HÀN QUỐC XÚC TIẾN THÀNH LẬP ỦY BAN HỢP TÁC KINH TẾ PHƯƠNG BẮC
Đăng ngày:
Trong những ngày cuối tháng 8 năm 2017, trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên ngày một leo thang, Hàn Quốc nhanh chóng đẩy mạnh việc thành lập Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc (북방경제협력위원회). Ngày 21/08/2017, Hội đồng chính phủ Hàn Quốc đã thẩm định và thông qua “Quy chế thành lập và hoạt động của Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc” trực thuộc Tổng thống. Ngày 25/08/2017, Chính phủ Hàn Quốc công bố chính thức Quy chế này. Và ngày 29/08/2017, cũng chỉ sau 4 ngày, Tổng thống Hàn Quốc đã chính thức bổ nhiệm ông Song Young-gil làm chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc. Những động thái của Hàn Quốc cho thấy Ủy ban này sẽ được ra mắt trong thời gian ngắn sắp tới và đi vào hoạt động một cách nhanh chóng. Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc, ông Song Young-gil, năm nay 54 tuổi, một chính trị gia kì cựu của đảng Dân chủ, là đại biểu Quốc hội trong nhiều nhiệm kì. Ông chính là đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc gửi sang Nga hồi tháng 5 mới đây. Cấp bậc của chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc là cấp Phó Thủ tướng. Thành viên của Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc gồm 30 người là các bộ trưởng, thứ trưởng và các chuyên gia. Trong đó, có Bộ trưởng Tài chính kế hoạch kiêm Phó Thủ tướng Kim Dong-yeon, Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-hwa, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun, Bộ trưởng Bộ Công thương và Tài nguyên Hàn Quốc Baik Un-gyu. Cơ cấu của Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc gồm 4 bộ phận và tập trung cho 3 lĩnh vực chủ lực là vận tải, giao thông và năng lượng. Mục đích thành lập của Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc là “Thông qua việc đẩy mạnh kết nối với các quốc gia khu vực Á-Âu bao gồm các nước Đông Bắc Á trong các lĩnh vực giao thông, vận tải, năng lượng; Kiến tạo động lực tăng trưởng tương lai cho nền kinh tế Hàn Quốc và xây dựng nền tảng thống nhất Nam Bắc Hàn”. Việc thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc là một bước khởi đầu quan trọng cho việc thực hiện Chính sách phương Bắc mới (신북방정책) của Hàn Quốc đã được công bố trong “Kế hoạch 5 năm” của chính quyền ông Moon Jae-in tại cuộc họp Hội đồng chính phủ tháng 7 vừa qua. Ủy ban này sẽ là đầu mối thực hiện các nội dung chính của Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc. Đó là: -Thúc đẩy hợp tác kinh tế với EAEU: Hàn Quốc sẽ tích cực đẩy mạnh FTA với các thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) như Nga, Kazakhstan, Kirgyzstan…, tích cực ủng hộ Chính sách phương Đông mới của Nga qua việc hợp tác về năng lượng và khai thác chung tuyến hàng hải Bắc Cực -Xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế 3 bên Hàn-Triều-Nga: Trên cơ sở hoạt động hợp tác kinh tế qua các FTA với các quốc gia EAEU, đặc biệt là Nga sẽ tạo nền tảng thu hút Triều Tiên một cách tự nhiên tiến tới hòa giải và hợp tác về kinh tế với Hàn Quốc. Từ đó, hướng tới xây dựng mối quan hệ hợp tác 3 bên Hàn-Triều-Nga, xúc tiến các dự án về vận chuyển, dự án đường sắt, dự án mạng điện lực ở khu vực Najin – Hasan của Triều Tiên -Tham gia xây dựng Nhất đới Nhất lộ với Trung Quốc: Hàn Quốc tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong dự án do Trung Quốc khởi xướng về Con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ của Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với các nước phương Bắc của Hàn Quốc như Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu…Trong đó, Nga được xem là một đối tác quan trọng không chỉ về hợp tác kinh tế mà còn về ngoại giao an ninh cụ thể là một bên rất quan trọng trong hợp tác đa phương với Triều Tiên. Trước mắt, Ủy ban này sẽ hỗ trợ Tổng thống Moon Jae-in tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông của Nga trong tháng 9 này. Do đó, Diễn đàn này được hi vọng sẽ thành nơi mà Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc của Hàn Quốc cũng như Chính sách phương Bắc mới của tổng thống Moon Jae-in tìm kiếm được các bước đi cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu của mình. Sự ra đời của Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc trong bối cảnh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đang bế tắc, đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên chưa được nối lại, mối đe dọa bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự quy mô trên bán đảo Triều Tiên ngày càng lớn hiện nay có một ý nghĩa quan trọng. Nhấn mạnh hợp tác về kinh tế, Hàn Quốc đang muốn mở ra một lối đi mới cho đối thoại, hòa giải, hợp tác trên bán đảo Triều Tiên. Liệu những nỗ lực của Hàn Quốc cóhiệu quả, thu hút được sự hợp tác thiện chí từ nhiều quốc gia ở nhiều châu lục hay không? Nhưng trước mắt, những động thái của Hàn Quốc đem tới niềm hi vọng giảm căng thẳng cho tình hình hiện nay, tiến tới xây dựng được một “cộng đồng kinh tế cùng tồn tại phồn vinh, bảo đảm an ninh” trên Bán đảo Triều Tiên. Nguyễn Thị Thắm Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Tài liệu tham khảo 1. Ahn Yong-seong, Chính phủ đi vào thực hiện Chính sách phương Bắc mới-Tìm động lực tăng trưởng tương lai ở Liên minh Á Âu (정부 新 북방정책 본격화…유라시아서 미래성장동력 찾는다) 세계일보, 21/08/2017. 2. Kim Ye-jin, Chính sách phương Bắc mới của Moon Jae-in có vượt qua được nguy cơ hạt nhân của miền Bắc? (문재인의신북방정책, 북핵위기넘어설까), 세계일보, 13/08/2017. 3. Lee Kwang-ho, Tổng thống Moon bổ nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc cho ông Song Young-gil (문대통령, 송영길북방경제협력위원회위원장임명), News 1, 29/08/2017. 4. Sohn Jae-min, Song Young-gil là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế phương Bắc (북방경제협력위원회위원장에송영길), 경향신문, 25/08/2017.