LUẬT NGOẠI GIAO CÔNG CHÚNG CỦA HÀN QUỐC
Đăng ngày:
Hàn Quốc, một quốc gia nghèo nàn những năm 1950 nhưng sau hơn bảy thập niên đã trở thành một nền kinh tế trong khối G11 và điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế. Các sản phẩm như điện thoại di động Samsung, ô tô Huyndai… đến mỹ phẩm, mì ăn liền,…được nhập khẩu vào nhiều quốc gia. Những bộ phim, album ca nhạc tiếng Hàn xuất hiện trên sóng truyền hình và bảng xếp hạng âm nhạc toàn cầu. Văn hóa Hàn Quốc nói chung, văn hóa truyền thống Hàn Quốc nói riêng được truyền bá ở nhiều cấp độ khác nhau, tới nhiều đối tượng đa dạng. Đóng góp vào thành công này, không thể không nhắc tới Luật Ngoại giao công chúng, một nền tảng pháp lý quan trọng thúc đẩy hoạt động ngoại giao công chúng của Hàn Quốc từ năm 2016 đến nay. Nội dung Luật Ngoại giao công chúng Với 13 điều, Luật Ngoại giao công chúng không chỉ cung cấp quan điểm của chính phủ Hàn Quốc về ngoại giao công chúng, mà còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan. Trước tiên, tại Điều 2, khái niệm ngoại giao công chúng của Hàn Quốc được quy định. Theo đó, “ngoại giao công chúng” là mọi hoạt động ngoại giao trực tiếp của chính phủ Hàn Quốc, hoặc hợp tác với chính quyền địa phương, khu vực tư nhân trong lĩnh vực văn hóa, tri thức, chính sách.v.v… nhằm nâng cao hiểu biết và lòng tin của bạn bè quốc tế đối với Hàn Quốc[1]. Như vậy, hoạt động ngoại giao công chúng có phạm trù khá rộng, bao gồm: ngoại giao văn hóa, ngoại giao tri thức, ngoại giao chính sách…với cách thức tiến hành có sự phối hợp giữa chính quyền trung ương, địa phương và khu vực tư nhân. Tiếp theo, các chủ thể thực hiện ngoại giao công chúng bao gồm: Nhà nước và Ủy ban Ngoại giao công chúng (đóng vai trò chính, quyết định phần lớn tới việc xây dựng kế hoạch, chiến lược ngoại giao công chúng và phân bổ ngân sách), chính quyền địa phương, khu vực tư nhân (đóng vai trò phối hợp và thực hiện các chương trình ngoại giao công chúng). Trong đó, trách nhiệm của Nhà nước bao gồm: xây dựng, xem xét toàn diện các chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao công chúng; xây dựng kế hoạch hỗ trợ tài chính, hành chính cần thiết; tuyên truyền về tầm quan trọng của ngoại giao công chúng… Ủy ban Ngoại giao công chúng được thành lập dưới quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với mục đích xem xét và điều phối các vấn đề chính nhằm theo đuổi chính sách ngoại giao công chúng một cách hệ thống và toàn diện. Nhiệm vụ chính của Ủy ban là xem xét các vấn đề liên quan đến việc tạo lập, thay đổi và triển khai kế hoạch tổng thể; các vấn đề liên quan đến hợp tác, phối hợp trong công tác ngoại giao công chúng giữa các bộ của Chính phủ; các vấn đề liên quan đến sự tham gia của người dân, hợp tác công - tư,… trong ngoại giao công chúng. Như vậy, có thể thấy, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, định hình nên bản sắc ngoại giao công chúng của Hàn Quốc thông qua xây dựng chính sách, chiến lược toàn diện về ngoại giao công chúng. Không chỉ có vậy, nhà nước cũng đảm bảo những nỗ lực cần thiết về hành chính, tài chính, xây dựng nền tảng hợp tác với chính quyền địa phương, khu vực tư nhân trong quá trình triển khai hoạt động. Tăng cường sự hiểu biết của xã hội về ngoại giao công chúng, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong ngoại giao công chúng cũng là một trong những trách nhiệm của Nhà nước. Trong khi đó, Ủy ban Ngoại giao công chúng với số lượng không quá 20 thành viên, chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là cơ quan hành chính cao nhất cân nhắc, quyết định mọi hoạt động trong xây dựng, đánh giá, thay đổi kế hoạch ngoại giao công chúng; phối hợp giữa các Bộ; sự tham gia của người dân… cũng như các vấn đề phát sinh khác trong ngoại giao công chúng. Liên quan tới hỗ trợ chính quyền địa phương, khu vực tư nhân trong triển khai hoạt động ngoại giao công chúng, Nhà nước có thể hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt, để khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào ngoại giao công chúng, Nhà nước có thể hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí trong ngân sách, hoặc hỗ trợ hành chính[2]. Tựu trung, chính phủ Hàn Quốc thực sự quan tâm, chú trọng triển khai ngoại giao công chúng, được thể hiện rõ qua các điều, khoản quy định trong luật này. Thành quả của Luật ngoại giao công chúng Chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2016, tính tới nay, Luật Ngoại giao công chúng được thực thi ở Hàn Quốc hơn sáu năm. Với mục đích là góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế thông qua thiết lập nền tảng để thúc đẩy hoạt động ngoại giao công chúng, cung cấp các hướng dẫn cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động ngoại giao công chúng[3], Luật Ngoại giao công chúng đã đóng góp không nhỏ vào hiệu ứng lan tỏa của ngoại giao công chúng kiểu Hàn Quốc. Trước hết, luật Ngoại giao công chúng là cơ sở pháp lý quan trọng cho chính sách ngoại giao công chúng toàn diện, hệ thống cấp chính phủ Hàn Quốc: cung cấp quan điểm của Hàn Quốc về ngoại giao công chúng; thành lập Ủy ban Ngoại giao công chúng (cơ quan điều phối hoạt động tổng thể); cung cấp các quy định liên quan trong triển khai ngoại giao công chúng. Nhờ vậy, các bước cơ bản trong thực hiện ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc được xây dựng, tiến hành. Cùng với đó, căn cứ theo Điều 6 của Luật, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã xây dựng Kế hoạch tổng thể về Ngoại giao công chúng lần thứ nhất (2017-2022) và Kế hoạch tổng thể trên được gia hạn thực hiện thêm một năm, đến tháng 12/2022. Kế hoạch tổng thể này như một hòn đá tảng, định hình nên Kế hoạch hành động ngoại giao công chúng hàng năm của các Bộ và chính quyền thành phố ở Hàn Quốc. Dựa trên Kế hoạch tổng thể, số lượng và ngân sách chương trình của ngoại giao công chúng trong Kế hoạch hành động mỗi năm có sự điều chỉnh song vẫn bám sát Kế hoạch tổng thể của Bộ Ngoại giao. Kể từ năm 2017, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc công bố Kế hoạch tổng thể về Ngoại giao công chúng, sau đó đều có Kế hoạch hành động hàng năm trong giai đoạn 2018-2022. Kết quả, các hoạt động ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc đều tăng lên do công tác giao lưu quốc tế của các Bộ, chính quyền địa phương được tăng cường và mở rộng[4]. Do vậy, tiếp theo, Luật Ngoại giao công chúng tái định hình nên hoạt động ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc thời gian qua được thực hiện bởi các chủ thể đa dạng, cách thức khác nhau, thúc đẩy ngoại giao công chúng Hàn Quốc mở rộng. Cuối cùng, Luật Ngoại giao công chúng gián tiếp nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia Hàn Quốc trong mắt bạn bè quốc tế, tăng cường sự phổ biến toàn cầu của văn hóa Hàn Quốc. Năm 2021 chứng kiến sự nổi lên lần nữa của văn hóa Hàn Quốc khi âm nhạc K-pop của nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS) giành 3 giải thưởng âm nhạc lớn ở Mỹ, phim truyền hình “Trò chơi con mực (Squid Game) đứng thứ nhất trên Netflix trong 46 ngày liên tiếp[5]. Trước đó, kết quả cuộc khảo sát trực tuyến do Cục Thông tin và Văn hóa Hàn Quốc (Korea Culture and Information Service – KOCIS) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, thực hiện với 8.000 người đến từ 16 quốc gia (bao gồm cả Hàn Quốc) năm 2019, cho thấy hình ảnh tích cực về Hàn Quốc. Trong số những người trả lời, 76,7% người nước ngoài và 64,8% người Hàn Quốc có nhận thức tích cực về Hàn Quốc[6]. Đặc biệt, tỷ lệ người Hàn Quốc nhìn nhận tích cực về đất nước của họ đã tăng 10%, từ 54,4% vào năm 2018. Lựa chọn văn hóa đại chúng tạo nên hình ảnh tích cực của Hàn Quốc, 38,2% chọn K-pop, phim ảnh và văn học; 14,6% chọn phát triển kinh tế; 14% chọn di sản văn hóa; 11,6% chọn các sản phẩm và thương hiệu. Có thể thấy, văn hóa và Hallyu vẫn là hai động lực hàng đầu tạo nên hình ảnh tích cực của Hàn Quốc ở nước ngoài. Trong một khảo sát khác do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation – KF), là cơ quan được chỉ định thực hiện Ngoại giao công chúng, công bố đầu năm 2022 cho thấy sự gia tăng đáng kể số người yêu thích văn hóa Hallyu trên toàn cầu. Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, số người hâm mộ Hallyu tại 116 quốc gia trên thế giới đạt 156,6 triệu người, tăng gấp 17 lần so với năm 2012 (9,26 triệu người)[7], thời điểm bắt đầu tiến hành khảo sát đầu tiên. Theo nhóm nghiên cứu, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi như Nhật Bản tẩy chay Hallyu, Trung Quốc ra lệnh cấm làn sóng văn hóa Hàn Quốc, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19…số người hâm mộ Hallyu vẫn gia tăng, chứng tỏ sức mạnh bền bỉ của ngoại giao văn hóa nói riêng, ngoại giao công chúng nói chung ở Hàn Quốc. Tống Thùy Linh Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. MOFA (2016), Public Diplomacy Act. 2. 외교부 (Bộ Ngoại giao) (2017), 제1차 대한민국 공공외교 기본계획 (2017-2021) (Báo cáo Tổng thể Ngoại giao công chúng Hàn Quốc lần thứ nhất), 3. Ministry of Culture, Sports and Tourism (2020), “Results of 2019 KOCIS survey on Korea’s national image announced”, https://www.mcst.go.kr/english/policy/pressView.jsp?pSeq=13 4. KBS World (2022), “Số người yêu thích văn hóa Hallyu trên thế giới tăng 17 lần trong 10 năm”, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=53550 5. KBS World (2021), “Văn hóa Hàn Quốc K-Culture “mê hoặc” người dân toàn cầu”, http://world.kbs.co.kr/service/archive_view.htm?lang=v&id=sub_index&board_seq=1323 [1] MOFA (2016), Public Diplomacy Act, Article 2 (Definition), p.1. [2] MOFA (2016), Public Diplomacy Act, Article 9 (Support to Local Governments and the Private Sector), p. 4. [3] MOFA (2016), Public Diplomacy Act, Article 1 (Purpose) p.1. [4]외교부 (2017), 제1차 대한민국 공공외교 기본계획 (2017-2021), https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=&cad=rja&uact=8&ved=2ahUKEwiynuGGzN75AhVOeN4KHXVGAYAQFnoECAcQAQ&url=https%3A%2F%2Fwww.mofa.go.kr%2Fwww%2Fbrd%2Fm_4075%2Fdown.do%3Fbrd_id%3D234%26seq%3D366226%26data_tp%3DA%26file_seq%3D1&usg=AOvVaw2M1rxc67qIhTz9brmO8k3_ [5] KBS World (2021), “9. Văn hóa Hàn Quốc K-Culture “mê hoặc” người dân toàn cầu”, http://world.kbs.co.kr/service/archive_view.htm?lang=v&id=sub_index&board_seq=1323 [6] Ministry of Culture, Sports and Tourism (2020), “Results of 2019 KOCIS survey on Korea’s national image announced”, https://www.mcst.go.kr/english/policy/pressView.jsp?pSeq=13 [7] KBS World (2022), “Số người yêu thích văn hóa Hallyu trên thế giới tăng 17 lần trong 10 năm”, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=53550