Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


PHÁT TRIỂN DU LỊCH ẨM THỰC Ở HÀN QUỐC HIỆN NAY

Đăng ngày:

Du lịch ẩm thực (Food tourism) là loại hình du lịch mới xuất hiện gần đây, thu hút được sự quan tâmcủa nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm về du lịch ẩm thực cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Hiệp hội Lữ hành ẩm thực thế giới, du lịch ẩm thực là loại hình du lịch nhằm khám phá và thụ hưởng sự mới lạ, đáng nhớ của các trải nghiệm về đồ ăn thức uống theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp[1]. Tại Hàn Quốc, hiện khái niệm du lịch ẩm thực được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các hoạt động liên quan ẩm thực mà khách du lịch tiếp cận tại các điểm du lịch, tức là du lịch ẩm thực bao gồm một loạt hoạt động liên quan đến các hoạt động của khách du lịch như chế biến, mua và ăn thực phẩm tại các điểm du lịch. Còn theo nghĩa hẹp, du lịch ẩm thực chỉ giới hạn trong tất cả các hoạt động liên quan đến ẩm thực. Điều này có nghĩa là động cơ du lịch được bắt đầu từ việc đến thăm khu vực sản xuất ẩm thực hoặc tham quan một lễ hội liên quan đến ẩm thực, nếm đồ ăn thức uống tại nhà hàng hoặc địa điểm liên quan và trải nghiệm chế biến sản vật[2].

Với lịch sử dân tộc hơn 5 nghìn năm, Hàn Quốc cũng có một nền ẩm thực truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, đặc trưng vùng miền, song sự quan tâm của nước này đối với loại hình du lịch ẩm thực muộn hơn các nước trên thế giới. Tuy nhiên, với các chính sách, chiến lược phát triển hợp lý, nhất quán từ trung ương đến địa phương cùng sự nỗ lực của chính người dân mà ngành du lịch ẩm thực của nước này đã và đang gặt hái được những thành công nhất định.

Các chính sách liên quan đến ẩm thực trong phát triển du lịch của Chính phủ Hàn Quốc được thực hiện độc lập bởi các bộ, ngành, tổ chức hoặc hợp tác thực hiện giữa các bộ, ngành, tổ chức với nhau như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Lương thực, Lâm nghiệp và Thủy sản Hàn Quốc, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội, Tổng Cục du lịch Hàn Quốc, Cục phát triển nông thôn trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Lương thực, Lâm nghiệp và Thủy sản, Hàn Quốc, các Viện Nghiên cứu về văn hóa, du lịch...

Có thể nói chính sách liên quan đến việc đưa ẩm thực truyền thống Hàn Quốc vào kinh doanh phát triển du lịch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được bắt đầu từ năm 1999 [3]. Tại thời điểm này, hầu hết các dự án tập trung vào việc cung cấp ẩm thực truyền thống cho du khách trong và ngoài nước như là một sản phẩm du lịch. Năm 2004, Bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới tiến hành thương mại hóa du lịch ẩm thực truyền thống Hàn Quốc - là một phần của Kế hoạch 5 năm phát triển du lịch lần thứ hai (2004-2008), từ năm 2009, tập trung vào chuẩn bị nền tảng phát triển du lịch ẩm thực thông qua chiến lược marketing quảng bá và đề cao mức độ hài lòng của du khách với trọng tâm cải thiện thái độ tiếp nhận dịch vụ ẩm thực với đối tượng là du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ này còn thực thi một số dự án nhằm thu hút du khách nước ngoài đến với Hàn Quốc, chẳng hạn như dự án “Hỗ trợ phát triển du lịch đường phố với chủ đề ẩm thực”, dự án “Công nghiệp hóa du lịch ẩm thực Hàn Quốc”,... Bộ Văn hóa, Bộ Nông nghiệp, Lương thực, Lâm nghiệp và Thủy sản cũng xây dựng và tiến hành một số dự án nhằm sưu tầm, khôi phục, phát triển ẩm thực vùng miền, dự án phát triển khu vực kinh doanh ẩm thực tiêu biểu trên cả nước, phối hợp với các hãng lữ hành tổ chức các chương trình du lịch kết hợp với ẩm thực vùng miền và triển khai thực hiện tại một số địa phương trên toàn quốc...

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến ẩm thực được triển khai thí điểm tại 16 đô thị trên cả nước là do các cơ quan chính phủ hợp tác thực hiện như Cục du lịch văn hóa, Cục y tế phúc lợi, Cục nông lâm thủy hải sản. Trong đó, các chính sách phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực, lễ hội ẩm thực và tổ chức các cuộc thi chế biến ẩm thực do Cục văn hóa chịu trách nhiệm, các chính sách liên quan đến ẩm thực như chỉ định nhà hàng tiêu biểu, hỗ trợ vận hành và vệ sinh an toàn thực phẩm là do Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội chủ trì, Cục nông lâm thủy sản xúc tiến chính sách liên quan đến các dự án tài nguyên hóa ẩm thực vùng miền và phát triển nông thôn…

Chiến lược quốc tế hóa ẩm thực truyền thống Hàn Quốc (Hansik) do chính phủ Hàn khởi xướng năm 2008, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch thực hiện năm 2009 với mục tiêu đưa ẩm thực Hàn Quốc trở thành một trong 5 nền ẩm thực dân tộc phổ biến nhất thế giới vào năm 2017, xúc tiến mở cửa 40 nghìn nhà hàng Hàn Quốc ở nước ngoài, trong đó hỗ trợ 300 nhà hàng thương hiệu. Quỹ ẩm thực Hàn Quốc – một tổ chức do Chính phủ tài trợ phụ trách chiến dịch cũng tuyên bố sứ mệnh của mình là đảm bảo ẩm thực Hàn Quốc được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Theo đó, Quỹ ẩm thực Hàn Quốc xúc tiến các kế hoạch quảng bá ẩm thực của dân tộc trên phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, quảng bá bằng các ấn phẩm in ấn, tổ chức các hội chợ ẩm thực, triển lãm ẩm thực. Kế hoạch xúc tiến phát triển du lịch ẩm thực thông qua sự hợp tác giữa Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Bộ Nông nghiệp, Lương thực, Lâm nghiệp và Thủy sản  Hàn Quốc được ký kết năm 2013. Trong đó,Bộ Nông nghiệp đảm trách về việc phát hiện và tài nguyên hóa nội dung ẩm thực, Bộ Văn hóa phát triển sản phẩm du lịch sử dụng ẩm thực và xây dựng cơ sở hạ tầng...

Thành quả của việc sử dụng ẩm thực truyền thống làm công cụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc “năng động” ra thế giới có thể thấy khi mà trên thế giới, kể cả nhiều nước có nền ẩm thực nổi tiếng thế giới như Pháp, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc cũng không có được, đó là gọi tên của một món ăn khi đề cập tới tên đất nước, Hàn Quốc - “xứ sở kim chi – kimchi’s country”. Năm 2013, kim chi và văn hóa muối kim chi (kimchang) của Hàn Quốc cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày nay, ẩm thực Hàn Quốc đang tăng cường sự hiện diện của nó khắp thế giới, nhiều món ăn truyền thống của dân tộc Hàn được lựa chọn để phục vụ thực khách. Món cơm trộn nổi tiếng vùng Jeonju Bibimbap được hãng hàng không Air France phục vụ trên các chuyến bay của hãng nhằm tăng sức hấp dẫn với người châu Âu. Doanh số bán kim chi đang tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới do được chỉ định là một loại thực phẩm lành mạnh. Các mặt hàng thực phẩm khác như doenjang (tương vàng) và makgoelli cũng đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới[4].

Kết quả của việc sử dụng ẩm thực truyền thống làm tài nguyên du lịch đúng đắn của Hàn Quốc còn được thể hiện qua các kết quả điều tra hàng năm đều rất tích cực của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp, Lương thực, Lâm nghiệp và Thủy sản. Theo kết quả điều tra về “Bản đồ thương hiệu Hàn Quốc” năm 2008 của Tổng Cục du lịch Hàn Quốc (KTO), hình ảnh về Hàn Quốc được xếp hạng đầu tiên là năng lực kỹ thuật, ẩm thực xếp thứ hai (năm 2007 xếp thứ ba). Còn kết quả điều tra về “Hình ảnh đất nước Hàn Quốc qua con mắt của người nước ngoài” do Viện Thông tin văn hóa hải ngoại” thực hiện năm 2018 đối với 8.000 người tại 16 quốc gia trên thế giới thì Hansik - ẩm thực truyền thống Hàn Quốc cũng là yếu tố được nhắc đến đầu tiên khi nói đến đất nước Hàn Quốc (40%) [5]. Hoạt động trải nghiệm ẩm thực của du khách quốc tế khi tới du lịch tại Hàn Quốc cũng chiếm tỷ lệ cao, lên đến 48.6% [6] , ngay cả với du khách trong nước thì hoạt động trải nghiệm ẩm thực của quê hương cũng gia tăng theo từng năm, năm 2009 là 8.1% đến năm 2012 tăng lên 12.5% [7], năm 2018 là 57% [8]. Điều đó cho thấy chiến lược xúc tiến đưa ẩm thực truyền thống của dân tộc Hàn trở thành tài nguyên phát triển du lịch quan trọng của chính phủ Hàn Quốc cùng với các dự án khôi phục, bảo tồn và phát triển tài nguyên ẩm thực vùng miền – nền tảng của ẩm thực truyền thống Hàn Quốc, nhân tố cơ bản trong phát triển du lịch của các chính quyền tự trị địa phương là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển du lịch bền vững và xu hướng du lịch của du khách trong và ngoài nước. Đó là từ “phải nhìn” sang “phải trải nghiệm” mà ẩm thực là một trong những yếu tố dễ tiếp cận, dễ cảm nhận trong hoạt động trải nghiệm giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, vùng miền.

Về phía các chính quyền tự trị địa phương, căn cứ vào các chính sách của chính phủ và dựa vào đặc thù của địa phương để xây dựng nên những chính sách, chương trình phù hợp nhằm mục đích đưa ẩm thực vùng miền trở thành nguồn tài nguyên phát triển du lịch của địa phương. Chính sách du lịch ẩm thực mà các chính quyền tự trị địa phương thực hiện là khảo sát khám phá và nghiên cứu những đặc trưng tiêu biểu của ẩm thực vùng miền; lựa chọn và hỗ trợ nhà hàng kinh doanh ẩm thực vùng miền tiêu biểu; tổ chức các lễ hội ẩm thực hoặc triển lãm ẩm thực; phát triển và hỗ trợ sản phẩm du lịch ẩm thực của địa phương, phát triển kinh tế khu vực, tăng thu nhập cho người dân.

Sự nỗ lực thúc đẩy đưa ẩm thực truyền thống, ẩm thực vùng miền vào phát triển du lịch quốc gia, du lịch địa phương của các cấp chính quyền Hàn Quốc từ trung ương đến địa phương thông qua các chiến lược, dự án đóng vai trò vô cùng quan trọng vào sự phát triển của du lịchHàn Quốc nói chung và loại hình du lịch ẩm thực nói riêng. Bởi vì, thưởng thức ẩm thực không chỉ là sở thích của hàng triệu người mà nó còn chiếm vị trí quan trọng trong chuyến du lịch, trở thành một trong những lí do chính khi lựa chọn điểm đến của du khách khi tới thăm Hàn Quốc.

 

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo:

[1] WFTA, http://worldfoodtraverl.org/cpages/home

[2] 김장호, 최영민, 전지영(2010),『음식관광』, 대왕사 (Kim Chang-ho, Choi Young-min, Jeon Ji-young, Du lịch ẩm thực, NXB Daewang, Hàn Quốc).

[3] 한국문화관광연구원 (1999) 전통음식관광자원화 (Viện Nghiên cứu du lịch văn hóa Hàn Quốc (1999), Tài nguyên hóa du lịch ẩm thực vùng miền).

[4] Ministry of Culture, Sport and Tourism (2010), Policy direction of food tourim in Korea.

[5] 문홫체육관광부 (2018), “2018년도국가이미지조사결과”(Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2018), “Kết quả điều tra hình ảnh quốc gia năm 2018”, trên trang https://www.mcst.go.kr/kor/s_policy/dept/deptView.jsp?pSeq=1733&pDataCD=0406000000&pType=99 ngày 23/1/2019

[6] 자료: 문화체육관광부, 국민여행실태조사. 각연도(Tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,  Kết quả khảo sát thực trạng du lịch trong nước các năm).

[7]농림축산식품부(2014),향토음식자원을활용한음식관광활성화를위한조사연구(Bộ Nông nghiệp, Lương thực, Lâm nghiệp và Thủy sản, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc, Nghiên cứu điều tra phát triển du lịch ẩm thực sử dụng tài nguyên ẩm thực vùng miền).

[8] 문화체육관광부 (2019), 2018년국민여행실태조사,보고서(분석편) (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khảo sát thực trạng du lịch trong nước năm 2018, Báo cáo (bản phân tích).

 

 


Scroll To Top