Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA HÀN QUỐC TRONG NĂM 2015 (PHẦN 2)

Đăng ngày:

Các sự kiện văn hóa - thể thao - xã hội

6. Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến trực tiếp biên soạn sách giáo khoa lịch sử

Ngày 3/11/2015, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã đăng công báo quyết định về việc Nhà nước trực tiếp đứng ra biên soạn sách giáo khoa lịch sử thay vì chỉ thực hiện kiểm định như từ trước đến nay. Ngay lập tức, việc này đã gây tranh cãi kịch liệt không chỉ trong giới sử gia mà trong toàn bộ xã hội Hàn Quốc.

Theo đó, từ năm học 2017 trở đi, sách giáo khoa lịch sử do Nhà nước kiểm định đang dùng để giảng dạy ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được thay bằng sách do Nhà nước biên soạn. Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hwang Woo-yea cho biết, Chính phủ ra quyết định này dựa trên nhận định rằng chỉ với cơ chế kiểm định rồi cho phát hành như hiện nay thì không thể tạo ra cuốn sách giáo khoa lịch sử có nội dung đúng đắn được. Ông Hwang nói thêm rằng, sách giáo khoa lịch sử đã bị lợi dụng biến thành công cụ khơi mào tranh cãi, gây chia rẽ nội bộ quốc gia và những mâu thuẫn trong xã hội. Do đó, nhằm ngăn chặn hỗn loạn xã hội phát sinh từ những tranh cãi liên quan, Chính phủ đã quyết định cải tổ lĩnh vực giáo dục lịch sử hướng đến thắt chặt tính thống nhất quốc gia, cụ thể đó chính là việc chịu trách nhiệm từ khâu biên soạn nội dung đến phát hành sách giáo khoa lịch sử.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lịch sử nói riêng và xã hội Hàn Quốc nói chung đã ngay lập tức bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này của Chính phủ. Họ cho rằng, nếu để Nhà nước trực tiếp biên soạn thì nội dung sẽ bị bẻ theo hướng có lợi cho chính quyền đương nhiệm, đồng thời sẽ phá vỡ tính đa dạng của tri thức.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chỉ định Ủy ban biên soạn tư liệu lịch sử quốc gia là cơ quan phụ trách, đồng thời chọn nhóm viết sách gồm 47 người và Ủy ban thẩm định biên soạn gồm 16 người. Dự kiến, riêng việc biên soạn nội dung sách sẽ mất khoảng một năm, tức đến tháng 12 năm 2016 sẽ hoàn tất chuyển sang các khâu thẩm định và thí điểm để chính thức đưa vào áp dụng trong giảng dạy tại các trường từ tháng 3 năm 2017.

7. Cựu Tổng thống Kim Young-sam tạ thế

Tổng thống thứ 14 của Hàn Quốc, người đã để lại những dấu ấn lớn về dân chủ hóa trong lịch sử chính trị tại Hàn Quốc, ông Kim Young-sam đã từ trần vào hồi 0 giờ 22 phút sáng ngày 22/11/2015 tại Bệnh viện trường Đại học quốc gia Seoul ở thủ đô Seoul. Phía bệnh viện cho biết cựu Tổng thống Kim Young-sam đã ngừng thở do suy tim cấp tính và nhiễm trùng vì sức yếu. Trước đó, ông Kim đã nhập viện để điều trị do có triệu chứng nhiễm trùng máu.

Quốc tang cựu Tổng thống Kim Young-sam đã được cử hành trọng thể vào ngày 26/11 sau năm ngày để tang. Lễ truy điệu diễn ra phía trước Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày này với sự tham dự của khoảng 7.000 người bao gồm Ban tổ chức lễ tang, cựu Đệ nhất phu nhân Son Myung-soon và gia quyến, cựu Tổng thống Lee Myung-bak, các quan chức Chính phủ, quan chức ngoại giao nước ngoài, đại diện các giới và người dân. Thi hài cố Tổng thống Kim đã được an táng tại Nghĩa trang quốc gia ở phường Dongjak, thủ đô Seoul.

Ông Kim Young-sam sinh ngày 20/12/1927 tại đảo Geoje, tỉnh Nam Gyeongsang.Vào năm 1993, ông đắc cử Tổng thống thứ 14 của Hàn Quốc, đánh dấu chấm hết cho thời đại chính quyền quân sự kéo dài hơn 30 năm tại Hàn Quốc, mở ra thời đại nền chính trị vì dân khi một người dân thường chứ không phải tướng lĩnh quân đội trở thành Tổng thống. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Kim Young-sam đã chấm dứt tình trạng quân đội can thiệp vào chính trị tại Hàn Quốc bằng cách giải thể Hội Hanah, nhóm quân sự hậu thuẫn cho các tướng Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo tức các Tổng thống trước đó. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Kim Young-sam gần như mất sự ủng hộ của người dân trong điều hành đất nước do Hàn Quốc bị vỡ nợ quốc gia trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và phải chịu sự kiểm soát của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Dù vậy, những yếu kém này được người dân đánh giá là không làm tổn hại đến hình ảnh một chính khách đã đấu tranh kiên cường cả đời để xây dựng nền dân chủ tại Hàn Quốc.

8. Hàn Quốc tăng cường cảnh giới trước chủ nghĩa khủng bố

Đêm 13/11 cả thế giới chấn động trước vụ thủ đô Paris của nước Pháp bị khủng bố tấn công khiến hơn 150 người thương vong. Vụ tấn công này sau đó được xác định là hành động của tổ chức vũ trang cực đoan của phiến quân Hồi giáo dòng Sunni tại I-rắc và Xy-ri tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngoài ra, IS từng công bố danh sách các nước sẽ là mục tiêu của tổ chức này gồm các đồng minh của Mỹ trong đó có Hàn Quốc. Điều này đã khiến cho mối lo ngại nguy cơ khủng bố tại Hàn Quốc dâng cao hơn bao giờ hết khi liên tục phát hiện những người nước ngoài cư trú trái phép có tư tưởng ủng hộ các tổ chức khủng bố như IS hay Al Qaeda.

Trên thực tế, trong tháng 12, Hàn Quốc đã phát hiện và trục xuất bốn người nước ngoài ủng hộ các tổ chức khủng bố quốc tế như IS hay Al Qaeda. Những kẻ này từng công khai đăng tải trên mạng xã hội các nội dung như “tham gia thánh chiến” hay “đánh bom liều chết”. Thậm chí, chúng còn mở tài khoản ngân hàng để quyên tiền cho các phiến quân Hồi giáo. Đây được cho là những nguy cơ khủng bố tự phát do chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của các nhóm vũ trang hồi giáo cực đoan.. Không chỉ người nước ngoài mà trước đó cũng từng có vụ một thanh niên Hàn Quốc vượt biên sang Xy-ri từ Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập tổ chức IS.

Tình hình này đã đưa đến bài toán là Hàn Quốc cần nhanh chóng xây dựng luật chống khủng bố, vốn trước đó không qua nổi ngưỡng cửa Quốc hội và bị bác bỏ nhiều lần. Chính phủ Hàn Quốc đang đặt ra nhiệm vụ tăng cường kiểm tra những đối tượng có khả năng gây tội ác khủng bố, thắt chặt truy quét người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, đặc biệt là những người đã ở lại quá lâu. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đang siết chặt thủ tục xét duyệt cho phép người nước ngoài nhập cảnh dựa trên những thông tin do Chính phủ nước ngoài cung cấp, đồng thời tăng cường tuần tra các khu vực tập trung nhiều người nước ngoài để sớm nhận biết tình hình ngay khi có bất thường xảy ra.

9. Di sản văn hóa của Hàn Quốc liên tiếp được công nhận cấp quốc tế

Năm 2015 có thể nói là một năm đạt được nhiều thành tựu rực rỡ của nền văn hóa Hàn Quốc khi nước này liên tiếp được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa thế giới.

Hôm 4/7 /2015 tại Đức, cuộc họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã vinh danh quần thể di tích lịch sử vương triều Baekje. Quần thể này gồm tám di tích tiêu biểu của thời đại Baekje (từ năm 18 trước Công Nguyên đến thế kỷ VII) như các tường thành và mộ cổ nằm rải rác ở tám địa điểm trên vùng Gongju, Buyeo (tỉnh Nam Chungcheong) và Iksan (tỉnh Bắc Jeolla). Với kết quả này, Hàn Quốc đã có tổng cộng 12 di sản văn hóa thế giới.

Tiếp đó, vào ngày 9/10 /2015, UNESCO đã công nhận chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt "Đi tìm gia đình ly tán" của đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS cùng mộc bản Nho giáo triều đại Joseon là di sản tư liệu thế giới. Mộc bản Nho giáo triều đại Joseon là những bản gỗ khắc chữ Hán dùng để in sách cho các học giả thời Joseon. Còn chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” là tổng hợp 20.522 tài liệu liên quan gồm sổ tay ghi chép nghiệp vụ của biên tập viên đảm nhiệm chương trình, đơn đăng ký tham gia chương trình do đích thân các gia đình bị ly tán viết, lịch công việc hàng ngày, lịch phát sóng, băng đĩa kỷ niệm, ảnh tư liệu và ảnh hiện trường cuộc gặp gỡ các gia đình bị ly tán do đài KBS thực hiện.. Đây được đánh giá là chương trình truyền hình mang đậm tính nhân văn và được thực hiện theo kiểu chạy đua với thời gian chưa từng có trên thế giới.

Hàn Quốc tiếp tục đón tin vui trong tháng cuối năm khi cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO hôm 2/12 đã công nhận trò chơi “kéo co”, do bốn quốc gia gồm Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và Campuchia cùng đăng ký, là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong đó, kéo co của Hàn Quốc gồm hai di sản văn hóa cấp quốc gia là kéo co vùng Yeongsan (xã Yeongsan, huyện Changnyeong, tỉnh Nam Gyeongsang) và kéo co làng Gijisi (thôn Gijisi, ấp Songak, thành phố Dangjin, tỉnh Nam Chungcheong). Như vậy đến nay Hàn Quốc hiện sở hữu tổng cộng 18 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

10. Nữ golf thủ Hàn Quốc tỏa sáng trên trường quốc tế

Các tuyển thủ golf nữ Hàn Quốc đã có một năm thi đấu thành công và đạt nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế, với 14 chiến thắng tại các giải đấu của Liên đoàn golf nữ thế giới (LPGA). Đây là thành tích tốt nhất mà các tuyển thủ golf nữ Hàn Quốc từng đạt được trong lịch sử. Trong đó, tay golf Park In-bee đã ghi một dấu ấn lớn trong lịch sử. Ngôi vô địch giải golf nữ Vương quốc Anh mở rộng mà Park giành được vào ngày 2/8 đã mang lại cho cô danh hiệu “Career Grand Slam” danh giá, dành cho người vô địch cả bốn giải đấu chính trong sự nghiệp. Đây cũng là lần thứ bảy danh hiệu này được xác lập trong lịch sử Liên đoàn golf nữ thế giới. Đồng thời, chỉ cần Park In-bee chơi tiếp mùa giải 2016, tức mùa giải thứ 10 trong sự nghiệp, là tên cô sẽ xuất hiện tại Sảnh danh vọng, trở thành tay golf nữ thứ hai của Hàn Quốc sau Park Se-ri được vinh danh tại đây.

Bên cạnh Park In-bee, Hàn Quốc còn có tay golf nữ Kim Se-young đã đoạt được ba chiến thắng ngay trong năm đầu tiên ra mắt làng golf,  và nổi lên trở thành tay golf mới xuất sắc nhất của LPGA. Ngoài ra, còn có Choi Na-young với hai chức vô địch, các tay golf khác như Yang Hee-young, Kim Hyo-joo, Lee Min-ji, Choi Woon-jeong mỗi người giành được một chiến thắng tại các giải đấu khác nhau. Và đặc biệt không thể không nhắc đến nữ golf thủ Jeon In-ji đã vô địch cả ba giải golf chuyên nghiệp gồm giải của Hàn Quốc (KLPGA), của Nhật Bản (JLPGA) và giải mở rộng của Mỹ trong cùng năm 2015.

Kết thúc năm 2015 với nhiều sự kiện đáng nhớ, giờ đây, người dân Hàn Quốc cũng như chính phủ nước này cùng háo hức hướng tới năm 2016 với nhiều cải cách và những bước tiến mới chuẩn bị cho thời đại hòa bình thống nhất trên bán đảo Hàn trong tương lai.

Nguyễn Ngọc Mai tổng thuật

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Theo nguồn:

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=698

http://www1.president.go.kr/news/newsList2.php?srh%5Bview_mode%5D=detail&srh%5Bseq%5D=13626


Scroll To Top