Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


ĐẠI SƯ HYU-JEONG (HƯU TĨNH) VÀ NÚI MYOHYANG (DIỆU HƯƠNG)

Đăng ngày:

Dưới thời Joseon (1392-1910), đệ tử Phật giáo và nhân dân trên bán đảo Hàn đều ca tụng, ngưỡng mộ nhà sư Hyu-jeong, một đại sư tiêu biểu của Phật giáo bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm, đồng thời là một nhà tư tưởng lớn thể hiện rõ quan điểm tôn giáo trong những tác phẩm của mình.

Đại sư Hyu-jeong sinh năm 1520, mất năm 1604, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nhờ có sự giúp đỡ của Quận trưởng vùng Anju là Yi Sa-jeung nên năm 12 tuổi, ông đã được vào học ở Thành Quân Quán[1]. Ba năm sau, tức năm ông 15 tuổi, ông dự kỳ thi tiến sĩ nhưng bị trượt. Ông bèn cùng với một số đồng môn đi du ngoạn, tới vùng Ho Nam, ông gặp được bậc Trưởng lão Sung-in (Sùng Nhân) ở núi Jiri (Trí Dị) và xuất gia tu hành. Ông theo học Thiền sư Bu-yong nhiều năm, tới năm 32 tuổi, nhà nước mở khoa thi Thiền Giáo lưỡng chủng tăng khoa[2], ông ứng thí và đỗ đại khoa. Năm ông 36 tuổi, ông được đề bạt vào vị trí cao nhất trong giới Phật giáo là Phán Thiền tông sự. Năm 1589, tức năm ông 70 tuổi, do sự kiện phản nghịch của Jeong Yeo-rip (Trịnh Nhữ Lập) mà ông bị bắt giam vào ngục cùng với đệ tử của mình là Samyeong Yu-jeong, nhưng sau đó được thả ra. Năm 1592, khi Nhâm Thìn Oa Loạn xảy ra, quân Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Hàn, ông được vua Seon-jo (Tuyên Tổ) phong chức Bát đạo thập lục tông đô tổng nhiếp[3], ông kêu gọi và lãnh đạo các môn đồ và Phật tử trong cả nước chống giặc ngoại xâm, lập nhiều công lớn. Năm 85 tuổi, ông viên tịch ở núi Myohyang (Diệu Hương).

Ông để lại 3 tác phẩm lớn và được truyền bá rộng rãi là Thiền gia quy giám, Nho gia quy giám, Đạo gia quy giám với một tư tưởng lớn là Hội thông tam giáo. Như vậy, ông không chỉ là một thiền sư yêu nước, đóng góp nhiều công lao trong công cuộc chống ngoại xâm mà còn là một học giả lớn nêu cao tư tưởng kết hợp việc đạo với việc đời, dung hoà các tôn giáo, hướng tới cái đích tận cùng là Chân, Thiện, Mỹ.

Ông có một thời gian rất dài tu luyện ở núi Myo Hyang[4], một ngọn núi được coi là linh thiêng, hùng vĩ, nhiều đỉnh núi cao, thế núi kỳ vĩ, non nước hữu tình. Tên ngọn núi này được dân gian thường gọi là Seosan (núi Tây), bởi thế, dân gian vẫn gọi Thiền sư Hyu-jeong là Seosandaesa (Tây sơn đại sư).

Viết về núi Myo Hyang, Kim Sat Kat có bài thơ như sau:

妙香山诗

平生所欲者何求

每擬秒香山一遊

山疊疊千峰萬仞

路層層十步九休

Phiên âm

Diệu Hương sơn thi

Bình sinh sở dục giả hà cầu,

Mỗi nghĩ Diệu Hương sơn nhất du.

Sơn điệp điệp thiên phong vạn nhận,

Lộ tằng tằng thập bộ cửu hưu.

Dịch nghĩa:

Thơ về núi Diệu Hương

Điều ước muốn trong cuộc đời con người là gì?

Là một lần được du ngoạn núi Diệu Hương.

Núi non trùng trùng điệp điệp, muôn vàn đỉnh vươn cao vạn nhận[5],

Đường đi gập ghềnh hiểm trở, đi mười bước nghỉ đến chín lần.

 

Núi Diệu Hương được thi vị hóa trong thơ là vậy. Trên thực tế, mạch núi Diệu Hương chạy theo hướng Bắc Tây Bắc xuống Nam Tây Nam, ở phía Nam sông Áp Lục; phía Bắc Bình Nhưỡng, có rất nhiều đỉnh núi cao, cao nhất là đỉnh Tỳ Lô:1909m, tiếp đến là đỉnh Thất Tinh:1894m, đỉnh Giáng Tiên:1613m…

Trên núi Diệu Hương có chùa Phổ Hiền cổ kính, được dựng vào năm 968, tức năm 19 đời vua Kwangjong triều Koreo. Tây Sơn đại sư (Seosan Daesa) từng nhiều năm tu luyện và chủ trì chùa này.

Núi Diệu Hương linh thiêng hùng vĩ; chùa Phổ Hiền cổ kính rêu phong; đại sư Tây Sơn cùng những tư tưởng lớn của ông đã tạo nên một danh thắng mà “ trong cuộc đời con người, mong được một lần tới du ngoạn”.

TS. Lý Xuân Chung

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Tài liệu tham khảo

  1. Kim Seong-beom, Kim Sang-ho, Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc; NXB KHXH, Hà Nội 2011.
  2. Kim Sat Kat; Kim Sat Kat thi; NXB Jeon Won Munhwa, Seoul 2008.
  3. Naver Tri thức bách khoa, mục Myohyangsan.

 

 



[1] Tên gọi Quốc tử giám thời Josen.

[2] Khoa thi về cả Phật giáo và Nho giáo.

[3] Theo Kim Seong Beom-Kim Sang Ho-Đào Vũ Vũ; Dẫn nhập lịch sử tư tưởng Hàn Quốc, Nxb.KHXH 2011; tr.535.

[4] Núi Myo Hyang nay thuộc địa phận Bắc Hàn.

[5] Nhận: đơn vị đo lường thời cổ


Scroll To Top