Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG THAY ĐỔI CỦA BỘ AN TOÀN HÀNH CHÍNH HÀN QUỐC GẦN ĐÂY

Đăng ngày:

Năm 2017, Bộ An toàn Hành chính Hàn Quốc (Ministry of the Interior and Safety – MOIS, tên tiếng Hàn 행정안전부) được thành lập. Hiện tại, MOIS là cơ quan có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương ứng với Bộ Nội vụ ở Việt Nam. Quá trình hình thành và thay đổi của cơ quan này bắt đầu từ năm 1948, trải qua nhiều lần sáp nhập, thay đổi chức năng và nhiệm vụ. Cụ thể, MOIS chịu trách nhiệm về các công việc chung của Hội đồng Nhà nước, ban hành các luật và quy định, tổ chức chính phủ và số lượng quan chức theo quy định, đổi mới chính phủ, hiệu quả hành chính, chính phủ điện tử[1].  Bên cạnh đó, MOIS còn tích cực tăng cường quyền tự chủ và phân cấp của các địa phương thông qua hỗ trợ kinh doanh, tài chính, thuế của chính quyền địa phương và hòa giải các tranh chấp giữa các chính quyền địa phương.

Tại Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, … chịu trách nhiệm truyền tin phòng, chống thiên tai và ứng phó thiên tai theo luật định. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… là những cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng, chống thảm họa thiên nhiên. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, MOIS còn thực hiện giám sát, điều chỉnh các chính sách liên quan đến an toàn và quản lý thiên tai như biện pháp đối phó khẩn cấp, phòng thủ dân sự và phòng chống thiên tai[2]. Đây là những khác biệt giữa MOIS của Hàn Quốc với một số cơ quan tương tự ở các quốc gia khác.

- Khái quát về quát trình hình thành MOIS[3]

+ 1948: Thành lập Bộ Hành chính Chính phủ (Ministry of Government Administration -MOGA) và Bộ Nội vụ (Ministry of Home Affairs - MOHA)

+ 1991: Thành lập Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (National Police Agency) trực thuộc Bộ Nội vụ

+ 1998: Sáp nhập MOGA và MOHA để thành lập Bộ Hành chính Chính phủ và Nội vụ (Ministry of Government Administration and Home Affairs -MOGAHA)

+ 2004: Thành lập Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia (National Emergency Management Agency) trực thuộc MOGAHA

+ 2013: Thành lập Bộ An ninh và Hành chính công (Ministry of Security and Public Administration -MOSPA)

+ 2014: Thành lập Bộ Nội vụ (Ministry of the Interior - MOI )

+ 2017: Thành lập Bộ An toàn Hành chính (Ministry of the Interior and Safety - MOIS)

+ 2019: Di dời đến Thành phố Tự quản Đặc biệt Sejong

+ 2020: Tách Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân (Personal Information Protection Commission)

- Lịch sử thay đổi của MOIS

Trước đây, vào ngày ngày 19 tháng 11 năm 2014, Bộ An toàn và An ninh Quốc dân hay Bộ An toàn và An ninh Công cộng (Ministry of Public Safety and Security – viết tắt MPSS; Tiếng Hàn: 국민안전처; Hanja: 國民安全處) được thành lập nhằm giải quyết thiên tai hiệu quả hơn. Đây là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về an toàn và an ninh công cộng[4], được thành lập dựa trên sự sáp nhập của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia, Cảnh sát biển Hàn Quốc[5], một chi nhánh của Bộ An toàn và Hành chính công nhằm ngăn chặn và ứng phó hiệu quả với các thảm họa quốc gia và có trụ sở chính tại Khu phức hợp Chính phủ Seoul.

Bộ An toàn và An ninh Công cộng năm 2014 trực thuộc Ban Thư ký của Thủ tướng và bao gồm hơn 10.000 người. MPSS tiếp nhận hai cơ quan bị bãi bỏ, Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia và Cảnh sát biển Hàn Quốc - và biến cơ quan này thành trụ sở khẩn cấp trung ương và trụ sở an toàn của lực lượng bảo vệ bờ biển. Bộ cũng sẽ tiếp quản các chức năng quản lý tình trạng khẩn cấp và an toàn công cộng của Bộ An toàn Hành chính trước đây, thay vào đó sẽ thành lập bộ phận an toàn công cộng và bộ phận quản lý tình trạng khẩn cấp của riêng mình. Cuối cùng, MPSS thành lập một bộ phận khẩn cấp đặc biệt để giải quyết các thảm họa khác nhau liên quan đến máy bay, năng lượng, hóa chất, khí đốt và viễn thông.

Năm 2014, hai Bộ An toàn và An ninh Công cộng, Bộ Quản lý nhân sự tạo thành trục đổi mới quốc gia trong khu vực công. Nhiệm vụ của MPSS là nhanh chóng xây dựng các hệ thống quản lý khẩn cấp toàn diện, hiệu quả và bảo vệ an toàn công cộng. Trước đây, các chức năng tách biệt nhưng từ năm 2014 được kết hợp nên các viên chức của Bộ này cần nhanh chóng hòa nhập và cần một đường lối chỉ huy vững chắc. Theo cựu Thủ tướng Chung Hongwon, bài học đau đớn từ chìm phà Sewol, Hàn Quốc cần tăng cường đáng kể năng lực xử lý các tình huống khẩn cấp.

Cơ quan trước đây của Bộ An toàn và An ninh Công cộng là Bộ An toàn  Hành chính (안전행정부). Đến ngày 26/7/2017, Bộ An toàn và An ninh Công cộng (MPSS) bị giải thể và Bộ An toàn Hành chính (MOIS) hiện nay được thành lập[6].

- Cơ cấu tổ chức và hoạt động của MOIS

Trải qua nhiều thay đổi sáp nhập, chuyển đổi từ năm 1948, 1991, …2014, 2017, MOIS được đổi mới về tổ chức, hoạt động, nhân sự, chức năng... Chịu trách nhiệm cao nhất trong mọi hoạt động của Bộ An toàn Hành chính Hàn Quốc là Bộ trưởng Lee Sang-min và giúp việc, hỗ trợ trực tiếp là hai Thứ trưởng. Thứ trưởng thứ nhất là Ko Kidong, phụ trách quản lý Văn phòng Điều phối và Kế hoạch (Planning and Cooridination Office), Văn phòng Chính phủ Kỹ thuật số (Digital Government Office), Văn phòng Chính sách Kinh tế và Tài chính địa phương (Local Fiscal and Economic Policy Office). Thứ trưởng thứ hai là Yi Han-Kyung là Thứ trưởng Quản lý An toàn và Thảm họa, trực tiếp điều hành Trung tâm Kiểm soát An toàn và Thảm họa Quốc gia (National Disaster and Safety Status Control Center); Văn phòng Chính sách Ngăn ngừa và An toàn (Safety and Prevention Policy Office); Văn phòng Quản lý Thảm họa Thiên nhiên (Natural Disaster Management Office) và Văn phòng Quản lý Thảm họa Xã hội (Societal Disaster Management Office)[7]. Tại từng văn phòng, có sự phân chia các bộ phận với các chức năng  riêng biệt. Cụ thể, Trung tâm Quản lý An toàn và Thảm họa sẽ thực hiện 03 chức năng: 1. Thiết lập, quản lý và kiểm soát, phối hợp tổng thể các chính sách về an toàn và thiên tai; 2. Ngăn ngừa thảm họa và chữa cháy; 3. Phòng thủ dân sự và chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp[8].

Với số lượng phòng, ban tương đối lớn, MOIS không những chịu trách nhiệm về hoạt động quản lý hành chính quốc gia, quản lý hành chính địa phương, đổi mới quốc gia, mà còn quản lý an toàn và thảm họa. Đây có thể coi là sự thay đổi lớn của MOIS về chức năng, trách nhiệm kể từ khi ra đời năm 2017 so với các cơ quan trước đây. Từ khóa “An toàn” được chú trọng và bổ sung vào tên của Bộ, được nhấn mạnh trong nhiều hoạt động. Trong đó, liên quan tới quản lý an toàn và thảm họa, MOIS hướng tới tầm nhìn: Một Hàn Quốc an toàn hơn, đảm bảo an toàn công cộng mọi lúc, mọi nơi; và 02 mục tiêu: Chủ động quản lý thảm họa tại chỗ và Đề ra chính sách an toàn hiệu quả giúp người dân an tâm. Để đạt được 02 mục tiêu trên, Bộ An toàn Hành chính Hàn Quốc triển khai 4 chiến lược chính: 1. Phát triển cơ chế ứng phó thiên tai theo hướng thực địa; 2. Xây dựng một hệ thống cứu trợ hướng tới nạn nhân; 3. Nâng cao nhận thức của công chúng về an toàn; 4. Tăng cường bảo vệ của chính quyền đối với cuộc sống nhân dân[9].

Đặc biệt, trong quản lý an toàn và thảm họa, MOIS nhấn mạnh 03 cam kết chủ yếu: 1. Phát triển cơ chế ứng phó thiên tai theo hướng thực địa (thông qua: đảm bảo truyền tải thông tin chính xác và kịp thời với mạng lưới liên lạc toàn quốc về quản lý thiên tai và đường dây nóng khẩn cấp tích hợp, 112, 119; tìm kiếm nguồn lực ở khu vực lân cận bị ảnh hưởng bởi thiên tai thông qua hệ thống trên GIS và phân bổ phù hợp); 2. Xây dựng một hệ thống cứu trợ hướng tới nạn nhân (Cung cấp hướng dẫn chi tiết về nơi trú ẩn và quản lý cứu trợ; Xây dựng khả năng phục hồi của khu vực tư nhân trước thiên tai….)  ; 3. Tăng cường bảo vệ của chính quyền đối với cuộc sống nhân dân (Xây dựng hệ thống phúc lợi an toàn phù hợp với nhu cầu các các tầng lớp yếu thế như người già, người khuyết tật… trước các mối đe dọa về an toàn; Tăng cường an toàn trong cuộc sống hàng ngày như khả năng chống động đất của các tòa nhà...)

Các triển khai thực tế trong quản lý an toàn và thảm họa từ năm 2016-2017 đến nay của MOIS khá đa dạng, bao gồm: hệ thống thông tin an toàn và tích hợp thảm họa; các báo cáo an toàn điện tử; dịch vụ điện thoại khẩn cấp tích hợp, hệ thống chẩn đoán an toàn địa phương; dịch vụ sơ đồ an toàn công cộng; hệ thống cảnh báo và dự báo bùng phát lũ lụt.. Số lượng báo cáo về sự cố an toàn cũng như số trường hợp xử lý sự cố có sự tăng dần theo thời gian ngày càng khẳng định vai trò trong quản lý an toàn và thảm họa của MOIS trong thời gian qua. Năm 2017, MOIS đã phối hợp với Trung tâm Đối phó Thảm họa và An toàn (Central Disaster and Safety Countermeasure Headquarters - CDSCH) thực hiện các hành động cần thiết nhằm điều tra thiệt hại và bảo vệ người dân trong trận động đất mạnh 5,4 độ richter xảy ra tại Pohang. MOIS đã vận hành CDSCH trong 24 ngày (từ 15 tháng 11 đến ngày 8 tháng 12) để hỗ trợ khắc phục thiệt hại và cung cấp môi trường nhà ở an toàn[10]. Chức năng , đóng góp của MOIS cũng được thể hiện rõ ràng trong ứng phó với đại dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc từ đầu năm 2020. Các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai lẫn dịch bệnh đã được MOIS triển khai và đạt được hiệu quả trong thời gian qua ngày càng củng cố vị thế và vai trò của MOIS trong quản lý rủi ro thảm họa ở Hàn Quốc.

 

Tống Thùy Linh

Trung tâm Hàn Quốc, Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tổng hợp từ:

1. Thanh Tuấn, Thu Hiền (2022), “Bộ Hành chính và An toàn Hàn Quốc làm việc tại Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Hòa Bình”, https://moha.gov.vn/tin-tuc---su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/bo-hanh-chinh-va-an-toan-han-quoc-lam-viec-tai-bo--d610-t42442.html.

2. Limb Jae-un (2014), “New ministries for public safety, human resources”, https://www.korea.net/NewsFocus/policies/view?articleId=123060.

3. Korea Coast Guard, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tu%E1%BA%A7n_duy%C3%AAn_H%C3%A0n_Qu%E1%BB%91c

4. MOIS website.

5. UNDRR (2022), “A strategic response to disasters: Three mini-stories from the Republic of Korea”, https://www.preventionweb.net/news/strategic-response-disasters-three-mini-stories-republic-korea.

 



[1] Thanh Tuấn, Thu Hiền (2022), “Bộ Hành chính và An toàn Hàn Quốc làm việc tại Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Hòa Bình”, https://moha.gov.vn/tin-tuc---su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/bo-hanh-chinh-va-an-toan-han-quoc-lam-viec-tai-bo--d610-t42442.html

[4] Limb Jae-un (2014), “New ministries for public safety, human resources”, https://www.korea.net/NewsFocus/policies/view?articleId=123060

[5] Korea Coast Guard – KCG, tiếng Hàn 해양경찰청, Hanja: 海洋警察廳, hay còn gọi là Tuần duyên Hàn Quốc, được thành lập 23/12/1953 tại Busan với sự hình thành Ban Cảnh sát Hải dương, cùng lúc với việc thành lập một lực lượng Thủy cảnh trực thuộc Cục Cảnh sát Quốc gia. Tháng 10/1962, các cơ sở mới của Tuần duyên Hàn Quốc được thành lập tại Incheon, Yeousu, Pohang và Kunsan. Trải qua nhiều thay đổi, Tuần duyên Hàn Quốc trở thành Cục Cảnh sát Hải Dương. Tuy nhiên, năm 2014, do ảnh hưởng của vụ lật phà Sewol, Cục Cảnh sát Hải dương đã bị giải tán theo quyết định của quốc hội thông qua này 7/11/2014. Tuần duyên Hàn Quốc rút gọn được đặt dưới sự điều hành của Bộ Chỉ huy An toàn Cảnh bị Hải dương (해양경비안전본부). Ba năm sau, 20/7/2017, đề án tái tổ chức của chính phủ Hàn Quốc được thông qua, Bộ Chỉ huy An toàn Cảnh bị Hải dương được tổ chức thành Cục Cảnh sát Hải dương, trực thuộc Bộ Thủy sản và Hải dương, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tu%E1%BA%A7n_duy%C3%AAn_H%C3%A0n_Qu%E1%BB%91c

[7] MOIS website, https://www.mois.go.kr/eng/sub/a02/organChart/screen.do

[8] MOIS website, https://www.mois.go.kr/eng/sub/a02/functions/screen.do

[9] MOIS website, https://www.mois.go.kr/eng/sub/a03/disasterAndSafety/screen.do

[10] UNDRR (2022), “A strategic response to disasters: Three mini-stories from the Republic of Korea”, https://www.preventionweb.net/news/strategic-response-disasters-three-mini-stories-republic-korea

 


Scroll To Top