TRIỀU TIÊN THÔNG QUA LUẬT MỚI VỀ HẠT NHÂN
Đăng ngày:
Cánh cửa phi hạt nhân hóa Triều Tiên dường như bị khép lại khi ngày 9/9 truyền thông Triều Tiên cho biết Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên ngày 8/9 đã thông qua luật mới chính thức tuyên bố Bình Nhưỡng là quốc gia hạt nhân và cho phép thực hiện quyền tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ. Ông Kim Jong-un đã khẳng định đường lối tuyệt đối không từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng là không thể đảo ngược. Theo ông Kim, ý nghĩa quan trọng nhất của việc lập pháp hóa chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể cứu vãn, để từ đó không thể có sự thương lượng về vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân dù có phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kéo dài 100 năm. Chừng nào vũ khí hạt nhân vẫn còn trên Trái đất, chủ nghĩa đế quốc vẫn còn, cũng như các hành động của Mỹ và những người theo Mỹ chống lại Triều Tiên chưa chấm dứt, thì Bình Nhưỡng sẽ không ngừng tăng cường lực lượng hạt nhân. Một quan chức tại Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên cũng đã nhấn mạnh rằng, luật mới được thông qua sẽ là một sự đảm bảo mạnh mẽ về mặt pháp lý giúp củng cố vị thế của Bình Nhưỡng - là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời đảm bảo “tính minh bạch, nhất quán và tiêu chuẩn” trong chính sách hạt nhân của Triều Tiên. Luật trên ban đầu được ban hành năm 2013 quy định Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi hành động xâm lược hoặc cuộc tấn công từ quốc gia thù địch và thực hiện các cuộc tấn công đáp trả. Nhưng luật mới đã vượt ra ngoài khuôn khổ này, khi cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các mục tiêu chiến lược, trong đó có giới lãnh đạo của Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của ông Kim Jong-un là muốn cộng đồng quốc tế công nhận “Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm” [1]. Giới quan sát nhận định luật mới của Triều Tiên được đưa ra với hai mục đích chính: Thứ nhất là để chứng minh Triều Tiên nghiêm túc về học thuyết quân sự tập trung vào răn đe chiến lược của nước này; thứ hai là để làm rõ với Mỹ và Hàn Quốc về những hành động mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện nếu họ bị đe dọa [2]. Trước những động thái từ phía Triều Tiên, ngày 13/9 Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo việc nỗ lực sử dụng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ dẫn tới hậu quả “tự hủy diệt”. Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - Đại tá Moon Hong-sik - nêu rõ: nếu Triều Tiên tìm cách sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ vấp phải phản ứng kiên quyết từ liên minh Hàn - Mỹ, và Bình Nhưỡng sẽ bước vào giai đoạn tự hủy diệt. Ông nhấn mạnh động thái về chính sách hạt nhân của Triều Tiên sẽ chỉ càng củng cố liên minh Hàn - Mỹ trong công tác ngăn chặn và phản ứng trước các mối đe dọa an ninh, khiến Bình Nhưỡng ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập. Ngoài ra, ông Moon Hong-sik cũng nhấn mạnh giải pháp cứng rắn của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” Triều Tiên và tập trung củng cố mức độ tin cậy trong biện pháp răn đe mở rộng của Washington để Bình Nhưỡng không thể sử dụng vũ khí hạt nhân [3]. Ngay sau đó một ngày, ngày 14/9 Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Ki-woong đã bày tỏ quan ngại và lấy làm tiếc sâu sắc trước thái độ rõ ràng của Triều Tiên trong việc tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân và sử dụng vũ khí hạt nhân [4]. Cùng ngày, Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền của Hàn Quốc cho rằng các đảng đối lập cần thông qua một nghị quyết chung nhằm đối phó với cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc duy trì vũ khí hạt nhân [5]. Liên quan tới vấn đề về sử dụng vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên công bố ở trên, sau cuộc họp cấp thứ trưởng của Nhóm Tham vấn và chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) diễn ra tại Washington D.C vào ngày 16/9, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên gửi thông điệp leo thang và bất ổn liên quan việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc thông qua luật hạt nhân mới. Hai bên nhấn mạnh, bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên cũng sẽ gặp phải một sự đáp trả áp đảo và dứt khoát. Cũng theo tuyên bố, hai nước cam kết tiếp tục nỗ lực sử dụng tất cả các yếu tố thuộc sức mạnh quốc gia của hai nước để củng cố khả năng răn đe của liên minh. Mỹ cam kết tăng cường phối hợp với Hàn Quốc để tiếp tục triển khai các khí tài chiến lược trong khu vực một cách kịp thời và hiệu quả để răn đe và đáp trả Triều Tiên, đồng thời tăng cường an ninh khu vực. Mỹ và Hàn Quốc cũng tái khẳng định việc nối lại thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết của chính phủ hai nước. Đồng thời Washington và Seoul cũng sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra [6]. Ngoài ra, với tuyên bố trên của Triều Tiên, Hàn Quốc dường như cũng có phần lo lắng về việc Bình Nhưỡng có thể tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân. Bởi vậy, ngày 20/9, trong cuộc gặp Tổng thư ký Antonio Guterres bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bày tỏ quan điểm rằng Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức để Triều Tiên mở cửa, đóng góp vào hòa bình ở Đông Bắc Á cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, nếu bất chấp những nỗ lực như vậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử hạt nhân hoặc tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo khác; trong bối cảnh đó Hàn Quốc đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm và đề xuất ủng hộ để cộng đồng quốc tế có thể thống nhất đưa ra phản ứng nghiêm khắc. Về phần mình, ông Guterres khẳng định Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ phản ứng rõ ràng trước những hành động khiêu khích đe dọa tự do và hòa bình [7]. Triều Tiên thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân xem như đã chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân và ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ bế tắc từ năm 2019. Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thời gian qua vẫn luôn ra sức thuyết phục Bình Nhưỡng và đề nghị liên lạc với ông Kim vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu. Về phía Hàn Quốc, mới đây cũng vừa đưa ra kế hoạch viện trợ táo bạo dành cho Bình Nhưỡng nếu như từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên bác bỏ và khẳng định sẽ không bao giờ chấp nhận đề xuất trên. Trước động thái của Triều Tiên, các nhà quan sát dự đoán Triều Tiên đang chuẩn bị nối lại hoạt động thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017. Theo các nhà phân tích, bất chấp hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều cùng cuộc gặp của ông Kim Jong-un với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới vào năm 2018, Triều Tiên vẫn không từ bỏ tham vọng hạt nhân [8]. Trần Thị Mỹ Hoa Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Theo: [1]; [8]. Josh Smith (2022), New North Korea law outlines nuclear arms use, including preemptive strikes, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/nkorea-passes-law-declaring-itself-nuclear-weapons-state-kcna-2022-09-08/. [2]. Bảo Anh (2022), Cánh cửa phi hạt nhân hóa Triều Tiên khép lại, https://tuoitre.vn/canh-cua-phi-hat-nhan-hoa-trieu-tien-khep-lai-20220912223710349.htm. [3]. Yonhap (2022), S. Korea warns N. Korea's nuclear use would lead to regime's 'self-destruction', https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20220913000500&np=1&mp=1 [4]. Yonhap (2022), Vice unification minister voices strong regret over N. Korea's nuclear drive; https://en.yna.co.kr/view/AEN20220914002900325?section=nk/nk [5] Yonhap (2022), Ruling party proposes bipartisan resolution against N. Korean leader's vows to keep nukes; https://en.yna.co.kr/view/AEN20220914002700315?section=nk/nk [6] Ji Da-gyum (2022), S.Korea, US warn of ‘overwhelming, decisive response’ to N.Korean nuclear attack, https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20220917000053&np=1&mp=1 [7] Lee Haye-ah (2022), Yoon asks U.N. chief for stern response to N.K. provocations, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220921003600315?section=nk/nk