“KẾ HOẠCH TÁO BẠO” CỦA HÀN QUỐC DÀNH CHO TRIỀU TIÊN
Đăng ngày:
1. Bối cảnh ra đời “Kế hoạch táo bạo” Mối quan hệ liên Triều cho đến nay vẫn rơi vào trạng thái nguội lạnh, đặc biệt kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, mối quan hệ hai miền từ đây cũng không có bước đột phá. Trên thực tế mối quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh, những xung đột, căng thẳng vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên có xu hướng gia tăng khi các vụ thử hạt nhân. Mặc dù hai bên vẫn tìm cơ hội hợp tác và giảm thiểu căng thẳng; tuy nhiên tiến trình đàm phán hiện vẫn đang rơi vào bế tắc. Từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên liên tiếp thử hàng loạt tên lửa đã làm cho căng thẳng trên bán đảo ngày một leo thang. Tháng 5/2022, sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thể hiện lập trường cứng rắn với Triều Tiên; điều này dự báo về mối quan hệ liên Triều có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn so với những năm trước. Về phía Triều Tiên, ngày 28/7/2022 trong bài phát biểu tại kỷ niệm 69 năm đình chiến cuộc Chiến tranh Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cảnh báo, chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol và quân đội Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với việc bị xóa sổ nếu Seoul có động thái nguy hiểm. Ngoài ra, Triều Tiên và Hàn Quốc trong giai đoạn này liên tục nảy sinh những tranh cãi xoay quanh vấn đề nguồn gốc dịch COVID-19 bùng phát tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng cáo buộc Hàn Quốc lan truyền COVID-19 sang cho Triều Tiên và cảnh báo đáp trả. Cụ thể, bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 11/8/2022 cáo buộc các nhà hoạt động ở Hàn Quốc thả khinh khí cầu mang truyền đơn qua biên giới là nguyên nhân khiến COVID-19 bùng phát ở Bình Nhưỡng. Về phía Hàn Quốc, Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phụ trách các vấn đề liên quan Triều Tiên, lấy làm tiếc về bình luận của em gái lãnh đạo Kim Jong-un. Và khẳng định Triều Tiên liên tục đưa ra các tuyên bố vô căn cứ về con đường COVID-19 lây lan và có những phát biểu đe dọa, rất thiếu tôn trọng [1]. Có thể thấy, căng thẳng liên Triều trong thời gian gần đây vẫn tiếp tục leo thang. Tuy vậy, cánh cửa đối thoại vẫn hi vọng sẽ được mở cửa để chào đón Triều Tiên ngồi vào bàn đám phán; đặc biệt khi Tổng thống Yoon Suk-yeol vẫn quan tâm đến các bước đi nhằm thực hiện tiến trình đối thoại phi hạt nhân; minh chứng là ông Yoon đã đưa ra bản “Kế hoạch táo bạo” nhằm phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân Triều Tiên. 2. Nội dung chính của “Kế hoạch táo bạo” “Kế hoạch táo bạo” là kế hoạch do chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol vạch ra, được đề cập lần đầu trong diễn văn nhận chức ngày 10/5/2022 của Tổng thống Yoon để cải thiện nền kinh tế của Triều Tiên theo từng giai đoạn, nếu Bình Nhưỡng thực hiện các bước quan trọng đối với phi hạt nhân hóa. Trong báo cáo chính sách gửi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, ngày 22/7/2022, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã nêu rõ tầm nhìn, nguyên tắc cũng như các biện pháp để thực hiện “Kế hoạch táo bạo” nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều. Theo đó, tầm nhìn của kế hoạch này là “hướng đến thống nhất hòa bình dựa trên trật tự dân chủ tự do để tạo nên bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân”. Ba nguyên tắc chủ đạo là: (1) không chấp nhận bất kỳ hoạt động khiêu khích vũ trang nào, (2) phát triển quan hệ liên Triều đôi bên cùng có lợi, (3) thiết lập nền tảng cho mục tiêu thống nhất hòa bình. Ngoài ra, kế hoạch nhấn mạnh vào việc đề ra các biện pháp hợp tác kinh tế với Triều Tiên và cung cấp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Công tác viện trợ kinh tế sẽ được đưa ra theo từng giai đoạn tương ứng với các giải pháp phi hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc không ép buộc phía Triều Tiên phải phi hạt nhân trước rồi mới được viện trợ. Tóm lại, Hàn Quốc sẽ thực hiện “theo từng giai đoạn và đồng thời” việc phi hạt nhân hóa và các biện pháp tương ứng. Bộ trưởng Kwon Young-se nhấn mạnh việc Hàn Quốc đưa ra “Kế hoạch táo bạo” sẽ giúp Triều Tiên cảm thấy không còn cần thiết phải phát triển vũ khí hạt nhân. Và điểm then chốt là giải quyết các xung đột chính trị - quân sự và thúc đẩy tham vấn về hợp tác kinh tế với Triều Tiên thông qua đối thoại liên Triều và hội đàm ba bên giữa Hàn Quốc - Triều Tiên - Mỹ nhằm đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Hàn Quốc cũng có kế hoạch tìm kiếm hợp tác nhân đạo với Triều Tiên, bất chấp tình hình chính trị và quân sự. Trong nỗ lực giúp khôi phục sự tương đồng giữa hai miền, phía Hàn Quốc cũng đang xem xét biện pháp để các kênh truyền thông của Triều Tiên có thể tiếp cận được với người dân ở Hàn Quốc [2]. Tóm lại, mục đích của bản “Kế hoạch táo bạo” là Hàn Quốc sẽ giúp Triều Tiên cải thiện nền kinh tế để đổi lấy việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn nhằm chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Trong bài phát biểu nhân Ngày Giải phóng 15/8/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã trình bày chi tiết về “Kế hoạch táo bạo”. Ông Yoon nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên là điều cần thiết cho hòa bình bền vững trên bán đảo, ở Đông Bắc Á và trên toàn thế giới; đồng thời khẳng định rằng “Kế hoạch táo bạo” mà ông hình dung sẽ cải thiện đáng kể nền kinh tế của Triều Tiên và đời sống của người dân trong từng giai đoạn, nếu Triều Tiên ngừng phát triển chương trình hạt nhân và bắt tay vào quá trình phi hạt nhân hóa thực chất. Cụ thể, Hàn Quốc sẽ thực hiện chương trình lương thực quy mô lớn; cung cấp hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng phát điện, truyền tải và phân phối điện; thực hiện các dự án hiện đại hóa cảng và sân bay cho thương mại quốc tế. Ông Yoon cũng đề nghị giúp nâng cao năng suất nông nghiệp của Triều Tiên, hiện đại hóa bệnh viện và cơ sở hạ tầng y tế, đồng thời thực hiện các sáng kiến hỗ trợ tài chính và đầu tư quốc tế [3]. 3. Bình luận của các bên liên quan đối với bản “Kế hoạch táo bạo” của Hàn Quốc * Về phía Triều Tiên: đề xuất “Kế hoạch táo bạo” của Hàn Quốc không được phía Triều Tiên đón nhận, ngày 19/8/2022 bà Kim Yo-jong, quan chức cấp cao Triều Tiên, đồng thời là em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từ chối thẳng thừng bản “Kế hoạch táo bạo”. Bà Kim cho rằng kế hoạch của chính quyền Yoon là đỉnh cao của sự phi lý, vì “tạo ra những cánh đồng dâu tằm giữa đại dương xanh thẳm là chuyện phi thực tế”. Bà Kim cũng chỉ đích danh ông Yoon, nói rằng “chúng tôi không thích ông” trước khi đánh giá chính sách của Seoul đối với Bình Nhưỡng. Theo bà Kim, “Kế hoạch táo bạo” của ông Yoon là bản sao của cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak trước đây theo đuổi nhưng thất bại. Đó là bản kế hoạch với tên gọi “Tầm nhìn 3.000: Phi hạt nhân hóa và mở cửa”, cam kết giúp thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên tăng lên mức 3.000 USD/năm nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Và rằng, có thể trong tương lai Hàn Quốc tiếp tục gõ cửa với một kế hoạch lớn nào đó sau khi “Kế hoạch táo bạo” lần này bị thất bại, nhưng Triều Tiên sẽ không thỏa hiệp. Theo nhận xét của bà Kim, ông Yoon là người thực sự đơn giản và vẫn trẻ con khi nghĩ rằng Triều Tiên có thể đánh đổi danh dự và vũ khí hạt nhân để hợp tác phát triển kinh tế với Hàn Quốc; bởi “không ai đem số phận của mình ra để đổi lấy một chiếc bánh ngô” [4]. Ngay sau khi Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bác bỏ đề xuất “Kế hoạch táo bạo”, phía Hàn Quốc đã bày tỏ sự nuối tiếc và cho rằng bà Kim đã phản ứng thô lỗ. Cụ thể, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lấy làm tiếc vì Triều Tiên dùng từ ngữ thô lỗ khi nhắc đến Tổng thống Yoon, tiếp tục thể hiện ý định phát triển hạt nhân và từ chối “Kế hoạch táo bạo”. Thái độ như vậy của Triều Tiên theo Hàn Quốc là không chỉ không giúp ích cho tương lai của chính Triều Tiên mà còn không có lợi cho hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, và sẽ chỉ thúc đẩy sự cô lập của quốc tế. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết họ vẫn không thay đổi trong việc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên và phát triển quan hệ hai miền thông qua “Kế hoạch táo bạo”, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng “thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng” [5]. * Về phía Mỹ, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đề xuất “Kế hoạch táo bạo”, ngày 16/8/2022 Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Hàn Quốc tái khởi động đối thoại với Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Seoul để đạt được mục tiêu này “nhằm mở ra một con đường ngoại giao nghiêm túc và bền vững” với Bình Nhưỡng. Đồng thời kêu gọi Triều Tiên quay trở lại đối thoại; Mỹ tin tưởng rằng ngoại giao có thể mang lại “những bước đi thực tế” mà Washington, Bình Nhưỡng cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ trên thế giới có thể thực hiện được nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên [6]. Tiếp tục chuỗi phản ứng trước đề xuất “Kế hoạch táo bạo” của Hàn Quốc, ngày 18/8/2022, ông Ned Price cho biết Mỹ tán thành việc thực hiện các bước tăng dần với Triều Tiên để có thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Phát biểu này được xem như một sự ủng hộ đối với “Kế hoạch táo bạo” của Hàn Quốc. Ngoài ra, ông Ned Price cũng nhấn mạnh những biện pháp thiết thực có thể thực hiện để thúc đẩy mục tiêu chung về Triều Tiên. Theo đó, phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên là một tiến trình với nhiều bước, trong đó các bên cần có các bước gia tăng nhằm tiến tới mục đích chung này, trong đó Hàn Quốc - Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác trong vấn đề này [7]. Ngày 19/8/2022, tại cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hai bên tiếp tục bày tỏ sự tiếc nuối về việc Triều Tiên từ chối đề xuất của Seoul; ông Blinken đã đánh giá cao những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Hai ngoại trưởng nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về việc chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân [8]. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 22/8/2022 khẳng định, kế hoạch Hàn Quốc đưa ra hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, trong đó cho thấy tiềm năng của những tiến bộ thực tế, từng bước hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Ông Price nhấn mạnh Mỹ ủng hộ kế hoạch trên, đồng thời khẳng định Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục hối thúc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục làm rõ những gì chuẩn bị thực hiện, cũng như những gì mà Washington cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản mong muốn đạt được và Mỹ sẽ tiếp tục truyền tải những thông điệp đó một cách công khai và trực tiếp tới Triều Tiên [9]. Ngày 24/8/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel tiếp tục nhắc lại cam kết của Mỹ về việc triển khai phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên, gồm cả việc thúc đẩy mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và tiếp tục thực hiện cam kết mạnh mẽ về việc phòng vệ cho Nhật Bản và Hàn Quốc [10]. Về phía Trung Quốc, trong một động thái liên quan đến “Kế hoạch táo bạo” của Hàn Quốc, nhân cuộc gặp nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se và Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hải Minh đã có cuộc gặp vào ngày 24/8/2022; tại đây Bộ trưởng Kwon Young-se đã hối thúc chính phủ Trung Quốc đóng vai trò với tính chất xây dựng để thuyết phục Bình Nhưỡng phản hồi tích cực đối với “Kế hoạch táo bạo”, đồng thời nhấn mạnh, Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc nhằm thúc đẩy các chính sách nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và cải thiện quan hệ liên Triều. Trong cuộc gặp, hai bên cũng đã nhất trí tầm quan trọng của việc ngăn tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn và nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác. Về phần mình Đại sứ Hình Hải Minh cho biết, Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên [11]. Trần Thị Mỹ Hoa Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Theo: 1. Reuters (2022), S.Korea expresses regret over N.Korea's 'groundless claim' over COVID, threats; https://www.reuters.com/world/asia-pacific/skorea-expresses-regret-over-nkoreas-groundless-claim-over-covid-threats-2022-08-11/. 2. Ji Da-gyum (2022), S. Korea maps out ‘audacious plan’ to provide security guarantees for N. Korea; https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20220722000628 3. Lee Haye-ah (2022), Yoon pledges to improve ties with Japan, offers economic aid in exchange for N.K. denuclearization; https://en.yna.co.kr/view/AEN20220815001551315?section=nk/nk 4. Chae Yun-hwan (2022), N. Korea rejects S. Korea's 'audacious initiative' in statement by leader's sister; https://en.yna.co.kr/view/AEN20220819000354325 5. The Korea Times (2022), Presidential office expresses regret over N. Korea's 'rude' remarks; https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2022/08/103_334698.html. 6. Byun Duk-kun (2022), U.S. supports S. Korean initiative to engage N. Korea: State Dept, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220816000500325 7. Byun Duk-kun (2022), U.S. agrees with taking 'incremental steps' to denuclearize Korean Peninsula: State Dept, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220819000200325. 8. Yonhap (2022), S. Korea, U.S. voice regret over N. Korea in high-level phone talks, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220819006651325?section=nk/nk 9. Byun Duk-kun (2022), Seoul's 'audacious plan' entirely consistent with U.S. approach toward N. Korea: State, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220823000251325?section=nk/nk 10. Byun Duk-kun (2022), U.S. continues to coordinate efforts to denuclearize N. Korea with allies: State Dept, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220825000200325] 11. Yonhap (2022), Unification minister meets Chinese ambassador to discuss N. Korea issues, https://en.yna.co.kr/view/AEN20220824007600325?section=nk/nk