SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH Ở HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Du lịch thông minh (Smart tourism) xuất hiện gắn với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ thì xu hướng du lịch này lại được quan tâm hơn. Theo Viện Nghiên cứu du lịch thông minh, Tổng Cục du lịch Hàn Quốc (2020), du lịch thông minh gồm các hoạt động du lịch cung cấp trải nghiệm, tiện ích và dịch vụ khác biệt cho khách du lịch bằng cách hội tụ và tích hợp giữa du lịch với các công nghệ mới như VR / AR, dữ liệu lớn, chatbot, O2O, di động, đồng thời liên tục phát triển cơ sở hạ tầng du lịch nhằm nâng cao sự hài lòng của du khách. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc là hai cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch, chiến lược, dự án phát triển du lịch thông minh. Tuy nhiên, du lịch thông minh là một xu hướng du lịch mới, tích hợp giữa công nghệ thông tin truyền thông với du lịch truyền thống nên để phát triển hệ thống du lịch thông minh đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.Du lịch liên quan đến nhiều ngành như giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, thương mại, đầu tư, môi trường, văn hóa,… Du lịch kết nối chuỗi dịch vụ du lịch với các ngành này nhằm làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Đối với một hệ sinh thái du lịch thông minh, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tích hợp các chính sách du lịch, chính sách công nghiệp, chính sách văn hóa, tích hợp mạng lưới chính phủ - địa phương, chính phủ phải đóng vai trò trung tâm, chủ đạo, thể hiện ở việc điều hòa sự khác biệt về quan điểm giữa các bên liên quan, hỗ trợ hoàn thiện về mặt thể chế chính sách, ngoài ra còn phải xây dựng mạng lưới toàn cầu thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia [1].Đồng thời, để xây dựng đội ngũ chuyên gia về du lịch thông minh, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch thông minh và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về loại hình du lịch này, Chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến các hoạt động giảng dạy và đào tạo bộ môn du lịch thông minh tại một số trường đại học trên cả nước, tài trợ nghiên cứu về du lịch thông minh cho cá nhân và tổ chức, thành lập Viện nghiên cứu du lịch thông minh, Hiệp hội du lịch thông minh Hàn Quốc, phòng du lịch thông minh trực thuộc Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, tổ chức các hội nghị hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch thông minh... Bên cạnh các chính sách chung nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, gia tăng sự đóng góp của du lịch vào sự phát triển kinh tế của đất nước như Kế hoạch phát triển du lịch lần thứ hai (2002-2011), Kế hoạch phát triển du lịch lần thứ 3 (2012-2021), Chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng, ban hành các chính sách ưu tiên phát triển du lịch thông minh. Chiến lược phát triển du lịch thông minh dài hạn đầu tiên của Hàn Quốc là Kế hoạch phát triển du lịch thông minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc xây dựng năm 2011, nằm trong Kế hoạch cơ bản phát triển du lịch lần thứ 3 (2012-2021). Nội dung của kế hoạch này là tập trung vào phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ thông tin du lịch thông minh gồm 4 nhiệm vụ: (1) nâng cấp dịch vụ hướng dẫn thông minh đến mọi nơi trên đất nước Hàn Quốc bằng cách phát triển các trang web, ứng dụng thông tin du lịch tổng hợp và cung cấp dịch vụ hướng dẫn theo hình thức cảm nhận thực tế như lập kế hoạch du lịch, dịch vụ đặt phòng, công nghệ 4D...; (2) cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch trên điện thoại thông minh giúp tìm kiếm tổng hợp các trang tin điện tử về du lịch văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc và các địa phương dựa trên hệ thống hỗ trợ thông tin du lịch quốc gia; (3) xây dựng mạng kết nối giữa người sử dụng và cung cấp thông tin theo thời gian thực qua việc vận hành dịch vụ mạng xã hội như Twiter, Facebook, Metoday…; (4) phát triển dịch vụ tìm kiếm và cung cấp thông tin về địa điểm du lịch, ẩm thực, nơi lưu trú, hệ thống giao thông bằng cách sử dụng thông tin vị trí của người dùng làm hướng dẫn thông tin tùy chỉnh cho từng cá nhân [2]. Để mở đường cho du lịch thông minh phát triển, gia tăng năng lực cạnh tranh của du lịch thông minh trong ngành công nghiệp du lịch, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách từng bước hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh trong nước. Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Tổng Cục du lịch Hàn Quốc chủ trì triển khai, thực hiện các kế hoạch, dự án liên quan đến du lịch thông minh như dự án xây dựng các thành phố du lịch thông minh; đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến về du lịch; lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch thông minh; xây dựng môi trường du lịch thông minh theo mô hình đặc thù Hàn Quốc phục vụ phát triển môi trường du lịch thông minh tại các địa phương... Năm 2016, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc ban hành Kế hoạch 5 năm phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh khả năng kết hợp và phát triển giữa ngành công nghiệp du lịch với ngành công nghệ thông tin và truyền thông, lựa chọn “Dịch vụ du lịch K-ICT phù hợp với từng du khách” thuộc 8 dự án trọng tâm [3]. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển du lịch thông minh cũng được mở rộng. Quy mô đầu tư cho nghiên cứu và phát triển du lịch thông minh của Hàn Quốc năm 2013 chiếm 4,15% GDP, xếp thứ nhất trong 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) [4]. Năm 2020, Tổng cục du lịch Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 15 tỷ won vào các dự án liên quan đến du lịch thông minh như dịch vụ hướng dẫn du lịch dựa trên mạng 5G (4,2 tỷ won), dịch vụ dự báo du lịch tùy chỉnh sử dụng dữ liệu lớn du lịch (5 tỷ won) và xây dựng đường phố du lịch thông minh (5,7 tỷ won). Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc lên kế hoạch hỗ trợ 3,5 tỷ won cho các địa phương đã được lựa chọn để thực hiện dự án xây dựng thí điểm thành phố du lịch thông minh để xây dựng khu du lịch với đầy đủ các điều kiện du lịch thông minh [5]. Từ năm 2018 đến năm 2020, chính phủ Hàn Quốc đã hợp tác với 16 chính quyền địa phương để triển khai lắp đặt wifi miễn phí trên tất cả các tuyến xe buýt công cộng trong cả nước. Về phạm vi phủ sóng wifi, tính đến năm 2020, nước này đã có tới 57 nghìn khu vực được lắp đặt hệ thống wifi công cộng. Tháng 6/2021, Chính phủ Hàn Quốc đã bổ sung vào Luật phát triển du lịch điều khoản 47 về phát triển ngành du lịch thông minh. Trong đó nêu rõ “Nhà nước và các chính quyền địa phương phải thúc đẩy ngành du lịch thông minh để gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành du lịch và phát triển du lịch địa phương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ” và đề cập tới khái niệm du lịch thông minh, coi “du lịch thông minh là một ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng kinh tế hoặc xã hội bằng cách cung cấp các dịch vụ phù hợp cho khách du lịch dựa trên sự tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông với du lịch và liên tục phát triển nội dung và cơ sở hạ tầng du lịch”. Điều khoản này cũng quy định rõ nhiệm vụ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc trong việc hỗ trợ, thúc đẩy du lịch thông minh phát triển, cụ thể: (1) Điều tra, nghiên cứu và hoạch định các chính sách và hệ thống để phát triển ngành du lịch thông minh; (2) Thúc đẩy các công ty khởi nghiệp liên quan đến ngành du lịch thông minh và hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của những người sáng lập; (3) Nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các công nghệ liên quan đến ngành du lịch thông minh; (4) Phát triển du lịch địa phương dựa trên ngành du lịch thông minh; (5) Bồi dưỡng nhân lực chuyên nghiệp cần thiết cho việc thúc đẩy ngành du lịch thông minh; (6) Các vấn đề khác cần thiết để thúc đẩy ngành du lịch thông minh [6]. Việc bổ sung vào điều khoản về du lịch thông minh vào Luật phát triển du lịch hiện hành của chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích đảm bảo về mặt thể chế cho sự phát triển ổn định của ngành du lịch thông minh trong thời đại mới, đặc biệt nhu cầu về dịch vụ du lịch thông minh tránh tiếp xúc tăng mạnh trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid -19, ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người. Hàn Quốc vốn là nước có nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến, ngành du lịch có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, vậy nên, trước những thay đổi, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là động lực thúc đẩy du lịch thông minh phát triển và bước đầu đạt được một số thành tựu. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong nhận thức của chính phủ Hàn Quốc về vai trò của du lịch thông minh, những kết quả mà nó đem lại được thể hiện qua các chính sách hỗ trợ phát triển về thể chế chính sách, hỗ trợ kinh phí, đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đầu tư bài bản vào các dự án du lịch thông minh, xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh,... cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch thông minh tại nước này. Những điều kiện trên đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Hàn Quốc có cơ hội tối ưu hóa hiệu quả xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, phát triển du lịch trực tuyến, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế. Sự phát triển thành công của du lịch thông minh ở Hàn Quốc cũng mang lại những tác động tích cực về mặt kinh tế, văn hóa xã hội cho nước này. Phan Thị Oanh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên Tài liệu tham khảo: [1] 구철모·김정현·정남호(2014), “스마트관광생태계의이론화와활용”, Information Systems Review, 16(3), 69-87 (Koo Chul-mo, Kim Jeong-hyun, Chung Nam-ho, Lý thuyết hóa và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh). [2] 문화체육관광부 (2011), 제3차관광개발기본계획 (2012-2021) (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch cơ bản phát triển du lịch lần thứ 3), http://www.mcst.go.kr/kor/s_policy/dept/deptView.jsp?pSeq=620&pDataCD=0417000000&pType=05 [3] 한국관광공사 (2016), 관광진흥 5개년계획 (2016~2020) (Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Kế hoạch 5 năm phát triển du lịch (2016-2020), http:// archives.go.kr/ next/search/listSubjectDescription.do?id=005684&sitePage=1-2-1 [4] 미래창조과학부 (2014), 2013년도연구개발활동조사보고서 (Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai, Báo cáo hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2013). [5] 문화체육관광부, 한국관광공사 (2020), 스마트관광도시시범조성사업 - 스마트관광거리조성- 공모안내서(Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục du lịch Hàn Quốc, Dự án xây dựng thí điểm đô thị thông minh-xây dựng khu phố thông minh). [6]한국관광진흥법 (Luật chấn hưng du lịch Hàn Quốc, bản tiếng Hàn Quốc), cập nhật ngày 15/6/2021, https://www.law.go.kr//법령/관광진흥법