Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


QUẢN LÝ RỦI RO ĐỘNG ĐẤT Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Hàn Quốc là một quốc gia châu Á, nằm ở nửa phía nam của bán đảo Hàn Quốc. Tọa độ địa lý của đất nước này là 37° vĩ độ Bắc và 127° 30′ kinh độ Đông. Với diện tích rộng 100.339 km2, đường bờ biển dài tổng cộng 2.413 km[1], Hàn Quốc được bao quanh bởi biển Hoàng Hải ở phía tây, tây nam và biển Nhật Bản ở phía đông, nam. Khác với quốc gia láng giềng Nhật Bản, nhờ vị trí địa lý nằm bên trong mảng Á - Âu, không nằm dọc theo vùng ranh giới mảng như Nhật Bản nên Hàn Quốc tương đối không có thiên tai do động đất và núi lửa phun trào. Điều này không có nghĩa là Hàn Quốc hoàn toàn an toàn về động đất, sóng thần hoặc núi lửa. Theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (Korea Meteorological Agency - KMA), các trận động đất xảy ra thường xuyên ở Hàn Quốc có mức độ nhẹ khiến người dân không cảm nhận được[2] nhưng cũng có những trận động đất mạnh ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống nhân dân nên chính phủ Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến công tác quản lý rủi ro động đất.

Kể từ năm 1978, khi hoạt động quan sát địa chấn quy mô đầy đủ lần đầu tiên được tiến hành, tổng cộng 2.024 trận động đất đã xảy ra trong và xung quanh khu vực Bán đảo Hàn Quốc (khoảng 46 lần mỗi năm). Các trận động đất có cường độ bằng hoặc lớn hơn 3,0 mà người bình thường có thể cảm nhận được, đã xảy ra khoảng 10 lần mỗi năm[3]. Ở Hàn Quốc, số trận động đất tương đối cao trong giai đoạn 1978-1982, khá yên tĩnh trong giai đoạn 1983-1991 và có xu hướng tăng trở lại từ sau năm 1992 đến nay. Giai đoạn 1999-2020, trung bình có khoảng 70,6 trận động đất xảy ra ở Hàn Quốc mỗi năm. Năm 2016, số trận động đất đo được lên tới 252 trận. Mặc dù vậy, các trận động đất ở Hàn Quốc có cường độ nhỏ, chủ yếu ở dao động từ mức 2 đến 5 nên không tác động nhiều tới cuộc sống của người dân và đời sống xã hội. Phổ biến nhiều nhất là các trận động đất nhỏ hơn 3 richter, tiếp theo là các trận động đất từ 3 đến 4 richter. Số trận động đất mạnh trên 5 richter rất hạn hữu. Tuy nhiên, khả năng núi Baekdu ở Triều Tiên sẽ phun trào trong tương lai hoàn toàn có thể dẫn tới động đất ở Hàn Quốc. Đặc biệt, hai trận động đất xảy ra ở Gyeongju với cường độ 5,8 (năm 2016) và ở Pohang với cường độ 5,4 (năm 2017) khiến dư luận lo ngại về khả năng xảy ra các trận động đất khác thời gian tới. Trận động đất ở Gyeongju đã khiến 23 người bị thương, gây ra 5.120 vụ thiệt hại về tài sản ở các thành phố như Gyeongju, Ulsan, Pohang[4]. Bên cạnh đó, bốn nhà máy điện nguyên tử Wolseong từ số 1 tới số 4 ở Gyeongju đã phải tạm dừng hoạt động trong vòng ba tháng. Không chỉ vậy, nhiều tòa nhà bị rạn nứt, làm nghiêng, hư hại mái ngói của nhiều ngôi nhà xây theo kiểu truyền thống. Đến ngày 22/9/2016, lần đầu tiên, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố thành phố Gyeongju là “Khu vực thảm họa đặc biệt”. Đến năm 2017, mặc dù cường độ trận động đất ở Pohang nhỏ hơn trận động đất mạnh 5,8 độ richer xảy ra ở thành phố Gyeongju năm 2016 song lại có mức độ thiệt hại lớn nhất trong lịch sử ở Hàn Quốc. Tuy không có trường hợp tử vong nào nhưng đã có 118 người bị thương và khoảng 1.800 người dân phải đi lánh nạn[5]. Trận động đất mạnh thứ hai kể từ khi Hàn Quốc chính thức bắt đầu quan trắc động đất từ năm 1978 còn gây thiệt hại đến nhiều tòa nhà, trường học các cấp, làm đổ bức tường bên ngoài ký túc xá trường đại học Handong. Ngoài ra, khu vực cảng Pohang và ga Pohang cũng bị hư hại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc bốc dỡ hàng hóa ở cảng và vận hành tàu hỏa.

Hoạt động quản lý rủi ro thảm họa động đất của Hàn Quốc

Rút kinh nghiệm từ trận động đất ở Gyeongju 2016 và Pohang 2017, công tác quản lý rủi ro thảm họa động đất có thể xảy ra rất được chính phủ Hàn Quốc chú trọng.

Về đầu tư cơ sở vật chất

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) là cơ quan khí tượng của chính phủ, chịu trách nhiệm đưa ra thông tin cảnh báo về động đất, sóng thần. Thông qua dữ liệu các hiện tượng địa chấn, thủy triều, phun trào núi lửa… thu thập từ các trạm quan sát 24 giờ mỗi ngày[6] trên toàn quốc theo thời gian thực, phân tích dữ liệu bằng hệ thống xử lý dữ liệu, các thông tin cảnh báo được cập nhật nhanh nhất. Trước năm 1997, KMA có máy đo địa chấn loại kỹ thuật số với 45 trạm địa phương và 106 máy gia tốc[7]. Từ năm 1997, KMA đã bắt đầu một dự án nhằm tăng cường mạng lưới quan sát địa chấn quốc gia và hệ thống cảnh báo sóng thần. Hiện tại, mạng lưới quan sát địa chấn của KMA bao gồm 95 máy đo địa chấn băng thông rộng, 27 máy đo địa chấn chu kỳ ngắn và 142 máy đo gia tốc. Mạng lưới không chỉ được thiết kế để cung cấp giải pháp tự động cho các sự kiện địa chấn nhằm ứng phó ngay lập tức với các trận động đất gây ra sóng thần mà còn ghi lại cả vận tốc và gia tốc của sóng địa chấn. Với cơ chế hoạt động tự động, mạng lưới cung cấp cho KMA dữ liệu kỹ thuật số hoàn chỉnh. Trong trường hợp xảy ra động đất, các tín hiệu địa chấn được truyền qua hệ thống mạng nội bộ của KMA đến một trạm xử lý trung tâm. Các dạng sóng địa chấn được ghi lại được phân tích và ước tính tự động bởi một phần mềm có tên là ANTELOPE[8].

Đến tháng 6/2013, KMA đã phát triển và vận hành Hệ thống thông tin toàn diện về động đất quốc gia (National Earthquake Comprehensive Information System). Hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu và thông tin về động đất, sóng thần… từ tất cả các trạm của KMA và cung cấp cho các chuyên gia theo yêu cầu thông qua hệ thống web[9].

Đến tháng 1/2015, KMA đã phát triển và vận hành hệ thống Cảnh báo động đất sớm (Earthquake Early Warning – EEW). Với mục đích giảm thiểu thiệt hại do động đất, sóng thần... gây ra, các thông tin liên quan sẽ được gửi ngay lập tức tới cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia, phương tiện truyền thông và chính quyền địa phương. Hệ thống EEW tự động phân tích và dự đoán khu vực thô của tâm chấn động đất và cường độ của sự kiện, khi phát hiện sóng P từ bất kỳ 6 hoặc nhiều hơn trong số 150 máy đo địa chấn được lắp đặt trên khắp Hàn Quốc[10]. Nếu động đất có cường độ lớn hơn 5,0 richter, cảnh báo được phát đi thông qua ti vi và radio tới công chúng ở khu vực bị ảnh hưởng.

Do động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần nên Hàn Quốc cũng chú trọng về cảnh báo sóng thần. Tại Ulleung-Do, ở biển Donghae, cách bờ biển phía đông Hàn Quốc khoảng 130 km, đã lắp đặt hệ thống giám sát mực nước biển. Hệ thống này giúp cung cấp thông tin hữu ích trong cảnh báo sóng thần. Khi ghi lại tín hiệu động đất hoặc sóng thần, dữ liệu đã phân tích được gửi đến khoảng 80 viện[11].

Về tăng cường hợp tác quốc tế

Để cải thiện khả năng cảnh báo động đất ở bán đảo Hàn Quốc, KMA đã tăng cường công tác hợp tác quốc tế. KMA có mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) và Cục Quản lý Động đất Trung Quốc (CEA) trong việc trao đổi dữ liệu và công nghệ địa chấn. Dựa trên các mối quan hệ hợp tác này, KMA nhận dữ liệu địa chấn theo thời gian thực từ 42 trạm của JMA và 12 trạm của Viện Nghiên cứu Khoa học Trái đất và Phòng chống Thiên tai Quốc gia Nhật Bản (NIED) để giảm thiểu thảm họa động đất ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Đổi lại, KMA cũng gửi dữ liệu địa chấn theo thời gian thực từ 10 trạm của mình cho Nhật Bản.

Về xây dựng Kế hoạch chuẩn bị ứng phó với động đất

Để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai, từ năm 2018, Bộ An toàn Hành chính Hàn Quốc (MOIS) đã xem xét những điểm yếu bộc lộ trong quá trình phục hồi sau hai trận động đất 2016-2017 và chuẩn bị Kế hoạch chuẩn bị ứng phó động đất toàn diện lần thứ hai với sự hỗ trợ từ tất cả các bộ của chính phủ.

Kế hoạch chuẩn bị ứng phó toàn diện lần thứ hai với mục tiêu Xây dựng nền tảng để chuẩn bị cho động đất cường độ cao, gồm 5 chiến lược chính, mỗi chiến lược tương ứng với hai hành động cụ thể. Đầu tiên, chiến lược nâng cấp hệ thống cảnh báo động đất, ví dụ: giảm thời gian phản hồi cảnh báo khẩn cấp được cụ thể hóa thành thiết lập hệ thống cảnh báo sớm dựa trên người dùng; tăng cường hệ thống thông tin. Tiếp theo, chiến lược tăng cường năng lực chuẩn bị ứng phó với động đất, và sóng thần, được cụ thể thành cung cấp giáo dục, đào tạo tùy chỉnh, dựa trên kinh nghiệm; cải thiện hệ thống phòng bị cho động đất và sóng thần. Chiến lược thứ ba là nâng cao tỷ lệ chống động đất trên toàn quốc thông qua mở rộng đầu tư trang thiết bị địa chấn và giảm thời gian xây dựng; khuyến khích tư nhân tăng cường trang bị thêm thiết bị địa chấn. Chiến lược thứ tư là cải thiện các nỗ lực cứu trợ và phục hồi (cung cấp hỗ trợ phục hồi cho các nạn nhân động đất và phục hồi thiệt hại sau động đất). Cuối cùng, chiến lược tăng cường nghiên cứu về phòng bị động đất thông qua điều tra, nghiên cứu có hệ thống về lỗi hoạt động trên toàn quốc; nâng cao nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong ứng phó với động đất.

Bên cạnh đó, để ứng phó hiệu quả với động đất, chính phủ Hàn Quốc cũng mô hình hóa quy trình ứng phó với động đất gồm 4 bước cơ bản: Thu thập và chia sẻ thông tin; Ứng phó ban đầu; Ứng phó khẩn cấp; Phục hồi và khôi phục. Trong đó, tại giai đoạn ứng phó ban đầu, Trung tâm phòng chống Thảm họa và An toàn Trung ương, thuộc Trụ sở Quản lý Thảm họa Trung ương sẽ được thành lập. Đồng thời, các báo cáo về thiệt hại, các cuộc họp của Trung tâm phòng chống Thảm họa và An toàn Trung ương sẽ được tổ chức. Đến giai đoạn Phục hồi và khôi phục, việc chỉ định một khu vực thảm họa đặc biệt được tiến hành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khôi phục sau động đất.

Có thể thấy, trước những năm 2000, Hàn Quốc đã chú trọng tăng cường cơ sở vật chất nhằm quản lý rủi ro động đất. Từ sau năm 2016-2017, công tác chuẩn bị, ứng phó với động đất ở Hàn Quốc ngày càng được chú trọng với Kế hoạch chuẩn bị ứng phó toàn diện lần hai (2018) với sự tham gia của các bộ liên quan. Kế hoạch chuẩn bị ứng phó toàn diện lần hai với 5 chiến lược cùng 10 hành động thể hiện bước tiến và sự quan tâm của chính phủ Hàn Quốc trong quản lý rủi ro thảm họa động đất so với trước đây.

 

Tống Thùy Linh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo

1. KBS World Vietnamese (2016), 8. Động đất mạnh 5,8 độ richter tại thành phố Gyeongju – rủi ro về động đất trên bán đảo Hàn Quốc, https://world.kbs.co.kr/service/archive_view.htm?lang=v&id=sub_index&board_seq=821

2. KBS World Vietnamese (2019), Động đất ở Pohang năm 2017 do hoạt động điện địa nhiệt gây ra, https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&board_seq=360113

3. Korea Meteorological Administration, KMA Services, “National Earthquake Comprehensive Information System - NECIS”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/necis.jsp, truy cập 15/9/2024.

4. Korea Meteorological Administration, KMA Services, Earthquake, “Earthquake Early Warning (EEW) Services”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/eew_services.jsp, truy cập 15/9/2024.

5. Korea Meteorological Administration, KMA Services, “Earthquake”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/observation.jsp, truy cập 15/9/2024.

6. Ministry of the Interior and Safety (2021), Disaster and safety management in Korea, https://eng.ndti.go.kr/client/community/board.do?boardno=1302&no=16059

7. So Eun Park (2015), Disaster management in Korea, International Institute of Global Resilience (IIGR), https://aboutiigr.org/wp-content/uploads/2015/05/Disaster-Management-in-Korea-by-So-Eun-Park-May-5-2015.pdf

8. World Data (2024), South Korea, https://www.worlddata.info/asia/south-korea/index.php#:~:text=South%20Korea%20is%20a%20peninsula,2%2C413%20km%20(1%2C499.4%20mi), truy cập 15/4/2024.



[2] So Eun Park (2015), “Disaster management in Korea”, p. 2.

[3] Korea Meteorological Administration, Earthquake, https://web.kma.go.kr/eng/weather/current_state/trends.jsp

[4] KBS World Vietnamese (2016), “8. Động đất mạnh 5,8 độ richter tại thành phố Gyeongju – rủi ro về động đất trên bán đảo Hàn Quốc”, https://world.kbs.co.kr/service/archive_view.htm?lang=v&id=sub_index&board_seq=821

[5] KBS World Vietnamese (2019), “Động đất ở Pohang năm 2017 do hoạt động điện địa nhiệt gây ra”, https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&board_seq=360113

[6] Korea Meteorological Administration, KMA Services, “Introduction”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/introduction.jsp, truy cập 15/9/2024.

[7] Korea Meteorological Administration, Earthquake, “Introduction”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/earthquake/intro.jsp, truy cập 15/9/2024.

[8] Korea Meteorological Administration, KMA Services, “Earthquake”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/observation.jsp, truy cập 15/9/2024.

[9] Korea Meteorological Administration, KMA Services, “National Earthquake Comprehensive Information System - NECIS”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/necis.jsp, truy cập 15/9/2024.

[10] Korea Meteorological Administration, KMA Services, Earthquake, “Earthquake Early Warning (EEW) Services”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/eew_services.jsp, truy cập 15/9/2024.

[11] Korea Meteorological Administration, KMA Services, “Earthquake”, https://www.kma.go.kr/eng/weather/kma_service/observation.jsp, truy cập 15/9/2024.


Scroll To Top