Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


VAI TRÒ CỦA DU LỊCH THÔNG MINH Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Du lịch thông minh phát triển dựa trên internet, công nghệ thông tin và truyền thông nên nguồn kinh phí đầu tư vào lĩnh vực này cao, muốn phát triển cần phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu cả về cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng khoa học công nghệ. Du lịch thông minh thu thập, trực quan hóa (visualization), mô hình hóa dữ liệu (modelling), chia sẻ thông tin để tạo nên “giá trị chia sẻ”, gia tăng lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội của các bên liên quan (như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành, cư dân, khách du lịch...), những đối tượng cấu thành nên hệ sinh thái đô thị du lịch và sự sáng tạo giá trị chia sẻ này đạt đến “tính bền vững kinh tế” là yếu tố cần thiết trong đô thị du lịch thông minh[1].

Hàn Quốc là một trong những nước tiên phong sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào ngành du lịch, thúc đẩy du lịch thông minh phát triển và gặt hái được nhiều thành công, trở thành một trong những điểm đến du lịch thông minh trên thế giới. Sự phát triển thành công của du lịch thông minh ở Hàn Quốc mang lại những lợi íchcho nền kinh tế, văn hóa nước này.

Về kinh tế

Năm 2020, lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc công bố nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của du lịch thông minh do Viện Nghiên cứu du lịch thông minh thực hiện dựa trên các dự án và các khoản đầu tư do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc triển khai. Theo kết quả nghiên cứu, du lịch thông minh được coi là lĩnh vực có thu nhập cao, mang lại giá trị gia tăng cao và được chứng minh là có đóng góp quan trọng vào việc tạo ra việc làm và doanh thu thuế... Nghiên cứu phân tích trường hợp, khi cùng đầu tư 15 tỷ won ngân sách du lịch vào du lịch thông thường và du lịch thông minh thì hiệu quả kinh tế mà du lịch thông minh tạo ra là khoảng 885 tỷ won, còn du lịch thông thường là 182,3 tỷ won [2]. Như vậy, có thể thấy du lịch thông minh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 4 lần so với du lịch thông thường. Nếu tính theo từng lĩnh vực thì tổng số 885 tỷ won do du lịch thông minh tạo ra bao gồm hiệu quả sản xuất khoảng 508,8 tỷ won, thu nhập khoảng 114,4 tỷ won, giá trị gia tăng 246,5 tỷ won, thuế gián tiếp 152 tỷ won, tạo ra 3.015 việc làm [3]. Du lịch thông minh còn thu hút một số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin, quản lý vận hành đô thị du lịch thông minh. Bên cạnh đó, du lịch thông minh cũng được cho là một trong những giải pháp có thể giúp phục hồi nền kinh tế ở các vùng kém phát triển và giải quyết hiện tượng tập trung khách du lịch vào những khu vực đô thị. Du lịch thông minh không chỉ có thể sử dụng tối đa tài nguyên du lịch mà còn quản lý các thành phố du lịch, duy trì các điểm thu hút khách du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống và giao tiếp giữa khách du lịch và người dân [4].

Về văn hóa

Các ứng dụng di động phục vụ du lịch thông minh như Daehanminguk Gusuk Gusuk, Visit Korea, Smart Tour Guide… ra đời không chỉ đơn thuần nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch, mà còn thể hiện vai trò vô cùng quan trọng là quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước con người Hàn Quốc qua những hình ảnh, nội dung thông tin du lịch, những câu chuyện văn hóa hay những thước phim truyền hình, những bản nhạc K-pop, thậm chí là qua những lời chia sẻ của du khách sau khi trải nghiệm tại đất nước này. “Smart Tour Guide” là ứng dụng di động hướng dẫn du lịch bằng âm thanh, giới thiệu lịch sử, văn hóa của các điểm du lịch hàng đầu của Hàn Quốc. Ứng dụng  này cung cấp các câu chuyện văn hóa, xã hội của các danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa với trên 5 nghìn câu chuyện liên quan đến di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận bằng 4 ngôn ngữ chính là tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung. Kể từ khi ra mắt tháng 1/2014, số lượt tải tích lũy ứng dụng này tính đến tháng 5/2017 đã vượt quá 2 triệu lượt [5]. Hay ứng dụng “Cung điện trong bàn tay tôi” do Tổng Cục du lịch vận hành phục vụ du khách, là một ứng dụng hướng dẫn các sự kiện, thông tin tham quan về di sản văn hóa, lịch sử của tông miếu Jong Myo, các cung Geongbuk, Changdeok, Deoksu, Changgyeong. Ứng dụng này cho phép người sử dụng có thể lựa chọn các phương thức tham quan đa dạng nên nó có thể tiếp nhận thông tin và giải thích phù hợp với sở thích của khách tham quan. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn nắm bắt được vị trí của người sử dụng ứng dụng để hỗ trợ thông tin về các di sản văn hóa ở xung quanh và cung cấp chức năng xem hình ảnh động (video) có liên quan đến di sản văn hóa.Để giúp du khách tìm hiểu thêm những di tích văn hóa truyền thống của Hàn Quốc đã bị phá hủy ở xung quanh các cung điện, ứng dụng này còn sử dụng dịch vụ thực tế tăng cường (Augmented Reality (AR)) để tái hiện lại các tòa nhà không còn tồn tại hoặc đã bị phá hủy bằng công nghệ 3D, đồng thời sử dụng măt tiền phương tiện (Media facade) để bổ sung thêm các nội dung mới cho di sản văn hóa nhằm làm cho nó thú vị hơn. Đồng thời, chính  phủ Hàn Quốc cũng cung cấp SNS để người sử dụng ứng dụng có thể chia sẻ về các trải nghiệm sau khi tham quan di sản văn hóa.

Hơn nữa, theo một nghiên cứu về du lịch thông minh (2016), có thể thấy các dịch vụ được cung cấp bởi hơn 30 ứng dụng du lịch của chính quyền địa phương chủ yếu là các điểm du lịch, di sảnvăn hóa, lễ hội, bảo tàng, phòng triển lãm, ẩm thực, mua sắm và vận chuyển[6], cho thấy các ứng dụng này cũng đang đóng vai trò là kênh giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, di sản văn hóa Hàn Quốc khá hiệu quả. Đặc biệt, khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hàn lưu) xuất hiện, trở thành một hiện tượng văn hóa mang tính toàn cầu, Hàn Quốc đã nhanh chóng sử dụng hiện tượng văn hóa này làm công cụ tiếp thị, quảng bá du lịch. Kết quả là Hàn lưu không những đóng vai trò trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh quốc gia mà còn là động cơ quyết định đến thăm Hàn Quốc của du khách nước ngoài[7]. Việc sử dụng Hàn lưu làm công cụ quảng bá, tiếp thị du lịch qua các nền tảng công nghệ thông minh như SNS, internet, ứng dụng di động đã cho thấy hiệu quả đó là sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa của Hàn Quốc, sự yêu mến của du khách nước ngoài đối với văn hóa Hàn Quốc hay sự tiêu thụ của các sản phẩm văn hóa Hàn lưu như âm nhạc (Kpop), điện ảnh, âm nhạc, thời trang, ẩm thực... Như vậy, có thể nói rằng, văn hóa và du lịch thông minh cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động tương hỗ lẫn nhau giống như văn hóa và du lịch nói chung. Văn hóa là tài nguyên để du lịch thông minh sử dụng làm công cụ quảng bá, tiếp thị, ngược lại thông qua các ứng dụng di động du lịch thông minh văn hóa cũng được “đi xa, bay xa” hơn, phạm vi lan tỏa rộng hơn, tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Du lịch thông minh cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa văn hóa Hàn Quốc vượt biên giới quốc gia đến với thế giới trong thời gian qua.

Tuy nhiên, vẫn còn cómột số hạn chế làm giảm thiểu vai trò của du lịch thông minh đối với kinh tế, văn hóa ở Hàn Quốc.Thứ nhất, chính phủ Hàn Quốc và các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực du lịch sẵn sàng đầu tư vào các dự án du lịch thông minh ở các thành phố lớn, sản xuất hệ thống các phần mềm, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành du lịch khá đầy đủ và hệ thống,nhưng tại các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa lại chưa được chú trọng đầu tư, thậm chí các khu vực này là những nơi giàu có về tài nguyên du lịch có thể thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài. Thứ hai, hiện tại, nền tảng du lịch thông minh đang cung cấp một số thông tin thông qua bảng điều khiển như số lượt thăm quan từng khu vực, các tuyến đường di chuyển của du khách qua truy cập wifi công cộng, công nghệ định vị Beacon, nhưng cho đến nay, lượng thông tin thu thập được còn hạn chế nên lượng thông tin cung cấp cũng chưa nhiều. Do vậy, để du lịch thông minh phát triển hơn nữa, gia tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, chính phủ Hàn Quốc, các bên liên quan cần có những giải pháp phù hợp, tháo gỡ những mặt tồn tại, hạn chế mà ngành du lịch thông minh đang gặp phải.

Phan Thị Oanh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo:

[1] 이현애,구철모, 정남호 (2020), 스마트관광의경제적파급효과: 산업연관모델을활용하여, 한국호텔관광학회, 호텔관광연구 2020 제22권제2호 (통권83호) pp.1-12 (Lee Hyun-ae, Koo Chul-mo, Chung Nam-ho, “Tác động kinh tế của du lịch thông minh: Phân tích sử dụng mô hình đầu vào-đầu ra”, Hiệp hội du lịch khách sạn Hàn Quốc, Nghiên cứu du lịch khách sạn, số 2 quyển 2 năm 2020).

[2] 공감언론뉴시스통신사, “5G·빅데이터”스마트관광경제효과는… “일반관광의 4배” (Cơ quan thông tấn Newsis, 5G, Dữ liệu lớn” Hiệu quả kinh tế của du lịch thông minh … “gấp 4 lần so với du lịch thông thường”), http://newsis.com/view/?id=NISX20191217_0000862755

[3] Gretzel, Werthner, Koo, & Lamsfus (2015), Conceptual Foundations for Understanding Smart Tourism Ecosystems. Computers in Human Behavior, forthcoming

[4]한국관광공사보도자료 (2017), “한국관광공사스마트투어가이드, 앱 200만건다운로드기념이벤트실시”, 2017.5.9 (Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc, tài liệu công bố, Lễ kỷ niệm 2 triệu lượt tải xuống ứng dụng Smart Tour Guide, ngày 9/5/2017)

[5] 정남호(2016), “지역경제를활성화시키는스마트관광”, 지역정보화지, 제99호, pp.18~21, 한국지역정보개발원 (Chung Nam-ho, Du lịch thông minh thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, Tạp chí thông tin hóa khu vực, Số 99, trang 18-21, Viện nghiên cứu và phát triển thông tin khu vực Hàn Quốc).

[6] 채예병 (2006), “한류가한국관광이미지에미치는영향연구-일본인관광자들을대상으로”, 관광정책학연구, 제12권, pp.63-77 (Chae Ye-byung, Nghiên cứu về tác động của Hàn lưu đối với hình ảnh du lịch Hàn Quốc, trọng tâm nghiên cứu là khách du lịch Nhật Bản, Nghiên cứu chính sách du lịch học, quyển 12, trang 63-77).

 

 

 

 


Scroll To Top