SỰ PHÁT TRIỀN CỦA NỀN KINH TẾ GIG Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Từ năm 2010, nền kinh tế Gig bắt đầu xuất hiện ở Hàn Quốc. Gig Economy hay còn được gọi là nền kinh tế hợp đồng, trong đó các công ty tăng cường tuyển dụng lao động tạm thời thay vì tuyển dụng lao động thường xuyên cho các dự án hay nhiệm vụ cụ thể. Lao động ngắn hạn được thuê theo cách này được gọi là người lao động hợp đồng, hay nhân viên hợp đồng. Tại Hàn Quốc, theo số liệu tính đến tháng 11/2021 của Bộ Lao động và Dịch vụ Thông tin Việc làm, khoảng 8,5% tổng số lao động cả nước[1], tương đương 220.000 người là nhân viên hợp đồng. Phân bố theo loại hình công việc lần lượt như sau: 29,9% đang làm việc trong lĩnh vực giao hàng, vận chuyển và lái xe (khoảng 66.000người), 14% đang làm công việc quản trị đơn giản (khoảng 30.800người), 10% đang thực hiện các dịch vụ đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng như dịch thuật, tư vấn hoặc thiết kế (khoảng 22.000người). Phân theo môi trường làm việc, nhân viên hợp đồng có thể hoạt động: trực tuyến trên web (web-based) hoặc tại vị trí cụ thể (local-based). Theo đó, nhân viên hợp đồng hoạt động trên web sẽ không liên quan tới các dịch vụ vật lý vì có thể hoạt động trực tuyến. Ví dụ, một nền tảng nhân sự trực tuyến kết nối các dịch giả tự do và các chuyên gia trong lĩnh vực nhất định hoặc nền tảng tìm kiếm nhân lực thực hiện các nhiệm vụ nhỏ. Phạm vi công việc rất đa dạng, từ các nhiệm vụ đơn giản như nhập dữ liệu vào hệ thống và dịch vụ khách hàng qua Internet, đến những nhiệm vụ đòi hỏi tính chuyên nghiệp và sáng tạo như phát triển, thiết kế và chỉnh sửa liên quan đến công nghệ thông tin. Ví dụ như phát triển phần mềm, thiết kế website, vận hành và phát triển công nghệ thông tin của một số tổ chức, cơ quan[2]. Trong khi đó, nếu nhân viên hợp đồng hoạt động tại vị trí cụ thể, tức trên nền tảng local-based, sẽ làm nhiệm vụ được kiểm soát ngoại tuyến như đặt hàng, giao hàng di động, hoặc yêu cầu công việc trên nền tảng trực tuyến nhưng được thực hiện tại địa điểm như dọn dẹp, làm việc vặt tại nhà khách hàng. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) vào đầu năm 2021, trong vòng 10 năm qua, số lượng nhân viên hợp đồng làm việc trên nền tảng web nói chung đã tăng gấp 3 lần, số lượng nhân viên làm việc giao hàng đã tăng hơn 10 lần[3]. Vì vậy, nhìn chung, các nền tảng dựa trên vị trí cụ thể áp đảo hơn so với các nền tảng dựa trên web. Tại Hàn Quốc, xu thế tương tự cũng diễn ra khi các nền tảng dựa trên vị trí chiếm ưu thế. Báo cáo của Ủy ban Thương mại Công bằng cho biết, số lượng người sử dụng ứng dụng giao hàng (nền tảng dựa trên vị trí cụ thể) đã tăng 29 lần từ 870.000 người(năm 2013) lên 25 triệungười (năm 2018) và đạt giá trị giao dịch 3 nghìn tỉ won vào năm 2018[4]. Đặc biệt, thị trường giao hàng trong vòng 1 giờ sau khi đặt hàng ở Hàn Quốc đã tăng khoảng 5 lần, từ 1,5 nghìn tỷ won (năm 2015) lên 7,6 nghìn tỷ won (6,3 tỷ USD) vào năm 2020. Đặc trưng riêng giao hàng nhanh trong vòng 60 phút trên cũng tác động tới nền kinh tế hợp đồng, thúc đẩy các nền tảng local-based phát triển. Nền kinh tế hợp đồng ở Hàn Quốc lan tỏa chủ yếu từ các công việc phụ và ngành giao hàng: giao đồ ăn, thuê bãi đậu xe, bảo dưỡng ô tô, rửa xe, giặt là, dọn phòng… Tùy theo môi trường là trực tuyến trên web hoặc tại vị trí cụ thể, các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế hợp đồng ở Hàn Quốc là các nền tảng hoạt động tại hai môi trường trên. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế hợp đồng ở xứ sở kim chi phân bố trong hai nền tảng sau: nền tảng web-based (hoạt động trực tuyến) và nền tảng local-based (hoạt động tại vị trí cụ thể ). Các nền tảng local-based nổi tiếng gồm: - Baemin (là từ viết tắt của Baedal Minjok (배달의민족,tạm dịch là nhà giao hàng của dân tộc Hàn Quốc), là công ty khởi nghiệp kỳ lân giao đồ ăn, được thành lập năm 2010 và hiện kiểm soát khoảng 2/3 thị trường giao đồ ăn ở Hàn Quốc[5]. Với hai thương hiệu nhỏ Baemin Riders và Baemin Connect, tính đến tháng 10/2021, số công nhân hợp đồng khoảng 20.000, tăng gấp đôi so với tháng 12/2020[6]. Cụ thể, đối với Baemin Connect, một dịch vụ của nền tảng giao hàng Baemin, số lượng người đăng ký làm đối tác giao hàng đã tăng 5 lần trong hai năm, từ 10.000 (2019) lên 50.000 vào cuối năm 2021. Đồng thời, giá trị của dịch vụ giao hàng đã tăng khoảng 5 lần từ 1,5 nghìn tỷ won (2015) lên 7,6 nghìn tỷ won (6,3 tỷ USD) vào năm 2020[7]. Thu nhập trung bình của đại lý giao hàng Baemin toàn thời gian kiếm được khoảng 48 triệu won vào năm 2021, khoảng 10% hàng đầu kiếm được 75 triệu won. - Yogiyo là công ty lớn thứ 2 sau Baemin, kiểm soát 17,9% thị trường giao đồ ăn Hàn Quốc. Yogiyo là thương hiệu Hàn Quốc của Delivery Hero, một nền tảng giao đồ ăn trực tuyến có trụ sở chính tại Berlin, Đức, được thành lập năm 2011[8]. Hoạt động tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới, Delivery Hero hiện diện ở Hàn Quốc với hai thương hiệu: Yogiyo’s Delivery Hero Korea, Yogiyo Plus Riders. - Công ty thương mại điện tử khổng lồ Coupang, một startup bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc được thành lập năm 2010. Được mệnh danh là “Amazon của Hàn Quốc”, Coupang kết nối với một số lượng lớn các nhà thầu độc lập cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Hiện có 100.000 nhân viên hợp đồng cung cấp dịch vụ giao hàng Coupang Flex bằng phương tiện cá nhân. Với yêu cầu tuyển dụng đơn giản, chỉ cần trên 18 tuổi, bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tác của Coupang Flex. Do vậy, Coupang Flex thu hút số lượng lớn nhân viên hợp đồng trong giai đoạn đại dịch. Coupang cũng sở hữu Coupang Eats, chiếm lĩnh 13,6% thị trường giao đồ ăn của Hàn Quốc. - Barogo (một công ty khởi nghiệp từ tháng 2/2015 chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng đồ ăn bằng xe gắn máy thông qua liên kết với các thương hiệu thực phẩm[9]). Những nền tảng web-based đại diện gồm: - TalentBank là một công ty khởi nghiệp thành lập năm 2018 ở Hàn Quốc. Tháng 12/2021, công ty đã thành công thu hút 6 tỷ won đầu tư trong giai đoạn Series A và trở thành một trong công ty hàng đầu trong hệ sinh thái Gig Economy ở Hàn Quốc. TalentBank là một nền tảng trực tuyến liên kết khách hàng với các nhân viên hợp đồng làm nhiệm vụ phát triển trang web và thiết kết đồ họa. Đồng thời, TalentBank tìm kiếm nhân tài cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm nguồn nhân lực nhưng không đủ khả năng tuyển dụng toàn thời gian. Số lượng yêu cầu công việc tại TalentBank tăng theo cấp số nhân qua từng năm. Năm 2019, từ 368 tăng lên 876 (năm 2020) và đạt 622 vào tháng 6 năm 2021, tức đạt 70% của năm 2020 trong vòng nửa năm[10]. Số lượng chuyên gia đăng ký cũng tăng theo cấp số nhân. Tháng 9/2021, chỉ có 3.500 chuyên gia đăng ký[11] nhưng đã đạt 15.000 chuyên gia vào tháng 6/2022, tức tăng gần 5 lần trong vòng 9 tháng. Dự kiến, cuối năm 2022, TalentBank chính thức ra mắt dịch vụ mới “Tư vấn trực tuyến (tên dự kiến One Point T)”[12], là dịch vụ tư vấn trực tuyến cho phép bạn nhận được lời khuyên kinh doanh nhanh chóng và dễ dàng với mức giá hợp lý từ các chuyên gia kinh doanh đã được chứng minh của TalentBank. - Kmong là một nền tảng kết nối lao động tự do được thành lập từ năm 2012. Ban đầu, Kmong chỉ là một dự án cá nhân cung cấp các công việc nhỏ như dắt chó đi dạo với mức giá cố định. 5.000 won. Tiếp sau đó, Kmong dần tăng trưởng và cung cấp nhiều công việc việc lớn hơn như tiếp thị, thiết kế… Tháng 4/2018, Kmong đạt 25 triệu người sử dụng[13]. Đến năm 2019, Kmong cung cấp các dịch vụ mới xuất phát từ yêu cầu của người dùng nhằm xử lý các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hiện, Kmong thực hiện 11 danh mục: từ lập trình, tiếp thị, dịch thuật, biên tập, phát triển, thiết kế tới tư vấn kinh doanh với những người có nhu cầu. Tính đến đầu năm 2020, số lượng dịch vụ đăng ký đạt 170.000 với 20.000 lao động tự do và 1.050.000 giao dịch[14]. Cuối năm 2019, tổng số giao dịch tích lũy vượt quá 70 tỷ won với 630.000 người sử dụng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng doanh thu và giao dịch của Kmong đạt 70%. Lượng giao dịch của Kmong trong quý 3 năm 2021 tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch vụ Enterprise kết nối giữa công ty và các lao động tự do, số lượng khách hàng doanh nghiệp tăng gần gấp đôi, chiếm 92%. Khi sử dụng Kmong, các công ty tìm kiếm nhân lực không những có thể so sánh và lựa chọn chuyên gia dựa trên xếp hạng của những người dùng trước đó mà còn có thể yêu cầu báo giáo trước cho các dịch vụ. Kmong hiện có hệ thống ký quỹ nên bảo vệ khoản thanh toán của khách hàng cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. - Soomgo (숨고) là từ tiếng Hàn rút gọn của “Soomeun Gosoo”, nghĩa là “bậc thầy ẩn”. Đây là một nền tảng trực tuyến kết nối nhân viên hợp đồng với dịch vụ gia đình như thiết kế nội thất, dạy kèm riêng, lái xe, dọn dẹp… hoặc tổ chức sự kiện[15]. Được thành lập tháng 9/2014, Soomgo cũng chứng kiến sự nhảy vọt về số lượng yêu cầu công việc. Hiện là đối thủ lớn của Kmong, Soomgo cũng đạt 50 triệu người dùng vào tháng 3/2018. Tháng 4-6/2021, yêu cầu công việc chạm mốc 33 triệu, tăng 257% so với năm 2020. Đến tháng 9/2021, số lượng yêu cầu công việc tăng 193,06% lên 37,5 triệu so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến tháng 12/2021, tổng số thành viên đăng ký của nền tảng này là 790.000 người với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ, với 300.000 người đăng ký trong năm 2021[16]. Tương tự giống Kmong, Soomgo là nền tảng ưa thích của nhiều khách hàng thực hiện các gian lận trong thi cử như viết luận văn thuê, kết nối với người viết luận văn ma. Tuy nhiên, khác với các nền tảng khác, Soomgo có tỷ lệ khách hàng cá nhân cao hơn. Để tham gia, khách hàng phải điền vào phiếu yêu cầu dịch vụ và dựa trên phiếu này, khách hàng sẽ nhận được báo giá dịch vụ. Như vậy, có thể thấy, mặc dù chỉ sở hữu 8,5% tổng số lao động của Hàn Quốc nhưng nền kinh tế hợp đồng Hàn Quốc phát triển tương đối nhanh. Tương đồng với nền kinh tế hợp đồng toàn cầu, nền kinh tế Gig ở Hàn Quốc lan tỏa chủ yếu từ các công việc phụ và ngành giao hàng: giao đồ ăn, thuê bãi đậu xe,bảo dưỡng ô tô, rửa xe, giặt là, dọn phòng… Do vậy, các nền tảng dựa trên vị trí đóng vai trò chủ đạo hơn các nền tảng dựa trên web. Tuy nhiên, các nền tảng đại diện như TalentBank, Kmong, Soomgo, cung cấp các dịch vụ đòi hỏi kỹ năng như lập trình, thiết kế, tư vấn… đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ. Tống Thùy Linh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tài liệu tham khảo 1. Anna J. Park (2021), “Labor market uncertainties cause gig economy to grow”, https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2021/12/488_321283.html. 2. Chae-yeon Kim, Ji-Hoon Lee (2021), “Delivery Hero gets 5 more months to sell Yogiyo until January”, https://www.kedglobal.com/m-as/newsView/ked202107220012. 3. Claire Lee (2021), “Gig jobs see growing popularity in South Korea”, https://hrmasia.com/gig-jobs-see-growing-popularity-in-south-korea/ 4. Hong Sung-yong, 2021, Làm việc bán thời gian với thứ sáu ở Coupang, đi chơi vào cuối tuần, lựa chọn thời gian làm việc 2030, (홍성용(2021), “목금쿠팡알바뛰고주말에놀죠”…근로시간골라일하는 2030, 매일경), https://m.mk.co.kr/news/society/view/2021/12/1131249/?utm_source=&utm_medium=&utm_campaign=&_ga=2.120063368.1280911420.1651250252-2083619452.1651250252. 5. Hong Sung-yong, Kang Min-ho and Cho Jeehyun (2021), “Gig jobs grow popular in Korea, taking away workers from traditonal workplaces”, https://m.pulsenews.co.kr/view.php?year=2021&no=1132501. 6. Juwon Park (2018), “South Korean apps are outsourcing academic fraud to freelance ghostwriters”, https://qz.com/1290317/south-korean-apps-are-outsourcing-academic-fraud-to-freelance-ghostwriters/ 7. Kim Seon-jae, 2019, Nền kinh tế hợp đồng đang phát triển, liều thuốc hay độc dược?, (김선재(2019), 갈수록확산되는 ‘긱경제 (Gig Economy)’ …약일까, 독일까?, M이코노미뉴), http://www.m-economynews.com/news/article.html?no=25748. 8. Lee Jong-hwa, Lee Soo-min (2021), “Skilled work arranging platforms in a boon on rise of gig economy in Korea”, https://m.pulsenews.co.kr/view.php?sc=30800022&year=2021&no=845282 9. Mi-Ran YU (2020), “Gig Worker – Who are they?”, https://www.e-hcg.com/eng/insight.php?preview=Y&bo_table=gallery_eng&wr_id=18. 10. Sharron (2022), “Talent Bank, ‘SHRM 22 Debriefing’ presents ‘New Ecosytem’ Insights”, https://korea.postsen.com/technology/25738/Talent-Bank-%E2%80%98SHRM-22-Debriefing%E2%80%99-presents-%E2%80%98New-Ecosystem%E2%80%99-Insights.html.11. https://www.crunchbase.com/organization/brave-mobile.12. https://www.crunchbase.com/organization/yogiyo.13. https://www.barogo.com/ [1]Claire Lee (2021), “Gig jobs see growing popularity in South Korea”, https://hrmasia.com/gig-jobs-see-growing-popularity-in-south-korea/ [2]김선재 (2019), “갈수록확산되는 ‘긱경제(Gig Economy)’ …약일까, 독일까?”(Nền kinh tế hợp đồng đang phát triển, liều thuốc hay độc dược?), http://www.m-economynews.com/news/article.html?no=25748. [3] Anna J. Park (2021), “Labor market uncertainties cause gig economy to grow”, https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2021/12/488_321283.html [4]김선재 (2019), “갈수록확산되는 ‘긱경제(Gig Economy)’ …약일까, 독일까?”(Nền kinh tế hợp đồng đang phát triển, liều thuốc hay độc dược?), http://www.m-economynews.com/news/article.html?no=25748. [5] Chae-yeon Kim, Ji-Hoon Lee (2021), “Delivery Hero gets 5 more months to sell Yogiyo until January”, https://www.kedglobal.com/m-as/newsView/ked202107220012. [6] Claire Lee (2021), “Gig jobs see growing popularity in South Korea”, https://hrmasia.com/gig-jobs-see-growing-popularity-in-south-korea/ [7] Anna Park (2021), “Labor market uncertainties cause gig economy to grow”, https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2021/12/488_321283.html. [8] https://www.crunchbase.com/organization/yogiyo. [9] https://www.barogo.com/ [10]홍성용 (2021), “목금쿠팡알바뛰고주말에놀죠"…근로시간골라일하는2030(Làm việc bán thời gian với thứ sáu ở Coupang, đi chơi vào cuối tuần, lựa chọn thời gian làm việc 2030),https://m.mk.co.kr/news/society/view/2021/12/1131249/?utm_source=&utm_medium=&utm_campaign=&_ga=2.120063368.1280911420.1651250252-2083619452.1651250252. [11] Lee Jong-hwa, Lee Soo-min (2021), “Skilled work arranging platforms in a boon on rise of gig economy in Korea”, https://m.pulsenews.co.kr/view.php?sc=30800022&year=2021&no=845282. [12] Sharron (2022), “Talent Bank, ‘SHRM 22 Debriefing’ presents ‘New Ecosytem’ Insights”, https://korea.postsen.com/technology/25738/Talent-Bank-%E2%80%98SHRM-22-Debriefing%E2%80%99-presents-%E2%80%98New-Ecosystem%E2%80%99-Insights.html. [13] Juwon Park (2018), “South Korean apps are outsourcing academic fraud to freelance ghostwriters”, https://qz.com/1290317/south-korean-apps-are-outsourcing-academic-fraud-to-freelance-ghostwriters/. [14]Mi-Ran YU (2020), “Gig Worker – Who are they?”, https://www.e-hcg.com/eng/insight.php?preview=Y&bo_table=gallery_eng&wr_id=18. [15] https://www.crunchbase.com/organization/brave-mobile. [16] Hong Sung-yong, Kang Min-ho and Cho Jeehyun (2021), “Gig jobs grow popular in Korea, taking away workers from traditonal workplaces”, https://m.pulsenews.co.kr/view.php?year=2021&no=1132501.