Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


SƠ LƯỢC VỀ HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992) đến nay, lĩnh vực kinh tế được đánh giá là lĩnh vực “phát triển nhanh nhất, năng động nhất và hiệu quả nhất”[1] trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sự hợp tác về kinh tế giữa hai nước chủ yếu tập trung ở các khía cạnh: viện trợ phát triển, đầu tư trực tiếp và thương mại.

Về viện trợ phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nhiều nhất các khoản viện trợ không hoàn lại từ Hàn Quốc. Tính đến năm 2014, Hàn Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 200 triệu USD thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (Korea International Cooperation Agency, viết tắt là KOICA)[2]. Đồng thời, giá trị của các khoản viện trợ này cũng tăng dần theo từng năm. Năm 1992, viện trợ của Hàn Quốc cho Việt Nam là 316 ngàn USD và đến năm 2013, khoản viện trợ này đã tăng hơn 85 lần, lên đến con số 26 triệu 985 ngàn USD.[3] Việt Nam cũng là nước giữ vị trí hàng đầu trong số những quốc gia nhận viện trợ bằng nguồn vốn vay dài hạn của Quỹ Hợp tác Kinh tế đối ngoại Hàn Quốc, tổng giá trị viện trợ khoảng 2 tỷ USD dưới hình thức Hàn Quốc cấp vay vốn cho các nước đang phát triển. Số vốn vay này tương ứng với 20% tổng nguồn vốn được phê duyệt từ năm 1995 đến năm 2014 của Quỹ này - một con số rất lớn khi so với các quốc gia khác [4]. Trong đó, những lĩnh vực Hàn Quốc ưu tiên viện trợ cho Việt Nam bao gồm: (1) Phát triển nguồn nhân lực và những nhu cầu cơ bản của con người như: giáo dục, đào tạo và y tế; (2) Hỗ trợ nhân đạo cho các vùng sâu vùng xa và vùng nghèo đói; (3) Xây dựng thể chế cho các khu vực đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; và (4) Phát triển nông nghiệp và nông thôn.[5]

Về đầu tư trực tiếp, tính đến cuối tháng 6/2016, Hàn Quốc đã có 5.364 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 48,5 tỷ USD[6], đứng vị trí thứ nhất về tổng vốn đầu tư đăng ký và tổng số dự án đầu tư trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (dưới đây viết tắt là FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, thông tin truyền thông và kinh doanh bất động sản. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 3.141 dự án, tổng vốn đầu tư 34 tỷ USD chiếm 60% tổng số dự án và 69,4% tổng vốn đầu tư đăng ký[7]. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, góp phần đáng kể cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.

SƠ LƯỢC VỀ HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA VIỆT NAM  VÀ HÀN QUỐC


Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai hình thức chính là: 100% vốn nước ngoài (4.715 dự án/ 43,6 tỷ USD) chiếm hơn 89% số dự án, 89% tổng vốn đầu tư đăng ký; và liên doanh. Ngoài ra còn có một số hình thức khác như: hợp đồng BOT[8], BT[9], BTO[10], hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hiện nay, vốn FDI của Hàn Quốc tập trung nhiều nhất ở 3 tỉnh, thành phố là: Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, chiếm 37% số dự án và 34,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.[11]

Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng cơ sở để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Như từ ngày 01/07/2004, Chính phủ Việt Nam đã quyết định miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả các khách Hàn Quốc vào Việt Nam nếu ở Việt Nam dưới 15 ngày, điều này giúp cho các doanh nhân Hàn Quốc có thể dễ dàng đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư[12]. Đồng thời, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/07/2015) với quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư được đơn giản hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là một trong các lý do khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn.

Về giao dịch thương mại, sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc - Việt Nam đã tăng gấp 40 lần, từ 494 triệu USD vào năm 1992 lên đến hơn 20 tỷ USD vào năm 2012. Đồng thời, Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại đứng thứ tư của Việt Nam (vào năm 2012) và sau đó vượt lên vị trí thứ ba (vào năm 2014). Năm 2015, Hàn Quốc tiếp tục là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 34,4 tỷ USD, tăng 29,2% so với năm 2014.  Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam tăng từ 436 triệu USD vào năm 1992 lên 22.352 triệu USD vào năm 2014; với các mặt hàng chủ yếu là: hàng điện, điện tử; hàng kim loại, sắt thép; hàng máy móc; hàng vải sợi và hàng công nghiệp hóa học.[13] Còn Việt Nam đã trờ thành quốc gia giao thương đứng hàng thứ 15 của Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam là 57 triệu USD (vào năm 1992) lên 7.990 triệu USD (vào năm 2014), chủ yếu là các mặt hàng như: vải sợi, khoáng sản và nông lâm thủy sản[14]. Ngoài ra, có thể thấy giao dịch thương mại giữa hai nước có xu hướng gia tăng nhanh trong khoảng những năm gần đây, từ năm 2007 đến năm 2014.

 

Bảng 1: Kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam, 1992-2014 (Đơn vị: triệu USD)

Năm

1992

1993

1994

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

Tổng số

494

819

1.141

1.545

1.831

1.842

1.545

1.709

2.088

2.117

2.710

3.072

Xuất khẩu

436

728

1.027

1.351

1.599

1.603

1.361

1.445

1.686

1.732

2.240

2.561

Nhập khẩu

57

91

114

194

232

239

184

264

322

386

470

511

Chỉ số cán cân thương mại

379

638

914

1.157

1.367

1.365

1.178

1.181

1.364

1.346

1.770

2.051

Năm

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng số

3.929

4.126

4.852

7.152

9.842

9.519

12.983

18.549

21.665

28.983

30.342

34.400

Xuất khẩu

3.256

3.432

3.927

5.760

7.805

7.149

9.652

13.465

15.946

21.088

22.352

 

Nhập khẩu

673

694

925

1.392

2.037

2.370

3.331

5.084

5.719

7.175

7.990

 

Chỉ số cán cân thương mại

2.582

2.738

3.003

4.368

5.768

4.780

6.321

8.381

10.227

13.912

14.362

 

Nguồn: Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2014), Việt Nam Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr. 77.

 

Như vậy, có thể nhận thấy sau 24 năm thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992 đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh tế đã có những thành tựu đáng được ghi nhận về cả lượng và chất. Thành tựu này là kết quả của những nỗ lực đến từ hai Chính phủ nói chung và sự năng động, nhiệt tình của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư của hai nước nói riêng. Nhìn những chỉ số về giao dịch thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển tăng dần theo từng năm và có xu hướng ngày càng gia tăng mãnh liệt hơn trước, ta có thể nhận thấy rất nhiều điểm sáng đáng mừng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, cán cân thương mại đang dần lệch hẳn về phía Hàn Quốc là một tín hiệu mà Việt Nam cần lưu ý hơn nữa để hướng tới một sự hợp tác “lành mạnh hơn” trong tương lai.

Nguyễn Ngọc Mai, Lương Hồng Hạnh (tổng hợp)

Trung tâm NC Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo:

1. Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2014), Việt Nam Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP, Hồ Chí Minh.

2. Trần Quang Minh (2012), 20 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Những dấu ấn đáng ghi nhận, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, (số 12), tr.4-12.

3. Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Tình hình đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc, http://fia.mpi.gov.vn, http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4830/Tinh-hinh-hop-tac-dau-tu-Viet-Nam-Han-Quoc, ngày 16/06/2016.



[1] Trần Quang Minh (2012), 20 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Những dấu ấn đáng ghi nhận, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, (số 12).

[2] Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2014), Việt Nam Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP, Hồ Chí Minh, tr. 97.

[3] Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2014), Việt Nam Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP, Hồ Chí Minh, tr. 98.

[4] Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2014), Việt Nam Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP, Hồ Chí Minh,tr. 99.

[5] Trần Quang Minh (2012), 20 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Những dấu ấn đáng ghi nhận, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, (số 12), tr.6-7.

[6] Số liệu thống kê FDI tính đến ngày 20/6/2016 của Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam.

[7] Cục đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Tình hình đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc,

http://fia.mpi.gov.vn, http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4830/Tinh-hinh-hop-tac-dau-tu-Viet-Nam-Han-Quoc, 16/06/2016.

[8] Hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nước sở tại.

[9] Hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT.

[10] Hợp đồng BTO (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại; Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.

[11] Cục đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Tình hình đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc,

http://fia.mpi.gov.vn, http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/4830/Tinh-hinh-hop-tac-dau-tu-Viet-Nam-Han-Quoc, 16/06/2016.

[12] Trần Quang Minh (2012), 20 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Những dấu ấn đáng ghi nhận, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, (số 12), tr.7.

[13] Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2014), Việt Nam Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP, Hồ Chí Minh, tr. 77 và tr.82.

[14] Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2014), Việt Nam Hàn Quốc một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, NXB Đại học Quốc gia TP, Hồ Chí Minh, tr. 83.


Scroll To Top