Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


LỘ TRÌNH THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ HYDRO CỦA HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Nền kinh tế Hydro đang là thuật ngữ mới, thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nhân ở Hàn Quốc. Nền kinh tế Hydro được hiểu là cơ cấu kinh tế và công nghiệp sử dụng Hydro làm nguồn năng lượng chính, trong đó việc sản xuất và sử dụng Hydro dẫn đến những thay đổi cơ bản trong một xã hội, quốc gia và đời sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới (3). Xuất hiện lần đầu tiên năm 2002 trong cuốn sách “The Hydrogen Economy” của Giáo sư Jeremy Rifkin, trường Đại học Pennsylvania (Mỹ), song đến tháng 9 năm 2005, thuật ngữ này mới xuất hiện ở Hàn Quốc khi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (Ministry of Trade, Industry and Energy – MOTIE) công bố “Kế hoạch tổng thể nhằm hiện thức hóa nền kinh tế Hydro và năng lượng tái tạo mới”. Đến năm 2019, nền kinh tế Hydro trở thành từ khóa “hot”, xuất hiện dày đặc trên báo chí Hàn Quốc. Tháng 1/2019, cựu Tổng thống Moon Jae-in công bố “Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế Hydro” (Hydrogen Economy Roadmap), chính thức nhấn mạnh động lực tăng trưởng mới của Hàn Quốc thông qua ngành công nghiệp Hydro.

Trên thực tế, khởi nguồn của lộ trình này bắt dầu từ năm 2005 khi MOTIE công bố “Kế hoạch tổng thể nhằm hiện thực hóa nền kinh tế Hydro và năng lượng tái tạo mới” (Masterplan for the Realisation of Hydrogen and New Renewable Energy Economy) (1). Theo kế hoạch tổng thể này, Hàn Quốc dự định hoàn tất một số mục tiêu vào năm 2020: sản xuất xe chạy pin nhiên liệu (FCEV) (2) 2 triệu chiếc; tổng công suất lắp đặt pin nhiên liệu để phát điện là 3.100 MW (megawatt)[1]. Tính đến năm 2019-2020, Hàn Quốc không đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể trên vì tiến độ thực tế thấp hơn nhiều. Cụ thể, tháng 7/2020, tổng xe chạy pin nhiên liệu chỉ là 10.144 chiếc (gồm cả số lượng xuất khẩu) và tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện pin nhiên liệu chỉ đạt 375 MW tính tới năm 2019. Tuy nhiên, công suất pin nhiên lực do Hàn Quốc lắp đặt trên toàn cầu chiếm 35% vào tháng 7/2020.

Mặc dù, Hàn Quốc không đạt được các mục tiêu ban đầu trong “Kế hoạch tổng thể nhằm hiện thực hóa nền kinh tế Hydro và năng lượng tái tạo mới” song Hàn Quốc  vẫn tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Hydro. Chính vì vậy, “Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế Hydro” được chính quyền cựu Tổng thống Moon Jae-In công bố nhằm chuyển đổi mang tính cách mạng, nguồn năng lượng chuyển từ than và dầu sang Hydro. Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng, Hydro sẽ tạo ra các ngành công nghiệp và việc làm mới trong sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và khai thác, sử dụng Hydro. Đây cũng chính là cơ hội để Hàn Quốc có động lực tăng trưởng mới, tạo ra giá trị kinh tế trị giá 43 nghìn tỉ won (gần 34 tỷ Euro) và tạo ra 420.000 việc làm vào năm 2040 (5).

Có thể thấy, trong Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế Hydro, Bộ Môi trường  Hàn Quốc đã xác định rõ 4 lĩnh vực chủ chốt, bao gồm: vận tải, năng lượng, nguồn cung cấp Hydro và chi phí Hydro. Ở lĩnh vực đầu tiên, Hàn Quốc dự định tăng dần số lượng xe chở khách, xe buýt, taxi và xe tải sử dụng Hydro vào năm 2022 và 2040, đồng thời, tăng cường trạm sạc Hydro từ 14 trạm năm 2018 lên 1.200 trạm vào năm 2040 nhằm đáp ứng đủ nhu cầu số xe sử dụng Hydro. Ở lĩnh vực tiếp theo, Hàn Quốc hướng tới giảm chi phí lắp đặt pin nhiên liệu ở khu vực dân cư và khu vực sản xuất xuống mức phù hợp và công suất tổng hợp các nhà máy sản xuất điện đạt 15 Gigawatt, công suất pin nhiên liệu cho các tòa nhà đạt 2,1 Gigawatt vào năm 2040. Ở lĩnh vực 3, Hàn Quốc hướng tới sản xuất Hydro xanh và mục tiêu sản xuất 5,26 triệu tấn Hydro mỗi năm vào năm 2040. Cuối cùng, dựa trên sản xuất số lượng lớn, Hàn Quốc hướng tới giảm chi phí Hydro chỉ còn 5.500won/1kg năm 2022 và giảm còn 3.000 won/1kg vào năm 2040 (1).

Ban hành cùng “Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế Hydro”, chính phủ Hàn Quốc xác định Kế hoạch công nghệ cốt lõi sản xuất Hydro. Theo đó, Hàn Quốc tập trung vào 2 công nghệ sản xuất Hydro là SMR (4) (Steam Methane Reforming – SMR, nhiệt hóa hợp chất metan từ nguồn khí thiên nhiên hoặc sau khi khí hóa nhiên liệu than ở quy mô công  nghiệp nhằm tạo ra Hydro) và Điện phân nước. Năm 2019, với công nghệ SMR, Hàn Quốc đang ở thiết kế hệ thống SMR ở quy mô nhỏ, còn với công nghệ điện phân nước, Hàn Quốc đang thiết kế phát triển công nghệ gốc, công nghệ ngăn xếp 1 megawatt. Giai đoạn 2020-2025, Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển hệ thống SMR quy mô nhỏ, quy mô vừa và phát triển hệ thống điện phân nước kiềm, hệ thống điện phân PEM.

Để hỗ trợ thực hiện “Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế Hydro”, từ năm 2021, Hàn Quốc đã xây dựng Cụm công nghiệp Hydro nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các viện nghiên cứu, công ty và tổ chức. Đây là nơi thử nghiệm các công nghệ sản xuất Hydro tiên tiến nhất. Tiếp đó, Hàn Quốc tiến hành thành lập “Hội đồng Thúc đẩy nền kinh tế Hdyro” (Hydrogen Economy Promotion Council) (bao gồm 6 Bộ và một số công ty tư nhân) do Thủ tướng đứng đầu. Cùng với đó, Luật kinh tế Hydro chính thức có hiệu lực từ 5/2/2021 sau một năm được ban hành, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng nền kinh tế Hydro, tạo điều kiện thuận lợi cho “Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế Hydro”. Hy vọng rằng, với nền tảng công nghệ năng lượng Hydro hàng đầu thế giới, các nỗ lực từ khu vực nhà nước và tư nhân… Hàn Quốc sớm hiện thực hóa “Lộ trình thúc đẩy nền kinh tế Hydro” trong tương lai.

 

Tống Thùy Linh

Trung tâm Hàn Quốc, Triều Tiên – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tổng hợp từ

1. Department for International Trade, Intralink (2021), “The Hydrogen Economy South Korea”.

2. “FCEV – Xe Hydro là gì?”, https://kynguyenxedien.info/fcev-xe-hydro-la-gi/

3. Law Viewer (2020), “Hydrogen Economy Promotion and Hydrogen Safety Management Act”, https://elaw.klri.re.kr/eng_mobile/viewer.do?hseq=54651&type=part&key=31

4. PECC2 (2020), “Hồi chuông đánh thức Nền kinh tế Hydro”, https://pecc2.com/en/-quot-hoi-chuong-quot-danh-thuc-quot-nen-kinh-te-hydro-quot-.html

5. Chris Randall (2019), “Korea presents hydrogen economy plan”, Korea presents hydrogen economy plan - electrive.com

 

 



[1] Công suất là lượng điện mà máy phát điện có thể tạo ra khi hoạt động hết công suất, giúp dự đoán độ lớn của tải điện mà máy phát điện có thể xử lý.

 


Scroll To Top