Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VAI TRÒ CỦA TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN (Phần 2)

Đăng ngày:

2. Chính sách và vai trò của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên nằm trong chính sách đối ngoại chung của Trung Quốc với các nước láng giềng và khu vực. Chính sách chính là phải đảm bảo hòa bình, ổn định tại bán đảo, củng cố tăng cường quan hệ truyền thống với Triều Tiên song song với phát triển quan hệ với Hàn Quốc và đóng vai trò tích cực trong quá trình giải quyết khủng hoảng hạt nhân, tiến tới tái thống nhất bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình, theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh vừa chủ trương kiềm chế Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và chương trình hạt nhân, đồng thời lôi kéo Bình Nhưỡng vào các mối quan hệ hợp tác, viện trợ với bên ngoài để giúp chính quyền Bình Nhưỡng duy trì sự ổn định tránh gây ra các hành động làm căng thẳng tình hình, đe dọa an ninh, ổn định trên bán đảo và khu vực. Trung Quốc đóng vai trò là nước “trung gian” tổ chức các cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Đồng thời, Trung Quốc cũng kêu gọi các nước liên quan và cộng đồng quốc tế viện trợ cho Triều Tiên vừa để giúp chính quyền Bình Nhưỡng giảm sức ép về khó khăn trong nước, vừa để giảm gánh nặng “bảo trợ” của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc phản đối việc quốc tế hóa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tích cực thực hiện chính sách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục đích của Trung Quốc chính là để làm cho Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, bởi hiện nay, Mỹ đóng quân ở đây với lý do là để bảo vệ Hàn Quốc chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên. Một khi quân đội Mỹ vẫn còn hiện diện ở Hàn Quốc thì khi đó, an ninh Trung Quốc cũng sẽ gián tiếp bị đe dọa.

Có thể thấy, trên cơ sở lập trường, chủ trương trước vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã có những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tình hình căng thẳng giữa các bên. Đặc biệt, mỗi lần khủng hoảng hạt nhân diễn ra, ảnh hưởng, vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân càng được biểu hiện rõ nét và cụ thể hơn.

Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ nhất, bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng căng thẳng, một số nhà lý luận bi quan còn lo lắng về một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong thời điểm then chốt, gay go đó, Trung Quốc đã phát huy vai trò tích cực của mình. Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Putin sau khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đã ra tuyên bố chung Trung – Nga, một mặt kêu gọi Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân tránh làm bùng phát một cuộc khủng hoảng quốc tế mới, mặt khác yêu cầu Mỹ khôi phục đàm phán với Triều Tiên, hóa giải tình thế căng thẳng trên bán đảo. Với nỗ lực chung của cả Trung Quốc và Nga, Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán vô cùng khó khăn, cuối cùng cũng đi đến thống nhất, tán thành Hiệp định khung về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (21/10/1994).

Bước sang thế kỷ XXI, thế giới bị rung động bởi khủng bố ở Mỹ năm 2001, cuộc chiến tranh Irac năm 2003 và cuộc khủng hoảng hạt nhân lần hai cũng đã không thể tránh khỏi. Cuộc khủng hoảng lần này khơi nguồn từ tháng 10/2002 nhưng có nguồn gốc sâu xa từ một chuỗi những hành động gây căng thẳng của các bên thù địch. Bắt đầu từ việc Bình Nhưỡng thử tên lửa Taepodong (31/8/1998) bay ngang qua bầu trời Nhật Bản, tiếp đó, hai tàu ngầm của Triều Tiên xâm nhập hải phận Nhật Bản, dẫn đến việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc không thực hiện đúng các cam kết trong khuôn khổ của Hiệp định khung 1994, hoãn viện trợ lương thực, tăng cường các lực lượng tác chiến. Cùng với Irac, Triều Tiên cũng bị Mỹ liệt vào danh sách “trục ma quỷ” làm cho Triều Tiên càng cảm thấy bất an hơn. Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm khi chính quyền Washington kiên quyết không ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên, công khai kế hoạch đánh đòn phủ đầu và tấn công Triều Tiên. Trong khi đó, phía Bình Nhưỡng lại tuyên bố sẽ thử các vụ nổ hạt nhân, công khai chạy đua hạt nhân, khởi động lại các lò phản ứng, trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA ra khỏi cơ sở hạt nhân Yongbyon…Cùng với sức ép của các nước trong khu vực và dư luận quốc tế, cộng với những nỗ lực ngoại giao của nhiều nước, đặc biệt là “ngoại giao con thoi” của Trung Quốc, các cuộc đàm phán ba bên (Trung-Mỹ-Triều), bốn bên (Trung-Mỹ-Triều-Hàn) rồi sáu bên (Trung-Mỹ-Triều-Hàn-Nhật-Nga) đã được tiến hành, mở ra tia hy vọng rất lớn cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Để đi đến đàm phán sáu bên, Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục Mỹ và Triều Tiên cùng với Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán ba bên tại Bắc Kinh từ ngày 23 đến 25 tháng 4 năm 2003 để cho các bên hiểu được và tiệm tiến đến lập trường của nhau hơn, tạo ra một bước khởi đầu tốt cho giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đối thoại. Mặc dù đàm phán ba bên không đạt được kết quả gì nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Mỹ G.Bush và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun trước khi đàm phán sáu bên diễn ra để trao đổi về quan điểm giải quyết khủng hoảng. Với nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc, đàm phán sáu bên đã diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 27 đến 29 tháng 8 năm 2003. Với lập trường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc không những đã triệu tập được năm vòng đàm phán mà còn liên tục triển khai các hoạt động “ngoại giao con thoi” tới Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc để tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đặc biệt, trước vòng đàm phán thứ năm (từ ngày 9-11/11/2005), đích thân Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng trong ba ngày và theo như Hội đồng quan hệ đối ngoại của Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang gây sức ép với Bình Nhưỡng phải tiếp tục hợp tác trong các vòng đàm phán tiếp theo [4; tr.4].

Ngày 9 tháng 10 năm 2006, Triều Tiên lại châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ ba khi tiến hành thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất và đã thành công. Lại thêm lần nữa, Trung Quốc đứng ra làm “người trung gian” điều tiết, gắn kết các bên liên quan cùng ngồi vào bàn đàm phán lần thứ sáu (tháng 2/2007) và đến tháng 10/2007, sáu nước tham gia đã đạt được văn kiện chung. Tuy nhiên, đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân đã bị ngừng lại sau khi Triều Tiên tẩy chay đàm phán vào năm 2009 với lý do là Mỹ tiến hành những hành động thù địch với Triều Tiên. Đàm phán rơi vào bế tắc.

Kể từ khi vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc, các bên liên quan vẫn chưa tìm được “lối thoát”, tương lai nào cho vấn đề này. Triều Tiên đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán vô điều kiện và nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. Bằng chứng là việc Trung Quốc đã nỗ lực kêu gọi tất cả các bên liên quan tái khởi động vòng đàm phán sáu bên bị trì hoãn bấy lâu về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vào thời gian sớm nhất có thể. Đầu năm 2012, Triều Tiên tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân cũng như làm giàu uranium như một phần trong thỏa thuận sơ bộ với Mỹ có thể mở đường cho các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân mới. Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng ủng hộ và thông báo Bắc Kinh sẽ làm việc để tái khởi động các cuộc đàm phán này. Tuy vậy, đàm phán sáu bên vẫn chưa thể khởi động lại. Đến đầu năm 2014, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ B.Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại La Haye ngày 24/3/2014 đã nói phương thức đúng đắn duy nhất để giải quyết vấn đề này là tái khởi động đàm phán và ông khẳng định: “Trung Quốc có những lợi ích và mối quan tâm lớn trên bán đảo Triều Tiên, cam kết hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa, đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo này” [8]. Tuy nhiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ yêu cầu Triều Tiên trước hết phải chứng minh thái độ chân thành từ bỏ hạt nhân bằng hành động cụ thể trước khi nối lại đàm phán. Mối quan ngại của ba nước đó không phải không có căn cứ khi Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa tầm xa. Ngày 26/3/2014, Triều Tiên đã bắn thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong từ ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên vào thời điểm ngay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ B.Obama hội kiến ở Hà Lan để bàn về vấn đề Tiều Tiên. Thêm vào đó là việc Viện Mỹ - Hàn tại Đại học Johns Hopkins vào ngày 2/5/2014 đã chỉ ra các bức ảnh vệ tinh về địa điểm phóng tên lửa chính của Triều Tiên cho thấy một hoặc có thể nhiều hơn vụ thử tầng đầu tiên của một tên lửa đạn đạo di động KN-08. Những động thái này của Triều Tiên không chỉ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên căng thẳng mà còn khiến cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục rơi vào bế tắc.

Phải nói rằng, trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã thể hiện tích cực và chu đáo vai trò nước chủ nhà của các cuộc đàm phán ba bên và sáu bên. Trong khi các bên đối nghịch nhau về quan điểm, về cách hành xử thì việc một nước lớn như Trung Quốc đứng ra kêu gọi và tổ chức đàm phán đã giúp phá tan sự bế tắc giữa các bên liên quan, giúp Mỹ và Triều Tiên hóa giải được phần nào những bất đồng. Nhưng, có lẽ được lợi hơn cả vẫn là Trung Quốc. Các cuộc đàm phán tổ chức tại Bắc Kinh chính là cơ hội tốt cho nước này khuếch trương uy tín và ảnh hưởng của mình trước cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ làm giảm hay ít ra là che giấu đi những toan tính, âm mưu chi phối khu vực, làm giảm sự nghi kỵ và giảm tâm lý lo ngại của các quốc gia trong khu vực về một Trung Quốc với tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh mẽ có thể dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp liên quan đến lãnh thổ, gây sức ép về kinh tế tiến đến bành trướng trên các lĩnh vực khác. Ngoài ra, với lợi thế nước chủ nhà, Trung Quốc cũng có điều kiện hơn trong việc nắm bắt được lập trường, quan điểm của các bên, từ đó khiến cho chính sách của Trung Quốc trong vấn đề này được linh hoạt hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho Trung Quốc phát huy tích cực vai trò của một “quốc gia có trách nhiệm” đối với hòa bình, ổn định cho khu vực.

Ta có thể thấy, Trung Quốc đã có những nỗ lực ngoại giao rất lớn trong việc làm dịu cơn khủng hoảng, đưa các bên thù địch cùng ngồi vào bàn đàm phán thương lượng với nhau. Với vai trò “trung gian” của mình, Trung Quốc đã làm cho các bên đối lập kiềm chế được các hành động tiêu cực, thái quá, giúp cho các bên hiểu và tiến sát lập trường của nhau hơn, giúp cho các cuộc đàm phán sáu bên đạt được những kết quả khá khả quan. Vì những lợi ích trước mắt và lâu dài của Trung Quốc trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc vừa dùng ảnh hưởng của mình với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vừa là nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với Triều Tiên, Trung Quốc đã tích cực phối hợp với các bên liên quan cùng giải quyết vấn đề khủng hoảng, buộc Bình Nhưỡng phải chấp nhận đàm phám sáu bên, từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân để hạn chế Mỹ can thiệp vào khu vực và mượn cớ kiềm chế Trung Quốc. Bắc Kinh cũng thuyết phục được Washington nhân nhượng với Bình Nhưỡng, xem xét và đáp ứng những yêu cầu của Triều Tiên. Tuy trong nhiều vấn đề, Trung Quốc không thể buộc Triều Tiên phải nhất nhất nghe theo mình, chẳng hạn như việc Bắc Kinh không thể ngăn Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân vào tháng 12/2012 và tháng 2/2013 dẫn tới các Nghị quyết trừng phạt số 2087 và 2094 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gây nên tình hình căng thẳng cao độ trên bán đảo Triều Tiên từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2013 [3; tr.203], nhưng vai trò quan trọng của Trung Quốc là không thể phủ nhận khi đã đưa được các bên liên quan ngồi vào đàm phán, tìm hướng giải quyết bế tắc hạt nhân trên bán đảo, tránh dẫn tới một cuộc chiến tranh, đảm bảo an ninh và ổn định tình hình khu vực.

3. Kết luận

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đầu thế kỷ XXI đồng nghĩa với việc các tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự, quốc phòng không ngừng được nâng cao, đồng thời đưa Trung Quốc trở thành cường quốc khu vực. Là một cường quốc, do vậy, việc Trung Quốc mong muốn duy trì và gia tăng ảnh hưởng của mình đối với các nước trong khu vực và thế giới là điều dễ hiểu.

Sức mạnh của Trung Quốc đã được thể hiện trong các mối quan hệ quốc tế giữa Trung Quốc với các nước lớn, nước phát triển, nước đang phát triển, thể hiện trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và các vấn đề an ninh ở khu vực Đông Bắc Á nói chung. Qua việc phân tích ở trên, ta có thể thấy, Trung Quốc đã đóng vai trò khá quan trọng khi nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm hóa giải mâu thuẫn, bất đồng; nhằm kéo các nước, các bên liên quan xích lại gần nhau, thêm hiểu nhau hơn. Mặc dù, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, vẫn là mối đe dọa đến an ninh, hòa bình và ổn định khu vực cũng như thế giới nhưng những cố gắng, nỗ lực của Trung Quốc là không thể phủ nhận. Mặc dù đứng trên lập trường lợi ích quốc gia – dân tộc để giải quyết vấn đề nhưng phải thấy rằng, Trung Quốc đã phát huy được phần nào vai trò “một nước lớn, có trách nhiệm” khi giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Về triển vọng của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, có thể thấy, chừng nào Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa thì khi đó các nước liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa thể cùng ngồi vào bàn đàm phán sáu bên để tìm “lời giải” cho “bài toán hạt nhân”. Không chỉ có vậy, việc Triều Tiên tăng cường vũ khí hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ các nước trong khu vực Đông Bắc Á tiến hành chạy đua vũ trang. Đến khi đó, an ninh khu vực này liệu có xảy ra nguy cơ bùng phát chiến tranh? Có thể nói, việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không chỉ góp một phần vào hòa bình và an ninh khu vực Đông Bắc Á mà nó còn là điều kiện tiên quyết cho việc thống nhất bán đảo Triều Tiên bởi lẽ xét từ mục tiêu trung dài hạn, thống nhất bán đảo Triều Tiên là xu thế bắt buộc. Trong tương lai xa, việc bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ đóng vai trò quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á nói riêng và thế giới nói chung, đến lúc đó “an ninh Đông Bắc Á và cục diện chính trị sẽ tái cơ cấu, Hàn Quốc và Triều Tiên tăng cường hợp tác, trở thành một thành viên quan trọng của Đông Bắc Á” [7; tr.1].

Chính vì lẽ đó, để tìm ra “lời giải” cho “bài toán” hạt nhân nói riêng cũng như những bất ổn an ninh khác ở khu vực Đông Bắc Á, không chỉ riêng Trung Quốc cần nỗ lực, phát huy vai trò tích cực mà các quốc gia trong khu vực cần đồng lòng, chung tay góp sức, đem lại một không gian phát triển hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Bắc Á.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lê Văn Mỹ (2013), Ngoại giao Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những

vấn đề đặt ra cho Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

[2] Đỗ Tiến Sâm – Chu Thùy Linh (2012), Trung Quốc năm 2011-2012, NXB Từ

điển Bách khoa, Hà Nội.

[3] Nguyễn Xuân Thắng – Đặng Xuân Thanh (2013), Kinh tế, chính trị Đông Bắc Á

giai đoạn 2001-2020, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[4] Thông tấn xã Việt Nam (2005), "Quan hệ Mỹ - Trung: Những điểm nổi bật", Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 23/11/2005.

[5] 金光日(2008),朝核问题解决过程中的中国推动力 (Sức mạnh của Trung

Quốc trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên),湖南农机中共延边州委党校基础理论教研部。

[6] 韩莉(2010),中国崛起与东北亚的安全战略选择 (Trung Quốc trỗi dậy và

sự lựa chọn chiến lược an ninh đối với khu vực Đông Bắc Á),延边党校学报,北京。

[7] 朝鲜半岛对中国的战略意义

Ý nghĩa chiến lược của bán đảo Triều Tiên đối với Trung Quốc.

http://wenku.baidu.com/view/cb41b4ed172ded630b1cb689.html

[8] Trung Quốc kêu gọi tái khởi động cuộc đàm phán sáu bên (2014),

http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-keu-goi-tai-khoi-dong-cuoc-dam-phan-sau-ben/250654.vnp

 

 

Phan Thị Diễm Huyền

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Scroll To Top