KINH TẾ HÀN QUỐC TRƯỚC NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHIẾN SỰ NGA - UKRAINA
Đăng ngày:
Sáng sớm ngày 24/2/2022, Nga công bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” với mục đích “bảo vệ người dân tại Công hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk”, hai nhà nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraina mới được Nga công nhận độc lập 3 ngày trước đó. Để ứng phó nhanh chóng với những khó khăn có thể xảy ra do chiến sự, ngày 24/2/2022, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc đã lập “Nhóm nhiệm vụ Nga” (Russia Desk) trực thuộc Cơ quan quản lý vật tư chiến lược (KOSTI). Theo đó, nhóm sẽ đóng vai trò là kênh tư vấn cho các doanh nghiệp về mặt hàng thuộc đối tượng bị kiểm soát xuất khẩu sang Nga trong trường hợp Mỹ tăng cường biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Matxcơva[1]. Thành phần chính của nhóm nhiệm vụ Nga gồm 4 nhân viên thuộc KOSTI. Nhóm mở rộng gồm các chuyên gia công – tư thuộc Hiệp hội nghiên cứu chế độ Mỹ, thực hiện hỗ trợ tư vấn. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc thiết lập mạng lưới liên lạc khẩn cấp do Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) quản lý[2], sẵn sàng tiếp nhận thông tin theo thời gian thực, nhằm hỗ trợ các công ty xuất khẩu vừa nhỏ và tầm trung trong nước, cũng như doanh nghiệp Hàn Quốc tại Nga và Ukraina bị ảnh hưởng trực tiếp nếu tình hình trở nên xấu đi. Các động thái trên thể hiện phản ứng nhanh của chính phủ Hàn Quốc trước những ảnh hưởng khôn lường từ chiến sự Nga -Ukraina. Ngày 25/2/2022, Phó Thủ tướng Hong Nam Gi cho biết, Seoul sẽ tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế như: hạn chế xuất khẩu, gia hạn biện pháp giúp không làm giảm hạn mức bảo lãnh tín dụng xuất khẩu trước khi giao hàng. Đồng thời, chính phủ sẽ chi hỗ trợ tài chính thương mại cho doanh nghiệp chịu thiệt hại như nhanh chóng chi trả bồi thường bảo hiểm trong vòng một tháng so với hai tháng trước đây. Năm loại phí điều tra tín dụng doanh nghiệp nước ngoài, dịch vụ tư vấn về xuất nhập khẩu, pháp lý, kế toán đều được miễn tối đa. Chính phủ Hàn Quốc công bố sẽ lập chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp quy mô lên tới 2.000 tỷ won (1,6 tỷ USD)[3] để giúp giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối tượng, tiêu chuẩn hỗ trợ cụ thể sẽ được chính phủ thiết lập để triển khai ngay khi xảy ra thiệt hại. Hơn một tháng xảy ra chiến sự, nền kinh tế Hàn Quốc chịu tác động không nhỏ. Trước tiên, ngay ngày đầu xảy ra chiến sự, chỉ số chứng khoán tổng hợp (KOSPI) đã giảm 72 điểm vào ban trưa. Chỉ số thị trường chứng khoán điện tử KOSDAQ cũng tiếp tục xu hướng giảm trong ngày. Đến ngày 24/3/2022, KOSPI giảm 5,39 điểm (tương đương 0,20%), dừng ở mức 2.729,66 điểm[4]. Khoảng thời gian này, đồng nội tệ won cũng suy yếu so với đồng đô la Mỹ. Thời điểm cuối tháng 2, ngày 28/2/2022, 1 USD xấp xỉ đổi 1.197 won. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3/2022, đô la Mỹ tăng mạnh nhất khi 1 USD đổi được 1.242 won[5]. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ba năm trong tháng 1 đạt 2,24%, tăng 0,05% so với một tháng trước. Rủi ro địa chính trị tăng cao, nên rủi ro tín dụng tăng nhẹ. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) đối với trái phiếu ổn định ngoại hối kỳ hạn 5 năm của Hàn Quốc tăng 24,9 điểm cơ bản trong tháng 1, và 31,1 điểm cơ bản trong tháng 2/2022[6]. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng là một chỉ số thể hiện rủi ro vỡ nợ của một quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức phát hành trái phiếu. CDS càng cao có nghĩa là rủi ro vỡ nợ càng lớn và quốc gia hay doanh nghiệp đó sẽ mất nhiều chi phí khi phát hành trái phiếu. Như vậy, có thể thấy thị trường tài chính Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng nhất định từ chiến sự Nga-Ukraina. Tiếp theo, liên quan tới chuỗi cung ứng, tính đến đầu tháng 3, nguồn cung năng lượng từ Nga vẫn đang được nhập vào trong nước ổn định. Trong khi đó, do việc nhập 180.000 tấn ngô từ Ukraina gặp bất ổn nên chính phủ đã ký hợp đồng mua thêm 165.000 tấn ngũ cốc từ Đông Âu. Tuy nhiên, cảnh báo về “hiệu ứng domino” từ suy giảm năng lượng và nguyên liệu thô sẽ tạo ra “hiệu ứng gợn sóng” đối với chi phí sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Dự báo, lạm phát tiêu dùng ở Hàn Quốc sẽ tăng lên 3,1%, mức cao nhất trong 10 năm qua[7]. Song song với đó, rủi ro gián đoạn nguồn cung vật liệu, linh kiện, năng lượng luôn thường trực. Do vậy, ngày 7/3/2022, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc đã quyết định giải phóng 4,42 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu sau khi thảo luận với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhằm khắc phục trình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga-Ukraina. Đây là lần mở kho dự trữ dầu của Hàn Quốc sau ba tháng kể từ tháng 12/2021. Dự tính, Hàn Quốc đang dự trữ lượng dầu đủ để duy trì trong vòng hơn 90 ngày theo mức khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế và đủ khả năng đáp ứng cuộc khủng hoảng cung cầu về dầu bổ sung[8]. Về phía doanh nghiệp, các khó khăn bao gồm: nhận tiền thanh toán, vận tải đình trệ, giá cước vận chuyển tăng. Cụ thể, một doanh nghiệp điện tử trong nước chưa thể nhận số tiền thanh toán lên tới 244.700 USD từ đối tác do Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT)[9]. Trường hợp khác, một doanh nghiệp xuất khẩu xuất khẩu bếp ga mini sang Ukraina bằng đường thủy, nhưng do cảng biển của Ukraina đang bị chặn, doanh nghiệp phải chuyển hàng tới Thổ Nhĩ Kỳ qua đường bộ. Thậm chí, tuyến đường bộ cũng bị chặn nên hàng hóa nhiều doanh nghiệp tương tự phải “quay đầu” do tình trạng phong tỏa Ukraina. Tình trạng các công ty vận tải lớn trên toàn thế giới dừng vận chuyển hàng hóa đến Nga càng làm chậm trễ vận tải hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp logistic Hàn Quốc, bóng đen chiến sự ảnh hưởng lớn tới kế hoạch vận chuyển của doanh nghiệp. Hãng vận chuyển container lớn nhất Hàn Quốc HMM quyết định dừng vận hành tuyến đường hàng hải từ thành phố Busan đi Nga. Theo đó, tàu chở hàng khởi hành từ thành phố Vladivostok và cảng Vostochny miền Đông nước Nga cũng sẽ tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân do số lượng hàng quá ít, không đủ lấp đầy một nửa tàu container trọng tải 1.700 tấn TEU (đơn vị đo hàng hóa tương đương với một container tiêu chuẩn thể tích khoảng 39m³). Hơn nữa, gánh nặng chi phí vận chuyển hàng hóa qua đường biển tăng mạnh bởi doanh nghiệp phải tìm phương tiện vận chuyển thay thế. Vào tháng 2/2022, cước vận tải container bình quân khai báo xuất khẩu từ Hàn Quốc đi châu Âu là khoảng 14 triệu won (11.533 USD), tăng gấp 3,6 lần so với một năm trước là 3,8 triệu won (3.130 USD)[10]. Chi phí vận tải gia tăng sẽ khiến chỉ số giá sản xuất, giá hàng hóa sản xuất, vật giá tiêu dùng leo thang. Theo số liệu ngày 24/3/2022, chỉ số giá sản xuất, một phong vũ biểu chính của lạm phát tiêu dùng, đứng ở mức 114,82 điểm, tăng 0,4 so với tháng 1/2022[11]. Trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga nhắm vào Ukraina chưa đến hồi kết, việc gián đoán chuỗi cung ứng, tăng chi phí vận chuyển tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu ở Hàn Quốc. Ở bình diện lớn hơn, chi phí tăng sẽ làm xấu đi cán cân thương mại của Hàn Quốc, ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng kinh tế 3% trong năm 2022. Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch ngày 23/3 đã hạ dự báo tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc năm nay từ 3% xuống 2,7%, trước tình hình giá năng lượng leo thang do chiến sự Nga-Ukraina[12]. Vì vậy, tình hình chiến sự căng thẳng Nga-Ukraina dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế Hàn Quốc và đẩy mục tiêu tăng trưởng “khiêm tốn” 3% trở nên xa vời. Tống Thùy Linh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên Tài liệu tham khảo: 1. Yi Whan-woo (2022), “Ukraina crisis casts dark cloud over Korea's growth, inflation”, truy cập ngày 1/3/2022, tại https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2022/03/488_324621.html 2. ExchangeRates (2022), “US Dollar (USD) to South Korean Won (KRW) exchange rate history”, truy cập ngày 24/3/2022, tại https://www.exchangerates.org.uk/USD-KRW-exchange-rate-history.html 3. KBS WORLD, world.kbs.co.kr. 4. Yonhap News (2022), “Fitch cuts 2022 growth outlook for S. Korea to 2.7 pct amid Ukraina crisis”, truy cập ngày 25/3/2022, tại https://en.yna.co.kr/view/AEN20220322005800320 5. The Korean Times (2022), “Producer prices up for 2nd straight month on high energy costs”, truy cập ngày 25/3/2022, tại https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2022/03/488_326057.html [1] KBS WORLD (2022), “Gov't Opens Counseling Channel on Russia-related Export Controls”, truy cập ngày 26/2/2022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=167878 [2] KBS WORLD (2022), “Hàn Quốc thiết lập mạng lưới liên lạc khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp tại Nga và Ukraina”, truy cập ngày 28/2/2022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=53463 [3]KBS WORLD (2022), “Gov't to Provide 2 Tln Won Funding to Local Firms Affected by Ukraina Crisis”, truy cập ngày 1/3/2022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=167905 [4] KBS WORLD (2022), “KOSPI Ends Thursday Down 0.20%”, truy cập ngày 24/3/3022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=168505 [5] ExchangeRates (2022), “US Dollar (USD) to South Korean Won (KRW) exchange rate history”, truy cập ngày 24/3/2022, tại https://www.exchangerates.org.uk/USD-KRW-exchange-rate-history.html [6] KBS WORLD (2022), “Kinh tế Hàn Quốc vẫn duy trì đà phục hồi, nhưng bất ổn đang gia tăng”, truy cập ngày 11/2/2022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=53569 [7]Yi Whan-woo (2022), “Ukraina crisis casts dark cloud over Korea's growth, inflation”, truy cập ngày 1/3/2022, tại https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2022/03/488_324621.html [8] KBS WORLD (2022), “S. Korea to Release 4.42 Mln Barrels from Oil Reserves to Blunt Rising Oil Prices”, truy cập 10/3/2022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=168086 [9] KBS WORLD (2022), “Giới doanh nghiệp Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm vận với Matxcơva”, truy cập ngày 8/3/2022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=53557 [10] KBS WORLD (2022), “Tạm dừng vận hàng tuyến đường hàng hải Busan đi Nga”, truy cập ngày 20/3/2022, tại http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=53729 [11] The Korean Times (2022), “Producer prices up for 2nd straight month on high energy costs”, truy cập ngày 25/3/2022, tại https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2022/03/488_326057.html [12]Yonhap News (2022), “Fitch cuts 2022 growth outlook for S. Korea to 2.7 pct amid Ukraina crisis”, truy cập ngày 25/3/2022, tại https://en.yna.co.kr/view/AEN20220322005800320