Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


BỐI CẢNH THAM NHŨNG Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Sự kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường đã dẫn đến tình trạng câu kết, liên minh giữa những người nắm giữ quyền lực chính trị và các thế lực kinh tế. Sự lũng đoạn nhà nước và tệ tham nhũng của công chức là những hậu quả không thể tránh được. Các chính phủ thay nhau lên nắm quyền đã ý thức được mức độ nguy hại của tham nhũng đối với đất nước và đã có những biện pháp xử lý nạn tham nhũng, thực tế cho thÊy Chính phủ thường chỉ chú trọng vào những sai phạm nhỏ lẻ mà không xử lý nguyên nhân quan trọng xuất phát từ nội tại cơ chế hiện hành. Việc giải phẫu toàn bộ hệ thống đó là cần thiết và cần phải thay đổi cơ chế điều hành và sự lãnh đạo của Chính phủ. Những điều kiện tiên quyết cho sự thay đổi đó cho thấy cơ cấu nhà nước quản lý theo định hướng tăng trưởng đã chứng tỏ không thể điều chỉnh kịp thời theo bối cảnh luôn biến động của nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá.

Năm 1997, đảng đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, sự kiện đó đánh dấu mốc chuyển đổi theo xu thế tiến bộ của Hàn Quốc tiến tới chế độ dân chủ. Lần đầu tiên, bầu cử phổ thông đã làm thay đổi quyền lực tổng thống. Chính phủ mới ban hành một đạo luật thống nhất về vận động tranh cử và ban hành đạo luật về quỹ chính trị nhằm đảm bảo rằng các cuộc bầu cử cần phải công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Đồng thời, Chính phủ mới bắt tay thực hiện nhiệm vụ nan giải là vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Xét thấy nguyên nhân căn bản gây ra cuộc khủng hoảng là nạn tham nhũng lan tràn trong xã hội và sự cấu kết giữa công chức nhà nước và các trùm tư bản, Chính phủ của Tổng thống Kim Dae-jung đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn.

Trong những năm gần đây hàng loạt vụ tham nhũng bị phát hiện và phơi bày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính phủ tiến hành rất nhiều các cuộc điều tra, nhưng các cuộc điều tra đã không tạo được lòng tin của nhân dân. Hệ thống cơ quan điều tra và truy tố tội tham nhũng của Hàn Quốc đã trải qua những thăng trầm lớn. Trong suốt những năm đó, những lời cáo buộc về sự tòng phạm của các công tố viên cao cấp trong vụ bê bối tài chính Lee Yong-Ho đã huỷ hoại danh tiếng của ngành công tố. Sự phê phán của công chúng tập trung vào việc Chính phủ không điều tra đầy đủ các vụ tham nhũng liên quan đến viên chức tình báo. Ba công tố viên cao cấp liền sau đó đã bị cách chức. Một công tố viên cao cấp khác đã từ chức sau khi chỉ trích cơ quan công tố bị phụ thuộc thế lực thống trị và chính điều đó đã gây nghi ngờ về sự công minh của Văn phòng Tổng Công tố viên. Hình ảnh cơ quan công tố trở nên xấu nhất khi Tổng Công tố viên Shin Seung-nam bị buộc tội trước Nghị viện vì hành động che dấu vụ bê bối Lee và việc ông này từ chối điều trần trước Quốc hội.

Trước đó, Văn phòng Tổng Công tố viên đã cam kết bất kể khi nào phải đối mặt với tình huống khó khăn cơ quan này sẽ luôn là người thi hành trật tự và pháp luật một cách công bằng và công minh. Nhưng, khi công tố viên thi hành nhiệm vụ, công chúng cho rằng họ đã không làm đúng như lời họ hứa. Nhiều người cho rằng việc thành lập cơ quan tư vấn độc lập có thể là một đòi hỏi tất yếu nếu vai trò trung lập của cơ quan công tố không được đảm bảo thông qua chế độ quản lý nhân sự công minh và độc lập. Trước tình hình như vậy, các uỷ viên tư vấn độc lập đã được bổ nhiệm ngay trong năm 1999 để điều tra hai vụ bê bối riêng biệt: vụ bê bối được gọi là ''sử dụng ô dù gây ảnh hưởng'' có liên quan đến vợ của các quan chức cao cấp của Chính phủ và một nhà đại tư bản đang bị giam giữ và vụ bê bối đình công gây rối loạn tại một công ty in tiền nhà nước.

Đứng trước sự thất vọng ngày một lớn đối với cơ quan công tố, Đảng cầm quyền đã chấp thuận đề nghị của phe đối lập về việc Quốc hội cần bổ nhiệm một cố vấn độc lập, mở lại cuộc điều tra đối với thương gia đang bị bắt giam - Lee Yong-ho. Nhóm điều tra do công tố viên đặc biệt Cha Jong-il chỉ đạo đã kết thúc cuộc điều tra 105 ngày với báo cáo về các chứng cứ phát hiện được. Theo báo cáo của Jong-il, Kim Sung-hwan, bạn thân của Kim Hong-up (con trai thứ hai của Tổng thống Kim Dae-jung), đã nhận 9 tỷ won (tương đương 6,9 triệu đô la Mỹ) từ tay một số thương gia thông qua 06 tài khoản ngân hàng được lập dưới những cái tên đi mượn. Kim Sung-hwan bị tình nghi đã đóng vai trò làm người vận động cho Lee Yong-ho, người đứng đầu Tập đoàn G & G đang bị bắt giam. Một khoản của số tiền trên cũng được phát hiện đã rót vào Quỹ vì hoà bình Kim Dae-jung, nơi mà Kim 'co' giữ chức vụ thứ hai. Nhóm điều tra đã bắt giữ Shin Seung-hwan, em trai của cựu Tổng Công tố viên Shin Seung-nam, vì đã nhận 66 triệu won (tương đương 50.000 đô la Mỹ) của Lee Young-ho. Nhóm của Cha đã truy tố Lee Hyoung-teak (cháu của Tổng thống Kim), Kim Bong-ho (người phụ trách quyên góp quỹ cho Đảng) và Lee Su-dong. Nhóm đã buộc tội 12 người có liên quan đến mạng lưới rộng lớn của cuộc vận động gây ảnh hưởng cho Lee Yong-ho (Lee Chi-dong 2002).

Ngoài ra, các công tố viên đã tiến hành điều tra 03 cựu quan chức cao cấp chính phủ bị buộc tội tham nhũng. Uỷ ban Chống Tham nhũng độc lập Hàn Quốc (KICAC) đã khiếu kiện một quan chức cấp bộ đương chức, một cựu Tổng Công tố viên và một công tố viên cấp thứ trưởng lên Viện Công tố Tối cao với những lời buộc tội về đưa và nhận hối lộ.

Công việc mới đây nhất của KICAC được xem là báo hiệu một thời đại cầm cân nảy mực công minh động chạm đến các quan chức cao cấp. Cụ thể là Uỷ ban có quyền chính thức trực tiếp chuyển hồ sơ của các quan chức cao cấp (từ thứ trưởng trở lên) sang cơ quan công tố để tiến hành điều tra. Tuy nhiên, việc Uỷ ban chuyển hồ sơ sang cơ quan công tố không phải là một vấn đề đơn giản bởi vì có những khác biệt nội tại thuộc chính bản thân cơ quan công tố. Tham nhũng trong nội bộ là một vấn nạn và rất khó khăn để thanh lọc bởi vì tham nhũng đồng nghĩa với việc là các quan chức phải thực hiện việc điều tra tuỳ theo thứ bậc chức vụ của mình.



Tác giả: Ngô Minh Thanh

Biên tập: Nhóm website

Scroll To Top