Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT TRONG 30 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO HÀN QUỐC – TRUNG QUỐC

Đăng ngày:

Ngày 24 tháng 8 năm 1992, Hàn Quốc và Trung Quốc đã vượt qua những giới hạn lịch sử và ra tuyên bố chung, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuyên bố chung nêu rõ Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác lâu dài dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, chung sống hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong 30 năm qua, quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc về cơ bản tuân theo các nguyên tắc nêu trên và đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, giao lưu nhân dân và văn hóa.

1. Quan hệ chính trị - ngoại giao

Ngay từ cuối những năm 1980, Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, ông nhấn mạnh Trung Quốc và Hàn Quốc cần phát triển quan hệ song phương bởi những lợi ích về kinh tế. Bước sang năm 1992, Hàn Quốc vàTrung Quốc đã chính thức ký bản Tuyên bố chung bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 cho đến nay, tất cả các tổng thống của Hàn Quốc đều đã tới thăm Trung Quốc. Mặt khác, các chuyến thăm Hàn Quốc của các Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc kể từ năm 1992 đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương bền chặt. Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, gặp gỡ trong các sự kiện đa phương quốc tế, đã nâng cao hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Tại các cuộc hội nghị quốc tế và khu vực, lãnh đạo hai nước thường xuyên tham khảo ý kiến của nhau về các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Và mối quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước cũng đã liên tục được nâng cấp theo lộ trình 5 năm, từ “quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị tốt đẹp” vào năm 1992 đến “quan hệ đối tác của thế kỷ XXI” dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung (1998), “quan hệ đối tác hợp tác toàn diện” trong thời kỳ cầm quyền của  Tổng thống Roh Moo-hyun (2003) và “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” được công bố ngay trong lần đầu tiên Tổng thống Lee Myung Bak đến Bắc Kinh (2008). Tháng 7/2014, hai nước đã ra Tuyên bố chung nhằm không ngừng làm phong phú hơn nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Sau khi bà Park Geun-hye trở thành Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 2/2013, quan hệ chính trị và ngoại giao giữa hai nước được đánh giá đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử. Một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc đang chuyển từ “lạnh về chính trị và nóng về kinh tế” sang “nóng về chính trị và nóng về kinh tế” [4, tr. 59]. Cũng giống như chính quyền bà Park, sau khi ông Moon Jae-in lên cầm quyền, Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mình, hướng tới xây dựng mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc, đánh giá cao mối quan hệ với Trung Quốc vì lợi ích quốc gia, vì vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và vì lợi ích về kinh tế.

Đặc biệt, kể từ cuối năm 2019 khi thế giới chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19 thì Trung Quốc và Hàn Quốc đã thực hiện tương đối tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch. Hai nước không chỉ áp dụng những biện pháp hiệu quả đối với nước mình mà trong đại dịch lần này, quan hệ Trung – Hàn đã có những biến chuyển mới, những cải thiện đáng kể về chính trị ngoại giao. Kể từ khi đại dịch bùng phát, chính phủ Hàn Quốc vàTrung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chống đại dịch của nhau, cùng xây dựng và tìm ra các chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đồng thời đánh giá cao những thành tựu chống dịch của mỗi bên, tích cực hỗ trợ, cung cấp cho nước kia những trang thiết bị y tế cần thiết vào thời điểm quan trọng. Do dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát ở cả Hàn Quốc vàTrung Quốc, chính phủ hai nước đã không ngừng tăng cường hợp tác song phương trong công tác phòng chống dịch. Ngày 13 tháng 3 năm 2020, cơ chế chung Hàn - Trung về COVID-19 chính thức được thành lập, do hai Bộ Ngoại giao chủ trì với sự tham gia của các cơ quan y tế, giáo dục, hải quan, xuất nhập cảnh, hàng không dân dụng và các ban ngành khác. Từ ngày 1 tháng 5 năm 2020, thỏa thuận “con đường nhanh” giữa Hàn Quốc và Trung Quốc áp dụng cho 10 tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã cho phép du khách Hàn Quốc và Trung Quốc nộp đơn xin thị thực dễ dàng hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nhân sự trong các lĩnh vực kinh doanh, hậu cần, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật quan trọng, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời ổn định hợp tác kinh tế song phương. Song song với sự giúp đỡ, đoàn kết của hai nước trong phòng chống dịch bệnh, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã phát đi những tín hiệu tích cực thông qua các cuộc điện đàm và trao đổi thư tay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 26 tháng 1 năm 2021 đã chỉ ra rằng “kể từ năm 2020, đại dịch COVID-19 cùng với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ qua đã khiến tình hình khu vực và thế giới có những thay đổi sâu sắc. Trung Quốc và Hàn Quốc cùng nỗ lực thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đạt được kết quả tốt đẹp, phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược hai nước. Năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, quan hệ hai nước đang đứng trước những cơ hội phát triển sâu sắc hơn…hy vọng rằng hai bên sẽ tận dụng tốt cương lĩnh của Ủy ban Phát triển tương lai quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc, đánh giá và tổng kết kết quả phát triển 30 năm quan hệ song phương, kế hoạch phát triển trong tương lai, nâng cao tình hữu nghị nhân dân, và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung - Hàn lên một tầm cao mới” [5]. Bên cạnh những cuộc điện đàm trao đổi, những chuyến thăm lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước thì Hàn Quốc và Trung Quốc cũng thường xuyên có những cuộc trao đổi, gặp gỡ của các cấp lãnh đạo khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển quan hệ hai nước và làm sâu sắc hơn hợp tác khu vực. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước đã có cuộc họp trực tuyến đầu tiên sau khi ông Park Jin nhậm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vào ngày 16 tháng 5. Trong cuộc họp này, hai Bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, với tầm nhìn xây dựng một “quốc gia nòng cốt toàn cầu góp phần vào tự do, hòa bình và thịnh vượng”, chính phủ Hàn Quốc sẽ tìm cách thực hiện chính sách ngoại giao dựa trên giá trị và lợi ích chung, và hy vọng sẽ phát triển quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc lành mạnh, trưởng thành, hướng tới tương lai dựa trên tinh thần tôn trọng và hợp tác lẫn nhau, khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay [2].

2. Quan hệ thương mại - đầu tư

Trong 30 năm qua, mối quan hệ Hàn - Trung đã có những tiến triển đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Với hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau, Hàn Quốc và Trung Quốc đều có khả năng theo đuổi một sự tăng trưởng kinh tế đôi bên cùng có lợi. Trong một thời gian dài sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn hầu hết mọi mối quan hệ thương mại giữa một cặp quốc gia. Nếukim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Trung Quốc năm 1992 là 6,4 tỷ USD thì vào thời điểm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao (năm 2017), thương mại song phương đã lên tới 240 tỷ USD, tăng lên khoảng 40 lần [1] và lên mức 360 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng 56 lần [6]. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất, nguồn nhập khẩu lớn nhất, mục tiêu đầu tư nước ngoài lớn nhất và là nước xuất siêu lớn nhất của Hàn Quốc. Mặc dù có sự gia tăng tương đối khiêm tốn trong thương mại với Hàn Quốc từ phía Trung Quốc, Hàn Quốc đã nổi lên vào năm 2013 với tư cách là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc. Năm 2020, Hàn Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba vào Trung Quốc sau Nhật Bản và Đài Loan [3].Trong lĩnh vực đầu tư song phương, Trung Quốc cũng là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai của Hàn Quốc, chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc…Đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã tăng từ 230 triệu USD năm 1992 lên 4,69 tỷ USD năm 2020, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Hàn Quốc đã tăng từ 1,05 triệu USD năm 1992 lên hơn 2 tỷ USD năm 2020 [6].

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế hai nước, thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Trung Quốc nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 131,56 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2019 (Bộ Thương mại Trung Quốc, 2020). Tuy nhiên, sau khi hai nước thiết lập “con đường nhanh”, các trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai bên đã được nối lại và khởi sắc hơn. Việc Hàn Quốc và Trung Quốc chính thức tham gia vào “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) vào tháng 11/2020 và tổ chức thành công vòng đàm phán giai đoạn hai của Hiệp định thương mại tự do Hàn - Trung vào tháng 2/2021 đã nâng cao mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư song phương, thúc đẩy hội nhập Đông Á, đóng vai trò tích cực trong chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàn Quốc đặt mục tiêu tiến sâu vào thị trường công nghệ cao của Trung Quốc như thị trường IoT và trí tuệ nhân tạo, trong khi Trung Quốc mở rộng khu thí điểm thương mại tự do, tạo thêm không gian cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Phải nói rằng, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng để hợp tác hơn nữa. Một khi hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác trong toàn bộ chuỗi công nghiệp, họ sẽ có những lợi ích chung lớn hơn và sẽ có được vị thế vững chắc hơn để đối phó với những bất ổn và thách thức. Hàn Quốc luôn có sự tương tác qua lại với nhau, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.

Có thể nói, quan hệ kinh tế, thương mại phát triển mạnh mẽ và hợp tác không ngừng đi vào chiều sâu trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc và cùng mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

3. Quan hệ văn hóa - xã hội

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc năm 1992, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và xã hội giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả tốt đẹp nhờ nền tảng lịch sử sâu sắc và sự đồng lòng của Chính phủ và nhân dân hai nước đã trở thành điểm nhấn không thể thiếu và là một bộ phận quan trọng trong quan hệ hai nước. Cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều nằm trong vùng văn hóa Nho giáo, có nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng. Ngoài Đài Loan, Hồng Kông và những người Trung Quốc ở nước ngoài thì Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước duy nhất sử dụng chữ Hán. Tuy nhiên, với người Hàn Quốc, bên cạnh việc sử dụng chữ Hán, họ cũng bị ảnh hưởng bởi Khổng giáo, văn học cổ đại và y học Trung Quốc, tuy người Hàn Quốc đã phát triển những giá trị đó xa hơn theo cách riêng của họ. Ngược lại, “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc” (Hallyu) được người Trung Quốc rất ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Hàn Quốc và Trung Quốc có hơn 700.000 người dân cư trú tại đất nước của nhau, và sự trao đổi nhân sự hàng năm đã vượt quá 7 triệu người. Số lượng trao đổi nhân sự giữa hai nước đã tăng từ 130.000 lượt người năm 1992 lên 10,37 triệu lượt người vào năm 2019, tăng gần 80 lần. Hàn Quốc và Trung Quốc đã thành lập 194 cặp tỉnh và thành phố kết nghĩa, và Hàn Quốc đã mở 23 Viện Khổng Tử và 5 Phòng học Khổng Tử.Về giáo dục đào tạo, hơn 100.000 sinh viên quốc tế từ hai quốc gia đang học tập tại các quốc gia của nhau, đứng đầu về số lượng sinh viên nước ngoài tại đất nước của nhau [6]. Sự phát triển nhanh chóng của trao đổi nhân sự vàgiao lưu văn hóa giữa Hàn Quốc và Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn làm cho tình hữu nghị Hàn Quốc - Trung Quốc thực sự bén rễ trong lòng nhân dân.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo hai nước đều coi trọng việc thúc đẩy giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa. Chính bởi vậy, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và tháng 6/2013 của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Hàn Quốc - Trung Quốc vì tương lai” và “Kế hoạch hành động để tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Hàn - Trung”. Đồng thời lãnh đạo hai nước đã đạt được sự nhất trí quan trọng về việc thành lập và điều hành Ủy ban hỗn hợp Hàn Quốc - Trung Quốc về giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, nhất trí mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước trong lĩnh vực giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa theo cơ chế của ủy ban này, qua đó hai nước làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của giao lưu nhân dân và văn hóa giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.Để chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, năm 2022 được xác định là năm giao lưu văn hóa Hàn – Trung. Nền tảng văn hóa của hai nước có sự tương đồng lớn hơn sự khác biệt so với các nước khác, có điều kiện tốt để gần gũi nhau. Việc hiểu văn hóa của nhau và cùng nhau chia sẻ sẽ không chỉ củng cố giá trị văn hóa của đất nước mình mà còn nâng cao tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước.

Điểm lại và tổng kết lịch sử phát triển của Hàn Quốc và Trung Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, quan hệ hai nước đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, thương mại – đầu tư và văn hóa – xã hội. Tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp, trong đó an ninh khu vực Đông Bắc Á đang có những biến động mới. Hàn Quốc và Trung Quốc là láng giềng và đối tác hợp tác quan trọng của nhau, việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị là phù hợp với tình hình hiện nay và vì lợi ích cơ bản của hai nước, góp phần đưa mối quan hệ Hàn - Trungphát triển ổn định và lâu dài.

Phan Thị Diễm Huyền

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo:

1. EunSook Yang (2020), The two Koreas’relations with China: Vision and Challenge, Revista UNISCI / UNISCI Journal, Nº 52 (January/Enero 2020).

2. Ministry of Foreign Affairs (2022), Outcome of Korea-China Foreign Ministers’ Virtual Meeting, https://www.mofa.go.kr/eng/brd/m_5674/view.do?seq=320721

3. Simon Lester (2021), Guest Post: 30 Years of Diplomatic Relations Between Korea and China: Changes in Trade Structure and Its Implication, https://www.chinatrademonitor.com/guest-post-30-years-of-diplomatic-relations-between-korea-and-china-changes-in-trade-structure-and-its-implication/

4. 王俊生 (2016), 中朝特殊关系的逻辑:复杂战略平衡的产物, 东北亚政治与外交, 2016年第 1期总第 123期 [Vương Tuấn Sinh (2016), Logic của “mối quan hệ đặc biệt” Trung – Triều: sản phẩm của sự cân bằng chiến lược phức tạp, Tạp chí chính trị và ngoại giao Đông Bắc Á, số 1/2016].

5. 李成日 (2022), 中韩邦交正常化30年回顾与展望 [Lý Thành Nhật (2022), Nhìn lại 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung – Hàn và triển vọng], http://m.aisixiang.com/data/134579.html

6. 人民网-人民日报 (2021),习近平同韩国总统文在寅通电话 [Nhật báo nhân dân (2021), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in], http://cpc.people.com.cn/n1/2021/0127/c64094-32013116.html

 

 


Scroll To Top