Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC VÀ NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA

Đăng ngày:

Theo một cuộc điều tra mới đây do Viện Nghiên cứu Chính sách Asan đặt tại Seoul công bố cho thấy, số người Hàn Quốc có thái độ tiêu cực đối với cuộc hôn nhân có đối tượng là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Điều này có nghĩa là, người Hàn Quốc ngày càng trở nên không cởi mở với gia đình đa văn hóa.

Số người cho rằng các gia đình đa văn hóa cản trở sự  gắn kết xã hội đã tăng 32,5% trong năm 2013, từ 29,9% năm 2012 và 25,8% năm 2011. Khi đưa ra câu hỏi rộng hơn về thái đội đối với đối tượng không phải là người Hàn Quốc, 80% trong 1.500 người cho biết, họ không cảm thấy ác cảm với người nước ngoài.

Nhà nghiên cứu chính của cuộc điều tra là Kim Ji –yoon cho biết, người Hàn Quốc vẫn giữ ý tưởng đất nước của họ là một xã hội không đồng nhất - một vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận trong những năm gần đây

Đối tượng không chấp thuận gia đình đa văn hóa là phụ nữ và thanh niên. Số phụ nữ cho rằng các gia đình như vậy cản trở sự gắn kết xã hội là 36%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trả lời tương tự ở nam giới là 29%. Số người ở tuổi 20 có nhất trí với ý kiến trên là 35%, xấp xỉ tỷ lệ người ở tuổi 60 cùng chung quan điểm. Thanh niên ở 20-30 tuổi phần lớn thể hiện thái độ không thiện cảm với người nhập cư từ Trung Quốc, còn người cao tuổi thì lại thể hiện thái độ không thiện cảm với người Nhật.

Cuộc điều tra trên được tiến hành từ tháng 9/2013 cho thấy, khoảng 2/3 số người được hỏi không đồng ý với suy nghĩ người nhập cư đang lấy đi việc làm của người Hàn Quốc mà họ đang đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc. Trên thực tế, tốc độ già hóa dân số cao đang gây áp lực đối với chính phủ trong thời gian tới để nới lỏng luật nhập cư nhằm hỗ trợ nhu cầu về lao động.

Theo dữ liệu của chính phủ, chỉ có 3% số người Hàn Quốc mang hộ chiếu nước ngoài. Tuy nhiên, tội phạm bạo lực liên quan đến lao động nhập cư, cô dâu nước ngoài qua mai mối xuất hiện ngày càng nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây. Vụ việc một người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc sát hại một phụ nữ người Hàn Quốc năm 2012 đã làm gia tăng yêu cầu giám sát chặt chẽ lao động nhập cư.

Theo đó, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thắt chặt quy định hơn với các gia đình đa văn hóa. Để kiểm soát hoạt động của các công ty môi giới cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc, từ tháng 4/2014 chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các công dân Hàn Quốc muốn kết hôn với người nước ngoài phải chứng tỏ họ có thể giao tiếp với người bạn đời và có sự hỗ trợ tài chính.

Đầu tháng 2/2014, Bộ Tư pháp cho biết, người xin thị thực cư trú khi kết hôn phải vượt qua một bài kiểm tra trình độ tiếng Hàn Quốc do chính phủ đưa ra, chứng tỏ mức thu nhập trên 14,8 triệu won (tương đương 13.750 USD) trong năm 2013. Tất cả các hạn chế trên được công bố sau khi Bộ Tư pháp cấm công dân Hàn Quốc nộp đơn xin thị thực hôn nhân nhiều hơn một lần trong 5 năm từ tháng 10/2013.

Một cặp vợ chồng có thể lựa chọn ngôn ngữ nếu họ giao tiếp bằng ngôn ngữ khác hoặc nếu họ có con. Họ cũng được miễn các yêu cầu trên nếu một trong hai người hoặc các thành viên gia đình chứng tỏ họ có thể sống không gặp khó khăn về tài chính.

Các biện pháp trên nhằm giảm các cuộc hôn nhân “bất thường” sắp xếp nhanh chóng với người nước ngoài khi cặp vợ chồng tìm đến nhau chỉ trong vòng 5 ngày.

Hiện tượng những người đàn ông “đặt hàng” các bà vợ từ các dịch vụ mai mối không phải là phổ biến ở Hàn Quốc nhưng vấn đề này đã gây ra tranh cãi quốc gia từ năm 2010, khi các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin về các vụ giết người do người chồng quốc tịch Hàn Quốc đối với người vợ trẻ nước ngoài.

Đàn ông độc thân, ly hôn và góa vợ thường gặp khó khăn khi tìm một người vợ Hàn Quốc. Bởi vậy, họ đã sử dụng dịch vụ mai mối cô dâu nước ngoài, kết cục  thường dẫn đến một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bạo lực gia đình và ly hôn. Đặc biệt, điều này thể hiện rõ nhất ở các cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ các nước Đông Nam Á, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Việt Nam.

Đồng thời, ngân sách để hỗ trợ gia đình đa văn hóa (hôn nhân giữa một người có quốc tịch Hàn Quốc và bạn đời là người nước ngoài, cùng con của họ) cũng có những yêu cầu chặt chẽ về ngôn ngữ, tài chính đối với người nước ngoài xin thị thực cư trú.

Trong năm 2013, ngân sách gia đình đa văn hóa ở mức 123,2 tỉ won, gấp 20 lần so với năm 2007. Sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa được là những lý do chính trong mâu thuẫn ở cuộc hôn nhân như vậy. Theo các chuyên gia, cô dâu nước ngoài đến Hàn Quốc thông qua dịch vụ mai mối và con cái của họ cũng thường xuyên gặp phải sự thành kiến từ xã hội.

Để giải quyết những vấn đề mà phụ nữ nước ngoài và con cái của họ phải đối mặt, chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng để cung cấp hỗ trợ nhiều hơn, bao gồm cả nơi trú ẩn cho các nạn nhân bạo lực gia đình và các khóa học ngôn ngữ .

Theo một nghiên cứu năm 2009 của Bộ Bình đẳng Giới cho thấy, hơn một nửa số người nước ngoài kết hôn với công dân Hàn Quốc đã ly hôn hoặc góa bụa trong vòng 5 năm .

Cho Young-hee, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo di cư của IOM ở Goyang, Hàn Quốc cho biết: “Những hạn chế mới sẽ là cơ hội để mọi người nghĩ kỹ về điều đó. Nhưng thật khó để tìm ra sự chân thành của một cuộc hôn nhân trên giấy”.

Năm 2010, Campuchia tạm thời cấm các cuộc kết hôn giữa phụ nữ Campuchia và đàn ông Hàn Quốc sau khi nhiều phụ nữ đã bị cáo buộc bán theo bà mối .

Theo tính toán của Bộ Bình đẳng Giới năm 2013, trong số 280.000 người cư trú tại Hàn Quốc thì có 236.000 phụ nữ sinh ở nước ngoài, tương đương với dưới 0,6% của 50 triệu dân của nước này. Khoảng 150.000 trong số họ mang hộ chiếu nước ngoài và phần còn lại đã có được quốc tịch Hàn Quốc .

Tống Thùy Linh tổng thuật - Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

Nguồn: http://blogs.wsj.com/korearealtime/2014/02/28/koreans-cool-to-mixed-race-families/

http://blogs.wsj.com/korearealtime/2014/02/07/south-korea-tightens-rules-on-marriages-to-foreigners/

 

 

 




Scroll To Top