 

Lương Hồng Hạnh (tổng hợp)

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://nguyenphutrong.org/trieu-tien-nuoi-cac-chuong-trinh-hat-nhan-bang-cach-nao.html

2. http://diembaomang.com/nang-luc-hat-nhan-trieu-tien-lon-manh-nhanh-chong

3. http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trieu-tien-lai-thu-hat-nhan-giai-ma-thai-do-trung-quoc-3318392/

4. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-trung-quoc-khong-ngan-duoc-trieu-tien-thu-vu-khi-hat-nhan-3466013.html

5. http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trieu-tien-thu-hat-nhan-co-suc-cong-pha-ngang-qua-6. bom-nem-xuong-hiroshima-42426.html

6. http://news.zing.vn/trieu-tien-da-san-sang-cho-vu-thu-hat-nhan-tiep-theo-post680821.html

7. http://vneconomy.vn/the-gioi/trieu-tien-chuan-bi-thu-hat-nhan-lan-nua-9. 20160912104123508.htm

8. http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160911/the-gioi-lo-ngai-nang-luc-hat-nhan-cua-trieu-10. tien/1169577.html

9. http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/yonhap-trieu-tien-hoan-tat-chuan-bi-thu-hat-nhan-lan-thu-6-549358.vov

10. http://baodatviet.vn/quoc-phong/su-kien/my-thua-nhan-lanh-gay-truoc-bom-hat-nhan-trieu-tien-3318426/



[1] Đủ sức mạnh để “xé toạc trái tim một thành phố”, một chuyên gia Mỹ ví von.

[2] Khoản tiền này đủ để cứu đói cho người dân trong 3 năm, mua được khoảng 10 triệu tấn lúa.

[3] Theo các chuyên gia, nhà máy này vốn được Triều Tiên sử dụng để sản xuất động cơ xe tăng, chế tạo các bộ phận tên lửa và nhiều khí tài quân sự khác.

[4] Theo thông tin từ một công nhân người Triều Tiên đào tẩu cung cấp cho Nhật báo Chosun của Hàn Quốc, đây là “căn cứ sản xuất vũ khí chính” của Triều Tiên.

[5] Để có tiền đầu tư cho chương trình hạt nhân và vũ khí, Triều Tiên đã tận dụng các nguồn thu nhập chính của nước này như: bán vũ khí trái phép, giao thương với Trung Quốc, nguồn tiền từ khu công nghiệp chung Kaesong và xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

[6] Ước tính này không bao gồm sự đóng góp tiềm năng của nhà máy làm hạt nhân thứ hai có thể đã được xây dựng để sản xuất uranium.


Scroll To Top