Điện thoại: (04) 62730473 | Fax: (04) 62730478


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA HÀN QUỐC TRONG NĂM 2016 (Phần 2)

Đăng ngày:

Các sự kiện kinh tế - xã hội - thể thao

6. Xu hướng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những ảnh hưởng đối với xuất khẩu Hàn Quốc

Xuất khẩu Hàn Quốc vốn đang trong tình trạng đình trệ lại càng sụt giảm nghiêm trọng hơn trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng lan rộng trên toàn thế giới.

Trong năm nay, xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng âm năm thứ hai liên tiếp, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụt giảm của quy mô thương mại toàn thế giới trong hai năm liền. Tình hình này đã khiến Hàn Quốc bị tụt hai bậc về thứ hạng quy mô thương mại trên thế giới, từ vị trí thứ sáu trong cuối năm ngoái xuống vị trí thứ tám trong năm nay.

Trong những năm 1970, thời kỳ tăng trưởng cao của Hàn Quốc, xuất khẩu tăng bình quân gần 40% mỗi năm. Tới những năm 1980, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm của xuất khẩu đạt trên 14%, tới những năm 1990 là 10,6%, và trong những năm 2000 là 11,4%. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, kể từ năm 2011, xuất khẩu Hàn Quốc chỉ đạt tăng trưởng bình quân năm là 2,8%. Tình hình gần đây lại càng trở nên nghiêm trọng hơn khi xuất khẩu đã tăng trưởng âm trong vòng 19 tháng liên tiếp, từ tháng 1 năm 2015 tới tháng 7 năm 2016, xác lập đà giảm dài nhất trong lịch sử. Tới tháng 8/2016, xuất khẩu tăng trở lại, tạm thời chấm dứt được đà tăng trưởng âm, nhưng vẫn chưa thực sự cho thấy xu hướng hồi phục rõ nét.

Yếu tố tác động lớn nhất tới xu hướng đình trệ của xuất khẩu chính là sự suy giảm của kim ngạch thương mại thế giới. Kinh tế Trung Quốc suy thoái, các nước dầu mỏ lâm vào cảnh khó khăn do giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian dài là những yếu tố tác động tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc. Trên hết, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang ngày một lan rộng hơn sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ tác động nhất thời tới tình hình xuất khẩu Hàn Quốc mà còn đang ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu trong tương lai. Đặc biệt, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn nữa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong tương lai. Trên thực tế, trong năm nay, số vụ điều tra chống bán phá giá đối với Hàn Quốc đã tăng khoảng 25% so với năm ngoái, báo động về xu hướng lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nhận định tích cực về triển vọng xuất khẩu của Hàn Quốc. Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc Joo Hyung-hwan vào ngày 19/12/2016 đánh giá rằng xuất khẩu của Hàn Quốc trong quý IV/2016 sẽ lần đầu tiên quay trở lại ngưỡng tăng trưởng dương sau hai năm, và trong năm sau sẽ tăng ở ngưỡng 2%.

7. Tái cơ cấu ngành đóng tàu và vận tải biển

Bất chấp nỗ lực xúc tiến tái cơ cấu của Chính phủ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của toàn ngành công nghiệp đóng tàu trong nước, công ty vận tải biển Hanjin, hãng vận tải biển số một Hàn Quốc và thứ bảy trên thế giới đã không thể vượt qua được khó khăn và bị giao cho tòa án quản lý. Ngành đóng tàu và vận tải biển Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng do thiếu tính thanh khoản trầm trọng. Ngành vận tải biển chịu thiệt hại do quy mô thương mại thế giới giảm, trong khi ngành đóng tàu đứng bên bờ vực khó khăn do thừa dư thừa nguồn cung, thiếu đơn hàng trầm trọng.

Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực đối phó với tình trạng thất nghiệp phát sinh trong quá trình tái cơ cấu ngành đóng tàu và vận tải biển, lập quỹ tái cấp vốn trị giá 11.000 tỷ won (tương đương 9,2 tỷ USD) cho các ngân hàng Nhà nước để đảm bảo quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực “hạ cánh mềm” này, công ty vận tải biển Hanjin vẫn không thể vượt qua được cuộc khủng hoảng về tính thanh khoản, phải đệ đơn xin tòa án quản lý tài sản vào cuối tháng 8 năm 2016, tạo ra một cú sốc lớn cho ngành vận tải biển trong nước và thế giới. Các tàu chở hàng của Hanjin đã gặp khó khăn trong hoạt động bốc dỡ hàng hóa, khiến cho 3 tháng sau khi Hanjin đệ đơn xin tòa án quản lý tài sản, 141 tàu của hãng này mới bốc dỡ xong hàng hóa, khiến những xáo trộn trong ngành vận tải hàng hóa phần nào lắng xuống. Tài sản, nhân lực của công ty Hanjin bị phân tán khắp nơi. Trong khi đó, công ty kiểm toán đánh giá rằng giá trị thanh lý công ty Hanjin cao hơn việc tiếp tục duy trì tình trạng hiện nay, đẩy Hanjin tiến gần tới quy trình thanh lý công ty.

Ngành đóng tàu cũng đang đau đầu với vấn đề tái cơ cấu. Ba hãng đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc là công ty đóng tàu và hải dương Daewoo, công ty công nghiệp nặng Hyundai, công ty công nghiệp nặng Samsung đều đã tuyên bố gặp khó khăn và tiến hành các kế hoạch giải cứu như bán một phần tài sản, cắt giảm xưởng đóng tàu, cắt giảm 30% nhân lực. Trong quá trình này, rất nhiều người đã bị mất việc làm, bao gồm hơn 6.000 lao động ở ba công ty đóng tàu lớn. Nếu tính cả số lượng lao động ở các công ty đối tác của ba hãng này, số người bị mất việc làm có thể lên tới hàng chục nghìn người.

8. Động đất tại thành phố Gyeongju gây ra mối lo ngại rủi ro về động đất trên bán đảo Hàn Quốc

Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử bán đảo Hàn Quốc đã xảy ra tại cố đô Gyeongju của Hàn Quốc, làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân Hàn Quốc, khẳng định rằng bán đảo Hàn Quốc giờ không còn nằm trong vành đai an toàn với động đất.

Vào lúc 7 giờ 44 phút tối hôm 12/9, một trận động đất mạnh 5,1 độ richter đã xảy ra ở địa điểm cách thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, 8,2 km về phía Nam Tây Nam. Ngay sau đó, vào lúc 8 giờ 33 phút tối cùng ngày, một trận động đất khác mạnh 5,8 độ richter lại tiếp tục xảy ra, làm rung chuyển cả thành phố. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay trên bán đảo Hàn Quốc, kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu quan trắc về động đất vào năm 1978. Động đất gây thiệt hại lớn tại thành phố Gyeongju, kéo theo một loạt các đợt dư chấn mạnh trên toàn Hàn Quốc, gây bất an cho người dân về nguy cơ động đất.

Cơ quan an toàn quốc dân Hàn Quốc cho biết trận động đất trên đã khiến 23 người bị thương, gây ra 5.120 vụ thiệt hại về tài sản ở các thành phố như Gyeongju, Ulsan, Pohang. Bốn nhà máy điện nguyên tử Wolseong từ số 1 tới số 4 ở Gyeongju đã phải tạm dừng hoạt động trong vòng ba tháng. Động đất khiến nhiều tòa nhà bị rạn nứt, làm nghiêng, hư hại mái ngói của nhiều ngôi nhà xây theo kiểu truyền thống. Chính phủ Hàn Quốc hôm 22/9 đã tuyên bố thành phố Gyeongju là “Khu vực thảm họa đặc biệt”. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tuyên bố một địa phương bị thiệt hại do động đất là Khu vực thảm họa đặt biệt. Theo đó, thành phố Gyeongju được Chính phủ hỗ trợ nguồn tài chính cần thiết cho công tác cứu hộ, khắc phục thiệt hại, ưu đãi về thuế, nhờ đó đã nhanh chóng khắc phục được thiệt hại từ trận động đất. Tuy nhiên, sau trận động đất kỷ lục, một loạt dư chấn vẫn tiếp diễn, làm ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của người dân Gyeongju, khiến người người phải sống trong nỗi bất an.

Trận động đất đã làm thay đổi nhận thức của người dân Hàn Quốc, nâng cao tâm lý chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thảm họa của người dân Hàn Quốc, luôn chuẩn bị vật phẩm để sơ tán, lương thực dự trữ. Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường các đối sách ứng phó với động đất, rà soát và gia cố về các thiết kế chịu động đất của đường sá, bến cảng, các công trình lớn, tòa nhà cao tầng.

9. Hàn Quốc tham gia Olympic Rio 2016, đứng trong Top 10 trong bốn kỳ Thế vận hội liên tiếp

Tại Thế vận hội mùa hè Rio de Janeiro, Bra-xin, năm 2016 vừa qua, Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí là một trong 10 cường quốc thể thao của thế giới. Mục tiêu của đoàn thể thao Hàn Quốc đề ra trong kỳ Olympic năm này là “10-10”, giành trên 10 huy chương vàng và đứng trong Top 10 trên bảng tổng sắp. Tuy không đạt được mục tiêu giành trên 10 huy chương vàng, nhưng Hàn Quốc đã đứng thứ 8 trên bảng tổng sắp huy chương, khẳng định vững vàng vị thế cường quốc thể thao của thế giới. Các vận động viên Hàn Quốc đã giành được tổng cộng 9 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 9 huy chương đồng.

Trong đó, môn thể thao giành được nhiều huy chương nhất của đoàn thể thao nước này chính là bộ môn bắn cung. Các cung thủ Hàn Quốc đã mang về cả bốn huy chương vàng ở bộ môn này với các nội dung đơn nam, đơn nữ, đồng đội nam và nữ. Ở môn Taekwondo, tất cả các võ sĩ Hàn Quốc tham dự Olympic đều giành được huy chương, với 2 huy chương vàng, khẳng định vị thế là “quê hương” của môn võ này. Tiếp đó, các bộ môn bắn súng, đấu kiếm và golf nữ đều mang về cho Hàn Quốc mỗi môn 1 huy chương vàng. Tuy nhiên, kỳ Olympic Rio vừa qua cũng đã làm lộ ra những vấn đề của thể thao Hàn Quốc. Các bộ môn thế mạnh truyền thống của Hàn Quốc như Judo, đấu vật, cầu lông đều không thu về bất kỳ huy chương vàng nào. Đồng thời,các bộ môn thể thao cơ bản như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ đều không đạt được thành tích đáng kể. Các môn liên quan tới bóng, trong đó có cả bóng bàn, đều không thể gặt hái được huy chương vàng nào.

Nhiều ý kiến nhận định rằng, thể thao Hàn Quốc vẫn chưa thực sự mạnh đều ở tất cả môn, kêu gọi Chính phủ nước này cần tăng cường đầu tư vào các môn thể thao cơ bản, phát triển một cách toàn diện, từ bồi dưỡng, tuyển chọn, cho tới quản lý vận động viên, theo một hệ thống khoa học.

10. Trí tuệ nhân tạo AlphaGo vượt qua kỳ thủ cờ vây Hàn Quốc Lee Se-dol

“Trận quyết đấu thế kỷ” giữa kỳ thủ cờ vây cửu đẳng Hàn Quốc Lee Se-dol và chương trình máy tính AlphaGo của Google đã tạo nên một làn sóng quan tâm lớn trên toàn thế giới về trí tuệ nhân tạo.

Lee Se-dol, kỳ thủ cờ vây mạnh nhất thế giới đã nhận lời thách đấu với AlphaGo, một chương trình máy tính về cờ vây do công ty trí tuệ nhân tạo Google Deepmind phát triển. 5 ván đấu đã diễn ra tại Seoul từ ngày 9/3/2016 tới ngày 15/3/2-16.

Ban đầu, kỳ thủ Lee Se-dol được dự đoán là sẽ giành toàn thắng trước AlphaGo. Cờ vây ước tính có khoảng 10 mũ 170 nước đi, được coi là một “lĩnh vực thần bí”, chỉ có thể chiến thắng nhờ năng lực trực quan của con người. Trong quá khứ, máy tính từng đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới, nhưng riêng ở môn cờ vây, con người vẫn chưa chịu khuất phục trước trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, kết quả trận đấu lại vô cùng bất ngờ. Khi thua ván đấu đầu tiên, kỳ thủ Lee Se-dol vẫn tin chắc sẽ giành chiến thắng trước trí tuệ nhân tạo. Cuối cùng, AlphaGo đã chiến thắng cả ở 3 ván đấu đầu tiên. Là một “siêu máy tính” với sức mạnh tổng hợp của 1.202 CPU (bộ xử lý trung tâm), AlphaGo có thể tự phân tích mọi nước đi và thành thục về khả năng chơi cờ vây. Trước một “đối thủ” như vậy, bộ não con người dường như khó có thể “địch” nổi. Trận đấu này được coi là màn đấu trí đầy thử thách giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Tới ván đấu thứ tư, AlphaGo đã chịu “quỳ gối” trước kỳ thủ Lee Se-dol. Kết thúc năm ván đấu với chiến thắng áp đảo 4-1, trí tuệ nhân tạo đã chứng tỏ được năng lực siêu việt của mình, mở ra thời đại “trí tuệ nhân tạo” trên toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo hiện nay đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như tự động hóa, chẩn đoán y tế, gieo trồng thực vật và được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên toàn thế giới. Các nước lớn trên thế giới hiện nay cũng đã bước vào một cuộc chạy đua quyết liệt hòng chiếm lĩnh thị trường này trong tương lai.

Nguyễn Ngọc Mai, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tổng thuật

Theo nguồn:

  1. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=814
  2. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=815
  3. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=816
  4. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=818
  5. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=819
  6. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=820
  7. http://world.kbs.co.kr/vietnamese/event/specialprogram/sub_index.htm?No=821

 


Scroll To Top