Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHUYỂN GIAO LÃNH ĐẠO Ở HÀN QUỐC VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN AN NINH KHU VỰC (Phần 2)

Đăng ngày:

 

3. Tác động đối với an ninh Bán đảo Hàn và khu vực

Tác động của sự chuyển giao lãnh đạo ở Hàn Quốc đối với an ninh trên Bán đảo Hàn và khu vực có thể phân chia thành những tác động trước mắt và những tác động lâu dài.

Trước hết, những tác động trước mắt có thể đề cập là có những động thái thăm dò từ phía CHDCND Triều Tiên. Chính sách mang tính phức hợp của chính phủ Hàn Quốc đặt ra những câu hỏi cho CHDCND Triều Tiên đại loại như thực ra chính sách này nghiêng về cứng rắn hơn hay mềm dẻo hơn, mức độ đến đâu và phương thức thực hiện như thế nào…? Việc thử hạt nhân lần thứ 3 vào ngày 12/2, tuyên bố rút khỏi hiệp định ngừng bắn trên bán đảo, đe dọa tấn công vũ lực vào lãnh thổ Hàn Quốc, cắt đứt đường dây nóng giữa hai miền, kí quyết định chiến tranh với Mỹ…từ phía CHDCND Triều Tiên ngoài những lý do bên trong thì một mặt là những phản ứng mạnh mẽ đối với việc tăng cường cấm vận của Liên Hiệp Quốc, tăng vị thế trong đàm phán 6 bên; một mặt là những động thái thăm dò tính “cứng rắn” trong chính sách đối Bắc của Hàn Quốc. Trong thời gian tới, cho đến khi có thể nhìn nhận được mức độ “mềm dẻo” hay “cứng rắn” trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của chính quyền mới Hàn Quốc, phía CHDCND Triều Tiên tiếp tục có các tuyên bố cứng rắn hay một số động thái quân sự vũ trang.

Về tác động dài hạn, trong những ngày qua, khi tình hình bán đảo Hàn căng thẳng, các đảng phái đối lập trong nước phản đối và hoài nghi chính sách của chính quyền mới, nhưng chính quyền Park Geun – hye vẫn tuyên bố tiếp tục theo đuổi “Quy trình xây dựng lòng tin trên Bán đảo Hàn”, bước đầu cho thấy, chính phủ Hàn Quốc mong muốn vận dụng tính “mềm dẻo” nhiều hơn tính “cứng rắn” trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Vì vậy, một khi CHDCND Triều Tiên đã đạt được một số mục đích nhất định, tìm được lời giải đáp và có thông tin đáng tin cậy về thiện ý của Hàn Quốc, căng thẳng trên bán đảo sẽ lắng dịu. Tiếp theo đó, trong một chừng mực nhất định, có khả năng sẽ diễn ra các hoạt động gặp gỡ, đối thoại dẫn đến hòa giải và hợp tác tích cực hơn giữa hai miền. Cho nên, hiện nay, khi tình hình Bán đảo rất nóng bỏng và nỗi quan ngại về một cuộc chiến tranh có thể nổ ra tăng lên với nhiều lời đồn đoán, nhưng trên cơ sở phân tích ở trên thì thấy rằng, nếu có thì chỉ là những đụng độ hoặc tấn công cục bộ, nhỏ lẻ vùng biên hơn là một cuộc chiến trên diện rộng. Và tương lai an ninh trên bán đảo Hàn cũng sẽ nóng lạnh như nó vốn có trong hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan ngoại trừ những trường hợp “sơ sẩy” dẫn đến một cuộc chiến Triều Tiên lần thứ hai, đồng thời, cũng không nên từ bỏ hy vọng quan hệ Hàn - Triều có khả năng sẽ nồng ấm hơn trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Park Geun - hye.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh trên bán đảo Hàn không chỉ là vấn đề của Triều Tiên và Hàn Quốc mà là vấn đề mang tính khu vực. Mối quan hệ giữa các nước Đông Bắc Á sẽ bị ảnh hưởng tùy thuộc vào tình hình an ninh trên bán đảo này. Thực tế cho thấy, khi vấn đề an ninh bán đảo Hàn nóng lên thì các tranh chấp khác như tranh chấp biển đảo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc và Trung Quốc thường được tạm gác lại và các nước Đông Bắc Á lại hướng tới lợi ích của mình xung quanh vấn đề Triều Tiên. Nhìn trên góc độ tác động dài hạn, dưới chính quyền Park Geun - hye, khi quan hệ với CHDCND Triều Tiên trở nên mềm dẻo, linh hoạt hơn thì các tranh chấp giữa các cặp đôi ở Đông Bắc Á sẽ có chiều hướng gia tăng.

Nguyễn Thị Thắm

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Tài liệu tham khảo

Chính phủ Hàn Quốc, Diễn văn Nhậm chức của Tổng thống Park Geun - hye,: http://www.korea.go.kr

Chính phủ Hàn Quốc, Quyết định chính phủ mới là “Chính phủ Park Geun - hye”,: http://www.korea.go.kr

Song Jung Hoon, Chính phủ: Quy trình xây dựng lòng tin trên bán đảo Hàn - sự thay đổi thái độ của CHDCND Triều Tiên là tiền đề”, Nội dung họp báo của Phát ngôn Bộ Thống nhất ngày 13, 머니투데이, 13/03/2013.

Park Jung Gyu, Tổng thống Park điện đàm với thủ tướng Nhật, hứa hẹn “cùng hợp tác chính sách đối với CHDCND Triều Tiên”, 뉴시스, 06/03/2013.


Scroll To Top