Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Ở TRIỀU TIÊN

Đăng ngày:

Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu từ những năm 2000, làm thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh đời sống kinh tế- xã hội trên phạm vi toàn cầu. Hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp này chính là tích hợp của số hóa, kết nối và xử lý dữ liệu thông minh, là sự hợp nhất không có ranh giới giữa các hệ thống ảo và thực thể vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS). Khi nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số,không thể không đề cập đến kinh tế số, nền kinh tế dựa trên công nghệ tính toán số. Nền kinh tế này dựa trên ba nhân tố chính là hạ tầng kinh doanh điện tử, kinh doanh điện tử và thương mại điện tử. Thương mại điện tử hiện đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm nhờ những đóng góp to lớn của nó vào việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Từ khi Internet ra đời, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nhận ra lợi ích của việc sử dụng nó để quảng bá thông tin, hỗ trợ việc thực hiện giao dịch thông qua mạng Internet và họ đã triệt để khai thác thế mạnh của Internet vào kinh doanh cũng như đẩy nhanh tốc độ phát triển của hình thức thương mại mới này. Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020” do Bộ Công thương ban hành, doanh thu thương mại điện tử B2C trên toàn cầu tăng lên 14.9% từ 1.948 tỷ USD vào năm 2019 lên đến 2.238 tỷ USD vào năm 2020. Con số này cũng dự kiến sẽ đạt mức 2.883 tỷ USD vào năm 2023.

Là một quốc gia cô lập và tách biệt với thế giới bên ngoài và có số người dùng Internet chỉ chiếm 0,1% tổng dân số [2], Triều Tiên cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Từ năm 2000, Triều Tiên đã đưa ra mạng nội bộ của riêng mình có tên là ‘Mạng lưới Gwangmyeong’. Tuy nhiên, không giống như các trang web thông thường bắt đầu bằng bằng ‘www.’ và kết thúc bằng '.com', trang web trên mạng nội bộ của Triều Tiên có dạng của một địa chỉ IP và bắt đầu bằng '10.'[2]. Mạng này cho phép người dân lướt web, mua hàng trực tuyến và sử dụng các ứng dụng.

Đồng thời, theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu viễn thông BuddeCom và ngân hàng phát triển Hàn Quốc, tỷ lệ sử dụng mạng di động ở Triều Tiên tính đến năm 2018 đạt 17% đến 20% [2]. Trong đó, điện thoại di động cũng chia làm 2 loại là loại sử dụng trong nước và loại gọi được ra nước ngoài. Điện thoại di động thông thường không thể thực hiện các cuộc gọi quốc tế và sử dụng mạng internet nội bộ.

Nhờ sự phát triển của điện thoại di động và mạng internet nội bộ ở Triều Tiên, thương mại điện tử ở nước này cũng có những dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận. Trước hết, trang web mua sắm trực tuyến đầu tiên “Okryu” đã được Hãng thông tấntrung ươngTriều Tiên(tên tiếng viết tắt là KCNA) giới thiệu vào tháng 4/2015 [1]. Okryu được điều hành bởi một cơ quan hành chính trung ương là Tổng cục Dịch vụ công. Theo đó, người tiêu dùng có thể đặt mua nhiều mặt hàng khác nhau trên trang web này như như túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm điện tử và dược phẩm. Ngoài ra, họ còn có thể đặt món mỳ lạnh của nhà hàng Okryukwan nổi tiếng do trang web Okryu cũng được sử dụng như một ứng dụng giao thức ăn [1]. Bên cạnh phiên bản dành cho máy tính, trang web này còn  có một ứng dụng có thể truy cập thông qua điện thoại di động. Đồng thời, 22 trung tâm mua sắm trực tuyến đã được triển khai ở nước này.

Sau khi trung tâm mua sắm trực tuyến Okryu khai trương, nhiều trang bán hàng trực tuyến khác như Naenara và Unpasan đã liên tiếp xuất hiện ở Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Triều Tiên còn có những trang mua sắm có thể truy cập từ nước ngoài như Manmulsang. Địa chỉ của trang này thường kết thúc bằng .kp. Đây được coi là phiên bản Amazon củaTriều Tiên và được khai trương vào tháng 10/2015. Các nhà sản xuất, trung tâm thương mại và cửa hàng nhỏ của Triều Tiên đều có thể đăng tải sản phẩm của họ lên trang web để bán, tương tự các nhà khai thác thị trường mở của Hàn Quốc như 11th Street (Phố 11) và Gmarket. Kể từ tháng 4 năm 2021, trang web này đưa ra 249 mặt hàng nằm trong năm danh mục là mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm đặc biệt và hàng thủ công [2]. Ngoài thông tin sản phẩm, trang này còn cung cấp thông tin công ty cung cấp như công ty bán nhân sâm, công ty bán nước đóng chai và công ty thủ công. Tuy nhiên, việc thiếu nút mua trên trang do giá cả và thông tin vận chuyển không được tiết lộ khiến cho chúng ta không rõ liệu các giao dịch thực tế có diễn ra hay không. Sau đây là 10 nền tảng thương mại điện tử chủ yếu của Triều Tiên.

STT

Tên trang web

Mặt hàng cung cấp

1

Okryu

Túi, đồ điện tử, thực phẩm v.v...

2

Manmulsang

Mỹ phẩm, thực phẩm, đồ thủ công v.v...

3

Thực phẩm Ryugyong Bình Nhưỡng

Kim chi, rượu truyền thống v.v...

4

Bách hóa điện tử Naenara

Phần mềm, ti vi v.v...

5

Hàng không Goryo

Vé máy bay

6

Công ty du lịch Chosun

Sản phẩm du lịch

7

Cửa hàng điện tử Silly

Sản phẩm điện tử, thực phẩm tốt cho sức khỏe v.v...

8

Mạng lưới thương mại điện tử quốc tế Triều Tiên-Trung Quốc-Nga

Nhân sâm, mỹ phẩm, kim chi, đồ uống có cồn, đồ thủ công v.v...

9

Namsan

Dịch vụ giáo dục trực tuyến

10

Bưu điện Joseon

Tem, giấy viết thư

Nguồn: Tổng hợp thông tin chung trên trang web của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Trong số các trang thương mại điện tử này, một trang đáng chú ý là mạng lưới thương mại điện tử quốc tế Triều Tiên-Trung Quốc-Nga. Đây là một nền tảng thương mại điện tử được thành lập dưới hình thức liên doanh giữa Triều Tiên với công ty khoa học và công nghệ mạng quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích của việc thành lập trang web là kết nối thương mại điện tử giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga cũng như bán các sản phẩm của Triều Tiên ra thị trường toàn cầu. Ngoài ra, trang web này còn dùng để bán các sản phẩm từ các quốc gia khác cho thị trường Triều Tiên. Trang này chứa thông tin về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh và triển lãm được tổ chức tại Triều Tiên. Khi người tiêu dùng muốn mua một sản phẩm, chỉ cần yêu cầu đại lý thông qua mã QR và việc thanh toán cũng được thực hiện thông qua đại lý. Trang web này có kho hậu cần tại cửa khẩu thành phố Hunchun, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, do đó hàng hóa sẽ được vận chuyển từ Triều Tiên đến nhà kho này.

Chìa khóa để phát triển thương mại trực tuyến ở Triều Tiên là dịch vụ giao hàng độc đáo. Các doanh nghiệp giao hàng đã bùng nổ kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền cuối năm 2011. Đây là kết quả của sự kết hợp tuyệt vời giữa các mạng truyền thông di động và phương tiện hậu cần độc đáo mang tên “xe dịch vụ”[1]. Các loại xe tải, xe van cỡ nhỏ hay taxi được sử dụng như các phương tiện giao hàng tư nhân kết nối người bán với người tiêu dùng. Các nhà khai thác “xe dịch vụ” phải trả phí đăng ký và một phần doanh thu hàng tháng cho Nhà nước. Chúngcó thể giao hàng liên tỉnh trong Triều Tiên thông qua xe dịch vụ nhưng do sự gia tăng của giá dầu thô, tình trạng chen lấn, nạn hối lộ để qua các trạm kiểm soát đã khiến cho dịch vụ này bị đình trệ.

Ngoài hình thức thanh toán tiền mặt, một phương thức khá phổ biến để mua sắm trong thương mại điện tử chính là thanh toán số. Vào tháng 10 năm 2020, Ngân hàng Trung ương Triều Tiên và Cục Công nghệ Thông tin Bình Nhưỡng thông báo rằng, họ đang phát triển và giới thiệu một hệ thống thanh toán số có tên là Woollim 1.0. Theo đó, người tiêu dùng có thể thực hiện thanh toán tại trung tâm mua sắm bằng cách nạp trước khoản phí vào thẻ ‘Jeonseong’ doNgân hàng Trung ương phát hành hoặc sử dụng thẻ trả trước gọi là 'Wing' để thanh toán.Bên cạnh đó, theo tạp chí Chollima của Triều Tiên, vào tháng 10 năm 2019, Triều Tiên đã giới thiệu và khuyến khích  người dân sử dụng mã QR để mua hàng hoặc hỏi hạn sử dụng của sản phẩm [2].

Mặc dù thương mại điện tử đã phát triển đáng kể ở Triều Tiên trong nhiều năm qua nhưng nó vẫn tồn tại một số hạn chế. Thứ nhất, dịch vụ mua sắm trực tuyến mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn, hiếm khi vận hành được trên toàn quốc. Thứ hai, người dân phải gửi một số tiền khá lớn vào ngân hàng để có thể đặt mua sản phẩm trực tuyến.
Tuy nhiên, chính quyền nước này dự kiến sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển thương mại điện tử bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng trong nước và thúc đẩy hơn nữa hoạt động của các trang web thương mại điện tử bên ngoài dưới sự định hướng và lãnh đạo của nhà nước.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc-Triều Tiên tổng thuật

Theo nguồn

1) Phóng viên KBS, Thương mại điện tử ở Hàn Quốc (KBS기자, 북한의전자상거래)

KBS:https://world.kbs.co.kr/special/northkorea/contents/news/closeup_view.htm?No=384137&lang=k

2) Cơ quan xúc tiến và đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Thương mại điện tử ở Triều Tiên (KOTRA, 북한의전자상거래). KOTRA:https://dream.kotra.or.kr/kotranews/cms/news/actionKotraBoardDetail.do?SITE_NO=3&MENU_ID=520&CONTENTS_NO=1&bbsGbn=247&bbsSn=247&pNttSn=188190

3) Jo Hyun, Trang thương mại điện tử Okryu trở nên phổ biến ở Triều Tiên (‘Okryu’ e-commerce site gaining popularity among North Koreans )

Daily NK: https://www.dailynk.com/english/okryu-e-commerce-site-gaining-popularity-among-north-koreans/

4) Dagyum Ji,Trang thương mại điện tử Triều Tiên hiện nay đưa ra dịch vụ giao hàng toàn quốc ( North Korean e-commerce site now offering nationwide delivery services)

NK News: https://www.nknews.org/2017/12/north-korean-e-commerce-site-now-offering-nationwide-delivery-services/

5) Matthieu Guinebault, Thương mại điện tử: Triều Tiên nhảy vào cuộc (E-commerce: North Korea jumps on board)

Fashion network: https://in.fashionnetwork.com/news/E-commerce-north-korea-jumps-on-board,649882.html


Scroll To Top