PHÁT TRIỂN ĐẶC KHU KINH TẾ Ở TRIỀU TIÊN
Đăng ngày:
Năm 2002 Đảng Lao Động Triều Tiên dưới sự chủ trì của ông Kim Jong-il đã công bố Kế hoạch Cải cách Quản lý Kinh tế mới, theo đó một loạt kế hoạch và chính sách kinh tế được khởi xướng và thực hiện. Từ thời điểm đó nền kinh tế Triều Tiên đã thiết lập một hệ thống giá cả và giảm thiểu cơ chế phân phối lương thực, nhà ở và năng lượng vốn là đặc trưng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kế hoạch hoá tập trung. Cùng với những thay đổi của nền kinh tế, Triều Tiên đã thành lập hàng loạt các khu kinh tế, và mặc dù mỗi khu kinh tế đều có các mục tiêu đặc biệt được chỉ định riêng nhưng một hệ thống quản lý độc lập và đổi mới đã hoặc sẽ được áp dụng cho tất cả các khu kinh tế của Triều Tiên. Quy trình này hoàn toàn khác với nguyên tắc kinh tế xã hội truyền thống của Triêu Tiên vì nó có thể giúp thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn. Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền (2011), Triều Tiên đã liên tiếp thành lập hàng chục Đặc khu kinh tế (SEZ) mới vào các năm 2013, 2014 và 2015. Dù vậy, 4 khu kinh tế được thành lập từ năm 2002 vẫn được coi là các đặc khu ưu tiên quốc gia (Rason, Unjong, Wonsan và Sinuiju) trong khi đó các khu kinh tế mới thành lập khá nhỏ về quy mô và tiềm năng. Các khu kinh tế có thể được coi là nơi thử nghiệm của các dự án cải cách kinh tế của Triều Tiên trong những năm đầu thể kỉ 21, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế và chính trị. Và mặc dù tiến độ và sự phát triển chậm chạp của các dự án này cũng cho thấy những thách thức mà Triều Tiên phải đối mặt, tuy nhiên về mặt lý thuyết ảnh hưởng quốc tế trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế được xem là tích cực do được đảm bảo về sự ổn định bởi luật pháp. 1. Khu kinh tế quốc tế Sinuiju Sinuiju lần đầu tiên được dán nhãn là “Đặc khu hành chính” vào năm 2002 nhưng nhanh chóng thất bại sau khi người đứng đầu dự án, một doanh nhân người Hà Lan gốc Hoa bị bỏ tù tại Trung Quốc. Sau đó, nó được đổi tên thành Khu Kinh tế Quốc tế Sinuiju vào năm 2013 cho thấy nỗ lực thứ hai của Triều Tiên để phát triển khu vực này. Khu vực này tập trung vào phía nam Sinuiju và lân cận quận Ryongchon - nơi Trung Quốc đã xây dựng một cây cầu bắc qua sông Áp Lục (Amnok). Mặc dù cây cầu về cơ bản đã hoàn thành vào cuối năm 2014, tuy nhiên cho đến nay Triều Tiên vẫn chưa xây dựng bất kỳ cơ sở hạ tầng hành chính hoặc giao thông nào để hỗ trợ giao thông xuyên biên giới. Triều Tiên cũng đã không hoàn thành việc cải tạo đường từ Sinuiju đến Anju dù rằng điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hàng hóa qua tỉnh Bắc Pyongan dọc theo huyết mạch thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên. Nếu như quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc diễn biến theo hướng tích cực, Sinuiju có thể thu hút các khoản đầu tư vừa và nhỏ, tất nhiên là với điều kiện các nhà hoạch định chính sách của Triều Tiên có thể xây dựng một môi trường kinh tế được coi là an toàn và ổn định cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên tại thời điểm này, ngoài lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc dường như thích nhập khẩu lao động giá rẻ hoặc đặt các đơn hàng nhỏ từ các công ty Triều Tiên hơn là xuất khẩu vốn của họ sang Triều Tiên[1]. 2. Khu du lịch quốc tế núi Kumgang - Wonsan Khu du lịch quốc tế Kumgang - Wonsan nằm ở phía đông nam của Triều Tiên, được thành lập vào năm 2014 và là dự án SEZ duy nhất được ông Kim Jong Un công khai thăm viếng[2]. Do đó không ngạc nhiên khi đây cũng là nơi nhận được sự chỉ đạo của nhà nước nhiều nhất, hơn bất kỳ SEZ nào trước đây. Không giống các SEZ khác thường nằm trên những khu vực địa lý rời rạc, biệt lập, dự án này bao gồm các điểm đến văn hóa, du lịch và giải trí nằm rải rác khắp tỉnh Kangwon. Khu vực này bao gồm Khu du lịch núi Kumgang trước đây (hoạt động từ năm 1998-2008), phục vụ chủ yếu là du khách Hàn Quốc[3]. Thay vì soạn thảo các luật cho Khu du lịch quốc tế mới, các quan chức Triều Tiên được cho là chỉ mở rộng và cập nhật các quy định hiện có, nhìn chung thuế suất, ưu đãi và quy định phần lớn vẫn giống như trước đây[4]. Tại Wonsan, các dự án lớn như sân bay dân dụng mới và Khu trượt tuyết Masikryong đã được công bố rộng rãi, góp phần tạo nên sức hấp dẫn du lịch của khu vực. Một số hoạt động ít được biết đến cũng đang được tiến hành bao gồm nâng cấp hệ thống nước thải, tân trang lại các khách sạn và phát triển khu vực bãi biển (hiện vẫn được sử dụng cho các cuộc tập trận pháo binh). 3. Khu Phát triển Công nghệ Cao Unjong Khu Phát triển Công nghệ Cao Unjong được chỉ định thành lập vào tháng 7 năm 2014, nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng, giáp với thành phố Phyongsong. Khu vực này được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Học viện Khoa học Nhà nước (SAS), chứ không phải Bộ Kinh tế Đối ngoại - cơ quan giám sát hầu hết các SEZ khác. Liên kết với SAS được coi là một lợi thế, tuy nhiên bất lợi là các nhà quản lý đến từ cộng đồng khoa học và nghiên cứu nói chung không được đào tạo về quản lý hoặc xúc tiến đầu tư. Các quan chức tại khu vực nhấn mạnh mục tiêu “nghiên cứu, phát triển, sản xuất và xuất khẩu” là “ưu tiên quốc gia” và thông qua việc này để thúc đẩy các phương pháp tiếp cận sáng tạo[5]. Tuy nhiên tính đến mùa hè năm 2015 họ không có được khoản đầu tư đáng kể nào. Do đó, đầu tư trong nước là lựa chọn khả dĩ nhất để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trong bối cảnh Triều Tiên đang phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên định nghĩa “công nghệ cao” của SAS dường như đủ rộng để hướng tới nhiều loại sản phẩm không bị trừng phạt, chẳng hạn như một số mặt hàng gia dụng hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe. 4. Khu kinh tế và thương mại Rason Đặc khu kinh tế và thương mại Rason - đặc khu kinh tế lâu đời nhất của Triều Tiên đã có khoảng thời gian tương đối yên tĩnh so với giai đoạn 2010-2013[6]. Trong thời gian đó, hai dự án xây dựng lớn được tiến hành: 1) dự án giao thông đường bộ của Trung Quốc để nối Rason với thành phố Hunchun của Trung Quốc; và 2) dự án của Nga nhằm tân trang lại cảng Rajin và kết nối nó với mạng lưới đường sắt của Nga. Hiện tại, dự án hợp tác quan trọng nhất của Triều Tiên-Trung Quốc ở Rason là cải tạo cầu Quanhe-Wonjong nối Rason với Hunchun. Hiện nay một số quyền tự chủ của đặc khu đã bị đã bị cắt giảm so với giai đoạn 2010 và 2011. Ví dụ các thủ tục đăng ký di chuyển ở biên giới đã được thắt chặt, các yếu tố đầu vào cơ bản phục vụ kinh doanh trở nên khan hiếm hơn, Rason cũng áp dụng quy định hạn chế bán nhiên liệu cho các phương tiện đăng ký nước ngoài và cung cấp ít điện hơn cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Các khoản thanh toán không chính thức để thực hiện các hoạt động kinh doanh thông thường cũng tăng lên, làm tăng thêm chi phí giao dịch ở Rason. Hơn nữa, giấy phép kinh doanh mới (hoặc giấy phép cho các doanh nghiệp hiện tại chuyển sang các sản phẩm hoặc lĩnh vực mới) cũng trở nên khó khăn hơn. Tóm lại, mặc dù Triều Tiên có thể đang thúc đẩy các đặc khu kinh tế như một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của mình nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được thành công ở các đặc khu này. Rõ ràng, sự căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã mang lại những thách thức nghiêm trọng về tài chính và uy tín đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nó cũng không phải là trở ngại duy nhất dẫn đến thành công của các đặc khu, thông tin liên lạc không nhất quán và không đáng tin cậy về kế hoạch đối với các đặc khu, cùng với sự thiếu quy hoạch chiến lược để thu hút đầu tư trong nước (và cả quốc tế) đang phản ánh những hạn chế về năng lực hoạch định chính sách kinh tế của Triều Tiên. Bùi Đông Hưng Trung tâm Hàn Quốc, Triều Tiên - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tài liệu tham khảo [1] “N. Korea hails labor force to woo Chinese firms,” Yonhap, October 20, 2014, http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2014/10/20/93/0401000000AEN20141020006100315F.html. [2] “Wonsan Kalma Airport imagery (UPDATED),” North Korean Economy Watch, August 17, 2015, http://www.nkeconwatch.com/2015/08/17/construction-of-new-wonsan-airport-continued-through-winter/. [3] The resort was closed in 2008 after the shooting of a South Korean tourist by a North Korean soldier. Blaine Harden, “S. Korean Tourist Is Shot Dead in North,” Washington Post, July 12, 2008, [4] Luật được ban hành vào năm 2002 để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và du lịch của Hàn Quốc. [5] “High-Tech Development Zones: The Core of Building a Powerful Knowledge Economy Nation,” IFES Brief, May 20, 2014, http://ifes.kyungnam.ac.kr/eng/FRM/FRM_0101V.aspx?code=FRM140605_0001. [6] “Rason,” comprised of the two towns of Rajin and Sonbong, as well as their hinterlands, has been some form of economic zone since 1991.