Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN THANH TOÁN ĐIỆN TỬ Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Khi thương mại điện tử ngày càng phổ biến trên thế giới, việc ứng dụng một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn để mua sắm hàng hóa là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm. Hình thức đó chính là thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đặt ra thách thức lớn cho toàn cầu khi người tiêu dùng bị hạn chế ra ngoài. Điều này đã khiến cho thanh toán không dùng tiền mặt trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thanh toán điện tử ra đời góp phần làm giảm được khối lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết giảm được chi phí trong khâu in ấn, vận chuyển tiền, giảm được chi phí lao động xã hội. Bên cạnh đó, thanh toán số cũng giúp giảm tải thất thoát, tốn kém và các rủi ro không mong muốn cho người sử dụng, đặc biệt khi giao dịch các sản phẩm, dịch vụ có giá trị lớn.

Là một quốc gia với tốc độ Internet nhanh nhất thế giới là 24.6 Mbps, Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Theo 'Báo cáo nóng về Thương mại Điện tử Toàn cầu' được Hiệp hội xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc công bố vào ngày 9/2/2021, doanh thu thương mại điện tử của nước này đã đạt mức 144,1 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới và tăng 19,5% so với năm 2019. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức thanh toán số cũng ngày càng được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng. Vào năm 2022, số lượng người sử dụng hàng ngày của ví thanh toán điện tử như Samsung Pay và Naver Pay đã tăng hơn 20% với doanh số  vượt quá 700 tỷ won. Dịch vụ chuyển tiền điện tử thông qua các ứng dụng khác như: Toss, Kakao Pay và SSG Pay cũng tăng đáng kể với số lượng tiền thanh toán trung bình một ngày vào khoảng 600 tỷ won. Theo báo cáo về 'Tình trạng sử dụng dịch vụ thanh toán và chuyển tiền tiện lợi vào năm 2022' do Ngân hàng Hàn Quốc công bố vào ngày 24/3/2023, số lượng sử dụng dịch vụ thanh toán số trung bình hàng ngày là 23,42 triệu trường hợp vào năm 2022 và số tiền sử dụng để thanh toán là 732,6 tỷ won (1). ( Thanh toán tiện lợi ở đây được hiểu là dịch vụ cho phép bạn thanh toán thuận tiện bằng cách nhập mật khẩu hoặc chạm vào thiết bị đầu cuối khi thực hiện giao dịch thanh toán bằng thông tin như thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng được lưu trong thiết bị di động hoặc số tiền nạp trước.)

Mặt khác, trong số các phương thức dịch vụ thanh toán số của các công ty tài chính điện tử Hàn Quốc, tỷ lệ sử dụng tiền trả trước liên kết với thẻ và tài khoản đang tăng đều từ 27,7% năm 2020 lên 29,4% vào năm 2021 và 33,8% vào năm 2022.(1) Việc sử dụng các dịch vụ chuyển tiền thông qua điện thoại di động với phương thức xác thực đơn giản sử dụng thông tin sinh trắc học như mật khẩu, dấu vân tay và khuôn mặt cũng đang tăng lên. Vào năm 2022, số tiền giao dịch trung bình hàng ngày thông qua dịch vụ chuyển tiền tiện lợi  là 625,9 tỷ won tăng 24,1% so với năm 2021 với số lượng giao dịch đạt con số 5,2 triệu trường hợp. Trong khi đó, cùng với sự gia tăng các giao dịch trực tuyến, các trường hợp sử dụng các dịch vụ cổng thanh toán điện tử (PG) trong năm 2022 đã tăng 16,4% so với một năm trước và đạt mức trung bình 1,529 nghìn tỷ won mỗi ngày với số lượng sử dụng tăng 8,9% lên 23,66 triệu trường hợp.(1)

Trong năm 2023, dịch vụ thanh toán điện tử tại Hàn Quốc ngày càng phổ biến hơn tại hệ thống các cửa hàng tiện lợi. Theo kết quả phân tích dữ liệu mua hàng trong hai tháng từ ngày 16/3/2023 đến ngày 15/5/2023 của cửa hàng tiện lợi GS23 tại Hàn Quốc, số lượng sử dụng thanh toán điện tử đã tăng 182,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại cửa hàng GS25, người tiêu dùng có thể sử dụng khoảng 10 loại dịch vụ ví điện tử  bao gồm GS Pay, Apple, Kakao, Naver, Samsung Pay và Payco. Trong số đó, số lượt sử dụng GS Pay đã tăng lên đáng kể với tốc độ tăng trưởng 299,5% so với năm 2022.(2)

Đồng thời, Viện nghiên cứu Danh tiếng doanh nghiệp Hàn Quốc đã phân tích dữ liệu về danh tiếng thương hiệu thanh toán điện tử vào tháng 5 năm 2023 vừa qua và đưa ra bảng xếp hạng uy tín thương hiệu thanh toán điện tử trong nước với thứ tự như sau: thứ 1 là Samsung Pay, thứ 2 là Kakao Pay và thứ ba là Naver Pay. (3)

Tuy nhiên, các công ty thanh toán điện tử trong nước đang đứng trước sự cạnh tranh lớn khi công ty thẻ Hyundai Card hợp tác với Apple để  ra mắt dịch vụ Apple Pay lần đầu tiên tại Hàn Quốc vào ngày 21/3/2023. Do bất kỳ ai có điện thoại iPhone, đều có thể sử dụng ví điện tử Apple Pay, số lượng người đăng ký thẻ Hyundai đã bùng nổ. Hyundai Card đã phát hành được 355.000 thẻ mới (237.000 thẻ tín dụng và 118.000 thẻ séc) trong một tháng sau khi giới thiệu Apple Pay. Đây là mức tăng khổng lồ khoảng 157% so với cùng kỳ năm ngoái (138.000 bản). Ngoài ra, doanh số tín dụng trong quý 1/2023 cũng ghi nhận 33.797,1 tỷ KRW, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.(4) Tiếp nối thành công của công ty thẻ Hyundai Card, các công ty thẻ khác như Shinhan Card, KB Kookmin Card và Woori Card (BC) cũng quyết định hợp tác với Apple Pay và ra mắt dịch vụ Apple Pay vào nửa cuối tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.

Trên thực tế, hai ứng dụng thanh toán điện tử đang được quan tâm là Samsung Pay và Apple Pay tại Hàn Quốc đã nhận được phản hồi trái chiều từ người dùng vì phương thức thanh toán khác nhau. Trong khi, ứng dụng  Samsung Pay sử dụng kết hợp phương thức MST (phương pháp chuyển dữ liệu sử dụng sóng từ) và NFC (công nghệ kết nối không dây phạm vi tầm gần) thì ví điện tử Apple Pay sử dụng mỗi công nghệ NFC. Do đó, thanh toán giao thông công cộng có thể thực hiện được với Samsung Pay nhưng không thể thực hiện với Apple Pay. (5)

Đồng thời, cả hai ứng dụng này chỉ có thể được sử dụng với một điện thoại di động cụ thể nên đều phụ thuộc vào thiết bị di động của Apple hoặc Samsung. Mặt khác, tuy Samsung Pay có ưu điểm là dễ sử dụng nhưng vào tháng 3/2023 vừa qua, ứng dụng Samsung Pay không hoạt động nên gây ra nhiều bất tiện cho người dùng.

Ngoài ra, thanh toán điện tử tại Hàn Quốc cũng xuất hiện một số vấn đề về việc bảo mật thông tin cá nhân. Thêm vào đó, người dùng cũng đang cân nhắc vấn đề về lệ phí khi sử dụng các ứng dụng này. Theo dữ liệu của dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc, tỷ lệ hoa hồng khi tiến hành thanh toán điện tử qua các ví điện tử trung bình dao động từ 1,09% đến 2,39%.(5)

Thị trường thanh toán điện tử của Hàn Quốc dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa trong tương lai với sự xuất hiện các ứng dụng thanh toán điện tử tiêu biểu của Trung Quốc như Alipay, WeChat Pay và UnionPay. Khi sự cạnh tranh trong thị trường này trở nên khốc liệt hơn, người tiêu dùng trong nước tin rằng các vấn đề về công nghệ, lệ phí và các lỗ hổng bảo mật sẽ được xử lý kịp thời để hoàn thiện thêm hệ thống thanh toán điện tử tại Hàn Quốc.

 

Nguyễn Ngọc Mai

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên tổng thuật

 

Theo nguồn:

1.       Ký giả Kim Hwa Yeong, “Năm ngoái số tiền sử dụng thanh toán tiện lợi trung bình hàng ngày đạt mức 700 tỷ won, … tăng 20,8%” ( 김화영기자, 지난해 간편결제 하루 평균 7천억 원 이용…20.8%↑( 김화영, 지난해 간편결제 하루 평균 7천억 원 이용…20.8%)

KBS News: https://news.kbs.co.kr/news/view.do?ncd=7634574

2.       Ký giả Jeon Seong Hoon, “Thanh toán tiện lợi bằng điện thoại thông minh phổ biến ở các cửa hàng tiện lợi” ( 전성훈 기자, 편의점서도 스마트폰 간편결제가 대세)

Yonhapnews: https://www.yna.co.kr/view/AKR20230523031800003

3.       Ký giả Kwon Oh Seom, “Kết quả phân tích dữ liệu về thanh toán tiện lợi…. Số 1 là Samsung Pat, số 2 là Kakao Pay, số 3 là Naver Pay” (권오선기자, 간편결제 2023년 5월 빅데이터 분석결과...1위 삼성페이, 2위 카카오페이 3위 네이버페이)

CBC News: https://www.cbci.co.kr/news/articleView.html?idxno=440978

4.       Phóng viên nhật báo DongA, “Hiệu ứng cánh bướm do Apple Pay mang lại, thị trường thanh toán tiện lợi thay đổi” ( 동아일보 기자, 애플페이가 불러 온 나비효과, 간편결제 시장의 변화)

DongA News: https://www.donga.com/news/It/article/all/20230629/120010713/1

5.       Phóng viên Kim In Yeong “ Hơn 1 nửa người dân sử dụng thanh toán tiện lợi, liệu có lỗ hổng nào trong hệ thống không…? ( 김인영 기자, 국민 절반 이상 사용...판 커진 간편결제, 허점은 없나?)

Realcast: https://www.rcast.co.kr/news/articleView.html?idxno=20889

 


Scroll To Top