Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỪ ĐẠI DỊCH COVID – 19 ĐẾN NỀN KINH TẾ HÀN QUỐC

Đăng ngày:

Khi đánh giá ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Hàn Quốc, hai bức tranh khác nhau thường được chỉ ra: bức tranh tươi sáng khi dịch bệnh và hậu quả của nó được khắc phục sớm; bức tranh tối màu khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng khiến viễn cảnh kinh tế trở nên ảm đạm. Điều này không chỉ hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc mà còn gây ra những xáo trộn trong xã hội quốc gia này. Trong khoảng thời gian giữa tháng 2/2020, Hàn Quốc dường như đang ở bức tranh thứ nhất, nhưng hiện nay, nước này dường như đang bước sang bức tranh thứ hai lạc quan hơn.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng sẽ khiến kinh tế Hàn Quốc đình trệ. Nguyên nhân là nền kinh tế nước này có quan hệ mật thiết với Trung Quốc và thứ hai là sự bùng phát của dịch bệnh khiến Hàn Quốc đối mặt mới nhiều thách thức trong thị trường vốn và các ngành công nghiệp chính. Điều này được thể hiện rõ rệt qua: 1) sự suy giảm nhu cầu trong nước, đứng đầu là ngành dịch vụ; 2) sự gián đoạn trong sản xuất; và 3) sự đình trệ trong các khoản đầu tư do nhu cầu sụt giảm kéo dài. Hiện Hàn Quốc đã chịu tác động của hai yếu tố đầu. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 đã bị hạ xuống 0,1-0,2% và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ duy trì trong tỷ lệ tương ứng là 5% và 2%[1].

Các ảnh hưởng tiêu cực của đợt bùng phát Covid-19 được thể hiện qua giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bán dẫn, điện thoại, mỹ phẩm/bán lẻ (miễn thuế), lĩnh vực sinh học, ngân hàng, chứng khoán, truyền thông (điện ảnh).v.v..  chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên sẽ dần phục hồi khi tình hình dịch bệnh suy giảm. Trong trường hợp ngược lại, việc điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận cho các công ty được liệt kê trên thị trường chứng khoán KOSPI là không thể tránh khỏi. Các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm/đồ uống, ngành truyền thông (nội dung), thiết bị y tế (thiết bị chẩn đoán), bảo hiểm, và các lĩnh vực máy móc/quốc phòng dự kiến ​​sẽ hoạt động tốt hơn.

- Gián đoạn trong hoạt động sản xuất

Sự gián đoạn trong sản xuất của các doanh nghiệp chủ chốt Hàn Quốc ban đầu được coi là một số thất bại tạm thời, nhưng các gián đoạn trong sản xuất vẫn tiếp diễn khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại đất nước này. Đầu tháng 2/2020, công ty sản xuất ô tô Huyndai trong khu phức hợp Ulsan đã buộc phải tạm ngừng sản xuất do không có các bộ phận phụ tùng từ Trung Quốc nhập về. Hiện Hyundai đang vận hành năm nhà máy sản xuất tại đây với 34.000 lao động. Sản lượng sản xuất hàng năm lên tới 1,4 triệu xe, chiếm gần 30% sản lượng sản xuất của Huyndai trên toàn cầu. Sau sự cố buộc tạm dừng sản xuất tạm thời, một nhà máy cung cấp phụ tùng cho Huyndai ở khu công nghiệp Seojin đã đóng cửa sau khi một công nhân tử vong do mắc Covid-19. Điều này đã dẫn đến sự đình trệ trong một số dây chuyền sản xuất. Đến ngày 26/2/2020 nhà máy trên đã mở cửa hoạt động trở lại[2]. Tuy nhiên, ngày 28/2/2020, Huyndai lại tạm dừng hoạt động sản xuất tại một trong năm nhà máy ở phía Đông Nam thành phố Ulsan sau khi phát hiện một công nhân làm việc tại nhà máy dương tính với Covid-19. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, cổ phiếu của Huyndai đã sụt giảm 5%[3]. Hiện nay, Huyndai chưa công bố thời điểm nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong khi bốn nhà máy còn lại khác vẫn hoạt động bình thường.

Đối với doanh nghiệp điện tử Samsung, hãng này cũng đối mặt với những gián đoạn trong hoạt động sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19 tại một khu phức hợp của hãng ở phía Đông Nam thành phố Gumi. Điều này dẫn tới 1.500 nhân viên đã bị cách ly và gây ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động của hãng[4]. Mặc dù, lãnh đạo công ty Samsung tuyên bố tổ hợp chỉ là một phần nhỏ trong dây chuyền sản xuất điện thoại của họ, song các cơ sở chính của công ty vẫn đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn. Hiện Samsung là một trong những công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, sản xuất tất cả các chip DRAM và 70% sản lượng chip NAND ở Hàn Quốc[5]. Tuy phần lớn dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh đã được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam trong vài năm trước, giúp hãng đạt được lợi thế hơn các đối thủ  cạnh tranh tại Trung Quốc như Apple và Huawei, song đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp Samsung cũng như các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm bán dẫn. Hiện nay, một số các nhà sản xuất chip DRAM/NAND đang đối mặt với việc cắt giảm công suất.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị cầm tay và IT, mặc dù hầu hết các công ty bỏ lỡ doanh thu kỳ vọng trong quý 1 năm 2020 nhưng sự gián đoạn trong sản xuất kéo dài của doanh nghiệp của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các công ty công nghệ thông tin Hàn Quốc.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp sản xuất máy móc và thép. Doanh số bán hàng của công ty sản xuất máy móc giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép đang tìm cách tăng giá sản phẩm, tăng nhu cầu và giảm hàng tồn kho.

Trên sàn giao dịch Hàn Quốc (KRX), hàng loạt công ty ngân hàng, bảo hiểm hàng đầu có kết quả kinh doanh hoạt động tốt trong năm 2019 chứng kiến sự sụt giảm giá cổ phiếu nhanh chóng. Điều này không thể tránh khỏi khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc[6]. Theo báo cáo khảo sát của Tập đoàn Đầu tư Shinhan, chỉ số chứng khoán Hàn Quốc KOSPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng nếu dịch bệnh Covid-19 suy giảm trong quý 1 năm 2020. Theo dự tính, chỉ số trên không thay đổi trong mức 2.000-2400 pt[7] trong năm nay. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài hơn, xu hướng tác động tiêu cực đến thu nhập có thể gia tăng và lợi nhuận năm 2020 có thể thấp hơn 5-10% so với dự kiến. Trong trường hợp này, KOSPI có khả năng quay trở lại phạm vi giao dịch hẹp 1.900-2.250pt[8].

Do vậy, những hậu quả xung quanh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới  hoạt động thương mại và sản xuất nói chung của Hàn Quốc. Ngoài tình trạng thiếu hụt lao động là người Trung Quốc tại một số công ty, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang ở nước này cũng đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu cung ứng vốn được nhập khẩu chủ yếu Trung Quốc.

- Tiêu dùng trong nước giảm

Theo khảo sát do Ngân hàng Hàn Quốc thực hiện từ ngày 10 đến 17/2/2020, chỉ số niềm tin tiêu dùng tổng hợp (CCSI) đã giảm từ 104,2 điểm trong tháng 1/2020 xuống 96,9 điểm trong tháng 2/2020. Mức giảm 7,3 điểm là mức giảm lớn kể từ tháng 6 năm 2015 khi Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) lây lan ở Hàn Quốc. Nếu cuộc khảo sát được thực hiện sau ngày 18/2/2020, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc với sự xuất hiện của bệnh nhân số 31, chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp có thể thấp hơn[9].

Trong ngành bán lẻ, so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng doanh số bán hàng của các cửa hàng bách hóa  và các cửa hàng giảm giá ở tháng 2 ước tính giảm lần lượt là 10,8% và 14,9%[10]. Trong ngành may mặc, các công ty có cửa hàng tại Trung Quốc có doanh thu sụt giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019[11]. Trong ngành thực phẩm và đồ uống, hiệu suất giá cổ phiếu từ tháng 1/2020 đến nay của doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn và không cồn sụt giảm 11%, sản phẩm bánh kẹo và kem giảm 6,2%. Tuy nhiên, hiệu suất giá cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm lại tăng 11,7%.

- Doanh thu ngành du lịch giảm

Với sự bùng phát Covid-19, ngành du lịch ở từng địa phương đang gặp trở ngại lớn do lượng khách du lịch giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2019, lưu lượng khách đi giảm 19,6%, lưu lượng khách đến giảm 20,5%, lưu lượng khách Trung Quốc tới Hàn Quốc giảm 15%. Theo ước tính của công ty Statista, công ty hàng đầu cung cấp số liệu về tiêu dùng và thị trường, lượng khách du lịch đến Hàn Quốc giảm khoảng 2,02 triệu người trong quý đầu tiên năm 2020, gây thiệt hại cho ngành du lịch nước này khoảng 2,9 nghìn tỷ won[12]. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp không khói ở Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ đình trệ với quyết định hủy bỏ các sự kiện, lễ hội. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã cảnh báo về sụt giảm doanh thu trị giá khoảng 29 tỷ USD giữa các hãng vận tải toàn cầu và thiệt hại dự tính hướng tới nhiều các hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương[13].

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch viện trợ khẩn cấp trị giá 420 tỷ won, tương đương 356 triệu USD cho các doanh nghiệp, hãng hàng không, công ty hàng hải, doanh nghiệp bán lẻ và các công ty du lịch đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một số chuyên gia thị trường tin rằng kế hoạch này có thể không đủ để làm khắc phục những tổn thất trong đại dịch này.

 

Tống Thùy Linh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ:

(1) (8) (10) (11). Yoon Young-sil, “COVID-19 Disrupting Korean Economy and Industrial Sectors”, 6/3/2020, http://www.businesskorea.co.kr/news/articleView.html?idxno=42328

(2). Hara Nguyen, “Huyndai suspends work at Korean factory for Covid-19 infection”, 2/3/2020, https://www.vir.com.vn/hyundai-suspends-work-at-south-korean-factory-for-covid-19-infection-74360.html

(3). Mai Lý (Theo Koreaherald, The NY Times), “Nhân viên nhiễm Covid-19, Hyundai đóng cửa nhà máy tại Hàn Quốc”, 29/2/2020,  https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/tin-tuc/nhan-vien-nhiem-covid-19-hyundai-dong-cua-nha-may-tai-han-quoc-620341.html

(4). Hyunjoo Jin, Joyce Lee, “Some Samsung, Hyundai workers self-quarantine as Korean Inc braces for virus impact”, 24/2/2020, https://www.nasdaq.com/articles/some-samsung-hyundai-workers-self-quarantine-as-korean-inc-braces-for-virus-impact-2020-02

(5) (9). Kyle Ferrier, “Coronavirus Now Poised for Outsized Impact in South Korea”, 28/2/2020, https://thediplomat.com/2020/02/coronavirus-now-poised-for-outsized-impact-in-south-korea/

(6) (13). James Jung, “Coronavirus ‘Red Alert’ in South Korea will hurt the business and economy”, 24/2/2020, https://www.koreatechdesk.com/coronavirus-red-alert-in-south-korea-will-hurt-the-business-and-economy/

(7). Cory Mitchell, “Price Target”, 14/3/2020, https://www.investopedia.com/terms/p/pricetarget.asp

(12). Won So, “Expected impact of coronavirus (COVID-19) outbreak on South Korean tourism in the first quarter of 2020”, 13/2/2020, https://www.statista.com/statistics/1092579/south-korea-economic-impact-of-wuhan-virus-outbreak-on-tourism/

 


Scroll To Top