Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG CỐ GẮNG THÚC ĐẨY CẢI CÁCH GIÁO DỤC CỦA CHÍNH PHỦ

Đăng ngày:

Và có thể nói những công việc mà người Hàn Quốc thực thi trong giáo dục hiện nay được bắt đầu từ những cuộc cải cách trong lịch sử và việc tạo dựng một nền giáo dục mới phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội trong từng thời kỳ là mục tiêu đầu tiên cần đạt tới.

Quan điểm chỉ đạo là xây dựng một hệ thống giáo dục mở.

Ngay từ cuối thế kỷ 19, Triều đại Yi của Hàn Quốc đã xúc tiến một nền giáo dục mới mà nền tảng của nó là lý luận của Khổng tử và các phương pháp giáo dục truyền thống. Đây được coi là nền giáo dục hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc. Chính những thúc ép từ bên ngoài và nhu cầu đào tạo một đội ngũ quan lại có trình độ hiểu biết cao đã thúc đẩy Vương Triều Yi thực thi cuộc cải cách giáo dục này. Tuy nhiên sự tồn tại của cuộc cải cách này không lâu khi Hàn Quốc trở thành thuộc địa của Nhật Bản.

Việc ra đời nhà nước Hàn Quốc độc lập năm 1945 đã tạo cơ hội cho Hàn Quốc xúc tiến các cuộc cải cách giáo dục sau đó. Có thể nói một trong những đặc điểm nổi bật nhất của cuộc cải cách giáo dục sau 1945 là việc phân chia các bậc học theo mô hình phương Tây, với 6 năm tiểu học, 3 năm tiếp theo là trung học cơ sở, 3 năm tiếp theo trung học phổ thông và 4 năm sau đó là bậc đại học. Những cuộc cải cách diễn ra trong quãng thời gian sau đó cho tới thập niên 1990 tập trung điều chỉnh mô hình giáo dục đang tồn tại theo mô hình giáo dục hiện đại. Những thành tựu lớn của các cuộc cải cách giáo dục trong quãng thời gian đó là bước đầu tạo ra một nền giáo dục tự do, thể chế hoá các quyền của giáo dục, xoá bỏ thi tuyển sinh vào trung học, tiêu chuẩn hoá chất lượng giáo dục và hệ thống các trường trung học phổ thông. Và kết quả nổi bật nhất là tạo ra một nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng cho một nền sản xuất sản phẩm xuất khẩu được ưa chuộng trên thị trường thế giới.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục trong những thập niên tới, Uỷ ban cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống đã đệ trình một chương trình cải cách giáo dục toàn diện và triệt để. Người ta cho rằng để có thể đối phó có hiệu quả với những vấn đề nổi cộm trong giáo dục hiện nay và hướng tới những mục tiêu lớn của giáo dục trong thế kỷ 21, cuộc cải cách này phải xuất phát từ hai yêu cầu trực tiếp. Trước hết, nền giáo dục mới được xây dựng trên cơ sở của những dự báo về sự thay đổi có tính bước ngoặt trong thế kỷ 21. Nói cách khác, dự báo về sự thay đổi này của nền văn minh trong thế kỷ 21 phải được phản ánh trong cuộc cải cách này. Và thứ hai là nền giáo dục mới phải hướng tới một chất lượng tốt hơn và nền giáo dục này phải thực thi được vai trò là một tác nhân hiệu quả nhất cho tiến trình tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Vấn đề đặt ra cho các chiến lược gia giáo dục Hàn Quốc khi xác định cơ hội giáo dục là một giá trị xã hội cần thiết, vậy làm thế nào để đảm bảo tính công bằng trong phân phối các cơ hội đó cho mọi người? Trả lời cho câu hỏi này chính là việc Hàn Quốc phải xây dựng một hệ thống giáo dục mở* và ở đó, “khách hàng” đóng vai trò trung tâm. Cho đến nay, các nhà cải cách giáo dục đã chấp thuận điều đó bởi họ cho rằng, hệ thống giáo dục mở tạo ra một sự công bằng về cơ hội giáo dục cho mọi người mọi lứa tuổi, mọi lúc và mọi nơi. Nói cách khác, đó là một hệ thống giáo dục mở đối với mọi đối tượng, dành cho họ cơ hội tìm kiếm một cấp học cao hơn, thuận tiện cho họ về thời gian và nơi học. Điều đó cho phép thực hiện, chiến lược giáo dục suốt đời và khuyến khích tối đa tiềm năng cá nhân trong sự nghiệp làm giàu tri thức của mình, từ đó đóng góp tốt nhất cho quốc gia này trở thành nước dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong một vài thập niên tới.

Chấp thuận quan niệm khách hàng là trung tâm (học sinh là trung tâm) sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy nhu cầu học tập của người học bởi người học sẽ căn cứ vào khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội - nơi họ có thể đóng góp những gì - để chọn lựa những kiến thức cần thiết từ giáo dục; và điều đó buộc người ta phải đổi mới và đa dạng hoá chương trình giáo dục. Khả năng độc lập, tự chịu trách nhiệm và áp dụng công nghệ thông tin cũng là những đòi hỏi có tính bắt buộc khi người ta chấp thuận quan niệm “học sinh là khách hàng”.

Có thể nhấn mạnh rằng, hệ thống giáo dục mở và giáo dục coi học sinh là khách hàng và nhà trường là doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội cho việc xây dựng các chương trình học tối ưu, qua đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Tính phong phú của các chương trình này làm giảm khả năng can thiệp trực tiếp của các cơ quan quản lý giáo dục trung ương và đòi hỏi một trách nhiệm lớn hơn và khả năng hoạt động độc lập nhiều hơn đối với các trường học và các cơ quan quản lý thấp hơn trong tiến trình ra quyết định. Việc xây dựng hệ thống giáo dục mở , tự nó giới hạn phạm vi quyền lực của các nhà quản lý cấp cao, đồng thời cho phép các nhà chuyên môn tự quyết định những vấn đề chuyên môn quan trọng. Khả năng tự chịu trách nhiệm phần lớn thuộc về những người thừa hành. Điều này trái ngược với các đặc điểm của hệ thống giáo dục “mang tính khép kín” đang tồn tại, ở đó các nhân viên thừa hành hầu như không chịu sức ép từ công luận và dường như họ không chịu trách nhiệm gì đáng kể. Đặc biệt là đối với các trường công, hệ thống giáo dục khép kín đã tạo ra một cơ cấu và một cơ chế hoạt động thiếu tính linh hoạt, làm thui dột tính sáng tạo trong tư duy và hành động. Điều đó không có ý nói rằng các nhà giáo dục ở trường công không đổi mới và sáng tạo; Tuy nhiên sự sáng tạo của họ khó có thể tồn tại trước bức tường quan liêu. Bên cạnh đó, người ta cũng thấy rằng, với tính chất khép kín này, khó xác định được những giáo viên nào làm việc không hiệu quả nếu công việc không trực tiếp thuộc phạm vi trách nhiệm của họ; Một vấn đề nữa là một khi được tuyển dụng, họ được đảm bảo vị thế làm việc suốt đời và ít khi chịu trách nhiệm với hiệu suất làm việc kém của họ. Hệ thống giáo dục mới sẽ khắc phục được những khiếm khuyết đó.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách giáo dục được chính phủ Hàn Quốc dưới thời Kim Đại Trọng chấp thuận. Có thể nói, đây là chương trình cải cách giáo dục được đánh giá có qui mô lớn nhất và mang tính toàn diện nhất. Đã không ít hơn một lần, Tổng thống Rô Mu Hiên nhấn mạnh tới điều đó trong các buổi làm việc với Hội đồng giáo dục quốc gia do ông làm chủ tịch. Ông cho rằng, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách giáo dục này bởi chương trình nghị sự 10 điểm của cuộc cải cách đó vẫn giữ nguyên tính thời sự. Nếu Hàn Quốc thực hiện thành công sẽ tạo ra một diện mạo mới cho hệ thống giáo dục mước này trong những thập niên tới. Sau đây là chương trình nghị sự 10 điểm:

(1) Xây dựng một xã hội học tập suốt đời;

(2) Xây dựng hệ thống các trường đại học theo mô hình kết hợp đa dạng hoá với chuyên môn hoá các ngành nghề đào tạo;

(3) Mở rộng dân chủ và đề cao tính độc lập của các trường phổ thông;

(4) Thúc đẩy xây dựng và đổi mới các chương trình giảng dạy ở tất cả các cấp học;

(5) Thiết kế, xây dựng và thực hiện chế độ tuyển sinh mới ở các cấp học;

(6) Xây dựng và phát triển hệ thống dạy nghề mới phù hợp với xã hội thông tin;

(7) Xây dựng phương thức đánh giá và chế độ hỗ trợ mới đối với học sinh (khách hàng);

(8) Hoàn thiện chương trình đào tạo giáo viên;

(9) Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục dựa trên yêu cầu của xã hội thông tin tương lai;

(10) Cải cách hành chính giáo dục và chế độ tài chính.

Để thực hiện chương trình này, một trong những điểm mấu chốt mà chính phủ Hàn Quốc quan tâm đầu tiên là duy trì mức chi ngân sách giáo dục 5% GDP được thực hiện từ năm 1998. Điều cần nhấn mạnh là bên cạnh những định hướng chính sách vừa nêu, chính phủ Hàn Quốc uỷ quyền cho Bộ giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tiếp tục rà soát và xây dựng mới các qui định liên quan tới việc khuyến khích đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Điều lưu ý ở đây là để đạt tới những thay đổi và tiến bộ trong giáo dục ở quốc gia này, những cam kết mang tính chính trị là rất quan trọng trong tiến trình thực thi chương trình cải cách giáo dục. Thực tế cho thấy những định hướng chính sách và những giải pháp vĩ mô đã được chính phủ và Bộ giáo dục nước này khởi động song việc thực thi cụ thể lại tuỳ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của các địa phương và các cơ sở giáo dục.



Tác giả: Ngô Xuân Bình

Biên tập: Nhóm website

Scroll To Top