CON ĐƯỜNG TƯƠNG LAI CỦA TRIỀU TIÊN: ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH TIÊN QUÂN, CẢI CÁCH KINH TẾ DẦN TRỞ THÀNH TRỌNG ĐIỂM
Đăng ngày:
Tác giả: Thái Đình Di Nguồn: Tạp chí “Kinh tế Tài chính” ngày 5 tháng 1 năm 2012 http://business.sohu.com/20120105/n331236419.shtml Ngày 19 tháng 12 năm 2011, Thông tấn xã Trung ương và Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên phát bản tin: Kim Jong Il, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Tư lệnh tối cao quân đội Triều Tiên trong 17 năm, đã qua đời trên một chuyến tàu hỏa khi đang đi thị sát, kết thúc cuộc đời lãnh đạo của mình. Tuy rằng sức khỏe Kim Jong Il không tốt là chuyện đã sớm biết nhưng sự ra đi đột ngột của ông vẫn làm các nước trên thế giới cảm thấy bất ngờ. Những người Triều Tiên đang công tác ở nước ngoài được thông báo quay về nước gấp. Giao thông ở Bắc Kinh, Thẩm Dương, cửa khẩu Đơn Đông của Trung Quốc và Triều Tiên trở nên nhộn nhịp. Các cơ quan tình báo và chuyên gia sốt sắng phân tích tình hình nội bộ Triều Tiên. Không ít các thương nhân có quan hệ làm ăn với Triều Tiên cũng vội vàng liên lạc với đối tác của mình, muốn xác nhận rằng hạng mục hợp tác của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Vào ngày 19 tháng 12, thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm 4%, chứng tỏ các nhà đầu tư lo ngại về tình hình trên bán đảo. Thôi Ứng Cửu, Viện trưởng danh dự của Viện Nghiên cứu Văn hóa Triều Tiên tại Đại học Bắc Kinh phân tích với phóng viên tạp chí “Kinh tế Tài chính”: chuyển giao quyền lực và an ninh quốc gia sẽ là hai vấn đề lớn trước mắt của Triều Tiên. Hãng truyền thông chính thức của Triều Tiên ngày 19 đã đưa tin, năm cơ quan gồm Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, Ủy ban Quân sự Trung ương, Ủy ban Quốc phòng quốc gia, Ủy ban thường vụ Hội đồng Nhân dân tối cao, Nội các Chính phủ đã ra “Thông cáo đến toàn thể Đảng viên, quân đội và nhân dân” tuyên bố phục tùng sự lãnh đạo của Kim Jong Un, con trai thứ ba của Kim Jong Il. Giáo sư Trương Liễn Khôi, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên của trường Đảng Trung ương, trả lời phỏng vấn phóng viên tạp chí “Kinh tế Tài chính” cho rằng: Trước mắt, Kim Jong Un chưa giữ chức vụ gì trong Chính phủ nhưng Thông cáo chung trên cho thấy, Đảng, Chính phủ và quân đội Triều Tiên đã lựa chọn Kim Jong Un làm người lãnh đạo. Do giới chức của Triều Tiên nhanh chóng đưa ra lập trường ủng hộ Kim Jong Un kế vị, một số quốc gia đang quan sát tình hình sau khi Kim Jong Il qua đời, hy vọng tiếp tục hợp tác với chính quyền mới. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ mong muốn Triều Tiên có một quá trình chuyển giao quyền lực ổn định. Không ít nhà phân tích cho rằng, sự ra đi đột ngột của Kim Jong Il làm cho các nước trực tiếp tham gia “đàm phán sáu bên” nhận ra tầm quan trọng của sự hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Sắp xếp trong thời kỳ chuyển giao Năm 2008, sau khi sức khỏe đột ngột chuyển biến xấu, Kim Jong Il - người luôn phủ nhận vấn đề kế nhiệm đã bắt đầu kế hoạch tiếp quản. Hội đồng Nhân dân tối cao khóa XII được bầu vào tháng 4 năm 2009, tổng cộng họp bốn lần khi Kim Jong Il còn sống. Trong thời gian này, hội nghị đã nhiều lần điều chỉnh thành viên của Ủy ban Quốc phòng và Nội các, đồng thời cũng sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, điều chỉnh nhân sự quan trọng bao gồm: Hội nghị lần thứ III tháng 6 năm 2010, Bí thư Thành ủy Bình Nhưỡng Choe Yong Rim đã thay thế người xuất thân từ quân đội Kim Yong Il, đảm nhiệm chức Thủ tướng Triều Tiên và tháng 4 năm 2011 tại hội nghị lần IV, đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ An ninh Nhân dân của Ủy ban Quốc phòng quốc gia. Trương Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Triều Tiên thuộc viện Khoa học Xã hội tỉnh Cát Lâm đã phân tích với phóng viên tạp chí “Kinh tế Tài chính”: Chính Đại hội Đảng tháng 9 năm 2010 đã định trước khuôn mẫu cho việc Kim Jong Un kế nhiệm. Từ Đại hội Đảng Lao Động lần VI năm 1980 trở lại đây, đã có 4 vị Ủy viên thường trực Bộ Chính trị qua đời mà những vị trí trống đó vẫn chưa có ai thay thế. Ngày 28 tháng 9 năm 2010, Đại hội Đảng đã bổ khuyết được 4 vị trí này, đồng thời, lựa chọn ra 5 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Ngoài Kim Jong Il, 4 vị trí còn lại lần lượt là Kim Yong Nam, người đã phụ trách lâu dài về các vấn đề ngoại giao của Triều Tiên; Choe Yong Rim, Thủ tướng Nội các; Jo Myong Rok, Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng quốc gia và Ri Yong Ho, Tổng tham mưu quân đội. Hội nghị lần này cũng bầu Kim Jong Il làm làm Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, còn người con trai thứ ba, sinh năm 1983 của ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Trước hội nghị 1 ngày, Kim Jong Un và cô của mình còn được thăng chức Đại tướng quân đội Triều Tiên. Tuy nhiên, tháng 11 năm 2011, Jo Myong Rok qua đời, cộng thêm Kim Jong Il cũng mới ra đi nên Ban Thường vụ Bộ Chính trị chỉ còn lại ba người. Từ khi thực hiện “Chính sách Tiên quân” vào năm 1995, Triều Tiên lấy Ủy ban Quốc phòng làm cơ quan lãnh đạo cao nhất, chức năng của Đảng Lao động bị hạn chế nhiều. Do đó, nhiều chuyên gia về vấn đề Triều Tiên cho rằng, Kim Jong Il mượn việc tăng cường chức năng của Đảng Lao động, khéo léo đưa Kim Jong Un - người chưa có chức vụ gì trong Chính phủ vào trung tâm quyền lực của Bình Nhưỡng. Sau khi chính thức được thăng chức, Kim Jong Un và cha mình thường xuyên thị sát quân đội và các nhà máy, tham gia vào nhiều hoạt động có quy mô của đại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng Lao Động. Nhưng cho đến tận khi Kim Jong Il qua đời, sự hiểu biết của bên ngoài về Kim Jong Un vẫn còn rất hạn chế. Trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm chính trị là ấn tượng chung. Tuy nhiên, thương gia Thụy Sỹ đã đầu tư tại Triều Tiên lâu năm Felix Abt trao đổi với phóng viên tạp chí “Kinh tế Tài chính” là: Trường học tại Thụy Sỹ mà thời niên thiếu Kim Jong Un theo học cho rằng anh ta là một người thông minh và còn là một thanh niên có tố chất lãnh đạo tiềm ẩn. Hơn nữa, các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên khi được phóng viên hỏi đều có nhận định chung là, năm 2010, Jang Sung Taek được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia và cùng năm Ri Yong Ho được bầu làm Tổng tham mưu trưởng quân đội, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đảng, đều là những người mà Kim Jong Il sắp xếp để trợ giúp cho Kim Jong Un. Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, Oh Geuk Ryeol, Tổng tham mưu trưởng quân đội tiền nhiệm được thăng chức Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng vào tháng 2 năm 2009 sẽ đóng vai trò ổn định lực lượng quân sự. Giáo sư Moon Chung In và John Delury, Khoa Chính trị của Đại học Yonsei Hàn Quốc trong một bài báo gần đây cho rằng, họ không nhìn thấy bất kỳ một dấu hiệu nào bất ổn từ sự kế nhiệm này. Thành viên gia tộc, Đảng Lao động và Quân đội Triều Tiên là 3 tầng bảo vệ từ trong ra ngoài cho Kim Jong Un. Moon Chung In từng là cố vấn Ủy ban An ninh của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, ở đất nước này, ông được gọi là người thuyết minh cho “Chính sách Ánh Dương”. Felix Abt, người đã sinh sống lâu năm tại Triều Tiên cho rằng, nước này sẽ bình ổn, vượt qua thời kỳ quá độ này, không chỉ vì Kim Jong Un có sự ủng hộ của quân đội mà còn do sự sắp xếp của cả hệ thống chính trị đã như một tấm đệm hoàn hảo cho việc anh ta kế nhiệm. Thành viên gia tộc Kim Jong Un và các quan chức cấp cao Đảng Lao động sẽ hỗ trợ để củng cố vững chắc địa vị này. Cải cách kinh tế dần trở thành trọng điểm Ngày 26 tháng 12 năm 2011, tờ “Tin tức Lao động” đăng bài viết “Hiện tại và tương lai của Tiên quân Triều Tiên” nói rằng, từ ngày đầu tiên sau khi Kim Jong Il qua đời, Kim Jong Un đã bắt đầu xử lý toàn bộ các vấn đề chung của quốc gia. Bài viết cũng nhấn mạnh, toàn bộ công tác đều tiến hành thuận lợi như khi Kim Jong Il còn sống. Nhưng khi phóng viên báo chúng tôi tiếp xúc với các chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, nhiều vị cho rằng, để dọn đường cho việc kế nhiệm của Kim Jong Un, Đại hội Đảng năm 2010 đã có ý điều chỉnh “chính sách Tiên quân”, ý đồ đưa đất nước trở lại con đường “dưới sự lãnh đạo của Đảng” và với sự điều chỉnh này, chính sách cải cách kinh tế Triều Tiên thử nghiệm nhiều năm qua dần trở thành trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Theo tin của của hãng truyền thông chính thức Triều Tiên, trước khi qua đời ít ngày, Kim Jong Il còn dẫn Kim Jong Un, Jang Sung Taek và một số các quan chức cao cấp đi thăm Trung tâm Thương mại Quang Phục ở Bĩnh Nhưỡng, đồng thời, chỉ thị cần kịp thời cung cấp các đồ dùng cần thiết cho người dân. Ngày 23 tháng 12, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên đưa tin, trước khi mất, Kim Jong Il đã ký quyết định cho phép cung cấp thủy sản tươi sống cho người dân Bình Nhưỡng. Ngày 22 tháng 12, thủy sản tươi bắt đầu được bán ở Bĩnh Nhưỡng. Triều Tiên dự định lấy năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện “Mở cánh cửa quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng”. Để phối hợp với chính sách này, ngày 15 tháng 1 năm 2011, Triều Tiên đã công bố “Kế hoạch chiến lược 10 năm phát triển kinh tế quốc gia (2011-2020)”, xác định mục tiêu chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, điện lực, than đá, dầu khí, kim loại và các ngành khác. Ngay sau đó, Triều Tiên đã thành lập Tổng cục phát triển Quốc gia, là cơ quan nhà nước phụ trách lãnh đạo xây dựng nền kinh tế mới, chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề thực thi liên quan đến hạng mục chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Trước đó, vào năm 2010, Triều Tiên thành lập Tập đoàn Đầu tư quốc tế Đại Phong (Daepoong) và Ngân hàng phát triển quốc gia, nhiệm vụ lần lượt là phụ trách hợp tác kinh tế đối ngoại và chịu trách nhiệm dự toán tài chính cho các dự án do Chính phủ tài trợ. Trước khi qua đời nửa năm, từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 5 năm 2011, Kim Jong Il đã có chuyến thăm Trung Quốc để tìm hiểu các kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc. Theo tin của Tân Hoa xã, trong chuyến thăm, Kim Jong Il đã lần lượt đến Mẫu Đơn Giang, Trường Xuân, Dương Châu, Nam Kinh, Bắc Kinh tham quan khảo sát các hạng mục liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dân sinh. Năm 2011 cũng là năm Triều Tiên dồn lực phát động xây dựng đặc khu kinh tế. Mùa hè năm đó, Triều Tiên hợp tác với Trung Quốc, khởi động hai dự án là khu thương mại tự do La Tiên (Rason) và đảo Hoàng Kim Bình (Hwanggeumpyeong) ở hạ lưu sông Áp Lục (Yalu). Chính phủ Triều Tiên đã có nhiều chính sách ưu đãi cho đặc khu La Tiên. Tháng 4 cùng năm, Triều Tiên tuyên bố tái phát triển khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang) vốn do tập đoàn Huyndai Asan đầu tư và đến tháng 5 đã đưa ra “luật định khu du lịch núi Kim Cương”, cho phép pháp nhân nước ngoài, cá nhân và tổ chức kinh tế đến khu du lịch núi Kim Cương đầu tư. Tuy nhiên, các sáng kiến của Triều Tiên không phải đều “thuận buồm xuôi gió”. Tháng 5 năm 2011, ông Park Cheol Su, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Đại Phong trả lời phỏng vấn tạp chí “Kinh tế tài chính” cho biết, tập đoàn này chịu trách nhiệm kêu gọi đầu tư vào khu du lịch núi Kim Cương. Theo tìm hiểu của phóng viên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin đầu tư cụ thể nào. Ngày 30 tháng 8, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, do năm 2010, Triều Tiên đơn phương tịch thu tất cả tài sản của Tập đoàn Hyundai Asan nên trước khi tranh chấp được giải quyết, Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi Chính phủ các nước và các nhà máy hạn chế du lịch hoặc đầu tư vào đặc khu núi Kim Cương. Đến nay, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hòa giải. Tuy nhiên, năm 2012 là năm đầu tiên Kim Jong Un nắm quyền cũng là 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Nhiều chuyên gia về vấn đề Triều Tiên và các thương nhân có quan hệ kinh doanh với Triều Tiên cho rằng, trong năm 2012, Triều Tiên có thể sẽ có thêm nhiều động thái tích cực để phát triển kinh tế. Felix Abt cho rằng, kinh tế sẽ là trọng điểm công tác của Chính phủ kế nhiệm. Tờ “Đọc Tin tức” của Nhật Bản ngày 6 tháng 12 năm 2012 trích dẫn nguồn tin từ Triều Tiên rằng, tháng 11 năm 2011, tại hội nghị về công tác kinh tế, Kim Jong Un đã công khai phát biểu rằng: “Trong vòng ba năm, kinh tế trong nước phải khôi phục trở lại như những năm 60 đến 70 của thế kỷ trước, đạt được mức sống ăn cơm trắng, uống canh thịt, ở nhà ngói, mặc tơ lụa”. Viễn cảnh phi hạt nhân hóa Sự thành bại của cải cách kinh tế quyết định liệu Triều Tiên có thể giữ được sự ổn định lâu dài không, còn hiện nay điều mà quốc tế quan tâm hơn là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ khi Kim Jong Il nắm quyền ở Triều Tiên, nguyện vọng của ông luôn là cải thiện quan hệ với Mỹ, tiến tới xóa bỏ cấm vận, đồng thời, có được khoản vay từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Triều Tiên và Mỹ không tin tưởng lẫn nhau, Triều Tiên vẫn kiên trì phát triển hạt nhân, còn Mỹ nhất định cũng có tính đến các chính sách của hai nước Nhật, Hàn với Triều Tiên. Vì vậy, quan hệ Mỹ -Triều thời Kim Jong Il khi nóng khi lạnh, không có đột phá. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn AP của Mỹ, quan chức chính phủ Mỹ đã chứng thực rằng, ngày 15 tháng 12 năm 2011, hai bên Mỹ-Triều đã họp tại Bắc Kinh và đạt được một sự đồng thuận mới, Triều Tiên sẽ tạm ngừng chương trình làm giàu uranium của mình, còn Mỹ sẽ viện trợ một lượng lớn lương thực cho Triều Tiên. Hai nước cũng sơ bộ thương lượng, Mỹ sẽ căn cứ vào tình hình thực hiện các chính sách phi hạt nhân hóa của Triều Tiên để mỗi năm viện trợ cho nước này nhiều nhất là 240.000 tấn lương thực. Kế hoạch này vốn phải được công bố trong tuần ngày 19 tháng 12 nhưng bị gián đoạn do sự ra đi đột ngột của Kim Jong Il. Triều Tiên luôn tin tưởng rằng, vũ khí hạt nhân là tấm lá chắn bảo vệ duy nhất cho an ninh quốc gia. Tháng 4 năm 2009, Triều Tiên thậm chí vì nó mà đơn phương rút khỏi đàm phán sáu bên. Kể từ khi chiến hạm Thiên An (Cheonan) của Hàn Quốc bị chìm hồi tháng 3 năm 2010 đến tháng 12 cùng năm, khi Hàn Quốc - Triều Tiên xảy ra trận pháo kích trên đảo Diên Bình (Yeonpyeong), tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi, quan hệ Mỹ-Triều cũng vô cùng căng thẳng. Nhưng nhờ sự hòa giải của Trung Quốc, hai bên đã tiếp xúc trở lại. Năm 2011, hai nước đã lần lượt tổ chức ba vòng tham vấn tại Beclin, Niu-Ooc, Giơnevơ, thảo luận vấn đề gián đoạn vũ khí hạt nhân và thử nghiệm vũ khí đạn đạo ở Triều Tiên, cho phép phái đoàn thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại Triều Tiên và khởi động lại đối thoại Hàn-Triều. Trong thời gian này, vào tháng 8 năm 2011, Triều Tiên còn công khai biểu thị nguyện vọng quay trở lại bàn đàm phán sáu bên vô điều kiện. Kim Jong Il đột ngột qua đời làm dấy lên quan ngại về việc liệu Triều Tiên có phản đối những sự đồng thuận đã đạt được. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, sau khi Kim Jong Il mất đi, tình hình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên diễn biến càng khó khăn thêm. Ông Trương Ngọc Sơn cho rằng, hai bên Mỹ-Triều có thể sẽ phải xác nhận lại các điều kiện trao đổi đã đàm phán. Ông Thôi Ứng Cửu lại cho rằng, Mỹ đã bỏ qua một cơ hội tốt để đạt được hiệp nghị phi hạt nhân hóa khi Kim Jong Il còn sống. Khả năng tập thể các lãnh đạo kế tiếp của Triều Tiên thúc đẩy chính sách phi hạt nhân hóa là không lớn, tương lai về một bán đảo phi hạt nhân hóa trở nên xa vời. Còn Giáo sư Moon Chung In và John Delury thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tiếp xúc. Họ đặc biệt chỉ ra rằng, tổng thống Mỹ tiền nhiệm Clinton không hề vì Kim Nhật Thành mất vào năm 1994 mà dừng các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Vì vậy mà sau những năm 90 của thế kỷ trước, Triều Tiên đã tạm dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Các bên liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng đang hoạt động tích cực. Ngày 26 tháng 12 năm 2011, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khi hội kiến đã phát biểu rằng, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là phù hợp với lợi ích của các bên liên quan, cũng là nguyện vọng chung của quốc tế, Trung Quốc, Nhật Bản cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định. Ngày 27 tháng 12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Park Suk Hwan và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã tổ chức đối thoại chiến lược cấp cao Trung-Hàn lần thứ 4 tại Seoul. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận về việc duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Thông tấn xã Hàn Quốc đưa tin, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách về các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương Kurt Canpell sẽ có chuyến thăm ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vào tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2012 để thảo luận về vấn đề tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc còn có kế hoạch hội đàm ba bên tại Oa-sinh-tơn vào tuần thứ ba cùng tháng. Người dịch: Kiều Thị Dung