HÀN QUỐC TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN CHUNG
Đăng ngày:
Trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, Hàn Quốc tăng cường các biện pháp phòng vệ, đồng thời củng cố hợp tác an ninh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều này được thể hiện ở việc Hàn Quốc tăng cường tập trận chung với nhiều nước. Tập trận chung Hàn- Mỹ Ngày 3/2/2023, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận không quân chung với sự tham gia của các máy bay tiêm kích tàng hình F-22, F-35B của Mỹ và F-35A của Hàn Quốc. Cuộc tập trận chung được thực hiện với mục tiêu cải thiện năng lực tác chiến và khả năng tương tác giữa không quân Hàn- Mỹ, phản ánh khả năng của Mỹ trong việc thực hiện cam kết an ninh đối với Hàn Quốc [1]. Ngày 6/3, Mỹ-Hàn tiếp tục với các cuộc tập trận không quân chung trên biển Hoàng Hải. Cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52H có thể mang vũ khí hạt nhân, các máy bay chiến đấu F-15K và KF-16 của Hàn Quốc. Cùng ngày, không quân Hàn Quốc và Mỹ cũng tiến hành cuộc tập trận mang tên Buddy Wing tại căn cứ không quân Osan ở thành phố Pyeongtaek [2]. Vào ngày 13/3, Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục tiến hành cuộc tập trận chung “Lá chắn tự do” (FS) thường niên. Cuộc tập trận dựa trên mô phỏng máy tính, kéo dài 11 ngày, với các kịch bản thực tế phản ánh các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc tập trận được tiến hành song song với cuộc huấn luyện trên thực địa mang tên “Khiên chiến binh” [3]. Ngày 25/5, Mỹ và Hàn Quốc thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước đến nay, với kịch bản ứng phó cuộc tấn công tổng lực từ Triều Tiên. Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra ở Pocheon, gần biên giới Triều Tiên. Khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tham gia tập trận. Cuộc tập trận nhằm thể hiện năng lực và khả năng sẵn sàng của quân đội hai nước trong ứng phó và đáp trả mạnh mẽ các mối đe dọa hạt nhân, tên lửa và tấn công tổng lực từ Triều Tiên [4]. Cuộc tập trận kéo dài đến ngày 15/6 nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập liên minh và 75 năm ngày thành lập quân đội Hàn Quốc. Liên minh diễn tập chung tiếp theo vào các ngày: (1) ngày 7/6 tiến hành cuộc tập trận chung phô diễn sức mạnh không quân phối hợp trên biển Hoàng Hải, với sự tham gia của 20 máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình F-35 [5]. (2) Ngày 12/6 Hàn - Mỹ tiến hành cuộc tập trận ở Pohang, cách Seoul 262km về phía Đông Nam, với sự tham gia của các lực lượng Hải-Lục-Không quân và Lính thủy đánh bộ của Hàn Quốc và Mỹ, cuộc tập trận phối hợp kéo dài năm ngày. Cuộc tập trận nhằm mục đích huấn luyện quân đội về quy trình phân phối vật tư, nhân sự và thiết bị cho các đơn vị chiến đấu trong bán đảo, cuộc tập trận huy động nhiều loại thiết bị, bao gồm máy bay, tàu chiến và tàu chở hàng dân sự [6]. (3) Ngày 15/6 Hàn- Mỹ tiếp tục tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại thao trường huấn luyện hỏa lực Seungjin ở Pocheon dưới sự giám sát của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Cuộc tập trận huy động hơn 610 khí tài quân sự, bao gồm các chiến đấu cơ F-35A và pháo tự hành K9 của phía Hàn Quốc, máy bay chiến đấu F-16 và máy bay không người lái Grey Eagle của Mỹ, cùng với sự tham gia của hơn 2.500 binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ thuộc 71 đơn vị. Ngoài ra, cuộc tập trận cũng thu hút sự theo dõi của khoảng 2.000 người, trong đó có 300 người được mời với tư cách là “quan sát viên công dân” [7]. Ngày 13/7, Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục tập trận phối hợp trên không, với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52H của Washington. Hàn Quốc triển khai các máy bay chiến đấu F-15K, trong khi Mỹ gửi các máy bay phản lực F-16 tham gia tập trận. Địa điểm tập trận không được nêu rõ. Thông qua cuộc tập trận này, Hàn Quốc và Mỹ tăng cường khả năng phối hợp hành động thông qua việc triển khai nhanh chóng khí tài quân sự của Mỹ với mục đích mở rộng răn đe một cách kịp thời. Chứng minh Mỹ quyết tâm thực hiện cam kết “răn đe mở rộng”, đồng thời, nhấn mạnh quan hệ liên minh Hàn-Mỹ sẽ tiếp tục hướng tới hòa bình dựa trên sức mạnh của khả năng quân sự áp đảo [8]. Từ ngày 21-31/8 Hàn - Mỹ tiếp tục thực hiện cuộc tập trận Lá chặn Tự do Ulchi thường niên nhằm tăng cường năng lực phòng thủ chung. JCS nêu rõ: Lá chắn Tự do Ulchi 23 được thiết kế để trở thành một cuộc tập trận mạnh mẽ và thực tế nhằm củng cố tư thế phòng thủ chung và khả năng phản ứng của liên minh dựa trên các kịch bản phản ánh những mối đe dọa đa dạng trong môi trường an ninh và bài học rút ra từ các cuộc chiến tranh và xung đột gần đây [9]. Tập trận chung ba bên Hàn- Mỹ- Nhật Ngày 22/2, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tổ chức một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung ở vùng biển quốc tế phía Đông đảo Ulleung của Hàn Quốc, với sự tham gia của 3 tàu khu trục được trang bị hệ thống tác chiến Aegis tiên tiến, gồm tàu khu trục hạm lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc, tàu khu trục USS Barry của Mỹ và tàu khu trục JS Atago của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Cuộc tập trận diễn ra trong khoảng 5 giờ đồng hồ, tập trung vào thực hành các quy trình để phát hiện, theo dõi và đánh chặn các mục tiêu mô phỏng trên máy tính cũng như chia sẻ các thông tin liên quan. JCS cho biết thông qua cuộc tập trận phòng thủ tên lửa trên biển lần này, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh và củng cố hơn nữa các hệ thống ứng phó của mình [10]. Ngày 3/4, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục khởi động tập trận hải quân 3 bên với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ USS Nimitz, tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận chống tàu ngầm được thực hiện nhằm tăng cường khả năng phản ứng của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trước các mối đe dọa từ dưới nước của Triều Tiên. Hàn Quốc điều các tàu khu trục chủ đạo gồm Yulgok YiYi, Choe Yeong và Daejoyeong tham gia tập trận cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu Soyang. Trong khi phía Mỹ cử tàu sân bay USS Nimitz và hai tàu khu trục là USS Wayne E. Meyer và USS Decatur, còn Nhật Bản huy động tàu khu trục JS Umigiri tham gia tập trận [11]. Ngày 16/7, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa 3 bên trong các vùng biển quốc tế ở phía Đông bán đảo Triều Tiên. Quan chức Hải quân Hàn Quốc cho biết: Cuộc tập trận là cơ hội để tăng cường năng lực phản ứng cho quân đội của Hàn Quốc đối phó tên lửa đạn đạo và cải thiện sự hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Nhờ hệ thống phản ứng mạnh mẽ của quân đội và sự phối hợp 3 bên, Hàn Quốc sẽ đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên [12]. Tập trận chung Hàn-Pháp Trong bối cảnh Seoul đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chống lại mối đe dọa an ninh khu vực ngày càng gia tăng của Triều Tiên, vào ngày 25/7 Hàn Quốc và Pháp lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận không quân chung trên bán đảo Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tác chiến, đồng thời nhằm thể hiện cam kết của Paris đối với an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không quân Hàn Quốc cùng Lực lượng Không gian và Vũ trụ của Pháp bắt đầu cuộc huấn luyện hai ngày tại căn cứ không quân ở Gimhae, cách thủ đô Seoul khoảng 450 km về phía Đông Nam. Không quân Hàn Quốc huy động 3 máy bay chiến đấu F-15K và hai chiến đấu cơ F-16. Trong khi đó, quân đội Pháp triển khai 2 máy bay chiến đấu Rafale, một máy bay vận tải A400M và một máy bay chở dầu đa năng A330. Chương trình huấn luyện song phương bao gồm cuộc diễn tập tiếp liệu trên không và thảo luận chiến thuật vận hành máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và máy bay tiếp nhiên liệu [13]. Có thể thấy, các cuộc tập trận diễn ra với cường độ và mức độ ngày càng tăng trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên liên tục căng thẳng. Phía Triều Tiên luôn chỉ trích các cuộc tập trận chung của Hàn Quốc với các quốc gia, đồng thời cho rằng các cuộc tập trận này đẩy tình hình quân sự và chính trị trên bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh. Trong khi đó, Hàn Quốc cùng các quốc gia đồng minh luôn khẳng định các cuộc tập trận chỉ mang tính phòng vệ, đồng thời nhấn mạnh không có ý định thù địch nhằm vào Triều Tiên và vẫn mở cánh cửa ngoại giao cho việc xây dựng hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên đáp trả các cuộc tập trận bằng cách liên tiếp tiến hành thử nghiệm hàng loạt vũ khí mới. Tình hình này khiến bán đảo Triều Tiên vốn căng thẳng nay lại càng trở nên “nóng” hơn. Việc các bên liên tiếp có các động thái “ăn miếng trả miếng” khiến đàm phán tiếp tục rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài, quan hệ liên Triều cũng ngày một xấu đi. Chỉ cần một động thái thiếu kiểm soát từ một trong các bên liên quan có thể cũng sẽ dẫn đến những căng thẳng quân sự, làm phá vỡ cục diện an ninh và sự ổn định trong khu vực. Trần Thị Mỹ Hoa TTNC Hàn Quốc, Triều Tiên Theo nguồn 1. Yonhap(2023), S. Korea, US hold joint air drills involving F-22, F-35 stealth fighters, https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2023/08/113_344823.html 2. VTV (2023), Hàn Quốc, Mỹ tập trận chung trên biển Hoàng Hải, https://vtv.vn/the-gioi/han-quoc-my-tap-tran-chung-tren-bien-hoang-hai-20230306235124492.htm 3. Song Sang Ho (2023), (2nd LD) Key S. Korea-U.S. military exercise begins; N. Korea likely to respond with more provocations, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230313001852325 4. Soo-Hyang Choi và Daewoung Kim (2023), South Korea, US hold largest live-fire drills to respond to 'full-scale' attack, https://www.reuters.com/world/south-korea-us-hold-largest-live-fire-drills-simulating-norths-full-scale-attack-2023-05-25/ 5. Bích Liên (2023), Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận không quân chung, https://www.vietnamplus.vn/han-quoc-va-my-tien-hanh-cuoc-tap-tran-khong-quan-chung/794574.vnp 6. Chae Yun-hwan (2023), S. Korea, U.S. stage joint logistics drills, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230613006300325 7. Lee Haye-ah (2023), (LEAD) Yoon oversees S. Korea-U.S. live-fire drills, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230615008351315 8. Chae Yun-hwan (2023), S. Korea, U.S. stage air drills, involving B-52H strategic bomber after N.K. ICBM launch, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230713010100325 9. Vietnam+ (2023), Hàn-Mỹ ấn định thời gian tổ chức tập trận Lá chắn Tự do Ulchi, https://www.vietnamplus.vn/hanmy-an-dinh-thoi-gian-to-chuc-tap-tran-la-chan-tu-do-ulchi/888922.vnp 10. Song Sang Ho (2023), (2nd LD) S. Korea, U.S., Japan hold trilateral missile defense drills in East Sea amid N.K. threats, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230222003252325 11. Song Sang-ho (2023), (2nd LD) S. Korea, U.S., Japan hold maritime drills involving USS Nimitz carrier, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230403002152325 12. Chae Yun-hwan (2023), S. Korea, U.S., Japan hold missile defense drills in East Sea after N. Korea's ICBM launch, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230716000600325 13. Song Sang Ho (2023), S. Korea, France hold 1st bilateral air force drills, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230725007300325#:~:text=SEOUL%2C%20July%2025%20(Yonhap),against%20persistent%20North%20Korean%20threats.