Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


HIỆN TRẠNG KINH TẾ VÀ NHỮNG GIẢ THIẾT VỀ PHƯƠNG HƯỚNG CẢI CÁCH KINH TẾ TƯƠNG LAI Ở TRIỀU TIÊN

Đăng ngày:

-         Tác giả: Tôn Khả

-         Đại học Dầu mỏ Tây Nam-Trung Quốc (Southwest Petroleum University)

-         Nguồn: Thư viện Baidu: http://wenku.baidu.com/view/26d2b23631126edb6f1a10db.html

-         Năm ấn hành: 2011

Từ lâu nay, Triều Tiên nhận được sự quan tâm của thế giới vì tính đặc thù và bí mật, tuy nhiên, người ta chú trọng nhiều đến chính trị, ngoại giao, quân sự, vấn đề hạt nhân; còn lĩnh vực kinh tế thì tương đối ít, đặc biệt về cải cách kinh tế Triều Tiên (từ năm 2003 chính thức dùng từ “cải cách” thay cho “biến cách”) thì rất ít. Trên thực tế, trong những năm gần đây, Triều Tiên không ngừng cố gắng cải cách kinh tế, nhưng vì nhiều lí do hạn chế nên cải cách kinh tế Triều Tiên tiến hành thận trọng và chậm rãi, đạt được thành công nhưng cũng có thất bại. Cải cách kinh tế có ảnh hưởng khá lớn đến nội chính và ngoại giao của Triều Tiên, sau đó là ảnh hưởng đến sự thay đổi cục diện ở bán đảo Triều Tiên. Sau sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Il, con đường cải cách của nước này càng khó đoán định. Vấn đề cải cách kinh tế thời kỳ hậu Kim Jong Il trở thành một đề tài nóng trên trường quốc tế.

1. Khái quát về tình hình phát triển kinh tế Triều Tiên

Do vị trí địa lý đặc thù và sau khi “hệ thống Yalta” của Liên Xô và Mỹ được thành lập nhằm phân chia thế giới sau Thế chiến thứ 2 đã làm cho bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ, làm cho Nam Bắc Triều Tiên bị phụ thuộc vào hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô. Sau chiến tranh, kinh tế Triều Tiên trải qua thời kỳ “trước thịnh sau suy”. Chiến tranh kết thúc, Triều Tiên và Mỹ hình thành quan hệ đối địch, làm cho Triều Tiên chỉ có thể phụ thuộc vào đại bản doanh của các nước xã hội chủ nghĩa, lúc đó là Liên Xô, ngay cả khi quan hệ Trung Quốc-Liên Xô tan vỡ, Triều Tiên vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo đồng thời với hai nước này. Trong tình trạng chiến tranh vẫn còn tồn tại, Kim Jong Il khởi xướng “chính sách Tiên quân” thúc đẩy kiến thiết quốc phòng, nhưng cũng chiếm dụng nguồn lực xây dựng kinh tế. Sau những năm 70 của thế kỷ XX, kinh tế Triều Tiên đã lạc hậu rõ rệt so với Nam bán đảo, và sau đó là lạc hậu hơn so với Trung Quốc. Năm 1960, GDP của Hàn Quốc và thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 40% và 55% so với Triều Tiên, năm 1975 là 90% và 84%. Đến năm 1980, Hàn Quốc mới đuổi kịp Triều Tiên. GDP của Hàn Quốc và thu nhập bình quân đầu người lần lượt là 60.300.000.000 USD và 1580 USD. Trong khi con số của Triều Tiên là 41.300.000.000 USD và 1161 USD. Sau đó, Hàn Quốc phát triền nhanh chóng, bỏ xa Triều Tiên. Sau những thay đổi ở Liên Xô, Đông Âu và chiến tranh Lạnh kết thúc, Đông Bắc Á trở thành “tảng băng” cuối cùng của chiến tranh Lạnh, quan hệ Mỹ-Triều không được cải thiện. Triều Tiên vẫn giữ thái độ thù địch với Mỹ và Nhật Bản, không thiết lập quan hệ quốc gia bình thường, giao lưu kinh tế thương mại rất ít. Giữa và cuối những năm 90 của thế kỷ XX, thiên tai liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và cả nền kinh tế Triều Tiên. Cuối những năm 90, kinh tế Triều Tiên suy thoái, liên tiếp 9 năm từ 1990 đến 1998 tăng trưởng âm, đến năm 1999 mới lần đầu đạt tăng trưởng 6.2%. Năm 2008, GDP của Triều Tiên là 26.220.000.000 USD, thu nhập bình quân đầu người là 1700 USD, của Hàn Quốc là 953.500.000.000 USD, thu nhập bình quân đầu người gần 20.000 USD. GDP của Hàn Quốc gấp khoảng 36 lần của Triều Tiên, thu nhập bình quân đầu người gấp khoảng 12 lần. Trước mắt, có thể nói, kinh tế Triều Tiên đang đứng giữa ngã ba đường.

2. Cải cách mở cửa, con đường tất yếu phát triển kinh tế Triều Tiên

Liên tiếp 9 năm từ 1990, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng âm, đến năm 1999 mới “ngoi lên mặt nước”, nhưng cục diện khó khăn của nền kinh tế căn bản vẫn không thay đổi. Năm thứ hai kinh tế Triều Tiên tăng trưởng âm cũng là năm Liên Xô tan rã và chịu “cú sốc kinh tế”, các nước XHCN ở Đông Âu lần lượt thay đổi, từ kinh tế “kế hoạch hóa tập trung cao độ” sang nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng là lúc Trung quốc tiến hành cải cách mở cửa, thiết lập thành công cơ chế kinh tế thị trường, phát triển kinh tế nhanh chóng và thực hiện 10 năm “hạ cánh mềm”. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, đa cực hóa chính trị, toàn cầu hóa kinh tế, gia tốc hóa khoa học kỹ thuật, cạnh tranh quốc tế khốc liệt, Triều Tiên đang chìm đắm trong nỗi lo về kinh tế và ngoại xâm chính trị, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế bằng con đường cải cách mở cửa là lựa chọn duy nhất và sáng suốt nhất. Từ hai bài học về cải cách mở cửa ở Liên Xô-Đông Âu và Trung Quốc, bất luận từ sự tương quan về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa hay từ góc độ nhìn nhận sự thành công, thì việc Triều Tiên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc để xây dựng con đường của chính mình là hợp lý hợp tình. Tuy nhiên, công cuộc cải cách mở cửa ở Triều Tiên vừa tiến hành những bước đầu, lại đối mặt với tình hình đặc thù trong nước, nên cuộc cải cách này cũng có những đặc trưng riêng. Từ đây, định hướng phát triển sẽ là con đường cải cách mở cửa “kiểu Triểu Tiên”.

3. Những giả thiết về phương hướng cải cách của Triều Tiên

Về tình hình kinh tế của Triều Tiên hiện tại, cần phải cải thiện hoàn cảnh khó khăn trước mắt, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện cải cách kinh tế là biện pháp tất yếu, không có cải cách sẽ không có phát triển. Trong những năm gần đây, tuy tình hình kinh tế  Triều Tiên có bước chuyển biến tốt nhưng vẫn còn phải đối mặt với những nguy cơ kinh tế nghiêm trọng như vấn đề thiếu lương thực, thiếu đồ dùng sinh hoạt, trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao, năng lực kinh tế không đáp ứng được nhu cầu, hợp tác kinh tế với nước ngoài vẫn ở mức thấp. Những vấn đề này cần dựa vào những cải cách kinh tế không ngừng mới giải quyết được. Cải cách kinh tế là yêu cầu bức thiết để phát triển Triều Tiên hùng mạnh. Muốn thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc, kinh tế nhất định phải theo đuổi các cải cách kinh tế, đồng thời căn cứ vào tình hình trong nước và nước ngoài để áp dụng các biện pháp cải cách mới. Có thể dự đoán rằng, trong xu thế toàn thế giới hòa bình và phát triển, chỉ cần không phát sinh các sự kiện đột biến thì công cuộc cải cách của Triêu Tiên sẽ vẫn tiếp tục. Cải cách kinh tế là yêu cầu để củng cố và bình ổn chính quyền. Dưới đây là các giả thiết về cải cách các mặt nông nghiệp, công nghiệp, thương mại.

3.1. Cải cách nông nghiệp: đi đầu trong cải cách kinh tế

Nghiêm túc mà nói, Triều Tiên vẫn là một quốc gia nông nghiệp, vấn đề lương thực luôn là khó khăn lớn với quốc gia này. Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, do sự thiếu hụt của nguồn cung ứng cho sản xuất nông nghiệp, thêm vào đó là nạn lũ lụt và hạn hán hoành hành, cơ sở thiết bị nông nghiệp bị tàn phá nghiêm trọng, sản lượng lương thực của Triều Tiên giảm mạnh, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân. Nông nghiệp là nền tảng kinh tế của Triều Tiên, do đó cải cách kinh tế phải bắt đầu từ cải cách nông nghiệp.

Chính phủ Triều Tiên cải cách thể chế quản lý nông nghiệp chủ yếu thể hiện ở các mặt sau: Từ “chế độ khoán tập thể” đến “chế độ nông nghiệp gia đình”. Sau khi bước vào thế kỷ XXI, Triều Tiên đẩy mạnh tốc độ cải cách nông nghiệp. Tháng 10 năm 2001, chính phủ Triều Tiên tiến hành một đợt cải cách mới. Về nông nghiệp, chủ yếu thi hành “chế độ nông nghiệp gia đình” . Để tăng cường quản lý kinh tế về nông nghiệp, nâng cao hiệu suất và tính tích cực trong sản xuất của người nông dân, chính phủ Triều Tiên đã gia tăng nỗ lực cải cách “chế độ khoán tập thể”  và mở rộng quyền phân phối độc lập. Ở một số vùng nông thôn, lập nên “chế độ nông nghiệp gia đình”, lấy gia đình làm đơn vị để dễ dàng phát động tính tích cực của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhưng từ tình trạng thiếu lương thực hiện nay ở Triều Tiên cho thấy, chính sách cải cách nông nghiệp vẫn cần phải tiến hành cải cách sâu hơn.

Từ kinh nghiệm cải cách thành công của hai nước xã hội chủ nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam cho thấy: Chế độ khoán ruộng đất là biện pháp có ích để thúc đẩy tính tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, bước tiếp theo trong cải cách ruộng đất ở Triều Tiên là phân chia ruộng đất, tự định sản phẩm. Ngoài ra, nhà nước còn cần đưa ra thêm nhiều chính sách thúc đẩy trong các chính sách về nông nghiệp, ví dụ: giảm thiểu bộ phận quốc hữu sản lượng nông nghiệp; về mặt tài chính, ưu tiên hỗ trợ tài chính và có các chính sách ưu đãi với nông nghiệp như chính sách ưu đãi mua bán nông cụ, mở rộng giống cây, con và lãi suất cho vay ở nông thôn.

Ngoài ra, chính phủ Triều Tiên còn cần thông qua nghị định về tự do thương mại nông sản để kích thích thị trường, yêu cầu Đảng, chính quyền, quân đội cùng hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ví dụ: kích thích thị trường nông sản, thay đổi dần trạng thái tự cung tự cấp;  cho nông dân được nuôi lợn, gà, vịt, cừu, thỏ, cá, trồng các loại cây ăn quả trong sân vườn, sản phẩm làm ra được quyền tự quyết; cho phép đơn vị tập thể nhỏ được mở các sạp hàng, tự bán thực phẩm của đơn vị mình; cho phép các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vải vóc  và các sản phẩm đã gia công được tham gia vào thị trường nông sản; ở những vùng biên giới gần Trung Quốc, cho phép lập các chợ, trao đổi hàng hóa với người Trung Quốc v.v… Những biện pháp này nhất định sẽ giúp phát huy tính tích cực sản xuất của nông dân, có lợi cho phát triển nông nghiệp. Về mặt Đảng, chính quyền và quân đội cùng hỗ trợ cho sản xuất, chính phủ Triều Tiên cần phát huy hết mức ưu thế về khả năng tập trung lực lượng cao của nước XHCN. Ví dụ, năm 2006, Chính phủ Triều Tiên phát động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hỗ trợ cho việc xây dựng nông nghiệp, đồng thời, giao ruộng đất cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp liên quan để họ phụ trách vật tư và tổ chức canh tác. Ở đây muốn chỉ rõ rằng, quân và dân Triều Tiên có tác dụng to lớn trong việc cải cách và phát triển nông nghiệp, vị cố chủ tịch Kim Jong Il thường xuyên hạ lệnh cho quân đội cùng tham gia vào sản xuất.

Cùng với việc cải cách nông nghiệp, còn cần tăng cường công tác xây dựng thể chế và pháp lý để đối phó với hiện tượng “quá nóng” hoặc đầu cơ. Qua một số vấn đề nảy sinh trong quá trình cải cách trước đây, ví dụ như giá nông phẩm quá cao, không ổn định, dẫn đến làn sóng nông dân muốn “tư lợi”, sự xuất hiện của những vấn đề này là hiện tượng mà tất cả các nước đều gặp phải trong quá trình cải cách nông nghiệp, cũng là giai đoạn nhất định phải trải qua. Nhưng do tính đặc thù của giai đoạn phát triển của Triều Tiên, sự ổn định vốn đóng vai trò quan trọng hơn bất kỳ điều gì, không có một cục diện ổn định nên tất cả các cải cách lớn của Triều Tiên đều không được lâu dài, cũng không thể thành công. Trong tình hình đó, chính phủ Triều Tiên phải lựa chọn các biện pháp thận trọng để cải cách, từ đó không tránh khỏi xảy ra tình trạng lặp đi lặp lại. Thế nhưng, cùng với việc tình hình biên giới Triều Tiên được cải thiện, chính phủ Triều Tiên tiếp tục xem nông nghiệp là mặt trận chính của công tác kinh tế, các biện pháp cải cách có liên quan cũng dần được hoàn thiện. Chúng ta có quyền hy vọng vào sự nghiệp cải cách phát triển của nông nghiệp Triều Tiên,

3.2. Cải cách công nghiệp là con đường đưa đất nước tiến lên

Về mặt công nghiệp, với tình hình trước mắt của Triều Tiên có thể phát triển các ngành sử dụng nhiều nhân lực, tăng cường phát triển công nghiệp nhẹ để điều chỉnh sự mất cân bằng trong kết cấu sản xuất công nghiệp. Về cơ chế nhà máy, xí nghiệp nên mở rộng quyền tự chủ kinh doanh để chúng trở thành các xí nghiệp thật sự, để sản xuất của chúng phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhu cầu của quần chúng nhân dân, dưới tiền đề bảo đảm lực lượng quốc gia, với ưu thế sự hỗ trợ của các khu công nghiệp quân sự phức hợp, thúc đẩy phát triển tốc độ cao.

Sự nghiệp cải cách công nghiệp của Triều tiên có thể đi theo mô hình của Trung Quốc, thu hút kỹ thuật và đầu tư nước ngoài. Triều Tiên đã từ không cho phép các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào thành được phép. Năm 1958, sau khi Triều Tiên hoàn thành cải tạo công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đã không cho phép các xí nghiệp tư nhân tồn tại. Nhưng năm 1991, sau khi thành lập đặc khu kinh tế Rason, Triều Tiên không những cho phép các nhà tư bản nước ngoài đến mở công xưởng mà còn cho phép họ quản lý xí nghiệp theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Tháng 10 năm 2002, Triều Tiên mở khu du lịch núi Kim Cương, tháng 11, thành lập khu công nghiệp Kaesong. Trong các nghị định liên quan đến hai khu vực này, Triều Tiên quy định: “cho phép cá nhân và tổ chức kinh tế được tự do đầu tư, tài sản được pháp luật bảo vệ”; các lĩnh vực cho phép đầu tư khá rộng, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, vận tải, bưu chính viễn thông, khoa học kỹ thuật, du lịch, tiền tệ. Để thu hút các thương nhân, Triều Tiên từng nhiều lần tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước, ví dụ tháng 7 năm 2004 và tháng 2 năm 2005, Triều Tiên đã lần lượt tổ chức hội nghị giới thiệu về đầu tư tại Bắc Kinh. Các động thái của chính phủ và các định hướng chính sách hoàn toàn có thể làm hướng đầu tư quốc tế chuyển đến Triều Tiên. Sự phát triển kinh tế của các quốc gia láng giềng đã làm họ có sự hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài, ví dụ như sự gia tăng giá nhân công và hạn chế về bảo vệ môi trường ở Trung Quốc, Ấn Độ đã dẫn đến tình trạng đầu tư nước ngoài cho các ngành cần tập trung nhiều lao động giảm sút. Việc Triều Tiên cần làm hiện tại là ổn định tiền tệ trong nước, làm tốt công tác chuẩn bị cho nguồn đầu tư nước ngoài nhập vào được an toàn.

Về công tác chuyển đổi từ quốc hữu hóa sang tư nhân hóa, Triều Tiên vẫn còn phải bước một chặng đường dài, đây không phải chuyện một sớm một chiều, nhưng với tiền đề quốc hữu vẫn là chủ đạo, Triều Tiên hoàn toàn có thể mở các ngành thủ công nghiệp và kinh doanh cá thể. Nên tăng cường về mặt thương mại vì đây là biện pháp cơ bản để thúc đẩy lưu thông, nhất thiết phải mở rộng phạm vi và thúc đẩy thương mại tự do. Chính phủ Triều Tiên cũng có thể thiết lập tập đoàn thương mại lớn, từ đó tiến hành các hoạt động mậu dịch quy mô ở  trong và ngoài nước (dưới tiền đề thương nghiệp hóa), để các tập đoàn thương mại có quyền tự chủ, cũng có thể tiến hành hình thức cổ phần hóa nâng cao thu nhập của người dân. Đặc biệt trong các khu công nghiệp mới, cần tăng cường thương mại hơn nữa.

Giải quyết vấn đề phục hồi năng lượng trong sản xuất, vấn đề khoa học kỹ thuật và vốn  đầu tư là tiền đề quyết định thành bại của cải cách công nghiệp. Sự thiếu hụt năng lượng ở Triều Tiên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất của xí nghiệp, thiết bị cũ kỹ dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, vốn đầu tư không đủ lại không đáp ứng được nhu cầu về năng lượng, thiết bị, kỹ thuật, dẫn đến khó khăn về tài chính quốc gia, rối loạn trật tự tài chính. Tất cả những khó khăn trên không phải chỉ đơn thuần “cải thiện quản lý kinh tế” là có thể giải quyết được mà nó có quan hệ mật thiết với các nhân tố khách quan của sản xuất, vì vậy, chính quyền Triều Tiên cần đề ra các chính sách hữu hiệu hơn, nỗ lực tạo ra các môi trường khách quan có lợi cho khôi phục sản xuất.

3.3 Cải cách tiền tệ là sự bảo vệ của cải cách kinh tế

Năm 2010, Triều Tiên tiến hành cải cách tiền tệ, kết quả thất bại. Theo các báo cáo, Triều Tiên tiến hành cải cách tiền tệ, đổi tiền mới, ngưng dùng tiền cũ, tỷ lệ đổi là 100 won tiền cũ đổi được 1 won tiền mới. Mỗi người được đổi tối đa 100.000 won tiền cũ. Nhưng cuối cùng cải cách thất bại, kéo theo giá cả tăng vọt, người dân biểu tình nhiều nơi. Nguyên nhân của thất bại là do biện pháp mang tính cưỡng chế không phù hợp với nhu cầu của thị tường. Ngoài ra, chức năng tiền tệ của đồng won cũng không nổi bật (do chủ yếu là chế độ phân phối), đã làm cho cuộc cải cách trở thành một trò hề. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã bị định tội phản cách mạng và bị tử hình. Chính phủ Triều Tiên nên căn cứ theo giá cả hàng hóa để điều chỉnh tiền tệ, bởi thực tế đồng won Triều Tiên rất ít tiến hành giao dịch quốc tế. Đồng thời nên xúc tiến kích thích thị trường, tăng cường chức năng tiền tệ, làm cho nó trở thành mạch máu của thương mại.

3.4 Ngành dịch vụ là sự hỗ trợ cần thiết cho cải cách kinh tế

Triều Tiên nằm ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên, có tài nguyên du lịch phong phú, nhưng do chính sách “bế quan tỏa cảng”, ngành du lịch phát triển rất chậm. Trước mắt, chính phủ Triều Tiên đã tăng cường phát triển ngành này, hướng phát triển chú trọng Trung Quốc và Nga. Triều Tiên đã thực sự trở thành điểm đến của người dân Trung Quốc. Những địa danh như núi Kim Cương, làng Bàn Môn Điếm, thành phố Bình Nhưỡng đã được chú trọng khai thác. Triều Tiên nên lấy du lịch để kích thích ngành dịch vụ phát triển. Lợi dụng ưu thế về nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng nguồn thu ngoại hối, thông qua chế độ cổ phần để phát triển.

Ngoài ra, lấy du lịch làm “đầu tàu” có thể kéo theo sự phát triển của hệ thống các ngành dịch vụ, ví dụ như ăn uống, thủ công mỹ nghệ, vận tải, mà sự phát triển của những ngành nghề này có thể thay đổi định hướng việc làm của Triều Tiên, để nhân lực dư thừa ở nông thôn có được việc làm.

4. Nghiêm túc nhìn nhận ảnh hưởng của vấn đề hạt nhân Triều Tiên đến nền kinh tế

Đàm phán vì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa đã tiến hành được năm lần. Quá trình đàm phán dù rất khó khăn nhưng cũng đã có được sự đồng thuận và có bước tiến, đặc biệt là tuyên bố chung của cuộc đàm phán sáu bên lần thứ 4, có thể nói là cơ hội đáng hy vọng để Triều Tiên tranh thủ môi trường hòa bình và phát triển kinh tế.

Cam kết giải quyết vấn đề trong hòa bình, trên lý thuyết có tác dụng hạn chế xung đột quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ. Đồng thời có lợi cho Triều Tiên để tạo ra một môi trường thoải mái để phát triển kinh tế. Những cam kết này nếu được thực hiện, sẽ giảm thiểu hoặc xóa tan lo lắng về an ninh quốc gia của Triều Tiên, từ đó có thể dồn toàn lực vào vấn đề phát triển kinh tế, sẽ nhanh chóng cải thiện tốc độ phát triển và biên độ mở rộng kinh tế. Tuyên bố chung cam kết Mỹ, Nhật sẽ cải thiện quan hệ với Triều Tiên, nếu điều này thành hiện thực, sẽ có lợi cho việc cải thiện môi trường hợp tác kinh tế và ngoại giao của Triều Tiên. Thực hiện bình thường hóa quan hệ Mỹ -Triều, Nhật-Triều là chủ đề quan trọng trong chính sách ngoại giao của Triều Tiên sau chiên tranh Lạnh, mà đặc biệt là cải thiện quan hệ ngoại giao với Mỹ. Nếu có thể bình thường hóa được mối quan hệ này, sẽ kết thúc được tình trạng đối địch của hai nước trong hơn nữa thế kỷ, có hy vọng giải trừ được uy hiếp an ninh từ Mỹ. Đồng thời, Mỹ sẽ xóa bỏ cấm vận kinh tế với Triều Tiên, đả thông con đường hơp tác phát triển kinh tế với phương Tây. Nếu bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản, Triều Tiên có thể nhận được những bồi thường kinh tế khả quan từ nước này. Trong điều 3, tuyên bố chung sáu bên nêu rõ: “thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về các lĩnh vực năng lượng, thương mại, đầu tư”, nếu thực hiện được điều này, có lợi cho Triều Tiên thu hút vốn đầu tư, hợp tác kinh tế nước ngoài là điều không phải nghi ngờ gì. Nó còn tạo điều kiện cho việc hợp tác khu vực Đông Bắc Á.

5. Dự báo về xu thế phát triển của Triều Tiên

Căn cứ vào các báo cáo, với khẩu hiệu “mở cánh cửa đại quốc hùng mạnh”, năm 2012, nguồn vốn xây dựng kinh tế Triều Tiên tăng vọt. Tuy nước này tràn đầy tự tin với việc phục hưng kinh tế, nhưng đến năm 2012, Triều Tiên vẫn dựa vào nguyên liệu và kỹ thuật trong nước, tình trạng phục hồi kinh tế có thỏa mãn được yêu cầu về mở rộng tái sản xuất công nghiệp nặng hay không còn là một câu hỏi khó. Ở một mức độ nào đó, họ vẫn còn phải dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài, mà trong tình trạng hiện nay, ngoài Trung Quốc, Triều Tiên không còn điểm tựa nào khác. Nếu như quan hệ Nam Bắc tiếp tục xấu đi, sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng.

Từ góc độ kinh tế cho thấy, hướng đi của Triều Tiên là nỗ lực thu về lượng tiền tệ đang được cất giữ trong các ngành ngoài quốc doanh đến lưu thông trong hệ thống kinh tế quốc doanh. Về mặt chính trị, tiến hành kiểm tra lại các chính sách cải cách kinh tế để loại bỏ những nguy cơ uy hiếp đến thể chế chính trị. Về mặt kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trên cơ sở không có khiếu nại của người dân đối với sự kiểm soát của quốc gia, tạo ra các điều kiện kích thích nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Trong trường hợp quan hệ hai miền Nam-Bắc, Mỹ-Triều, Nhật-Triều chưa có được những bước tiến thực sự, đến năm 2012, khả năng Triều Tiên thử tiến hành phục hưng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa là rất lớn. Tuy nhiên muốn trở thành một “quốc gia hùng mạnh” thì phải trên cơ sở giải quyết được các vấn đề kinh tế. Mỹ và các nước láng giềng nên chú trọng công cuộc xây dựng kinh tế của Triều Tiên, coi đây là “một quốc gia đang phát triển bình thường”, từ đó gỡ bỏ cục diện chiến tranh Lạnh ở Đông Bắc Á, để Triều Tiên có được sự thay đổi đúng nghĩa, mang lại nền hòa bình và phồn thịnh thật sự cho khu vực. Vậy nên, biện pháp để cải thiện tình hình Triều Tiên không phải là áp chế mà là tạo ra sự đồng cảm lẫn nhau.

Tóm lại, trải qua nhiều thử nghiệm, Triều Tiên đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách, tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nếu không có điều ngoài dự tính xảy ra, thì công cuộc cải cách của Triều tiên sẽ vẫn tiếp tục, và những lợi ích mà cuộc cải cách này mang lại cho quốc dân sẽ nhanh chóng thúc đẩy kinh tế phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Long Sơn, “Phân tích đặc trưng và xu hướng của chính sách đối ngoại Triều Tiên”, Tạp chí Luận đàm về Đông Bắc Á, Kỳ 4 năm 2003.

2. Từ Văn Khiết, “Tình hình Triều Tiên đông qua xuân đến”, Tạp chí Luận đàm về Đông Bắc Á, Kỳ 4 năm 2003.

3 . Vu Quảng Nghĩa, “ Hợp tác thương mại Trung Triều, hiện trạng, vấn đề và giải pháp”, Tạp chí Cán bộ Đảng, Kỳ 5 năm 2008

4 . Cung Ngọc Đào, “ Cải cách nông nghiệp: Bước đầu trong cải cách kinh tế Triều Tiên”, Tạp chí Nông nghiêp, Tháng 10 năm 2007

5 . Chiêm Tiểu Hồng, “ Cải cách tiền tệ Triều Tiên thất bại”, Tạp chí Ngân hàng, Kỳ 6 năm 2010

6 . Cung Ngọc Đào, “ Tình hình và xu thế của cải cách kinh tế Triều Tiên và ảnh hưởng của nó đến bán đảo Triều Tiên”, Tạp chí Đại học kinh tế tài chính Vân Nam, Kỳ 5 năm 2011.

7. Lý Xuân Hổ, “Hiện trạng và phương hướng cải cách kinh tế Triều Tiên, Tạp chí Quan sát thế giới, Kỳ 3 năm 2003

8. Vu Mỹ Hoa, “Triều Tiên thăm dò con đường phát triển kinh tế”, Tạp chí Kiểm soát vũ khí và an ninh, Quyển 4, kỳ 1 năm 2006

9. Vương Hồng Tín, “Khó khăn trong phát triển kinh tế Triều Tiên và sự thăm dò “mở cửa” đối ngoại”, Tạp chí Thương mại đại chúng, Tháng 2 năm 2010.

 

Người dịch: Kiều Thị Dung


Scroll To Top