Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


CHIẾN LƯỢC ĐỔI MỚI DỰA TRÊN IoT TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ (SME) Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày:

 

IoT là một phần tích hợp của Internet tương lai bao gồm các phát triển Internet, mạng hiện tại và tiến hóa và có thể được định nghĩa theo khái niệm là một cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu với các khả năng tự định hình dựa trên các giao thức liên lạc tiêu chuẩn và tương tác, ở đó “vạn vật” hữu hình và ảo, có các đặc tính, thuộc tính vật lý, và tính cá nhân ảo, sử dụng các giao diện thông minh và được tích hợp vào mạng thông tin một cách thông suốt[1]. IoT hiện nay đang phát triển nhanh chóng như một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp trong xu hướng toàn cầu, IoT được dự đoán sẽ đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong sự thay đổi của mô hình kinh doanh công nghiệp mà còn là sự thay đổi và đổi mới quản lý trong tương lai. Theo xu hướng toàn cầu này, chính phủ Hàn Quốc đã và đang tích cực hỗ trợ sự phát triển của IoT cũng như Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) thông qua chiến lược Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (K-ICT - được xây dựng vào năm 2015).

Tuy nhiên tại Hàn Quốc hiện nay có tới 99% các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động trong ngành sản xuất không có đủ năng lực triển khai mô hình kinh doanh dựa trên dịch vụ mạng và thông tin theo yêu cầu của ngành IoT[2]. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2013, tỷ lệ trung bình các công ty có thể tiếp tục “tồn tại”  trong năm đầu khởi nghiệp của Hàn Quốc là 62%, con số này giảm xuống 41% trong ba năm, thấp nhất trong số các nước thành viên OECD[3]. Điều này đặt ra một vấn đề quan trọng đối với Hàn Quốc trong việc đảm bảo sự tồn tại bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thêm vào đó, xu hướng mới của IoT đã dự báo quá trình tái tổ chức thị trường toàn cầu, khi điều này diễn ra các SME của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn  ở thị trường toàn cầu.

Sự ra đời của nhiều ngành công nghiệp mới nổi như CNTT-TT, Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là IoT đã đặt ra những đòi hỏi cấp bách đối với các SME của Hàn Quốc ngày nay cần phải phát triển các kế hoạch chiến lược hiệu quả cho đổi mới. Việc được ra được một chiến lược, lộ trình đổi mới phù hợp cũng sẽ giúp các SME Hàn Quốc tiết kiệm được thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả của đổi mới[4].

Công ty Nuri Telecom Hàn Quốc là một ví dụ đạt được thành công trong việc thích ứng và triển khai hiệu quả IoT. Nuri Telecom tham gia vào ngành công nghiệp phần mềm trong những ngày đầu thành lập, sau đó họ tự phát triển phần cứng và đi tiên phong trong thị trường thiết bị đọc công tơ điện từ xa ở Hàn Quốc… Hiện nay Nuri Telecom  đang phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn (KT, LG Uþ, v.v.) trong lĩnh vực này. Sau khi đổi tên công ty thành “Nuri Telecom Co., Ltd.” và nhắm mục tiêu đến thị trường nước ngoài, chỉ vỏn vẹn trong trong vòng một năm, Nuri Telecom đã trở thành công ty xuất khẩu hàng đầu trong thị trường thiết bị đọc công tơ điện từ xa của Hàn Quốc[5].

Để làm được điều này, Nuri Telecom đã đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu của mình bằng cách hợp tác với các công ty lớn để đối phó với các đối thủ toàn cầu. Ngoài ra, Nuri Telecom  cũng đã có thể đạt được tăng trưởng bền vững với chiến lược đảm bảo khả năng cạnh tranh về giá và triển khai các giải pháp tự bảo trì thiết bị. Tại thị trường Mỹ, các công ty lớn như Itron và Silver Spring Networks có quy mô hơn 1 triệu hộ gia đình lắp đặt và có hơn 30 đối thủ cạnh tranh lớn. Trong khi đó, Nuri Telecom chỉ đạt doanh số 100.000 đến 300.000 hộ gia đình, nhưng bù lại, Nuri Telecom có khả năng cạnh tranh về giá. Do đó, các công ty toàn cầu cũng công nhận Nuri Telecom như một đối thủ cạnh tranh tại Mỹ. Hiện nay Nuri Telecom đang hợp tác với 13 công ty nước ngoài, nhờ sự hợp tác này, Nuri Telecom có ​​khả năng tùy chỉnh các tiêu chuẩn để đáp ứng và nhận được chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ở nước ngoài một cách dễ dàng.

Trường hợp của Nuri Telecom cho thấy con đường thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng của IoT-SME ở Hàn Quốc phần lớn sẽ phụ thuộc vào sự kết hợp hiệu quả giữa các thuộc tính đổi mới của IoT và cách thức triển khai, thúc đẩy đổi mới. Giai đoạn đầu tiên của con đường thúc đẩy đổi mới là quá trình tự phát triển theo từng bước. Nuri Telecom đã tìm ra cách để đảm bảo năng lực R&D của chính mình là phát triển như một nhà sản xuất và cố gắng thiết lập các tiêu chuẩn riêng tại thị trường trong nước. Giai đoạn thứ hai của lộ trình là tăng trưởng hợp tác liên kết bao gồm đổi mới mở và sử dụng các quan hệ đối tác chiến lược trong quá trình quốc tế hóa. Nhận thức được nhu cầu hạn chế của thị trường trong nước, Nuri Telecom đã phát triển thông qua quan hệ đối tác với các công ty lớn ở nước ngoài để đảm bảo lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đồng thời, hướng tới mục tiêu quốc tế hóa.. Giai đoạn thứ ba là sự chuyển dịch về quan điểm đổi mới công nghệ. Nuri Telecom đang dịch chuyển từ loại hình tự phát triển thông qua hợp tác trung hạn sang loại hình đổi mới hỗn hợp. Nuri Telecom vẫn cố gắng bảo vệ các bằng sáng chế liên quan đến IoT từ nghiên cứu R&D độc lập, nhưng gần đây công ty này đã có sự hợp tác R&D chung, do họ nhận thấy sự cần thiết phải hợp tác với các bên khi phạm vi kinh doanh mở rộng.

Có thể thấy, các SME của Hàn Quốc đổi mới dựa trên IoT bằng cách lựa chọn các chiến lược và loại hình kinh doanh phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp. Chiến lược đổi mới dựa trên IoT này gồm giai đoạn tự phát triển, tiếp theo là giai đoạn tăng trưởng hợp tác liên kết và sau đó là kết hợp cả hai phương pháp. Chiến lược đổi mới được đề xuất ở trên có thể sẽ phù hợp và góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc và cũng là một ví dụ tham khảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

 

Bùi Đông Hưng

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên

 

Tài liệu tham khảo

[1] “Research on the advancement of IoT related companies in foreign countries” of the Ministry of Science, ICT and Future Planning, 2014.11.30.

[2] WIPO’s Global Innovation Index 2015, Korea ranked 14th in the world’s competitiveness ranking and 2nd in Human Resources and Research, whereas Business sophistication ranked 30th and Creative Outputs 28th.

[3] The Kauffman Foundation analyzed the percentage of OECD peers whose businesses started in 2006 in 2007 and 2009, respectively. Innovation strategies of the internet 185

[4] Choi, S., Ryu, M., Chen, N. and Kim, J. (2014), “IoT platform and service trends”, KICS, Vol. 31 No. 4, pp. 20-27.

[5] Deltatech Korea (2014), Study for Overseas Expansion of the Internet of Things.


Scroll To Top