Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


TÌNH HÌNH THIẾU LƯƠNG THỰC CỦA TRIỀU TIÊN HIỆN NAY

Đăng ngày:

Nền nông nghiệp của Triều Tiên có vai trò sản xuất lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân, đồng thời là nền tảng để hoàn thiện nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Với mục tiêu tự cung tự cấp, Triều Tiên trong nhiều năm qua đã tối đa hóa tỷ lệ sử dụng đất nông nghiệp để đạt được sản lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay Triều Tiên đang phải đối mặt khó khăn lương thực nghiêm trọng đặc biệt kể từ khi bùng phát đại dịch COVID -19 khiến Triều Tiên phải đóng cửa biên giới vào năm 2020.

Tháng 1/2021, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thừa nhận kế hoạch kinh tế 5 năm kết thúc vào năm 2020 thất bại ở hầu hết các ngành nghề, trong đó tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng. Đến tháng 6/2021, ông Kim tiếp tục thừa nhận tình hình lương thực trở nên căng thẳng vì ngành nông nghiệp không thể thực hiện kế hoạch sản xuất lúa gạo do các cơn mưa bão năm 2020 tại phiên họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên. Báo cáo của Viện Phát triển Hàn Quốc ngày 3/6/2021 cho biết trong năm 2020 Triều Tiên đã sản xuất khoảng 4,4 triệu tấn ngũ cốc, giảm 240.000 tấn so với năm 2019, trong khi phải cần ít nhất 5,75 triệu tấn lương thực hàng năm để đáp ứng nhu cầu của người dân[1].

Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) tháng 12/2022 cho biết sản lượng canh tác lương thực của Triều Tiên năm 2022 đạt 4,51 triệu tấn, giảm 180.000 tấn so với 2021. Trong đó, ước tính sản lượng gạo đạt 2,07 triệu tấn, giảm 90.000 tấn so với năm ngoái (4,2%); sản lượng ngô đạt 1,57 triệu tấn, giảm 20.000 tấn (1,3%); khoai tây và khoai lang đạt 490.000 tấn, giảm 80.000 tấn (14%). Sản lượng đậu tương đạt 180.000 tấn, giảm 10.000 tấn (5,3%) so với năm 2021[2]. RDA cũng ước tính sản lượng cây trồng của Triều Tiên đã giảm gần 4% trong năm 2022 so với năm 2021[3]. Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng canh tác và tình hình lương thực” quý I được công bố vào 3/2022, FAO phân loại Triều Tiên là quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận lương thực và nằm trong danh sách 44 quốc gia cần viện trợ lương thực. Về tình trạng lương thực của Triều Tiên, FAO cũng chỉ ra rằng phần lớn dân số phải chịu khổ cực do lượng tiêu thụ lương thực ở mức thấp và không đa dạng. Đây là năm thứ 16 liên tiếp kể từ năm 2007, FAO xếp Triều Tiên vào diện cần viện trợ lương thực[4].

Như vậy có thể thấy, từ việc sụt giảm sản lượng sản xuất dẫn đến thực trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên và điều này kéo theo hệ quả nhiều người dân của Triều Tiên bị thiếu dinh dưỡng. Theo “Báo cáo lương thực và nông nghiệp thế giới 2021” do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố tháng 11/2021, trong giai đoạn 2018-2020 có khoảng 10,9 triệu người dân Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, tương đương 42,4% dân số; cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 8,9% của toàn thế giới, 8,2% ở châu Á và 19% của châu Phi[5]. Con số này tiếp tục được nhắc lại trong báo cáo “An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới năm 2022”, trong đó báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ suy dinh dưỡng của Triều Tiên là 41,6% từ 2019 đến 2021[6].

Ngoài ra, Bộ Thống nhất Hàn Quốc vào tháng 2/2023 cũng cho biết tình hình lương thực của Triều Tiên dường như xấu đi. Tờ báo DongA Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết Triều Tiên giảm khẩu phần lương thực hằng ngày cho binh sĩ, đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2000[7]. Cùng trong tháng 2/2023, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn giấu tên đưa tin khoảng 700 tù nhân tại ba nhà tù ở Triều Tiên, bao gồm cả nhà tù ở thành phố miền trung Kaechon, đã chết vì đói và bệnh tật. Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các vấn đề liên Triều, mặc dù không bình luận về bản tin trên nhưng cho biết dường như gần đây số người chết vì đói ở một số tỉnh của Triều Tiên gia tăng[8].

Ngoài ra, một trong những dấu hiệu rõ nhất cho thấy tình hình lương thực đáng lo ngại ở Triều Tiên là giá các loại thực phẩm cơ bản đều tăng vọt, khiến người dân khó tiếp cận được với nguồn lương thực. Trang web chuyên về Triều Tiên của Mỹ “38 North” vào tháng 1/2023 công bố kết quả phân tích cho biết giá gạo, lương thực chính của Triều Tiên và ngô, loại lương thực thay thế tăng vọt. Hình 1 cho thấy giá ngô - gạo tăng sau khi đóng cửa biên giới vào tháng 1/ 2020 và thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Hình 2 cho thấy từ các trang tin chuyên về Triều Tiên như Daily NK, Asia Press, giá lương thực của Triều Tiên cao hơn giá toàn cầu, điều này thể hiện sự bất ổn lương thực.

Hình 1: Giá ngô - gạo Triều Tiên (tháng 5/2018- tháng 7/2022)

TÌNH HÌNH THIẾU LƯƠNG THỰC CỦA TRIỀU TIÊN HIỆN NAY

Nguồn: https://www.38north.org/

Hình 2: Giá gạo và ngô ở Triều Tiên so với thế giới

TÌNH HÌNH THIẾU LƯƠNG THỰC CỦA TRIỀU TIÊN HIỆN NAY

Nguồn: https://www.38north.org/

Trong báo cáo của Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực năm 2021, có xác định năm giai đoạn mất an ninh lương thực cấp tính là: (1) không có/tối thiểu; (2) căng thẳng; (3) khủng hoảng; (4) trường hợp khẩn cấp; và (5) thảm họa/nạn đói. Trong đó, Triều Tiên được xác định là thuộc giai đoạn “khủng hoảng lương thực”[9]. Khủng hoảng lương thực là tình trạng thiếu lương thực đe dọa đến tính mạng hoặc sinh kế hoặc cả hai, mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức khủng hoảng hoặc tồi tệ.

 

Trần Thị Mỹ Hoa

TTNC Hàn Quốc, Triều Tiên


Trích nguồn:

[1] Elizabeth Shim (2012), North Korea's grain production not enough to feed population, think tank says, https://www.upi.com/Top_News/World-News/2021/06/03/nkorea-North-Korea-grain-output-down-2020/3681622732849/

[2] KBS (2022), Sản lượng lương thực năm 2022 của Bắc Triều Tiên giảm 180.000 tấn so với năm ngoái, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=56946

[3] Hyonhee Shin (2023), North Korea's Kim demands more farmland to boost food production, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-koreas-kim-demands-more-farmland-boost-food-production-2023-03-01/

[4] KBS (2022), Vấn đề lương thực của Bắc Triều Tiên, https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=northkorea&id=&board_seq=420126

[5] KBS (2021), 42% dân số Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=52143

[6] Yonhap (2022), Over 40 pct of N. Koreans undernourished: U.N. report, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220707003100325#:~:text=agencies%2C%20including%20the%20Food%20and,percent%20from%202004%20to%202006

[7] Soo-Hyang Choi (2023), North Korean food shortage seems to be worsening, South Korea says, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korean-food-shortage-seems-be-worsening-south-korea-says-2023-02-15/

[8] Hyonhee Shin (2023), North Korea paper calls outside aid 'poisoned candy', urges self-reliance, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-paper-calls-outside-aid-poisoned-candy-urges-self-reliance-2023-02-22/

[9] Katsuhisa Furukawa (2021), Food Insecurity in the DPRK in 2021, https://opennuclear.org/publication/food-insecurity-dprk-2021

 

 


Scroll To Top